Nữ họa sĩ Bùi Mai Hiên: Vẽ để nguôi đau

Thứ Ba, 30/11/2010, 14:10
Khuôn mặt đẹp rạng rỡ khi đã bước qua tuổi 54, Bùi Mai Hiên vẫn giữ cho mình nét xuân sắc ấy, dù ẩn đằng sau nụ cười tươi của chị là một đôi mắt buồn sâu thẳm. Mai Hiên tiếp tôi trong căn phòng nhỏ đầy tranh ở 99 Nguyễn Thái Học, nơi hằng ngày người đàn ông mới của chị vẫn chở chị đến vẽ.

Đối với người phụ nữ mà cuộc đời đã nếm trải quá nhiều dông gió này, thì dường như sự sáng tạo ở chị chưa bao giờ ngừng nghỉ. Những khúc hoan ca đang trỗi dậy trong tâm hồn khi chị đã bước qua tuổi tri thiên mệnh, với những gam rực nóng và ấm áp hạnh phúc. Chị tự thú với chính mình, nghệ thuật đã lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn và mang chị ra khỏi những đau khổ của đời mình.

1. Mai Hiên đến với hội họa như một sự tình cờ, vì ngày đó cả nhà Mai Hiên không có ai làm nghệ thuật. Chị bảo, giống như duyên tiền định khi 14 tuổi, nhờ mai mối từ một người bạn của mẹ là họa sĩ, chị đã theo học hệ trung cấp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Và cũng là duyên tiền định khi chị lựa chọn sơn mài cho khoá học tiếp theo để rồi suốt đời vẽ của mình chị cứ bị hút vào nó.

Chị bảo, sơn mài có một sức hấp dẫn đến ma mị đối với chị, càng vẽ càng thấy nó đa dạng mới lạ và đầy bất ngờ. Ngày đó, cô bé 24 tuổi là chị, sống bằng niềm đam mê vẽ. Có những thời điểm chị bị dị ứng bởi sơn ta, nổi mẩn cả người. Chị vừa ngồi vẽ vừa… gãi, mặt lúc nào cũng loang lổ những mảng màu.

Mai Hiên là một trong những gương mặt hội họa Việt Nam tiêu biểu, bởi chị "đã mở ra một con đường riêng trong nghệ thuật sơn mài, là một trong những người nữ họa sĩ Việt Nam hiếm hoi của thập kỷ 90 đã phát kiến một con đường mới vào nghệ thuật sơn mài hiện đại của Việt Nam làm thay đổi thói quen kéo dài hơn nửa thế kỷ về ngôn ngữ tạo hình sơn mài truyền thống và cả ở cách cảm, nhận…".

Phải, Mai Hiên có một tình yêu đặc biệt dành cho sơn mài, cái chất liệu mà chị cảm thấy càng vẽ càng bị hút vào đến kỳ lạ. Và có lẽ chính vì thế nên Mai Hiên lựa chọn sơn mài như là phương tiện ưa thích nhất để gửi gắm những tâm sự của một người đàn bà nhiều nội tâm như chị.

Ở đó, tranh của chị, có sự kết hợp hài hoà của những điều tưởng chừng như mâu thuẫn với nhau, "dịu dàng - cuồng nhiệt, hạnh ngộ - khổ đau, bùng nổ - trầm lắng" (chữ của Dương Tường). Bởi dường như trong nội lực của người đàn bà đó, vẫn là những khao khát chưa bao giờ vơi.

Chị có cả một trang trại trồng sơn ta để vẽ, nhưng chị vẫn mua sơn của Nhật. Những ý đồ của chị được cộng hưởng bởi sự sắc nét, sáng rực của sơn Nhật làm những bức sơn mài của chị trở nên lộng lẫy. Sự kết hợp này tạo nên sự đa màu sắc và sức biểu cảm vô tận của chất liệu, khiến tranh sơn mài của chị có độ sâu, long lanh như ngọc.

Giữ được những yếu tố sơn mài truyền thống Việt Nam trong dòng chảy của nghệ thuật thế giới đương đại, tranh sơn mài của Bùi Mai Hiên mang đậm triết lý phương Đông. Thế nên người nước ngoài rất mê tranh của Bùi Mai Hiên và được mang đi triển lãm ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Canada

Nhưng với Mai Hiên, nghệ thuật không chỉ là niềm đam mê, mà còn là nguồn sống để chị neo đời mình vào đó, giải thoát chị khỏi những đớn đau, tuyệt vọng trong tâm hồn. Nghệ thuật, nói một cách khác, là cứu rỗi cho tâm hồn chị.

2. Có thể nói, Mai Hiên đã ghi dấu ấn của mình trong nghệ thuật vẽ sơn mài bằng một lối đi riêng. Và dấu ấn đầu tiên của chị được khẳng định bằng một triển lãm riêng về sơn mài trừu tượng vào năm 1992. Những Chuyển mùa, Nhớ, Nhạc xanh, Hoa mùa xuân, cho thấy rõ sự phá cách mạnh mẽ táo bạo của Mai Hiên.

Sơn mài là chất liệu thuần Việt. Còn trừu tượng là của phương Tây, nhưng một phương Tây đã được Mai Hiên Việt hóa một cách tài tình. Với Mai Hiên, chị không chịu được sự gò bó mà luôn đi tìm một lối mở trong nghệ thuật. Sơn mài với chị là một lối mở phóng khoáng, để chị có thể tung tẩy thỏa sức sáng tạo. Tranh sơn mài trừu tượng của Mai Hiên đã làm cho nghệ thuật hiện đại của phương Tây nhập hồn với sắc màu văn hoá Việt, nói bằng ngôn ngữ Việt.

Giáo sư Tạ Ngọc Liễn đã đánh giá: "Mai Hiên là một trong những người có công và thành công, in được dấu ấn rõ nét với một bản lĩnh đáng quý, vừa không xa rời truyền thống dân tộc, vừa hòa nhập được vào dòng chảy chung của nghệ thuật hiện đại thế giới. Nên trừu tượng của Mai Hiên mang đậm sắc thái Việt Nam".

Thành công đầu tiên đó của chị mang âm sắc của một mối tình đã đưa chị đến đỉnh cao của hạnh phúc và sự thăng hoa, nhưng cũng nhấn chìm chị trong những đau khổ tuyệt vọng. 32 tuổi, chị lấy chồng. Một tình yêu đẹp được truyền tụng trong giới nghệ sĩ thời đó. Chị đã thăng hoa trong tình yêu với một người đàn ông làm nghệ thuật, và thăng hoa trong từng bức vẽ.

Nhưng với người đàn bà vẽ Mai Hiên, nghệ thuật không tách khỏi đời sống của chị. Dấu ấn thứ hai trong đời làm nghệ thuật của chị là những khúc ca buồn, thấm đẫm nước mắt. Người đàn ông bỏ chị ra đi trong lúc chị cứ ngỡ mình đang sống trong thiên đường của hạnh phúc. Những bức vẽ của chị bỗng quằn quại đau đớn. 10 năm sống ly thân, nếm trải đủ những cung bậc của đau đớn, Bùi Mai Hiên vẽ như điên cuồng. Chị không chia sẻ được với ai. Tất cả những đau đớn của chị trút vào tranh, chị níu vào tranh để sống. Và một triển lãm, Hà Nội - Cơn dông ra đời khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi những khám phá mới mẻ của chị về sức biểu cảm của chất liệu sơn ta qua nét vẽ của Bùi Mai Hiên.

Hình ảnh người đàn bà cô đơn giữa dông gió, bão táp trở đi trở lại trong tranh chị như một nỗi ám ảnh. Đó là những cơn dông của lòng chị. Chị luôn giấu những nỗi đau khổ, cô đơn của mình trong cái vẻ vững vàng, hiền hoà. Nhưng chị không giấu được nội tâm đa cảm, nhiều giằng xé trong những bức tranh chị vẽ hàng ngày.

Nếu ai đó từng nghĩ sơn mài chỉ biểu đạt những cái nhìn trực quan, thì xem sơn mài của Bùi Mai Hiên, sẽ có một cảm nhận hoàn toàn khác. Đó là một thế giới nội tâm đa chiều và nhiều cung bậc, lặn ngụp trong thế giới đó, người xem sẽ cảm được những khát vọng khôn cùng của chị.

200 bức tranh, với những biến thái đa chiều của nỗi đau và không bao giờ lặp lại. Hà Nội - Cơn dông đã làm nên một Bùi Mai Hiên khác, của đời thường và của nghệ thuật. Những ngày đó chị một mình nuôi 2 con lớn lên. Đối với chị, niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được làm mẹ và được nhìn thấy các con trưởng thành mỗi ngày.

Cuộc đời không cho ai trọn vẹn, chị và người đàn ông đó đã bước vào những ngả rẽ khác nhau, nên sẽ không bao giờ quay lại. Chị không tha thứ cho sự không chung tình của người đàn ông. Mai Hiên là vậy, sống rành mạch, rõ ràng, và đầy tự trọng nên sẽ nhiều đau khổ. Dù, để đi đến quyết định đó, chị đã phải vật vã, giằng néo suốt 10 năm, đợi các con lớn lên, đợi tâm chị bình an để có thể bình thản đón nhận.

3. Mai Hiên đưa cho tôi xem tập ảnh cưới cách đây 3 năm của chị với người đàn ông đã từng theo đuổi chị 14 năm, ngay trong thời điểm chị đang khủng hoảng. Ngày đó chị có những lúc lạnh lùng vô cảm, bởi nỗi đau kia đối với chị quá lớn. Người đàn bà sau một lần đổ vỡ như một con thú bị thương, co mình lại cẩn trọng, nên chị không nghĩ đến việc sẽ kết hôn lần nữa. Nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi chị.

Anh là dân Hà Nội gốc, từng nhiều năm bôn ba khắp trong Nam ngoài Bắc, chưa một lần kết hôn, anh mê tranh chị, hiểu và cảm được cái tâm hồn bồng bềnh nhưng sâu lắng của chị, nên kiên nhẫn chờ đợi. Không phải một năm, hai năm mà đằng đẵng 14 năm, khi cảm thấy thực sự bình an, Mai Hiên mới quyết định đi đến hôn nhân với anh.

Hôm đó, chị tự may váy cưới, tự kết hoa đội đầu và tự làm cả hoa cưới cho mình. Vẻ hạnh phúc mãn nguyện ngời lên trên gương mặt không có dấu vết của thời gian. Chị bảo anh theo đạo Công giáo, cách đây 3 tháng chị cũng đã đến nhà thờ làm lễ rửa tội theo chồng.

Giờ, Mai Hiên đang vẽ những khúc hoan ca của đời mình. Đi qua dông gió chị đã tìm thấy niềm vui. Tranh của chị sáng bừng những gam nóng, đỏ, tím, những hoa trời lộng lẫy. Chị gọi tên cho giai đoạn sáng tác thứ 3 này của mình là The Woman Life - Cuộc sống của người phụ nữ.

Sau nhiều năm ẩn mình trong đau đớn, chị hướng tâm hồn mình ra thế giới, thâu nhận những vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống. Chị vừa vẽ vừa sống. Cuộc sống đối với chị luôn hướng về phía trước. Biết quên những điều nên quên, và biết nhớ những niềm vui, những thăng hoa trong cuộc đời chứ không phải những muộn phiền, khiến tâm hồn Mai Hiên luôn tươi trẻ.

Nếu ông trời không cho chị bản lĩnh sống kiên cường đó, chị bảo, chắc chị kiệt quệ rồi. Nên suốt câu chuyện với tôi, chị vẫn bảo ông trời thương chị, thương cho chị sống được bằng nghề vẽ, đủ tiền trang trải cho các con ăn học, và thương nên dành cho chị một người đàn ông đủ lớn để hiểu và yêu thương chị.

Hàng ngày, người đàn ông của chị vẫn chở Mai Hiên đến phòng tranh 99 Nguyễn Thái Học, nơi đã trở thành địa chỉ văn hóa của các tour du lịch Hà Nội, và chị vẫn đắm đuối với sơn mài. Trong hành trình đi tìm bản thể đó, chị đã khám phá ra chính mình và chạm tới hạnh phúc cuối đời của một người đàn bà đa đoan.

Và sau những phút đắm chìm trong nghệ thuật, chị lại lãng du với tình yêu của mình, hồn nhiên tận hưởng hạnh phúc như cô gái vừa chạm ngõ tình yêu. Và tôi tin trong sự thăng hoa phiêu bồng của cuộc sống mới, Mai Hiên sẽ không ngừng sáng tạo, không ngừng khám phá vẻ đẹp bí ẩn vô tận của sơn mài Việt Nam

Khánh Linh
.
.
.