Những vị tướng đường Trường Sơn huyền thoại

Thứ Ba, 02/06/2009, 14:39
Không chỉ là một con đường như bao con đường trên thế gian, đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh còn là con đường thể hiện tinh thần của cả một dân tộc, một thời đại, là biểu tượng cho khát vọng chiến thắng, khát vọng độc lập của hàng triệu người dân Việt Nam. Con đường ấy mãi mãi tồn tại cùng lịch sử, với những trang quyết liệt mà hào hùng, là gạch nối giữa quá khứ và tương lai đất nước.

Trải qua 16 năm kháng chiến gian khổ chống đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ huy của người đầu tiên khai phá mở đường là Đoàn trưởng Võ Bẩm cho đến các vị Tư lệnh sau này như Tướng Phan Trọng Tuệ, Tướng Đồng Sĩ Nguyên... đường Trường Sơn đã không ngừng phát triển, mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc...

Trong tháng 5 lịch sử này, cùng với những ngày lễ lớn như chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 119 năm ngày sinh nhật Bác, một sự kiện thu hút sự chú ý của không chỉ những người dân trong nước mà cả bạn bè quốc tế, là kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn. Đây là một dịp để người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ được nghe lại những kỷ niệm, những hồi ức một thời hào hùng đi chống Mỹ, cứu nước của rất nhiều chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong...

Ngược dòng lịch sử, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến đường Trường Sơn, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược để vận chuyển cơ sở vật chất, kỹ thuật, đảm bảo cơ động lực lượng vào chiến trường miền Nam. Thượng tá Võ Bẩm là người đầu tiên nhận nhiệm vụ đi khai phá, mở tuyến đường huyết mạch này.

Đoàn công tác quân sự đặc biệt buổi đầu được lấy tên là Đoàn 559, quân số chỉ là 500 người, dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm. Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Võ Bẩm viết: "Ngày đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ cũng là ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác...Và như một sự thống nhất biện chứng, con đường Trường Sơn được Đoàn khai phá sau này được chiến sĩ, đồng bào cả nước gọi là đường Hồ Chí Minh".

Dưới sự khảo sát, chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm, điểm xuất phát đầu tiên của tuyến giao liên vận tải Trường Sơn được chọn là Khe Hó, một địa danh ở miền Tây Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ đây, tuyến đường sẽ được phát triển theo hướng Tây Nam, vượt qua sông Bến Hải  và tiếp tục đổ sang phía Tây Nam Thừa Thiên... Vì nguyên tắc tuyệt mật, tuyến giao liên ban đầu phải hoàn toàn tránh dân nên tướng Võ Bẩm và đồng đội của ông phải mở đường theo nguyên tắc: "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".

Đồng chí Võ Bẩm, đồng chí Phan Trọng Tuệ, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên.

Trong năm đầu tiên, mọi vận chuyển được thực hiện chủ yếu bằng sức người, không có phương tiện hỗ trợ. Mỗi người lính thường phải cõng trên lưng mình 30-40kg, khi thì vượt qua các dãy núi dựng đứng, lúc lại phải bơi qua thác ghềnh hiểm trở. Chỉ trong thời gian đầu mở đường, dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm, bộ đội Đoàn 559 đã mang vác và chuyển cho Khu 5 và Trị Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, hàng nghìn quân cụ thiết yếu. Đoàn cũng đã đưa được hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường. Được chi viện từ miền Bắc, quân và dân Khu 5 đã thắng nhiều trận giòn giã.

Kẻ thù lồng lộn tìm cách đánh phá con đường mới hình thành. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương quyết định tăng cường tố chức và nhiệm vụ của Đoàn 559 tương đương cấp Quân khu. Do yêu cầu gấp rút của chiến trường, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được điều làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559, vì ông chính là người có khả năng tập hợp các lực lượng: Bộ đội, cán bộ kỹ thuật và thanh niên xung phong để mở đường cho xe cơ giới.

Thiếu tướng, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ cũng chính là người đã tham gia vào kế hoạch mở đường Trường Sơn trên biển. Ông hằng ao ước sau khi tham gia mở đường biển với khả năng sáng tạo của mình, ông sẽ lại được trực tiếp đi mở rộng đường xuyên Trường Sơn. Nay ước mơ ấy của ông đã trở thành hiện thực. Đường 20 Quyết Thắng được bắt đầu từ Phong Nha, Quảng Bình sang đến phía Tây Trường Sơn thuộc địa phận nước bạn Lào với chiều dài 129km.

Trong cuốn sách hồi ký "Phan Trọng Tuệ, vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại" vừa được NXB Công an Nhân dân ấn hành, ông Bình Tâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải có viết rất rõ: "Thiếu tướng Võ Bẩm đã nhận nhiệm vụ với Bác Hồ và Trung ương Đảng đi mở đường 559 nhưng là đường mòn. Con đường này để đưa cán bộ vào Nam ra Bắc và tiếp tế lương thực, quân nhu cho bộ đội bằng đi bộ, gùi thồ từ năm 1959 đến đầu năm 1965. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Bộ Tư lệnh 559. Ông và Bộ Tư lệnh 559 đã góp nhiều chủ trương sáng tạo mở đường cho xe cơ giới vượt Trường Sơn. Thời điểm ông đến nơi đây đang là mùa mưa".

Mùa mưa Trường Sơn, sau này đã trở thành ký ức sâu đậm trong những trang hồi ký cảm động của tướng Phan Trọng Tuệ. Đỉnh Trường Sơn được ví như một nóc nhà. Mùa mưa, những cơn mưa lớn có thể biến những thung lũng dưới chân núi trở thành những túi nước khổng lồ, chặn đứng mọi con đường tiếp tế của ta ra tiền tuyến.

Đường 20 Quyết Thắng mà Thiếu tướng, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và đồng đội của ông mở ra là để tránh túi nước Xiêng Phan khổng lồ, phá thế độc tuyến của đường 129 bị sụt lở nặng. Dưới sự chỉ huy của ông, hơn 2 vạn bộ đội, công nhân, cán bộ kỹ thuật và thanh niên xung phong đã gấp rút mở đường xuyên rừng, bạt núi để kịp thời vận chuyển xe cơ giới, phương tiện, quân nhu cho chiến trường miền Nam đang ngày càng ác liệt.

Địch bắn phá suốt ngày suốt đêm hòng chặn đứng những tuyến đường chi viện từ hậu phương. Nhưng chúng phá hỏng thì ta lại sửa, lại đi. Chỉ trong một thời gian ngắn, với trí tuệ, tài năng và tấm lòng "tất cả vì miền Nam ruột thịt", tướng Phan Trọng Tuệ đã phá được thế độc tuyến từ Đông sang Tây Trường Sơn ở vị trí thi công khó khăn nhất, nhưng sử dụng lại hiệu quả nhất, là chi viện kịp thời cả mùa khô và mùa mưa cho chiến trường miền Nam.

Con đường 20, con đường Quyết Thắng, con đường của Tuổi trẻ Việt Nam đi cứu nước thực sự đã in dấu ấn sâu đậm công lao của vị Tư lệnh đầu tiên, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ. Gắn bó, sẻ chia, yêu thương anh em bộ đội, chiến sĩ, bàn chân của ông cũng đã in đấu trên mọi nẻo đường hiểm trở của Trường Sơn.

Thời gian giữ chức vụ Tư lệnh Trường Sơn của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ không dài, vì ông còn phải kiêm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác mà Đảng và chính phủ giao phó, nhưng ông đã có mặt tại Trường Sơn ở những thời khắc khó khăn nhất, lãnh đạo thi công tuyến đường ở những vị trí mang tính chất chiến lược, quyết định sống còn cho việc chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến lớn.

Sau này, mặc dù đã giữ cương vị công tác quan trọng khác, Thiếu tướng, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ vẫn thường xuyên trở lại Trường Sơn và quan tâm sát sao công việc mở đường của anh em bộ đội, cán bộ kỹ thuật và thanh niên xung phong.

Đầu năm 1967, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên được điều làm Tư lệnh Trường Sơn. Ông Đồng Sĩ Nguyên chính là vị Tư lệnh gắn bó với Trường Sơn lâu dài nhất, từ năm 1967 cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, năm 1975. Tiếp tục công việc của những người chỉ huy đi trước như Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã có nhiều sáng chế, cải cách tạo ra những kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn chặt chẽ và hiệu quả góp phần quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngoài việc phá thế các tuyến đường độc đạo, ông còn xây dựng được nhiều cung đường nghi binh để thu hút sự chú ý của địch, tránh được ách tắc giao thông. Khi địch thả bom tuyến này, bộ đội ta đã có ngay tuyến đường khác để đi.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng được mệnh danh là "người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn", là "kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam", người lừng lẫy trong việc xây dựng binh chủng hợp thành rất đặc thù của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, bộ đội trong suốt 7 năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Đồng Sĩ Nguyên hiểu hơn ai hết những mất mát, hy sinh âm thầm mà hàng vạn con người đã ngã xuống, để có được một con đường cho toàn dân tộc đi đến ngày chiến thắng.

Nữ nhà báo người Anh, bà Verigina Moris, tác giả cuốn sách: "Đường Hồ Chí Minh- con đường dẫn tới tự do" đã kể lại: "Ông ấy (tướng Đồng Sĩ Nguyên) biết rõ từng mét vuông của đường mòn Hồ Chí Minh, khung cảnh hoạt động của con đường trong suốt cuộc chiến. Và đó là lý do vì sao mà ông ấy và cuộc kháng chiến đã thành công"...

Người Mỹ đã phải thừa nhận rằng họ không thể đánh thắng được Việt Nam bởi một lý do quan trọng nhất, là không chặn được con đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam- đường Trường Sơn. Từ vị đoàn trưởng đầu tiên nhận nhiệm vụ đi khai phá đường Trường Sơn Võ Bẩm, đến vị Tư lệnh đầu tiên Phan Trong Tuệ, các vị tướng lĩnh khác, cho đến vị Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã không ngừng nối tiếp những thành quả từ trí tuệ sáng tạo và lòng yêu nước, khát vọng chiến thắng của hàng vạn, hàng triệu người con ưu tú Việt Nam...

Tháng 5 này, khi lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn diễn ra, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ chỉ còn được gặp lại vị Tư lệnh cuối cùng Đồng Sĩ Nguyên. Đoàn trưởng Võ Bẩm và Tư lệnh đầu tiên Phan Trọng Tuệ đã vắng mặt trong ngày trọng đại mà chính các ông đã viết nên những trang đẹp và hào hùng.

Qua những câu chuyện của tướng Đồng Sỹ Nguyên ôn lại trong những buổi gặp mặt chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những hy sinh, gian khổ một thời mà quân và dân ta phải trải qua để đến được với ngày chiến thắng.

Con đường Trường Sơn huyền thoại chắc chắn sẽ còn được nhắc mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, là những trang vàng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là hình ảnh biểu tượng đẹp đẽ nhất của thế kỷ XX. Và hình ảnh các vị tướng gắn liền với con đường huyền thoại ấy: Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Đồng Sĩ Nguyên sẽ luôn nhắc nhở các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam hôm nay hãy sống sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh mình

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.