Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: Người vượt tuyến

Chủ Nhật, 14/07/2013, 14:50
Mãi đến khi được gặp nhà thơ Lê Giang, thì tôi mới biết nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là phu quân của chị. Hèn gì tôi thấy có nhiều ca khúc của anh phổ từ thơ chị. Và cả cái thứ bậc thường gọi hàng ngày, anh Năm, cũng là thứ bậc trong gia đình chị chứ chẳng phải của riêng anh.

Đoàn quân bước trên đường rừng, bình minh lấp lánh chân trời xa/ Miền biên giới xanh thẳm, hạt sương long lanh cành lá/ Từ nơi biên cương núi cao, người lính qua trăm suối nghìn đèo/ Lắng nghe tiếng của mẹ hiền, ngày đêm giục bước con hành quân...

Bài hát Hãy yên lòng, Mẹ ơi, thơ Lê Giang, nhạc Lư Nhất Vũ, qua giọng hát của Lê Hành như lời thôi thúc chúng tôi yên tâm tiến ra phía trước vào những năm tháng mà cả hai đầu đất nước đều mịt mù khói lửa chiến chinh. Chỉ mới đó thôi, chúng tôi còn hát vang bài Khúc hát người đi khai hoang, với Ta đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi, hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa... thì chưa đầy một năm sau đã Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường, để lại em yêu dấu, có khoảng trời rừng núi lung linh ngàn vì sao sáng trên đường hành quân diệt thù...

Trên những cánh rừng trần trụi nơi vùng biên giới Tây Bắc Campuchia, những ca khúc Lư Nhất Vũ, nhất là những ca khúc phổ thơ Lê Giang, làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Ấm lòng vì dù ở xa đất nước, thông qua làn sóng đài phát thanh, chúng tôi vẫn nghe hậu phương gần trong những khúc ca.

Chợt nhớ những ngày đầu giải phóng, bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn với một giai điệu truyền cảm đã làm không ít những người trẻ thành phố hát say sưa trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, cứ như mình là người trong cuộc. Tên tuổi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ không xa lạ lắm với người trẻ thành phố mới giải phóng. Ai cũng nghĩ đây khả năng là một nhạc sĩ người gốc Hoa tham gia cách mạng.

Mãi đến khi được gặp nhà thơ Lê Giang, thì tôi mới biết nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là phu quân của chị. Hèn gì tôi thấy có nhiều ca khúc của anh phổ từ thơ chị. Và cả cái thứ bậc thường gọi hàng ngày, anh Năm, cũng là thứ bậc trong gia đình chị chứ chẳng phải của riêng anh. Bởi anh có cái thứ tự gấp đôi như thế trong gia đình cũ của mình ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Khi tôi được biết và làm quen với anh chị Lư Nhất Vũ - Lê Giang, thì anh chị đã là nhân vật nổi tiếng trong việc đi sưu tầm và giới thiệu dân ca, đặc biệt là dân ca Nam Bộ và Tây Nguyên, đã có nhiều đầu sách công bố về những chuyến đi sưu tầm và sưu tập dân ca từ vùng rừng núi miền Đông, Tây Nguyên đến vùng sông nước Nam Bộ rồi.

Những chuyến đi và những chuyến đi không ngừng nghỉ của vợ chồng anh chị cùng những đồng nghiệp khác ở Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, ban đầu dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là gìn giữ kịp thời những vốn quý trong dân gian từ những nghệ nhân lớn tuổi.

Cái tên Lư Nhất Vũ, lại quê ở Bình Dương, khiến nhiều người lầm tưởng anh là người gốc Hoa, hay ít ra là người Minh Hương, chứ có ai biết đâu anh là một người trăm phần trăm Việt. Thời nhỏ anh vốn tên là Lê Văn Gắt, sinh năm Bính Ngọ trong một gia đình đông anh chị em. Và anh Mười Gắt, mùa hè năm 1953, trong một lần cùng bạn bè đi thăm đình Bà Lụa ở ngoại vi thị xã Thủ Dầu Một, trên đường trở về đã bắt gặp nấm mồ mới chôn với khói hương lan tỏa. Hỏi ra mới biết đó là nấm mồ của anh du kích hy sinh trong trận đánh bót Lò Heo. Anh Mười Gắt đã tức cảnh sinh tình sáng tác một bài thơ là Mồ Chiến sĩ và ký tên là Lư Phong được đăng trên báo Dân Ta ở Sài Gòn.

Năm 1954, khi Hiệp định Geneve được ký kết, trong lúc hàng vạn bộ đội Việt minh cùng với một số gia đình xuống tàu đi Bắc thì hàng chục vạn người khác từ miền Bắc lũ lượt kéo vào Nam. Bên cạnh những người ngược Bắc xuôi Nam có tổ chức thì cũng có một số ít thanh niên miền Nam tìm đường ra Bắc để tìm tương lai mới nơi được lãnh đạo bởi chính quyền Việt minh.

Chàng thanh niên Mười Gắt trong cuối tháng 6/1955 đã âm thầm từ giã gia đình lên đường tham gia chuyến hành trình ngược dòng ấy. Sau nhiều ngày đóng vai người đi du lịch, anh và bạn bè cũng đến được địa đầu giới tuyến, và phải đến ngày 11/7/1955, sau nhiều ngày chờ đợi trong phấp phỏng lo âu, anh đã đến được thị trấn Vĩnh Linh bằng thuyền đánh cá của ngư dân Cửa Việt.

Chuyến đi vượt tuyến thành công ngoài sự mong đợi của mọi người. Và chàng thanh niên đất Thủ Lê Văn Gắt đã có dịp dự lễ mít tinh kỷ niệm một năm ngày ký kết Hiệp định Geneve ngay trên vùng đất tuyến đầu miền Bắc với tên gọi mới là đặc khu Vĩnh Linh.

Ra đến Hà Nội, anh tình nguyện tham gia Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương - một nơi mà theo tinh thần chỉ đạo lúc đó là trường đại học nhân dân bên ngoài môi trường quân đội - thuộc Đội 36, làm nhiệm vụ san lấp, đắp đất, làm lại một số đoạn đường xe lửa từ Hà Nội đi Lào Cai, rồi về công trường xây dựng Nhà máy Chè Phú Thọ. Đầu năm 1956, anh cùng với khoảng 100 đoàn viên khác được điều về xây dựng Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống.

Kết thúc mùa hè năm 1956, Đoàn Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ, một số đoàn viên được trở về trường học tập, một số khác bắt đầu ôn tập để thi tuyển vào các trường chuyên môn. Và anh Gắt đã chọn trường Âm nhạc Việt Nam để bắt đầu công việc của mình.

Nhưng tại sao Lê Văn Gắt lại thành Lư Nhất Vũ?

Theo cuốn tự truyện Ngày ấy đã qua rồi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 10/2012, trong khi về làm việc ở Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống, anh Mười Gắt hay đến thăm má Thể ở đường Tôn Đản, Hà Nội. Má Thể là bà mẹ miền Nam tập kết có nhiều món ăn độc chiêu Nam Bộ. Má lại có người con gái thứ chín đẹp mặn mòi, thi vị, tên là Vũ - người mà anh Mười Gắt thầm yêu trộm nhớ, dù cô mới tròn đôi tám. Và anh Mười Gắt đã nghĩ ra một cái bút danh từ 3 thành phần trong một câu - gần như là tuyên ngôn: Lữ Phong chỉ có duy nhất nàng Vũ.  Gắn kết lại là Lư Nhất Vũ.

Và cái bút danh này xuất hiện lần đầu không phải với tư cách là nhạc sĩ mà là thi sĩ. Đó là tên tác giả của bài thơ Giờ chia ly, đăng trên báo tường của Trường Âm nhạc Việt Nam mùa xuân năm 1957.

Tôi nhớ ngày ra đi
Giờ chia ly
Nàng không khóc
Gió thổi tung mái tóc
Phất phơ trên mẫu ruộng xanh màu
Nàng đứng trên Mũi Cà Mau
Bóng in lên sóng biển
Áo bà ba quyến luyến
Cánh khăn rằn âu yếm ngọn tràm xanh...

Còn ca khúc ký tên Lư Nhất Vũ lại là một khúc hát về  đất nước Algerie tận bên châu Phi xa xôi với tựa đề là Gửi bạn Algerie. Bài hát được viết trong tháng 4-1957 và được nhanh chóng phổ biến trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong tháng ủng hộ nhân dân Algerie chống thực dân Pháp.

Sau sáu năm dùi mài kinh sử ở trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), anh về công tác tại Đoàn Ca múa miền Nam rồi Cục Âm nhạc và Múa (Bộ Văn hoá). Với các ca khúc Lòng em như hoa hướng dương, Chiều trên bản Mèo, và nhất là Cô gái Sài Gòn đi tải đạn được sáng tác đầu năm 1968 tại Hà Nội, Lư Nhất Vũ đã trở thành người có giọng riêng trong nền âm nhạc Việt Nam, một chất giọng thấm đẫm vị dân ca, chan chứa hồn dân tộc.

Ngày 13/4/1970, đúng ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 34 của mình, Lư Nhất Vũ giã từ Hà Nội, lên tàu vào Hà Tĩnh, lên đường trở lại miền Nam thân yêu. Có thể nói chuyến hành quân trở về quê hương sau gần 15 năm vượt tuyến là một chuyến đi thập tử nhất sinh.

Nếu không có sự may mắn của số phận và tình cảm đồng đội đồng chí thì người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta đã nằm lại vĩnh viễn với Trường Sơn rồi. Trải qua bạo bệnh trên đường, anh cũng về đến Tiểu ban Văn nghệ R (Trung ương cục miền Nam). Và ở đây, năm 1972, nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác, lời Lê Giang, nhạc Lư Nhất Vũ ra đời và được trình diễn trên sân khấu của thị xã Lộc Ninh vừa được giải phóng. Cũng chính nhạc cảnh này đã khiến cho cặp đôi Lê Giang - Lư Nhất Vũ trở thành đôi bạn tình gắn bó keo sơn, dù trong những năm tháng còn lại của chiến tranh hay gần 40 năm hoà bình vẫn không rời nhau... nửa tháng.

Anh xuống miền Đông chị cũng xuống miền Đông, anh xuôi miền Tây chị cũng xuôi miền Tây, anh về Cà Mau chị về quê mẹ, anh sống ở Sài Gòn chị lại ở bên anh. Chính sự gắn bó này đã giúp chúng ta có nhiều khúc dân ca, hò vè mà nếu không có sự tham gia của đôi vợ chồng thơ - nhạc này, liệu chúng ta có được một kho tàng  bằng văn bản giàu có đến mức này không?

Từ Bên tượng đài Bác Hồ (1976), chúng ta lại có thêm Khúc hát người đi khai hoang (1977), Hãy yên lòng Mẹ ơi (1979) rồi Bài ca đất phương Nam (1997). Riêng Bài ca đất phương Nam, một ca khúc được viết cho phim Đất phương Nam, đã vượt ra ngoài cuộc sống bình thường của phim ảnh, trở thành khúc ca của một vùng miền và của mỗi người.

Hơn 30 năm sống trên căn hộ lầu 6 chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, giờ đây nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã rời thành phố, không phải để về quê cắm câu, mà về Phan Thiết để an dưỡng tuổi già và tiếp tục làm những phần việc còn lại của những người nặng nợ với máu xương và bè bạn.

Mới đây trên đường đi công tác Phan Rang, tôi có dịp gặp anh chị ở Xóm Chài Resort, ở Km 6 xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. Hai anh chị vẫn bên nhau, nói cười vui vẻ, trò chuyện thân tình và vẫn nồng ấm lứa đôi. Anh Lư Nhất Vũ vẫn còn làm việc, cái công việc mà nếu không có anh chị, chắc là ít người làm được.

Có lẽ cái chất của chàng thanh niên vượt tuyến năm nào vẫn còn đang rì rào chảy trong anh, nên dù đã bước gần đến tuổi 80 anh vẫn nặng nợ với âm nhạc và với nhà thơ - người thơ Lê Giang của mình. 

Thành phố Hồ Chí Minh, cuối tháng 6/2013

Phạm Sỹ Sáu
.
.
.