Nhạc sĩ Hoàng Giác: Mãi giấc mơ hoa

Thứ Năm, 13/05/2010, 11:21
Lần đầu tiên được diện kiến ông, tôi xúc động tới mức không biết mình đang nói gì. Dường như tôi nói về những năm tháng đã qua trong đời tôi, về bao nhiêu năm tôi vui buồn trong âm nhạc của ông, khi những bài hát đã thấm vào hồn tôi một tình yêu thiết tha quê hương xứ sở, nó miên man, hoài niệm và dặt dìu, nó tưới mát cho sự cằn khô của một đứa con xa quê như tôi.

Tôi gặp người nhạc sĩ 87 tuổi, tác giả hai tuyệt phẩm "Mơ hoa" và "Ngày về" trong một hoàn cảnh thật đặc biệt: Trong vòng 10 năm nay, tôi thay đổi tới mười mấy chỗ ở trong thành phố Hà Nội, còn nhạc sĩ Hoàng Giác thì  gần nửa thế kỷ trôi qua, bây giờ mới có một lần duy nhất thiên di. Ông tạm biệt địa chỉ 124 Hàng Bạc, vốn gắn với tên tuổi ông từ nửa cuối của thế kỷ trước để giờ chuyển về 115 A8 Đầm Trấu, một khu đô thị mới được xây dựng và phát triển khoảng mươi năm trở lại đây. Và nhà tôi cách nhà ông chỉ chừng 500m, một khoảng cách đủ để tôi dễ dàng nhìn thấy ông, ngày hai lần đi bộ thể dục hoặc ngẫu hứng uống một cốc bia hơi bên kia đường, quán bia 38 Nguyễn Huy Tự.

Lần đầu tiên được diện kiến ông, tôi xúc động tới mức không biết mình đang nói gì. Dường như tôi nói về những năm tháng đã qua trong đời tôi, về bao nhiêu năm tôi vui buồn trong âm nhạc của ông, khi những bài hát đã thấm vào hồn tôi một tình yêu thiết tha quê hương xứ sở, nó miên man, hoài niệm và dặt dìu, nó tưới mát cho sự cằn khô của một đứa con xa quê như tôi. Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924 trong một gia đình giàu truyền thống, quê gốc ông ở làng Chèm, nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, một trong những làng Việt cổ nổi tiếng bên bờ sông Cái với câu thành ngữ đã trở thành quen thuộc: Giò Chèm, nem Vẽ. Cha của ông là một nghệ sĩ chơi đàn bầu rất hay, nhưng cụ cũng đồng thời lại là một võ sĩ quyền Anh, từng giữ đến chức Chủ tịch Liên đoàn quyền Anh Bắc Kỳ.

Hoàng Giác được cha cho theo học tại Trường Bưởi danh tiếng, và cảm hứng âm nhạc đã đến với ông ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Học cùng lớp với ông ngày đó là các tên tuổi sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng trong nền tân nhạc Việt Nam như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân, Hương tình), Đoàn Chuẩn (tác giả hàng chục tình khúc nổi tiếng viết chung với Từ Linh). Hoàng Giác được học nhạc trong Trường Bưởi nhưng phần tự học thêm của ông cũng như của tất cả các nhạc sĩ tân nhạc đương thời mới là quan trọng. Và năng khiếu âm nhạc của ông sớm khẳng định ngay từ bài hát đầu tay được công bố: nhạc phẩm "Mơ hoa" ra mắt công chúng khi ông mới 21 tuổi và được đón nhận nhiệt liệt, không kém gì các sáng tác của hai bậc đàn anh đi trước là Phạm Duy và Văn Cao.

Năm 1947, tuyệt phẩm thứ hai được công bố và đây là sáng tác Hoàng Giác ưng ý nhất trong đời viết nhạc của mình: ca khúc "Ngày về". Số phận của ca khúc này trong lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng thật lắm thăng trầm. Sau khi được một số ca sĩ hát ở ngoài Bắc, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, rất ngẫu nhiên, giai điệu của "Ngày về" được chính phủ Việt Nam cộng hòa chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu hồi. Vì tình huống nhạy cảm này mà mãi đến sau 1975, bài "Ngày về" mới được hát trở lại ở ngoài Bắc với nhiều giọng ca nổi tiếng như tài tử Ngọc Bảo, Cao Minh, Lê Dung, Ngọc Tân… nhưng Hoàng Giác ưng ý nhất vẫn là giọng hát Mai Hoa.

Ông Hoài Nam ở Đài SBS Úc Châu kể rằng, bài "Ngày về" trong thời kỳ kháng chiến được các lính Pháp đến Việt Nam rất thích nghe, dù họ không thể hiểu hết nội dung của bài hát. Phải chăng, đó là sự đồng cảm của những người con cùng phải xa quê hương, và bởi vì ngôn ngữ âm thanh của "Ngày về" đã ngân đúng vào nỗi biệt ly mong ước ấy. Nhà thơ Du Tử Lê (tác giả bài thơ "Khúc thụy du" nổi tiếng được Anh Bằng phổ nhạc) trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau 1975 đã tìm đến nhạc sĩ Hoàng Giác, chỉ để xin một dòng thủ bút duy nhất cùng chữ ký của người nhạc sĩ: Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Sau hai ca khúc kể trên, nhạc sĩ Hoàng Giác còn viết tiếp khoảng 16 nhạc phẩm nữa mà những bài được nhiều người biết đến nhất là Hương lúa đồng quê, Lỡ cung đàn, Quê hương, Bóng ngày qua. Toàn bộ 18 nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác, hầu hết đều được sáng tác trước 1954.

Sau 1954, ông hầu như không sáng tác nữa mà chuyển sang dạy guitar Haoai (Hạ uy cầm) và guitar Tây Ban Nha tại địa chỉ 124 Hàng Bạc, gần nửa thế kỷ dạy đàn của ông đã đào tạo được hàng nghìn học trò, nhưng cái chính là ông đã góp phần làm đẹp thêm cho biết bao nhiêu tâm hồn người Việt. Người viết bài này cũng lớn lên trong giai điệu dặt dìu khúc Hương lúa đồng quê của ông qua giọng hát Hà Thanh.

Năm 1951, Hoàng Giác lập gia đình. Người bạn đời gắn bó với ông suốt 60 năm nay là bà Kim Châu, nguyên là một tiểu thư xinh đẹp, gia giáo của Hà thành lúc đó. Bà Kim Châu cũng là người có tâm hồn nghệ sĩ, bài thơ lục bát Lời ru cỏ non của bà được đăng trên ANTG số ra ngày 27/7/2007 cùng bản phổ nhạc của Thiếu tướng Hữu Ước, gây xúc động cho biết bao  trái tim. Ông bà Hoàng Giác - Kim Châu đón mừng sự chào đời của trưởng nam, nhà thơ - chiến sĩ Hoàng Nhuận Cầm, ngày 7/2/1952. Sau người con đầu lòng là nhà thơ nổi tiếng Hoàng Nhuận Cầm, ông bà Hoàng Giác còn có ba người con nữa, hai gái và một trai. Giờ đây, gia đình tất cả bốn người con đều quây quần xung quanh bố mẹ, người xa nhất cũng chỉ cách nơi ở của nhạc sĩ chừng 2km.

Có một kỷ niệm khó quên của nhạc sĩ Hoàng Giác với người con trai cả của mình liên quan đến đời sống văn học trong nước những năm 1971-1972 còn ít người biết đến. Ngày đó, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khoác áo lính vào chiến trường khi mới 20 tuổi, cùng nhập ngũ một lứa với Vũ Đình Văn, Nguyễn Văn Thạc, anh làm thơ từ rất sớm nhưng chưa đăng chùm nào trên báo cả. Khi tạp chí Văn nghệ Quân đội có in chùm thơ đầu tay của anh, nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ lo con mình ngã xuống mà chưa biết rằng thơ của mình được đăng báo thì thật xót xa, vì ông biết Hoàng Nhuận Cầm vô cùng yêu thơ. Không quản mưa bom bão đạn, đường sá xa xôi, người cha gần 50 tuổi đã đạp xe vào tận Thanh Hóa để tìm đến trận địa của con, thế nhưng đến nơi thì đơn vị của con trai ông đã lên đường. Với sự nhạy cảm của người cha, ông linh cảm rằng chắc chắn Cầm phải để lại cái gì đó. Quả nhiên, ông đã tìm thấy trong một vỏ đạn 37 ly có chùm thơ của con mình.

Nhạc sĩ Hoàng Giác đã mang chùm thơ về Hà Nội và gửi đến tòa soạn báo Văn nghệ, lúc ấy đang phát động cuộc thi thơ năm 1971 - 1972. Thật bất ngờ, chùm thơ của Hoàng Nhuận Cầm đã giành giải nhất năm đó cùng với các nhà thơ Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu và Vũ Đình Văn.

Sau lần đầu diện kiến nhạc sĩ Hoàng Giác tại nhà riêng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, tôi được nhạc sĩ cùng phu nhân Kim Châu tiếp đón tại căn nhà mới ở khu Đầm Trấu trong một không khí thật thân mật, ấm áp. Ông mới chuyển về đây được gần 3 tháng, một căn nhà 2 tầng, không rộng lắm nhưng thiết kế rất đẹp, và không gian thật yên tĩnh, đủ để ông cảm thấy sự thanh thản và bình yên…

Nhắc lại những kỷ niệm xưa, ông bùi ngùi khi nói về những người bạn sáng tác một thời nay đã không còn nữa. Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, Đoàn Chuẩn, Ngọc Bích đều đã đi xa. Trong lứa bạn nhạc sĩ của thời ấy, nay chỉ còn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (tác giả bài Giáo đường im bóng) hiện vẫn sống tại căn nhà 22 Mai Hắc Đế. Mắt ông chợt ánh lên niềm vui khi kể với tôi, chỉ hai ngày nữa, ông sẽ đi họp lớp, gặp lại các bạn bè thuở xưa, trong đó chắc chắn sẽ có nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ. Ông nói tiếp với tôi, từ ngày chuyển về đây, guitar vẫn để trong bao chưa bỏ ra, dây đàn chắc cũng đã chùng, hoen gỉ hết. Mấy năm gần đây, mình cũng thấy gân yếu, tay yếu rồi. Đã gắn bó với nghề dạy đàn nửa thế kỷ, bây giờ chuyển về đây, học sinh vẫn suốt ngày gọi điện, đề nghị thầy mở lớp lại. Chưa biết có dạy học nữa hay không nhưng mấy hôm tới sẽ "rút kiếm ra khỏi bao" thôi, đàn bỏ đấy mà không chơi thì cũng buồn lắm.

Đôi mắt của nhạc sĩ 87 tuổi vẫn còn tinh anh lắm, bên cạnh chỗ ông ngồi là một chồng báo dày, ông vẫn theo dõi tình hình âm nhạc, văn nghệ trong nước và quốc tế, bày tỏ với tôi rằng rất vui khi thấy lớp nghệ sĩ guitar trẻ thực sự có rất nhiều tiến bộ, nhiều người rất xuất sắc, nhất là trong lĩnh vực guitar cổ điển. Tôi hẹn với ông, một ngày gần nhất, cháu và những người bạn của cháu sẽ ôm guitar hát tặng bác nghe những ca khúc mà bác đã viết cách đây hơn nửa thế kỷ, cụ thể là ba bài Mơ hoa, Ngày về và Hương lúa đồng quê. Người nhạc sĩ già nở nụ cười trìu mến: Bác rất sẵn lòng.

Tiễn ra cửa, ông nói với chúng tôi: "Các cháu, những người cầm bút, hãy tiếp tục viết nhiều hơn nữa, hay hơn nữa và phải nhớ rằng cần viết bằng sự thành thật và rung cảm của trái tim mình". Tôi thầm mong, sức khỏe và bình an sẽ luôn ở bên người nhạc sĩ đáng kính cùng gia đình của ông. Và tôi viết bài này như lời ngỏ của một thế hệ, chúng tôi vô cùng biết ơn nhạc sĩ Hoàng Giác cùng những người nhạc sĩ đã cống hiến hết tài năng và tâm hồn mình cho nền tân nhạc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, làm nên bao kiệt tác có sức sống vượt thời gian

Đỗ Anh Vũ
.
.
.