Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Canh bạc” ăn nhau về sáng

Thứ Tư, 20/10/2010, 10:30
"Canh bạc" đã là phim thành công của Nguyễn Thị Hồng Ngát, như là bây giờ không ai không thấy chị là người thành đạt và hạnh phúc. Riêng tôi thì còn thấy một Hồng Ngát nhẹ nhõm, vui tươi, biết gạt bỏ những gì chưa hài lòng để nhìn và sống lạc quan.

Có thể nói, trong những ngày của năm 2010 này, và có thể từ năm 2008 - 2009, người bạn gái mà tôi chơi thân nhất, là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Chị thường than với tôi:

- Khổ quá cơ. Em thì hướng ngoại mà ông xã thì suốt ngày không chịu đi đâu. Rủ đi ra ngoài ăn, không. Rủ đi dạo buổi chiều, không. Thậm chí, em có ôtô và biết lái, rủ ông cùng đến nhà anh Đỗ Chu, ông cũng tự đi xe máy, không chịu ngồi với em, vì sợ em lái ẩu.

 Có thể nói, khi nào "dụ" được chồng đi trên xe của mình là Hồng Ngát "mừng như bắt được vàng"!

Tôi thở dài:

- Giống hệt ông xã Thi Nhị của chị ngày xưa. Lúc nào cũng thấy ông ngồi ở nhà. Bây giờ cô con gái cũng giống hệt tính bố, cấm có rủ nó đi đâu được bao giờ. Thành thử đôi khi thấy cô đơn ghê lắm, may mà có Ngát để chị còn có người than thở và rủ đi nhăng nhít…

Hồng Ngát rất bận rộn, vì chị đang là Giám đốc hãng phim của Hội Điện ảnh Việt Nam. Và vừa rồi, trong Đại hội của ngành Điện ảnh, chị lại được bầu là Phó Chủ tịch thường trục của Hội. Có thể nói, chị là một trong những bạn gái bận rộn nhất của tôi.

Sau khi hoàn thành phim "Đừng đốt" cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhóm làm phim, chị lại vào Huế tới hai tháng để làm phim "Nhìn ra biển cả" về thời trẻ của Bác Hồ. Thú thực là tôi cũng hơi lo, vì chị - thế hệ sau - làm sao có thể hiểu và đồng cảm được với thế sự của gần một trăm năm trước? Nhưng khi xem phim của chị, cũng như nhiều người, tôi đã thật sự xúc động.

Hồng Ngát cho biết, chị đã rất kỳ công tìm gặp nhà văn Sơn Tùng, đọc các tài liệu về Bác Hồ, rồi vào Huế tìm thêm tư liệu. Sau đó, chị đã cùng kíp làm phim cầu kỳ nghiên cứu trang phục, tìm diễn viên, tìm cảnh, tìm "ngày lành tháng tốt" để quay từng thước phim có tính chất lịch sử trang nghiêm. Và chị đã thành công. 

Vừa về lại Hà Nội, chị lại cùng đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam đi Lào tham dự lễ trao giải thưởng văn học sông Mê Kông… Vậy nhưng bất cứ lúc nào tôi rủ mà  chị có mặt ở Thủ đô là chị tới liền. Có lần chị đem ôtô đến 19 Hàng Buồm - trụ sở của cơ quan Hội Văn nghệ Hà Nội - đón tôi và nhà thơ Bằng Việt lên quán Phương Nguyên trên Hồ Tây, hôm đó có cả chồng chị, anh Phan Hồng Giang cùng đi.

Khi chúng tôi ăn uống sắp xong thì nhà thơ Hồng Thanh Quang bỗng tình cờ xuất hiện và có lẽ vì thấy mấy ông bà già về hưu, anh cứ nhất định móc ví trả tiền cho chúng tôi. Nếu không, chắc lại là Hồng Ngát.

Chúng tôi  thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn uống vớ vẩn, nào quán chim quay ở phố Bát Đàn, quán bún ốc ở chợ Bưởi gần nhà chị, rồi quán bánh tôm Hồ Tây, quán lẩu Nhật trên phố Giang Văn Minh, quán "R'est cafe" ngay gần nhà tôi trên đường Huỳnh Thúc Kháng… mà thỉnh thoảng chị mới để tôi trả tiền, vì chị bảo, chị vẫn còn đang nhiều việc lắm, chắc chắn là thu nhập hơn hẳn tôi rồi!...

Có lần, tôi được tặng một thẻ massage mặt, tôi rủ Hồng Ngát cùng đi, chị tỏ ra thích thú, mua luôn một thẻ để hàng tuần chúng tôi đi với nhau, vừa để các em gái đắp mặt nạ vừa tào lao đủ chuyện trên đời. Chỉ có điều là trong khoảng hơn một giờ làm mặt nạ phải nằm im, nhưng chốc chốc điện thoại của Ngát lại reo, và chị chuyện trò công việc đến 5-7 phút. Tôi la: "Tắt di động đi bà nội ơi, tao còn vứt ở nhà, tối về mới xem ai gọi kia!". Nhưng nói thế thôi, chứ bà già đã nghỉ hưu như tôi thì mấy khi còn ai liên lạc, trong khi Ngát cũng đã nghỉ, nhưng còn đầy trách nhiệm trên vai.

Thế rồi gặp ai chị cũng đùa rất tếu: "Chị Nhàn "đưa em vào đời" hay lắm, vừa thư giãn, vừa… làm đẹp nữa, trông đỡ nhăn hẳn!". Đại loại chúng tôi chơi với nhau "rất chi là phụ nữ" như vậy. Buổi tối, chị thường điện thoại cho tôi, than thở đủ thứ, nào là cậu em ruột bị bệnh hiểm nghèo phải vào Bệnh viện Việt Đức mổ.

Thật ái ngại khi sau mổ cậu ấy phải nằm ngoài hành lang chờ khi nào có phòng trống mới được vào vì bệnh viện quá đông. Thấy em bệnh nặng chị đánh liều tìm gặp Giám đốc bệnh viện để xin giúp đỡ. May làm sao, gặp chị, ông giám đốc nhận ra ngay, và ông dù rất bận nhưng cũng sốt sắng gọi cho các bác sĩ chú ý chăm sóc cậu ấy hơn.

Hôm khác chị lại kể, chị vừa về quê Văn Giang thăm bố, cụ hơn 90 tuổi rồi, nhưng may là còn khỏe, lúc vui vẫn còn hát trống quân. Đặc biệt là cụ chưa hề lẫn, nhất là khi đếm tiền. Có lần cậu em biếu cụ 4 tờ 50 nghìn. Cụ cầm xem đi xem lại rồi hỏi: "Sao mấy đồng này không giống đồng màu xanh chị mày cho hôm nọ nhỉ?" (đồng màu  xanh là đồng 100 nghìn cơ) khiến cả nhà  cười rũ chịu ông cụ vừa "khôn" lại vừa hóm. Cứ vài tuần chị lại về thăm bố dù đôi khi công việc bận vô cùng.

Tôi cũng đã được Hồng Ngát mời đi xe do chị lái để về quê thăm cụ và thăm cảnh rất đẹp quê chị bên bờ sông Hồng với đền thờ Chử Đồng Tử, bãi Tự Nhiên nơi chàng đã gặp công chúa Tiên Dung và bến đò xưa, nơi Ngát tả trong tập truyện "Người muôn năm cũ" của chị.

Có lần, chị than thở có bạn bỗng dưng gặp chị rất lạnh lùng, chỉ vì hôm Tết chị mừng tuổi con trai nhỏ của bạn ấy… có hai trăm ngàn, mà có lẽ bạn ấy nghĩ "giàu" như Hồng Ngát thì phải hơn cơ! Thế có điên không? Rồi ông xã của chị có lẽ hôm nay đã khiến tôi và mấy bạn khác được chị mời đến nhà ăn cơm giận, vì ăn xong ông chẳng chuyện trò gì mà bỏ ngay lên gác "Chị thì có thể hiểu tính nhà em rồi, ông lười giao tiếp lắm cơ, nhưng mấy anh khác thì ít khi gặp, chỉ lo các anh nghĩ nhà em kênh kiệu thì chết".

Tôi cười: "Bạn văn chương cả, ai chả biết sự uyên bác và sâu sắc của chồng em, hôm đấy bọn chị chả ngồi đến khuya là gì, Ngát còn rút ví tặng mấy anh ở xa mỗi người mấy trăm mà các anh đều vui vẻ nhận đấy thôi, không ai giận anh Giang đâu mà lo!". Có khi chúng tôi chuyện tào lao trên trời dưới bể đến khuya, chả đâu vào đâu, nhưng cả hai đều thấy nhẹ lòng vì có người chia sẻ.

Năm 1989, Hội Nhà văn Hà Nội mở lớp hướng dẫn sáng tác do tôi làm chủ nhiệm. Em Trần Duy Phúc, học sinh của lớp viết bài thơ "Tuyệt vời", tôi đọc, nghĩ ngay đến Hồng Ngát và viết luôn bài bình thơ gửi đăng Tiền Phong chủ nhật. (Hồi đó, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đang là Trưởng ban Biên tập phụ trách tờ này, hầu như tôi gửi bài nào anh cũng đăng ngay).

Bài thơ như sau:

Chiều công viên, tôi ngồi trên ghế đá
Mơ màng nhìn một thiếu phụ dần qua
Mắt bỗng sáng như chưa bao giờ sáng
Nàng tuyệt vời, rực rỡ cả vườn hoa.

Đôi mắt đen, sao thông minh đến thế
Nét đoan trang hòa lẫn nét bao dung
Em đẹp quá, như người ta thường nói:
"Gái một con, con mắt phải mòn"

Có cậu bé theo sau tươi tắn
Hồn mải mê theo bướm đẹp hoa tươi
Cười rạng rỡ, chú chuồn kim bị tóm
Tôi chết ngồi, trong tiếng gọi: "Bà ơi!"…

Bài thơ tả một bà ngoại hoặc bà nội còn quá trẻ, và đẹp nữa, dắt cháu dạo chơi trong công viên, mà tác giả bài thơ tưởng nhầm là cô gái một con đến nỗi chết lặng khi nghe bé gọi "bà ơi!". Cách đây gần hai mươi năm, Hồng Ngát mới ngoài 40, nhưng hình như chị đã có cháu gọi bằng bà. Bài thơ khiến tôi nghĩ ngay đến Ngát vì chị cũng xinh đẹp và tươi tắn như bài thơ miêu tả…

Chỉ có điều là sự thành đạt hiện nay với một gia đình đầy đủ chồng con, dâu rể, cháu nội, cháu ngoại và một công việc rất cần sự tín nhiệm cao mà chị đáp ứng như mong muốn, Hồng Ngát đã phải đạt được bằng một nghị lực phi thường. Tôi đã đọc nhiều tập thơ chị tặng và đã hai lần viết bài giới thiệu thơ chị, nhấn mạnh những gian truân, vất vả mà chị đã trải qua. Thơ chị từng làm người đọc nao lòng:

Tôi nghèo như không thể nghèo hơn
Gầy cũng không thể gầy hơn được nữa

                   (Ngôi nhà Tân Mai)

Đôi khi chị thấy mình như người đã quá từng trải, đã bình thản trước mọi tai ương:

Lòng ta đã hết vui buồn
Đá trơ thân đá biển còn giận chi
Năm qua đi, tháng qua đi
Lòng ta đã lặng, biển thì bão giông

                  (Chiều biển động)

Rồi chị mơ màng:

Ước thôi lên thác xuống ghềnh
Ước thân cò chẳng một mình sang sông
Thơ chị còn thật là xa xót:
- Có những ngày đơn điệu
Có những ngày cũ càng
Người cũ, đồ đạc cũ
Ra vào như người hoang…
Quẩn quanh cùng sách vở
Chữ nghĩa lắm cũng rồ!

            (Có những ngày như thế)

- Mong con
Dù chỉ một lần thôi
Thương mẹ!

           (Chỉ một lần thôi)…

Tôi chỉ trích dẫn một vài câu thơ chị viết trong những ngày vất vả, túng thiếu để chúng ta hình dung nghị lực làm việc và học tập của chị để có thể trở thành một trong những cán bộ nữ chủ chốt của ngành Điện ảnh nước nhà. Chị đã là Giám đốc sản xuất, là "bà đỡ mát tay" của nhiều bộ phim thành công như "Đời cát", "Bến không chồng"," Ký ức Điện Biên","Đừng đốt", "Nhìn ra biển cả"…

Và tôi cũng xin "khoe" một chút, bộ phim "Bỏ trốn" làm theo truyện dài cùng tên của tôi chính chị là người phát hiện và giới thiệu với Hãng phim truyện Việt Nam để đưa vào sản xuất và chị làm biên tập cũng đã đoạt giải bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1996. Tôi không nhớ chị đã làm bao nhiêu phim, nhưng nhớ nhất là phim "Canh bạc" gây ồn ào trên mạng một thời gian, mà thực thì chị hình như cũng chẳng có lỗi gì, vì hồi những năm 90 của thế kỷ trước chưa ai nói đến chuyện bản quyền, chưa coi nặng như bây giờ về chuyện bản quyền.

Thấy cái này hợp với cái kia thì làm thôi. Mà bản quyền thực ngày ấy thì cũng chẳng đáng là bao, nên người được chị phỏng theo câu chuyện vụ án của mình để làm phim là nhà văn Nguyễn Thành Phong cũng đã không hề để ý. (Giống như tôi, thỉnh thoảng, nếu được nhạc sĩ nào lấy ý một bài thơ của tôi để sáng tác nhạc, thì tôi chỉ rất cảm ơn mà không nghĩ đến chuyện đòi bản quyền này nọ…).

"Canh bạc" đã là phim thành công của Nguyễn Thị Hồng Ngát, như là bây giờ không ai không thấy chị là người thành đạt và hạnh phúc. Riêng tôi thì còn thấy một Hồng Ngát nhẹ nhõm, vui tươi, biết gạt bỏ những gì chưa hài lòng để nhìn và sống lạc quan.

Vì thế, tôi muốn lấy câu nói xa xưa của các cụ ta về cách sống, cách nghĩ rất hiện thực mà cũng mang tính động viên, tính răn đe con cháu: "Cờ (canh) bạc ăn nhau về sáng" làm tiêu đề cho bài viết về nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát, những ngày này đang là người bạn gần gũi và thường cùng tôi chia sẻ mọi vui buồn…                                                                                         

 9/2010

Phan Thị Thanh Nhàn
.
.
.