Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega

Kiên định nhưng mềm dẻo

Thứ Tư, 18/09/2013, 16:29

Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega, Tổng Bí thư Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino (FSLN), ngày 2/9 vừa qua đã tiếp thân mật đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trưởng đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam đang thăm và làm việc tại Nicaragua. Tất cả những ai từng biết ông trước đây đều phải kinh ngạc trước vẻ trẻ trung năng động của người chiến sĩ cách mạng châu Mỹ Latinh nổi tiếng này. Ít ai có thể ngờ rằng, vị Tổng thống thứ 33 của Nicaragua sắp làm lễ sinh nhật lần thứ 68 (ông sinh ngày 11/11/1945).

Không dễ làm trai

Daniel Ortega là một trong những gương mặt đại diện tiêu biểu nhất cho phong trào cánh tả châu Mỹ Latinh nửa cuối thế kỷ XX, có thể đứng sau nhưng luôn cùng đội ngũ với những tên tuổi lừng danh như Fidel Castro, Che Guevara... Bản thân ông Ortega cũng từng nhắc đi nhắc lại không chỉ một lần rằng, ông hãnh diện vì được coi là học trò của Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Phần lớn cuộc đời của Ortega chìm trong khói lửa chiến trận. Sinh ra ở thành phố tuy nhỏ nhưng lại mang cái tên đầy kiêu hãnh La Libertad (Tự do), Daniel Ortega đã sớm tham gia phong trào cách mạng chống lại chế độ độc tài Anastasio Somosa ở Nicaragua. Tháng 10/1960, ở tuổi 15, chàng trai Daniel lần đầu tiên bị bắt giam vì “hoạt động cách mạng”. Tốt nghiệp đại học, Ortega vào học khoa Luật tại Trường Đại học Tổng hợp Trung Mỹ ở thủ đô Managua. Năm 1962, ông gia nhập Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino (FSLN). Tháng 12/1963, Ortega đã bị bắt tại Guatemala và bị trục xuất về Nicaragua. Tuy nhiên, ông vẫn không sờn ý chí đấu tranh và luôn tỏ rõ “phong độ hiệp sĩ tả khuynh” của mình. Tới năm 20 tuổi, Ortega đã là một trong những thành viên ban lãnh đạo FSLN. Ông đã giữ cương vị Tư lệnh Mặt trận Trung tâm của FSLN trong những năm 1966-1967. Chính ông đã tham gia vào những trận chiến đấu trực tiếp chống lại chế độ độc tài, hạ sát một trong những chỉ huy của lực lượng cận vệ quốc gia Lacaio ngày 23/10/1967. Gần một tháng sau vụ này, Ortega bị bắt và phải bị cầm cố tới 7 năm tại một trong những nơi khắc nghiệt nhất lúc đó ở Nicaragua là nhà tù Tipitap. Tới ngày 30/12/1974, Ortega được giải thoát nhờ một trận tấn công vào nhà tù của lực lượng du kích và sang Cuba. Tới năm 1976, Ortega lại quay trở về tổ quốc và lãnh đạo các trận chiến đấu chống lại chế độ độc tài Somosa tại nhiều địa phương ở Nicaragua. Tới năm 1979, Ortega đã có mặt trong Hội đồng lãnh đạo chính phủ Hồi sinh dân tộc Nicaragua và sau khi cuộc cách mạng Sandino thành công, ngày 20/7/1979, trở thành người lãnh đạo chính phủ quốc gia... Tới tháng 11/1984, Ortega được bầu làm Tổng thống Nicaragua và chính thức nhậm chức ngày 10/1/1985. Ông mang quân hàm tướng quân và được tôn vinh là Tư lệnh Cách mạng.

Theo hồi ức của Victor Anilov, một trong những thủ lĩnh của phong trào “Nước Nga lao động”, trong những năm 80 của thế kỷ trước từng là phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Liên Xô cũ ở Nicaragua, Tổng thống Ortega trong những ngày cách mạng Sandino đã gây được ấn tượng mạnh mẽ nhờ phong thái tự tin và cởi mở rất điển hình:

“Tôi có cảm giác về Ortega như về một người trẻ tuổi, khiêm nhường. Rất có duyên, theo kiểu châu Âu. Ông ấy rất kỹ lưỡng trong ăn mặc. Là Tổng thống và là 1 trong 9 vị Tư lệnh của lực lượng khởi nghĩa Sandino, ông ấy lúc mặc thường phục, lúc mặc quân phục. Ông ấy rất chú ý để mọi y phục đều được giặt là cẩn thận.

Phong cách giao tiếp tự do với giới báo chí của ông ấy khiến ta thích thú. Chính trong những năm tôi làm việc ở Nicaragua, Ortega là người đầu tiên đã bắt đầu chương trình truyền hình trực tiếp “Hướng tới nhân dân”. Tại nhiều nước khác về sau đã mượn không chỉ hình thức mà ngay cả tên gọi của  chương trình này...”.

Giữ chính quyền khó

Xu hướng tả khuynh của những nhà lãnh đạo Sandino vẫn được tiếp tục duy trì, một phần nhờ vào sự giúp đỡ mang tính anh em, đồng chí của Cuba và Liên Xô cũ. Tuy nhiên, bầu không khí quốc tế dần dà trở nên bất lợi đã buộc Chính phủ Sandino phải dần dà thu hẹp lại các chương trình cải cách kinh tế xã hội. Vòng vây kinh tế khắc nghiệt do lệnh cấm vận của Mỹ gây nên như thòng lọng thít chặt vào yết hầu nền kinh tế vốn đã bị nội chiến nhiều thập niên tàn phá nặng nề của Nicaragua. Mọi sự trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi Moskva chính thức ngừng mọi cung cấp viện trợ cho Nicaragua năm 1989. Hơn nữa, một bộ phận lãnh đạo FSLN khi đã có quyền lực trong tay bắt đầu trở nên biến chất, sống không còn gần gụi với thường dân.

Trong những điều kiện rất không thuận lợi đó, Tổng thống Ortega đã có đủ dũng khí và trí tuệ để đưa ra những giải pháp mềm dẻo hơn và chấm dứt cảnh “nồi da nấu thịt”, vừa  đặt nền móng cho một tương lai tốt đẹp hơn của dân tộc. Ông không từ bỏ những tín điều thiên tả đã thấm vào máu mình từ khi còn nhỏ nhưng đã hiểu ra rằng, không thể cải tạo thế giới chỉ bằng những khát khao duy ý chí. Chính Tổng thống Ortega đã đồng ý tổ chức bầu cử Tổng thống dân chủ ở Nicaragua, mặc dầu không thể không biết rằng, làm theo cách này, quyền lực của ông và FSLN có thể bị đe dọa. Trong thế thoái trào chung của phong trào khuynh tả trên thế giới lúc đó, cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/2/1990 đã không mang lại thắng lợi cho Ortega: ông chỉ nhận được 40% số phiếu bầu, trong khi đối thủ là bà Violete Chamorro nhận được 55% số phiếu bầu. Hai tháng sau đó, Ortega đã phải nhường lại ghế Tổng thống cho người thắng trận là bà Chamorro.

Đúng như Lênin đã nói, cướp chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền còn khó vạn lần hơn.

Biến đổi nhưng kiên định

Một trong những đặc tính nổi bật của ông Ortega với tư cách một nhà cách mạng thiên tả là sự kiên định niềm tin. Bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1990, ông không nghĩ rằng nguyên nhân là do lý tưởng của ông sai. Ông hiểu rằng, một lý tưởng vĩ đại đôi khi cũng có thể gây nên những hệ lụy nằm ngoài trông đợi nếu ta không tỉnh táo và mềm dẻo đưa vào thực tế một cách phù hợp nhất, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhất. Không ngẫu nhiên mà trong hai cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra năm 1996 và 2002 ở Nicaragua, Ortega vẫn tiếp tục tham gia với tư cách ứng cử viên của FSLN. Cả hai lần ông đều phải “trắng chiếu” trước các ứng cử viên cánh hữu.

Những thất bại đó không làm cho Ortega nản chí mà còn giúp ông đúc kết được những kinh nghiệm cần thiết trong các cuộc chiến đấu trên chính trường. Ông hiểu rằng mô hình phát triển xã hội trong thời đại toàn cầu hóa này không thể như khi Liên Xô còn tồn tại. Ngay từ năm 2002, khi ra tranh cử Tổng thống, Ortega đã tuyên bố rằng ông ủng hộ sở hữu tư nhân và nguồn tư bản lớn: “Tôi đã thay đổi và rút ra được những bài học từ quá khứ...”.

Quả thực, Ortega đã biết cách thay đổi phù hợp với thời cuộc mà vẫn kiên định được niềm tin vốn có. Trong tấm áo sơ mi đỏ và với những bài phát biểu  đầy nhiệt huyết, thành tâm, chỉ trích tệ nạn tham nhũng của lực lượng cầm quyền cánh hữu, ông đã thổi lại được ngọn lửa biến cải xã hội trong lòng người dân Nicaragua. Dân chúng tin ông vì thực sự ông là một nhà cách mạng, rất muốn tạo nên những thay đổi xã hội để làm giảm bớt bất công cho người lao động. Và ông bây giờ hoàn toàn không quá đà như trước trong những chối bỏ các di sản quá khứ. Trái lại, ông muốn kết hợp hài hòa lý tưởng cách mạng với những thành tựu chung của dân tộc và nhân loại để những thay đổi xã hội bớt gây nên sự đảo lộn giá trị và thang bậc. Cách mạng không có nghĩa là biến tất cả các bà nội trợ thành các nữ chính trị gia mà là tạo điều kiện cho bất cứ bà nội trợ nào nếu có đủ năng lực và tiềm lực đều có thể thử sức trong việc phấn đấu trở thành nữ chính trị gia. Tư duy này là một trong những bí quyết giúp Ortega thành công trong việc trở lại với cương vị Tổng thống Nicaragua thêm một lần nữa. Ngày 5/11/2006, ông đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nicaragua với 38% số phiếu bầu, vượt lên trên ứng cử viên hữu khuynh Eduardo Montealegre được Washington hậu thuẫn (9% số phiếu bầu). Và một điều rất hay là ngay ngày 9/11, Chính phủ Mỹ đã chính thức lên tiếng công nhận thắng lợi của ông Ortega. Ông nhậm chức Tổng thống ngày 10/1/2007...

Từ đó tới nay, đất nước Nicarragua đã không ngừng thay đổi. Thế nhưng, Tổng thống Ortega vẫn giữ nguyên những quan điểm thiên tả của mình. Theo ông, tai họa đang ám ảnh khu vực Trung Mỹ hiện nay là xuất phát từ nước láng giềng khổng lồ phương bắc: “Tại sao lại có nhiều vấn đề như thế ở Trung Mỹ? Nguồn gốc của nó ở đâu? Nằm trong chính sách mà Hoa Kỳ đang tiến hành hiện nay. Nước Mỹ, đó là nơi tiêu thụ chính yếu những loại ma túy sản xuất ở châu Mỹ Latinh. Ở đâu người Mỹ xuất hiện là ở đó xuất hiện nạn buôn bán ma túy và rửa tiền, vì thế Bộ Ngoại giao Mỹ đã không hề có lý khi buộc cho người châu Mỹ Latinh mọi tội lỗi trần gian...”.

Dưới sự lãnh đạo của ông Nicaragua đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội vì lợi ích của nhân dân lao động.

Trong buổi tiếp đồng chí Lê Hồng Anh ngày 2/9 vừa qua, Tổng thống Ortega khẳng định, Nicaragua luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam; bày tỏ mong muốn thúc đẩy, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, nhất là những lĩnh vực hai bên có thế mạnh và tiềm năng như nông nghiệp, viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại… Ông  đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam sớm thăm Nicaragua để nghiên cứu thị trường và tìm cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại với bạn và cho biết cũng sẽ sớm cử đoàn doanh nghiệp sang nghiên cứu kinh nghiệm Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tìm hiểu năng lực và khả năng hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam…

Phan Thứ Lang
.
.
.