Hoạ sỹ Bửu Chỉ và bức tranh “tai tiếng”

Thứ Năm, 19/01/2006, 08:26

Bửu Chỉ là một hoạ sỹ nổi tiếng, tranh của anh được nhiều nhà sưu tập săn đón, được triển lãm nhiều nơi trong và ngoài nước. Nhưng trong sự nghiệp của mình anh từng gặp phải sự cố về một bức tranh “tai tiếng”. Người ta suy diễn một bức tranh anh vẽ mà chưa đặt tên là để ám chỉ đồng chí lãnh đạo tỉnh, vậy là dư luận đồn thổi, Bửu Chỉ phải ngưng công việc của mình ở toà soạn báo Sông Hương.

Họa sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002) nổi tiếng không chỉ ở Huế, tuy thoạt đầu anh dự tính làm luật sư. Chỉ cần đọc mấy dòng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về anh đủ rõ: "Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hòa bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi.

Trong phong trào sinh viên, học sinh ở Huế gần như Bửu Chỉ và tôi luôn có mặt bên nhau. Chúng tôi cùng hát với nhau những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê Tổng hội..."

Vì thế, anh đã bị chính quyền miền Nam thời đó bắt và kết án 5 năm tù. Những bức tranh vẽ trong tù được bí mật chuyển ra ngoài, đưa sang triển lãm tận Mỹ, góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh vì hòa bình đang ngày một quyết liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, anh về công tác tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam (1983-1988), Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên...

Tranh của Bửu Chỉ (tháng 2/1991). Tạp chí Sông Hương số 45 tháng 3/1991.
Tranh Bửu Chỉ được nhiều nhà sưu tập săn đón, được triển lãm nhiều nơi trong và ngoài nước. Vậy mà anh lại có một bức tranh "tai tiếng" - không chỉ riêng anh gánh chịu, mà nhiều người cũng bị "liên quan". Cũng gần như "Nghi án văn chương Cây táo ông Lành" của nhà thơ Hoàng Cát vậy (ANTG Cuối tháng 7-2003). Cuối năm 2002, ngày Bửu Chỉ đột ngột ra đi sau cơn tai biến mạch máu não, trong sổ tang của anh, tôi đã ghi một lời hẹn: "Bạn bè đã nói về bạn nhiều rồi, có một điều đáng nói nhất vì tôi là người biết rõ nhất, nhưng đành hẹn với bạn đến lúc thích hợp...". Bây giờ, có lẽ đã đến lúc, vì như người đời thường nói "Cái quan định luận" (Khi đóng nắp áo quan, mới đánh giá đúng về một con người); cả hai nhân vật chủ chốt của “vụ” này nay đều đã là người thiên cổ...

Tôi vẫn thường gọi Bửu Chỉ là "bạn", nhưng nếu muốn "khoe khoang" một chút thì có thể nói tôi từng là thủ trưởng của anh, vì anh là họa sĩ chính của tờ "Sông Hương", còn tôi thì vinh dự được làm Phó Tổng biên tập giúp việc cho 2 đời Tổng Biên tập danh tiếng trong gần 8 năm, suốt từ lúc "khai sinh" tờ Tạp chí, rồi làm Tổng Biên tập... Chính vào lúc tôi làm Tổng Biên tập thì Bửu Chỉ đưa bức tranh ấy ra! Do đó, trong "vụ" này, có thể nói tôi là đồng "thủ phạm", vì tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc công bố bức tranh ấy.

Kể cũng buồn... cười, vì “vụ” này khởi đầu chỉ là sáng kiến của Bửu Chỉ mở một chuyên mục mới - một "cuộc chơi", cũng có thể gọi là cuộc thi - "Nhờ đặt tên tranh" mà sau này chúng ta thấy diễn ra hàng tuần trong các cuộc thi "SV" sôi nổi dành cho sinh viên cả nước trên Đài Truyền hình Việt Nam với người dẫn chương trình điệu nghệ Lại Văn Sâm. Cho đến nay, bức tranh vẫn chưa có tên chính thức vì cuộc thi đặt tên không có hồi kết (chuyện "bỏ cuộc" này thì không chỉ vì bức tranh, khi có dịp sẽ xin kể lại); để cho gọn, ta cứ gọi là bức tranh "TAY CHÂN".

Thời gian này Bửu Chỉ ít vẽ tranh bút sắt, nhưng "TAY CHÂN" vẫn rõ nét bút pháp dòng tranh chiến đấu gan góc đầy ấn tượng hồi chống Mỹ; chỉ khác lúc này là cuộc chiến đấu chống lại những biểu hiện tiêu cực, những gì đi ngược lại với yêu cầu của thời đại mới. Bức tranh đơn giản, nhưng hàm ý sâu sắc. Tác giả muốn cảnh báo cách dùng người không biết coi trọng trí tuệ, chỉ muốn tìm những "tay chân" dễ sai bảo... Như vậy, ý tưởng bức tranh vừa đúng theo đường lối đổi mới của Đảng, vừa phù hợp yêu cầu thời đại mới. Thì chẳng phải những năm gần đây, chúng ta ngày một nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ, của nhân tài đó sao?

Tất nhiên, có thể hiểu bức tranh theo nhiều cách khác nữa. Tác phẩm nghệ thuật vốn thường đa nghĩa. Trong một tiểu luận về mỹ thuật, Bửu Chỉ cũng đã viết: "Thưởng ngoạn một tác phẩm có nghĩa là một sự tham dự của người xem vào tác phẩm về cả hình thức lẫn nội dung. Kết quả có thể tán đồng hay không tán đồng, thích hay không thích, nhưng điều này sẽ làm cho tác phẩm thêm phong phú về nội dung... Vả lại cái gì nằm ở bên sau tranh mới là quan trọng, mới là đáng nói..."(2)

Vậy nên mới bày cuộc chơi "Nhờ đặt tên tranh" kèm lời bình. Tuy tác giả chỉ "treo" giải là nhường lại khoản nhuận bút ít ỏi cho người đặt tên hay nhất, nhưng rất nhiều độc giả thuộc đủ tầng lớp (có nhà thơ, bác sĩ, sinh viên, cán bộ về hưu...) từ nhiều vùng đất (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Nha Trang...) đã hưởng ứng. Xin dẫn một vài tên:

Ông N.T.T (Vĩnh Lợi - Huế): "Chân dung người đồng thời".

Anh N.X.T (Hà Nội): Tên thứ nhất: "Quy luật tiến hóa của các ngài quan... liêu"; tên thứ hai: "Chân dung kẻ nịnh thần".

Chị L.T.T.D (Huế): "Chân lấm tay bùn".

Ông P.K.H (Nha Trang): "Cứu trời đạp đất cũng là ta" v.v...

Cuộc chơi thật vui và có ý nghĩa. Trí tưởng tượng của con người ta thật vô cùng. Không ngờ có ai đó với đầu óc tưởng tượng siêu hạng nhưng tai quái đã tung ra dư luận cái tên: "Vắng thủ" là chữ nói ngược tên họ một đồng chí lãnh đạo tỉnh. Thế là sinh chuyện! Cả tòa soạn bất ngờ. Trí tuệ dân gian vẫn thường sản sinh ra những điều bất ngờ, chọc nghịch phạm thượng như thế. Nhưng khốn nỗi là không ít người lại nghĩ rằng họa sĩ và Tổng Biên tập có ý ám chỉ gì chăng.

Dư luận cả tỉnh ồn lên. Sau này, trong một dịp gặp cấp trên, tôi nói rõ ý tưởng tốt đẹp của họa sĩ cũng như tòa soạn và nói thêm rằng: Văn nghệ sĩ chân chính không bao giờ dùng thủ đoạn đả kích cá nhân; hơn nữa, đối với văn nghệ sĩ trong tỉnh, tuy còn những cách nhìn khác nhau về hoạt động văn nghệ hay một số tác phẩm cụ thể, nhưng đồng chí lãnh đạo với tác phong chan hòa gần gũi quần chúng vẫn thường có những cuộc gặp thân mật cởi mở với văn nghệ sĩ; với riêng tôi thì không lâu trước đó, đồng chí đã đích thân đến nhà tôi đón anh tôi là B.S Nguyễn Khắc Viện để cùng đi ra thăm Vĩnh Linh... Không đợi nghe tôi nói hết, đồng chí lãnh đạo bảo, vẫn với giọng thân tình "anh em" chứ không phải vẻ bề trên: "Mình không nghĩ Bửu Chỉ có ý đó đâu, nhưng các cậu đăng bài vở phải cẩn thận kẻo bị lợi dụng...".

Rồi Bửu Chỉ rời tòa soạn, từ bỏ tất cả các chức vụ kể cả lương bổng để chuyên tâm sáng tác. Đối với anh, có thể đó là sự lựa chọn đúng đắn, cái rủi lại hóa vận may! 12 năm cuối đời là thời gian anh sáng tác sung sức nhất, ngày một nổi tiếng với những bức tranh thật đẹp hướng đến những vấn đề vĩnh cửu của con người. Họa sĩ Đinh Cường, một trong bộ-ba-thân-thiết (Trịnh Công Sơn - Bửu Chỉ - Đinh Cường) đã viết:

"...Bửu Chỉ luôn tìm những tín hiệu mới cho tranh, đó là thời gian và phận người. Những chiếc mặt nạ đầy kịch tính, em bé làm xiếc trên lưng ngựa với những màu dân gian của Huế. Đặc biệt là cái mặt đồng hồ tròn trên tranh của Chỉ, số giờ bằng chữ số La Mã, kim dài kim ngắn... mà sao như gợi lại cái không gian, thời gian nào đầy ẩn mật... Bửu Chỉ đã là một tên tuổi của hội họa hiện đại Việt Nam..."(3)  

Đinh Cường viết những dòng trên vào tháng 10/2002, trước ngày Bửu Chỉ đột ngột ra đi 2 tháng. 7 tháng sau, đồng chí lãnh đạo mà tôi đã nhắc ở trên cũng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nhất định là hai vị đã gặp nhau vui vẻ. Chẳng phải là những người cộng sản chân chính cũng như các nghệ sĩ đích thực đều có chung mục đích là muốn cho cuộc đời, muốn cho con người ngày một tốt đẹp hơn hay sao?

Nguyễn Khắc Phê
.
.
.