Họa sĩ Đào Hải Phong: Bỏ quên con người…

Thứ Tư, 10/07/2013, 15:45
Ông trời ban cho họa sỹ Đào Hải Phong bộ dạng sớm phải làm nhà hiền triết phương Đông. Mới chưa đến ngũ tuần đã được trao bộ râu đặc sắc. Vừa đen, vừa dài ở dưới cằm và trên ria mép. Rất giống nhà nho thức thời thế kỷ 19. Cái mũi thẳng. Đôi mắt trầm buồn ẩn đằng sau cặp kính gọng tròn đậm màu.

Cái đầu húi cua. Tóc ngắn và đen. Mơ hồ hình khăn gõ của các liền anh có tiếng xứ Kinh Bắc. Khuôn mặt thanh tú và lịch lãm. Thoáng một chút dân dã. Hay đóng bộ áo ngắn màu nhạt. Cổ tròn. Cúc cài ngang. Dáng vẻ nhanh nhẹn và thoát tục. Giữa cái đời sống cộng sinh ồn ào và đông nghịt những người là người ở phố phường Hà Nội vào đầu thế kỷ này. Người bốn phương chân đất  chân dép vào đất thủ đô tậu nhà, kiếm sống. Khách bên Tàu vùng biên ào ạt kéo sang.

Chừng như leo núi đã mỏi. Cũng nài du lịch xích lô. Phất cờ gọi nhau ơi ới. Tây ba lô nhốn nháo dạo quanh Bờ Hồ. Các chủ doanh nghiệp mới ngày nào lên ngựa xuống xe đầy vẻ tự mãn. Giờ có ông mặt dài như cái bơm vì vướng vào họa bất động sản. Nhưng cái khoảng cách của hai thế giới giàu nghèo cứ ngày một doãng ra, cao lên. Đến vạt áo vô hình của thời gian cũng không sao che nổi.

Những thời khắc Hà Nội đổ người ra đường để người xem người đêm Noel như chẳng ai để ý gì đến những sắp đặt lại các hệ giá trị vừa hoành tráng vừa tàn nhẫn của thời đại... Đủ cả. Giữa cái bề bộn thế giới con người ấy, dễ dàng nhận ra Đào Hải Phong. Cũng vậy. Thật may mắn và vinh dự cho ông. Trong cái phồn vinh của hội họa phù hoa đủ hạng thời mở cửa, với bao nhiêu phòng tranh và nơi bày bán tranh tràn ra khắp phố phường Hà Nội. Cao sang như ở Tràng Tiền và mấy phố cổ quanh Hồ Gươm hay tranh nhái... đắt tiền ở Nguyễn Thái Học, Kim Mã...

Vào đến tận Sài Gòn. Người đời vẫn không có gì khó lắm nhận ra tranh của ông. Dù là chính gốc do ông làm ra hay có người vẽ nhại để kiếm chút tiền. Với những khách hàng vội vã và trần tục thì khoảng cách giữa Tràng Tiền và Nguyễn Thái Học cũng gần như thế cả thôi. Cái ầm ã của thế giới chung quanh chợt như dừng lại. Tranh của Phong bảo rằng: hãy chầm chậm nghĩ suy và ước vọng.


Thời gian ơi! Hãy dừng chân trong một khoảnh khắc hoàng hôn tĩnh lặng để nhận biết vẻ đẹp thanh tịnh của thế giới này. Ngày mai sẽ tươi sáng hơn ngày hôm nay bởi màu sắc và ánh sáng huyền ảo hắt ra từ những khung tranh. Một chút buồn sang trọng vương vấn trên vai áo trần gian để ta có quyền hy vọng xứ sở này cưu mang nuôi nấng ta tiếp tục sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, từ buổi thiếu thời khi ta mới biết nghĩ suy cùng với mái nhà mơ ước của quê hương…

Hội họa và văn chương có những điểm hẹn khó lường. Bể dâu cả ở ngoài đời lẫn trong tranh vẽ. Từ dạo đầu năm, Nguyễn Huy Thiệp cứ nhắn nhe Đào Hải Phong và tôi xuống thưởng lãm quán cà phê Trung Nguyên. Ông ấy có tham gia. Nói cho oai vậy thôi. Cái phố Thái Hà mới, ngổn ngang gió bụi. Ông Thiệp thì mấy khi cà phê cà pháo. Vài năm gần đây việc bán văn có vẻ không tưng bừng như trước.

Thiệp đảo tay làm mấy nét vẽ bình dân trên dăm chục đĩa. Mãi bên Bát Tràng. Rồi mang về quán cà phê ấy bày thử xem sao? Những chiếc đĩa nhỏ đặt chưa kín lá trầu mà phảng phất tâm trạng người viết văn tài danh ở đó. Chẳng hiểu sao cứ nghĩ đôi bạn vong niên Thiệp và Phong có cái gì đó bổ sung cho nhau. Những trang văn đầy chữ là chữ lại làm cho người đời say đắm, đổ quán xiêu đình.

Mạnh hơn cả đội quân. Truyện của Thiệp rất ít miêu tả phong cảnh. Không dài dòng. Nó ngồn ngộn những mặt người, những thân phận đớn đau và quằn quại mà kỳ lạ thay từng trang, từng trang ráo riết tiếng thanh la địa võng những khát vọng con người. Tranh phong cảnh của Phong rất ít khi xuất hiện con người. Phải chăng ông đã bỏ quên con người? Không. Hoàn toàn không như thế.

Vẻ đẹp trầm buồn trong tranh Phong dù là phố vắng hay làng quê đều lóng lánh những hy vọng, niềm đam mê cháy bỏng tình yêu cuộc sống. Những u buồn của quá khứ và hy vọng của tương lai thông qua biệt tài của Phong sử dụng màu sắc và ánh sáng trong tranh phong cảnh. Đó là những khung cửa sổ sáng đèn. Một màu vàng trầm ấm giữa buổi tối mùa thu hay bàng bạc tím của đêm trăng phố cổ ngàn năm xưa cũ.

Cái ánh sáng vàng hắt ra từ cửa sổ trong nhiều bức tranh không một bóng người mà ta vẫn thấy hơi ấm con người ở đó. Thấy nỗi ưu tư và sự bất tử ánh sáng do con người thắp lên từ những khung cửa sổ của trần gian. Đó là ánh đèn Kỷ niệm thời thơ ấu - Childhood memory đưa ta về xa ngái làng quê nơi có ngôi nhà cổ xưa ta cất tiếng chào đời và gọi mẹ. Là dăm cửa sổ mới lên đèn của Hà Nội sau mưa - Hanoi after the rain như gọi ai về đừng chia xa nữa.

Phố đêm - Night street quá khứ ngủ êm đềm với những mái phố và tường nhà như in trên bóng nước phẳng lặng, chỉ còn duy nhất một cửa sổ có ánh đèn vàng của bậc cao nhân thao thức… Là mùa thu muộn màng ở lại trên con đò vắng không một bóng người để thu nhặt cái ánh vàng như lửa của mùa thu còn sa sót lại bên bậu cửa dưới mái tranh nghèo xơ xác có một người con gái đợi chờ trong ước vọng ẩn đằng sau bức Thu muộn - Late Autumn. Cho phép tôi gọi đó là nghệ thuật của sự vắng mặt.

Người ta hay nói đến vẻ đẹp rực rỡ của thế giới phong cảnh Đào Hải Phong. Tán lá cây vàng sáng lên khắp đồng quê tựa những giọt thu khổng lồ trời để lại. Hoàng hôn rực rỡ đang nói lời từ biệt trên lá, trên nước, trên mái nhà thân thuộc…

Cái đó đã đành. Nhưng nét độc đáo nhất của Phong không phải ở chỗ đó mà trước hết và chính là vẻ đẹp âm thầm mà mãnh liệt của đời sống con người được thắp lên bằng ánh sáng vàng kỳ ảo trong tranh. Đào Hải Phong không bỏ quên con người. Ông tinh tế thể hiện thế giới con người bằng ánh sáng của sự sống. Con người hiện lên trong tranh bằng vẻ đẹp siêu hình, lãng mạn. Mang đến đời sống con người niềm hy vọng ngay cả khi chúng ta tuyệt nhiên không nhìn thấy khuôn mặt người nào có ở trong tranh.

Thế giới hội họa Đào Hải Phong cũng đôi lần xuất hiện con người. Một bóng người đàn bà vô tư lự, đội nón trắng đi xe đạp nhỏ xíu ngang qua Nhà thờ Lớn. Hoặc người đàn bà mặc áo trắng ngồi giữa đám chum vại nâu sậm dưới một bờ tường màu xám bạc trong hai bức Nhà thờ - The ChurchLàng gốm - The Ceramic Village thì dường như muốn nói đến sự cao cả của thánh đường và sự bề bộn của thế giới đất nung hơn là nói tới con người…

Bộ sưu tập ký họa mang tên Sổ tay của Đào Đức, tập hợp hàng trăm bức. Sớm nhất được thực hiện từ năm 1952 đến cả sau này những bức vẽ quãng 1968-1975. Một thế giới những nhân vật lịch sử của đất nước này trong những năm chiến tranh. Họ là bác nông dân thời chống Pháp. Những nữ du kích thời đánh mỹ với mũ rơm đội đầu và khẩu súng trường K44  khoác vai.

Những cặp mắt ánh lên vẻ đẹp cương nghị của cô gái vùng biển Nhật Lệ. Bộ sắc phục duyên dáng và khuôn mặt đôn hậu của các cô gái Thái, gái Mường Tây Bắc, Việt Bắc. Những võng cáng thương binh Vĩnh Linh, phà Ròn. Đoạn đường xe ra chiến trường ngổn ngang nơi ngã ba Đồng Lộc…

Đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Hải Ninh đã có lời nhận xét về sự nghiệp thiết kế mỹ thuật phim, tranh áp phích v.v… của nghệ sỹ nhân dân Đào Đức, cha của Phong, thật xác đáng: “Đậm đà màu sắc sử thi hoành tráng và chất thơ chữ tình”. Tôi cố tìm một màu sắc nào đó để thấy mối liên hệ với Đào Hải Phong, người con của ông mà chưa tìm được. Bỗng chốc những khuôn mặt ưu tư một thời xa vắng trong ký họa Đào Đức đã phủ bâng khuâng lên phong cảnh Đào Hải Phong lúc nào không hay.

Tôi cứ băn khoăn tự hỏi còn cái màu vàng đặc sắc ấy của Phong lấy từ đâu ra? Từ thông điệp, mách bảo của gen di truyền, từ trải nghiệm đời sống hay từ sự thì thầm của siêu thực mà người họa sỹ này đã cảm thấy trong một phút thăng hoa? Cái chất thanh lịch hào hoa ẩn hiện đâu đây ở đất kinh đô phủ bóng nghìn năm văn hiến? Vàng thu muôn thuở Hoàng thành?

Làng Ngũ Xã, quê ngoại Đào Hải Phong có cái nghề truyền thống thật cao sang. Ở đây, từ thế kỷ 17, những dân đen con đỏ của 5 làng ở Thuận Thành - Bắc Ninh và Văn Lâm - Hưng Yên đến bán đảo của Hồ Trúc Bạch này lập nghiệp đúc đồng. Cứ nghĩ, cách đây 3, 4 thế kỷ, lau sậy còn um tùm, bờ nước hoang vắng. Tận phía xa kia đã buông ra bao nhiêu buổi chiều u tịch bởi tiếng trống thu không trên Hoàng thành Thăng Long.

Buông ra, buông ra như sự buông lơi của thời gian cho yên ả phận người. Rồi bỗng chốc những lò đúc đồng nổi lửa. Hắt cái ánh vàng dòng chảy của đồng vào bốn mặt cổ xưa. Vào tâm thức của người dân ở xứ sở này từ dòng chảy vàng óng để quy tụ thành những quả chuông linh thiêng lên tiếng an ủi con người. Quy tụ cho sự phôi thai những tượng Phật rộng lòng bác ái từ bi. Làng Ngũ Xã đúc đồng bây giờ đã trở thành khu đô thị thanh lịch, yên bình. Không còn những lò đúc ngày xưa. 

Âm ỉ đâu đây trong tâm thức con người những ánh sáng vàng của quá khứ. Cũng như khuôn mặt của tượng Adiđà cao gần 4m, ngồi trên tòa sen 96 cánh, hao hao giống ai, người ở xứ này. Màu vàng của đồng Ngũ Xã còn ẩn hiện đâu đây trên những tòa sen. Và nó đã nhập vào tâm khảm người dân gốc ở xứ này như để nhớ lại một thời quá khứ đã xa. Nhiều người Bắc  Âu đến làm việc ở Hà Nội hay trú ngụ lâu dài tại Ngũ Xã. Họ bảo Ngũ Xã thủ thỉ như những thành phố nhỏ hiền từ trên bán đảo Scandinavia.

Có lần tôi đến thăm nhà 139, phố Bà Triệu. Ngôi biệt thự mặt phố sang trọng của họa sỹ Đào Hải Phong. Mặc dầu cái ầm ã của thị trường hồi đầu thế kỷ 21 đang lỗ mãng xâm chiếm sự bình yên. Nhưng sức sống của một thành phố hiếm thấy ở châu Á tỏa ra cái phong cách đô thị châu  Âu như Hà Nội vẫn được giữ gìn bởi những biệt thự với mái ngói, con sơn và cửa chớp đậm màu.

Phố Bà Triệu còn bao nhiêu Hàng nước cô Dần của Thạch Lam để kéo dài mãi cái phong vị bình dân mộc mạc mà lãng mạn nhuộm màu thanh lịch mờ ảo trong hội họa, văn chương. Thế nên, 100 năm sau. Vâng, 100 năm và có thể dài hơn, tôi trở lại nhà Phong vẫn còn thấy vẻ đẹp thanh lịch ấy. Mỗi khi mùa thu trở về trên đất Thăng Long. Ở đây chẳng ai bảo đời sống nghệ sỹ thời nay là khó khăn.

Nếu thực sự có tài và gặp vận hội. Sinh năm 1965, đến năm 1993, chưa đầy 30 tuổi, Phong đã có triển lãm của riêng mình. Và từ đó liên tiếp các triển lãm tranh ở trong nước và nước ngoài. Bức Mùa đỏ 2 - Red Season 2 trong bộ sưu tập Khoảnh khắc Hoàng hôn - Tiwlight moment -1999 bán cho khách được 18 ngàn Mỹ kim.

Vào năm 1994, một vị khách từ phương xa tới xem tranh. Ba tháng sau ông ta trở lại mua toàn bộ số tranh mà Phong đã vẽ. Bàn tay vô hình của thị trường thật là kỳ diệu. Như cái hích của Thượng đế. Ai dám bảo tiền nhận được từ bán tranh là không sang trọng?  Sang trọng lắm chứ! Nhưng dù gì thì gì, tiền không phải là động lực sáng tạo của người nghệ sỹ.

Sự giàu có và nghèo túng đâu phải là tiêu chuẩn xếp hạng cao thấp của bậc văn nhân. Mặc dầu trong xã hội thị trường như có người đã nói “tiền bạc là cái bào lớn san bằng về mặt chính trị của thị dân”. Tất cả văn nghệ sỹ, dường như không trừ một ai. Dù viết văn. Làm thơ. Vẽ tranh. Gọt nhạc. Diễn viên chính kịch hay vai hề ở một rạp xiếc xoàng…

Phần lớn thực hiện công việc sáng tạo bởi lương tâm người nghệ sỹ. Họ thầm lặng xuất phát từ con người và trở về với con người. Không ai trong số họ bỏ quên con người. Tôi quý Đào Hải Phong vì ông đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ ấy, kể từ khi ông mới cầm bút vẽ.

Tháng 5/2013

Khuất Bình Nguyên
.
.
.