Câu chuyện thứ 32:

Chuyện của NSND Thế Anh

Thứ Bảy, 15/03/2014, 08:30

1.Tôi 77 tuổi rồi, trí nhớ hụt hơi, có khi tỉnh ngủ mà chiêm bao chưa dứt, tự hỏi màu xanh trước mắt mình, gió mát trong tay mình là quê mình đó, có phải không; trẻ trung này, náo nhiệt kia… là mình đó có phải không? Mấy mươi năm như dòng nước chảy qua kẽ tay, chỉ còn trong lành đọng lại trong cảm giác. Người già hay bệnh, tôi bị tiểu đường, gút, khớp… linh tinh đủ cả. Mà cũng chẳng có sao, coi như bệnh vặt, chỉ có cái bệnh nhớ, nó hành. Người già, ai chẳng nhớ về những ngày xưa cũ…

Tôi không nhớ nổi những ngày còn nhỏ xíu nữa, lâu lắm rồi mới có người lại hỏi tôi về tuổi thơ. Người ta thích hỏi tôi về những mối tình. Tôi thấy tôi lớn rồi, còn có gì phải giấu nữa đâu, vả lại lâu lâu nghĩ về, cũng là cách để biết mình đã từng sống như thế. À, lại nhắc về ngày xưa… Tôi sống với mẹ ở Từ Liêm, Hà Nội. Tôi biết về bố tôi chỉ thông qua những câu chuyện kể của mẹ. Rằng, cha tôi học giỏi lắm, vì học giỏi quá nên mẹ thương. “Gái ham tài, trai ham sắc”. Mẹ tôi cũng rất đẹp. Bà không nồng nã như hơi rượu mà phảng phất như hương hoa trước gió, càng ngắm, càng duyên, càng tiếp chuyện, càng tình. Cha giỏi quá, được người ta đưa đi Pháp du học ngành y, bố đi năm tôi vừa tròn 3 tuổi. Mẹ kể, buổi trưa bố đi, tôi còn bi bô vòi kẹo, mẹ sai vú em ẵm tôi ra đầu phố. Vì hễ thấy cha ra khỏi cửa là tôi lại khóc, đòi theo. Cha học xong ở luôn bên Pháp. Mẹ chờ 1 năm, 7 năm, 10 năm… rồi tôi cũng không biết là mẹ có còn chờ không nữa. Mùa miên mải trôi, người miên mải đau. Mẹ bước hụt, bước hẫng, liêu xiêu ôm ấp, bao bọc lấy 3 đứa con trai. Những câu chuyện của mẹ về người cha biền biệt nơi xứ người vẫn không một lời oán thán. Đêm nào mẹ cũng kể chuyện về cha, giọng thủ thỉ mát ngọt, cơn ngủ bàng bạc bóng cha.

Lớn lên một chút, mẹ bảo mẹ nhìn thấy cha trên mái tóc của tôi, ánh mắt này, đôi vai này, cả cái vẫy tay khi tôi đi học cứ nhắc mẹ nhớ về cha. “Cái vẫy tay”… chắc nó giống như năm nào mẹ đưa cha ra bến tàu. Cha vẫy tay, mẹ nheo mắt nhìn, tóc mai tung trong gió, con tàu loang loáng khuất xa. Nhưng tôi không thấy mẹ buồn, cứ như nỗi gầy hao đó, sự mòn mỏi đó mẹ một mình cất giữ, nó riêng thuộc về bà. Riêng chỉ có cái bận, anh trai kế của tôi lâm bệnh nặng, rồi mất đi, tôi thấy mẹ khóc. Bao nhiêu héo hắt lăn tròn, rồi giàn giụa. Mẹ cũng là phụ nữ, mà phụ nữ thời đó, khi mới sinh ra đã nặng gánh luôn phần cam chịu. Mẹ cương quyết không tái giá.  

2.Tôi là con út, tinh nghịch vô cùng, bù lại tôi học giỏi, nên mẹ cũng yên tâm được mấy phần. Thời đó, học hành thi cử khó khăn, nhưng tôi không ngại, chỉ ngại vì lý lịch của mình không được tốt lắm. Cha tôi đi Pháp, mà lúc này, Pháp đang mang danh bảo hộ để xâm lấn nước mình. Tôi khốn đốn vì điều đó cũng không có gì là lạ. Nên sau khi suy nghĩ cạn cùng, tôi quyết định thi vào ngành Sân khấu Điện ảnh, duyên nghề đến với tôi đơn giản chỉ có vậy. Tôi nhớ năm ấy trường chỉ lấy 30 học viên, mà có tới 600 người đăng ký. Ban tuyển sinh lọc ngoại hình bớt một nửa, rồi mới cho thi kiến thức và năng khiếu. Tôi đậu, rồi đi học.

Chuyện đời, chuyện nghề của tôi thật ra mà nói nó êm ru. Tôi được chọn đóng vai Trung úy Phương trong Nổi gió, từ đó người ta biết mặt, biết tên tôi. Rồi cứ thế tôi theo nghề, miệt mài cho đến bây giờ. Tôi nói làm diễn viên không giàu, vậy mà không mấy ai tin. Chắc tại nghề diễn viên bây giờ dễ kiếm tiền quá, nên người ta nghĩ lớp già ngày xưa chúng tôi cũng vậy. Không phải đâu, hồi đó, để theo được nghề cũng vất vả lắm. Tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp, không phải đắn đo cơm áo gạo tiền là nhờ mẹ tôi làm ăn cũng khấm khá, phần thì cha tôi ở bên kia vẫn không quên một phần trách nhiệm nuôi nấng con cái. Mà cho đến lúc cha mất đi, tôi vẫn chưa được nhìn thấy mặt cha lần nào. Mẹ vẫn bảo, cứ nhìn vào gương rồi tưởng tượng ra cha. Còn tôi đem hình ảnh của cha vào trong vai diễn. Luôn tự nghĩ nhân vật này, cảnh đời này, suy nghĩ này chắc đã một lần cha từng gặp, từng trải. Cho đến tận lúc mất đi mẹ vẫn chưa một lời oán trách cha, tôi cũng vậy, anh trai tôi cũng vậy. Nên cuộc sống nhẹ tênh, thấy tha thứ như một hạt mầm, mẹ gieo xuống để anh em tôi được hưởng màu xanh, bóng mát, quả ngọt.

3.Tôi vào Nam cũng từ rất lâu rồi, thấy nơi đâu cũng là nhà, là quê. Rong ruổi theo nghiệp diễn hơn 50 năm tôi chưa từng mệt mỏi, chỉ thấy mệt mỏi vì những thứ xung quanh mình. Đôi khi tôi thấy cám dỗ của cuộc sống giống như những mũi tên, con đường tôi đi tên bay vun vút, sơ ý một chút là hàng loạt mũi tên sẽ hủy hoại tên tuổi, nỗ lực, lẫn cố gắng của chính bản thân mình.

Người ta gọi tôi là “đệ nhất đào hoa”. Thì thôi tạm chấp nhận đi. Nhưng thật tình tôi không lăng nhăng. Nói ra không phải để tự ngụy biện cho mình, nhưng cứ nghĩ đơn giản thế này, tôi là người của công chúng. Phụ nữ đẹp thích tôi, rồi hằng ngày, hằng giờ họ thiết tha mong được gặp, làm sao có thể chối từ. Chỉ vì nhiều phụ nữ thích tôi mà tôi bị gán cho cái tội lăng nhăng quả là vô lý, bởi tôi đâu có đi quá giới hạn với ai, và cũng chưa từng làm điều gì có lỗi với gia đình.

Có lần tôi đi quay ở Bến Tre, có gia đình cậu nọ, thích tôi vô cùng, cứ năn nỉ ỉ ôi mời tôi về nhà họ ở cho thoải mái, cho họ có dịp được chuyện trò cùng tôi. Nói mãi rồi tôi cũng xiêu lòng, cũng về. Nào ngờ, cô vợ cậu này càng thích tôi hơn nữa, mắt lúng liếng, môi đa tình, cứ nhè lúc không có cậu này ở nhà mà lại gần thỏ thẻ. Tôi hỏi chứ, đàn ông nào mà chịu được. Thật ra, đàn ông cũng là giống loài nhẹ dạ, dễ bị cám dỗ, có điều sự sa ngã của đàn ông thường gây hậu quả cho phụ nữ, nên từ lâu rồi người ta ít nhắc đến sự nhẹ dạ của đàn ông. Tôi cũng là đàn ông, cũng nhẹ dạ với phụ nữ lắm, nhưng con người ta, hơn nhau ở chỗ biết kiềm chế. Thôi, tôi cứ sa ngã cho nhẹ lòng, cho đáng một kiếp rong chơi… Nhưng tôi không làm thế, bởi tôi mang danh nghệ sĩ, bởi tôi mang danh một người đàn ông đã có gia đình. Nếu sự việc vỡ lở ra, người ta sẽ không nói: “Ơ, cái ông Thế Anh này bậy bạ”, mà người ta sẽ gào lên rằng, “giới văn nghệ sĩ vớ vẩn”, tôi phải giữ hai chữ nghệ sĩ cho mình và cho nghề. Nên được ngày một, ngày hai, tôi quyết tâm rời khỏi nhà đó. Cô vợ cứ nước mắt ngắn dài, còn anh chồng cứ đuổi theo thắc mắc. Đấy, tôi đâu có lăng nhăng.

Lại nhắc về thời còn đào hoa, nhiều phụ nữ theo quả thật cũng không sung sướng gì. Như việc tôi đi quay ở Đà Lạt, có một cảnh quay trong chùa. Cả đoàn phim lưu lại chùa cũng bình thường thôi, ngờ đâu có một ni cô trong chùa thầm thương tôi. Tôi nhớ, ni cô trẻ và đẹp lắm, ngày đoàn phim dời đi, cô có gửi cho tôi một bức thư, nói rằng từ nhỏ đến lớn, cô ở trong chùa, không biết thế giới trần tục là gì cho đến khi nhìn thấy tôi. Ni cô hẹn tôi ra hồ Than Thở, tôi cũng ra, nhưng không phải là hò hẹn, tôi chỉ muốn nói với ni cô rằng, tôi không muốn làm ô danh nghệ sĩ, ô danh cửa chùa. Mặt ni cô trắng xanh, môi đỏ, mắt trong vắt, cổ tay nhỏ xíu. Ni cô rất đẹp, nhưng tôi là nghệ sĩ và tôi đã có vợ rồi.

4.Lâu lâu có người hỏi lại chuyện cũ cũng vui, đặc biệt là những chuyện mà từ lâu lắm rồi tôi cứ giữ mãi trong lòng không dám nói cùng ai. Tôi nói rồi, người già hay mắc bệnh nhớ, từng gương mặt, từng hình ảnh cứ lướt qua mà đôi khi không có ai để kể thì ngày mai quên sạch mất, hoặc ngày mai mình không thể tỉnh dậy thì sao. Mà nói về mấy chuyện này vợ tôi lại buồn, mấy mươi năm bà ở cùng tôi, tôi chỉ có thể nói với vợ rằng tôi biết ơn bà lắm. Bà biết chồng mình mang thân nghệ sĩ, rày đây mai đó, gặp người này, hẹn với người kia,… có ghen, có buồn cũng chỉ để trong lòng, một mực lo cho gia đình yên ấm. Tôi giờ không đi đóng phim nữa, già rồi, già thật rồi, may mà còn có bả ở cạnh bên, sớm tối hỏi có đau chỗ này không, đói chưa, mệt chưa,… nhiêu đó thôi cũng đủ rồi. Đời của tôi, sự nghiệp của tôi tựu trung một chữ êm đềm, như nước trôi qua kẽ tay, không cần giữ lại gì, chỉ cần mát lành đọng lại trong ký ức là được.

Già rồi, trí nhớ hụt hơi, giấc trưa, giấc sớm choàng tỉnh vẫn thấy miên mải như trong giấc chiêm bao. Chỉ đến khi vợ tôi hỏi: “Anh tỉnh rồi hả, đã đói chưa?” thì tôi biết là mình không chiêm bao nữa…

Hồ Ngọc Giàu
.
.
.