Câu chuyện thứ 40: Chuyện của nghệ sĩ hài Việt Hương

Thứ Năm, 31/07/2014, 08:00

Mọi người có thể chê tôi diễn không hay nhưng chưa ai dám bảo tôi lười biếng, trễ giờ, hạnh họe. Nhưng, cái đau và lỗi lầm lớn nhất là tôi lại bệnh ngôi sao với chính gia đình của mình. Tôi nói một là một, hai là hai, đã bảo đúng thì cấm có sai. Má nuông, chị thương thành ra tôi đâm “hư”.

1. Dưới cái bóng đẫm rợp của giấc ngủ sau một chuyến bay dài, xuyên qua thứ âm thanh huyên náo, chộn rộn của đường phố, tôi lại trở về bên mái nhà ăm ắp thương yêu. Kỷ niệm xốn xang như bụi phố, như khói hương xòe cay mắt. Mới đó mà đã hơn một năm má tôi mất. Nhưng tôi vẫn chưa thể nào chấp nhận được sự thật đó. Tôi nhớ dáng má tảo tần gồng gánh mà lúc nào cũng khoan thai, quý phái. Tôi nhớ má mỗi tối đều đều tiếng kinh kệ giữ mình. Tôi nhớ má khi ru tôi ngủ, thủ thỉ theo tiếng quạt nan phe phẩy: “Má chỉ có hai đứa con gái thôi nên má sẽ ở vậy đặng hai đứa khỏi khổ”. Ba má tôi mỗi người mỗi ngả khi tôi còn ẵm ngửa. Trong ánh nhìn non nớt con trẻ, tôi chưa bao giờ thấy được dáng hình của ba, chưa bao giờ nghe được tiếng ba để mà ngóng, mà trông được thương yêu, nựng nịu bởi ba mải miết theo những chuyến lưu diễn của gánh xiếc. Che mát tuổi thơ tôi chỉ có vòng tay yêu thương bù đắp của má, sự nhường nhịn của chị và những trò chơi thú vị.

Niềm vui của đám nhóc tụi tôi hồi đó thiệt mộc mạc, trong trẻo. Có thể là vài chiếc kẹo ú. Loại kẹo bằng đường đen thui, xấu xí lăn với bột mì trắng, khi ăn phải đập đập, giũ giũ cho bột bay ra. Là cái bánh tráng đỏ rắc muối tôm và me lên trên, hoặc một khúc lõi dứa. Là tranh nhau với lũ bạn coi phim trong cái thùng đen của một ông già. “Phim” đựng trong cái ống kính tròn tròn, mỗi lần lắc một cái là chuyển cảnh, hay bấm nút là nó chạy hình xình xịch. Là tiếng chí chóe mỗi khi chơi tạt lon, cá sấu lên bờ, may quần áo cho búp bê, đổ bánh khọt, nặn đất sét. Tôi nhớ nhất đêm rằm trung thu, má tôi mua thiệt nhiều sơ-ri dính vào chân cây nhang, rồi ghim xung quanh trái bưởi bày cỗ, ngộ nghĩnh vô cùng. Phá cỗ xong chị em tôi nhập bọn với đám con nít, rồng rắn với lồng đèn lon sữa bò, lồng đèn ngôi sao giấy kiến xanh đỏ tung tăng khắp xóm.

Tôi là con út trong nhà, lại lanh lợi, lém lỉnh nên được má với chị hai cưng lắm. Cũng vì vậy mà chị hay bị tôi bày trò “xí gạt”. Mỗi lần má phân công nhiệm vụ chị nấu cơm, tôi rửa chén, tôi vừa ăn vừa nghĩ ra chuyện để kể cho chị hai nghe với điều kiện: “Nếu muốn nghe chuyện thì phải rửa chén cho em”. Cơm xong cũng là lúc tôi hình dung ra một cốt truyện. Chị hai hiền queo, lại mê nghe kể chuyện thành ra cứ tự nguyện vừa nấu cơm vừa rửa chén suốt luôn.

Tôi chưa bao giờ hỏi má về ba, cũng chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình cảm hay cần có sự hiện diện của ba trong cuộc sống. Có thể vì tôi còn quá nhỏ, quá vô tư để hiểu chuyện. Có thể vì tình thương yêu, sự bù đắp của má, sự nhường nhịn của chị quá lớn. Cho đến năm 13 tuổi thì chị đột ngột về ở với ba. Cảm xúc của tôi bắt đầu bị xáo trộn. Như ai đó bỗng dưng lấy mất món đồ quý giá nhất của mình, bỏ mặc mình với một mớ câu hỏi không lời đáp. Nhà vốn đã trống lại càng trống hơn. Mỗi lần má đi bán hàng, chuyện cũng chẳng còn ai để nghe, buồn quá tôi thường ngồi trước nhà trông ra đường. Thấy mấy em nhỏ ngồi sau yên xe đạp của ba mà thèm thuồng quá đỗi. Thì ra, có ba là sướng vậy đó. Rồi không biết hình ảnh ba trong những lần gặp mặt ngắn ngủi, ít ỏi neo trong tôi lúc nào. Trong trận sốt thập tử nhất sinh, tự dưng tôi ao ước phải chi mình được ba pha cho một ly sữa ông thọ thiệt nóng, chắc là mình hết bịnh liền. Ao ước vì nhà tôi lúc đó nghèo quá, cái ăn không đủ còn má tôi thì cơ cực vô cùng. Sau này đi diễn, lãnh lương suất đầu tiên, tôi ào vô siêu thị mua liền hai hộp sữa ông thọ. Uống hết hộp thứ nhất, tôi cứ ngắm mãi hộp thứ hai chẳng dám khui. Cho đến tận bây giờ, không hiểu sao mỗi lần bước vô gian hàng sữa, tôi lại nghĩ ngay đến sữa ông thọ. Mới biết ký ức tuổi thơ thật mãnh liệt.

2. Hồi nhỏ, chơi đồ hàng tôi thường giành làm bác sĩ. Lớn lên một chút, tôi thích làm y tá chăm sóc người bệnh. Rồi sau này thì mơ làm cô giáo dạy trẻ. Biết tôi thích múa hát nên dù cảnh nhà khó khăn, má vẫn chắt chiu cho tôi đi học múa, học nhảy, học đàn. Ai cũng bảo tôi giống má, từ gương mặt, vóc dáng cho đến cách đi đứng, nét ngồi, kiểu ăn. Duy chỉ mỗi cái tính là “chỏi” một trời một vực. Trong hình dung của má, tôi phải là một đứa con gái thùy mị, nết na mặc váy đầm trắng chơi piano hoặc múa ballet chứ không phải là một con Hương tóc khét lẹt, nghịch như quỷ sứ, mồm miệng lúc nào cũng tía lia.

Có lẽ nhờ chút năng khiếu nghệ thuật thừa hưởng từ gia đình nên tôi được người ta cho vô hát, diễn ở nhà hàng, quán ăn, vũ trường,… Đi ca, đi diễn riết quen rồi thấy yêu nghề hồi nào không hay. Học hết phổ thông, tôi liều thi thử vô lớp diễn viên Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh. May sao tôi đậu. Cảnh nhà túng quá, để đỡ tiền học, tôi phải phấn đấu và nỗ lực gấp hai ba lần người bình thường với hy vọng có được suất học bổng gom góp chi tiêu và xoay sở việc học. Tôi cứ thế lăn lóc ở sàn diễn của trường mà tập. Từ lúc đông người tới lúc vắng hoe. Cái tính nhát, hay sợ ma nhưng tôi gạt qua nỗi sợ, tự nhủ ráng lên, ráng lên.

Nhiều khi nhìn bạn bè đồng trang lứa được thầy này cô kia, anh này chị nọ đi trước đỡ đầu, tôi tủi thân lắm, hay khóc một mình. Khóc đã một trận rồi lấy đà bước về phía trước. “Mình không có ai giúp thì càng phải cố gắng vì mình yêu nghề này mà!” Có lúc tôi bị người ta giành vai, ép tới mức không thở nổi. Đang chạy xe ngoài đường mà nước mắt tôi cứ ngằn ngặt rớt. Khóc quá không biết sao chạy nữa, tôi lủi xe đại vô chợ Bến Thành gởi. Vừa đi bộ vừa khóc, nước mắt ướt cả cái khẩu trang đang che, thấm hết cả đôi găng tay, loang xuống nửa cái áo khoác. Tôi khóc không phải vì khổ với nghề mà vì tôi không thể nào hiểu được, tôi đã cố gắng hết sức để được làm nghề, được sống với nghề, tại sao họ lại nỡ đối xử với tôi như vậy? Khóc tới mức như có bao nhiêu nước trong người cứ trút ra thành nước mắt. Khóc tới lúc không còn khóc được nữa. Tôi tỉnh ra, có khóc, có buồn người ta cũng đâu đếm xỉa, thương xót mình. Thôi thì để thời gian khóc mà tập, mà làm để họ phải nể, phải tôn trọng, phải mời mình. Vì nghề diễn đâu có dành cho những đứa trẻ mong manh, có gia đình đổ vỡ mà chỉ dành cho những người cứng rắn và bản lĩnh, bị vùi dập, chà đạp tới đâu cũng phải ngóc mình ngoi dậy.

3. Ban đầu tôi học để trở thành diễn viên chính kịch. Chẳng biết tình cờ sao, mấy vở kịch dài tìm đến thì tôi được chọn vào những vai vui vui, hài hước nhẹ nhàng. Vở kịch dài đầu tiên tôi đóng là vở Nữ sinh. Khởi nghiệp, tôi đóng toàn vai “nhí”. Ấn tượng nhất với khán giả có lẽ là vai bé Hoài Thu trong vở Hoài Thu của tôi (1993). Hôm nào tôi diễn xong, khán giả cũng gửi vào cánh gà nào xôi, khoai mì nước cốt dừa, bánh mì, có người gửi cho dép, áo đầm, gấu bông,... Hạnh phúc lắm!

Định hình riết cứ thấy vai vui, vai hài là mọi người tìm đến tôi. Rồi tôi chuyển qua làm hài kịch lúc nào không hay. Các tiểu phẩm của tôi, từ sáu mươi giây cho đến mười lăm, ba mươi phút và cả kịch dài, má tôi đón coi không sót. Có điều má ít khen tôi lắm. Còn diễn dở là má chê thẳng vô mặt liền. Có lần trong một tiểu phẩm, tôi làm lố quá, má nói má không thích cái kiểu hài hình thể của tôi vì diễn hài như vậy là chưa có tâm. Khán giả xem đó, cười đó rồi quên đó chứ chẳng đọng lại gì. Lúc ấy tôi háo thắng có “cãi” lại má nhưng sau càng ngẫm càng thấy má nói đúng. Nên, diễn vai nào tôi cũng cố gắng mang kinh nghiệm từ cuộc sống của bản thân và quan sát từ những người xung quanh để hóa thân. Hài kịch đâu đơn giản chỉ để mang lại tiếng cười mua vui?

Hai mươi mấy tuổi tôi được khán giả nhớ mặt biết tên và thương quý, chưa bao giờ tôi có cái gọi là bệnh ngôi sao với khán giả, với đồng nghiệp, với các em diễn viên trẻ. Vì tôi biết, lớp sóng này chưa qua, lớp khác đã xô tới. Mọi người có thể chê tôi diễn không hay nhưng chưa ai dám bảo tôi lười biếng, trễ giờ, hạnh họe. Nhưng, cái đau và lỗi lầm lớn nhất là tôi lại bệnh ngôi sao với chính gia đình của mình. Tôi nói một là một, hai là hai, đã bảo đúng thì cấm có sai. Má nuông, chị thương thành ra tôi đâm “hư”. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc bước xuống bếp nhúng tay nấu ăn, phần vì tôi chạy show liên tục, phần vì ngày đó trẻ người non dạ, tôi cứ nghĩ có tiền thì cứ ra ngoài ăn hơi đâu nấu nướng cho mệt xác. Gia đình nhỏ của tôi cũng vì thế mà tan vỡ. Nuối tiếc nhiều, buồn nhiều nhưng cũng từ đó mà tôi nhận ra được hạnh phúc lớn nhất của một đời người, không phải là tiền bạc, không phải là danh vọng phù phiếm mà là một mái nhà bình yên để nhớ mỗi khi đi xa, để được trở về ngả lưng mỗi khi bị sóng gió cuộc đời xô đẩy, vùi dập…

Ý nghĩa của cuộc đời này không phải tựa nương vào những người thân yêu sao?

Hoàng Dung
.
.
.