Kia
Mobifone

Những kỷ niệm khó quên với họa sĩ Bùi Xuân Phái

Thứ Ba, 06/03/2018, 08:49
Tôi quen biết Phái vào một buổi tối mùa đông năm 1962. Trên căn gác nhà họa sĩ Nguyễn Dung ở phố Quán Thánh.

Nghe biết tiếng anh đã lâu, nay mới được gặp. Do anh gầy nên dáng người lại thành cao, trên vầng trán hói, mái tóc thưa và đen; má hóp lại làm khuôn mặt đâm dài ra; đôi mắt trong xanh, thông minh và có nghị lực. Anh quen nói to, giọng vang và ấm. 

Qua sự giới thiệu của Nguyễn Dung, tôi và anh trở thành quen biết. Anh rút túi áo lấy ra một chiếc bút máy và giở quyển sổ tay vạch vài ba nét đã thấy hình tôi hiện lên trên trang giấy. Vẽ xong, anh tặng ngay tôi, mặc dù mới quen biết buổi đầu. Thầm ơn anh, tôi có hỏi thăm địa chỉ. Cách vài ngày sau tôi có lại thăm anh ở căn nhà bên trong số 87 phố Thuốc Bắc, một gian nhà không rộng. 

Tiếp tôi trên gác xép, nếu đứng thẳng người thì dễ chạm đầu nên phải cúi lom khom. Gác lát bằng những tấm gỗ hòm nên không lấy gì làm chắc cho lắm. Diện tích vừa đủ trải chiếc chiếu rộng. Gần chỗ nằm kê chiếc tủ con đựng đồ lặt vặt. Mấy chồng sách báo cũ sắp xếp xung quanh.

Trên tường móc vài bức tranh sơn dầu không khung. Một cây đèn bóng 75W xoay ngang mọi chiều để chiếu sáng. Hộp rửa bút là chiếc ống bơ đã gỉ, ngổn ngang mấy tuýp sơn dầu đang dùng dở đựng trong hộp thuốc vẽ bê bết màu sơn. Chiếc điếu cày để vào bên trong cái lọ sành. Anh nhấc điếu đặt mồi thuốc lào châm đóm hút, khi bỏ điếu ra lại húng hắng ho.

Gần anh tôi thấy dễ mến vì anh ăn nói rất có duyên, tỏ ra là người lịch duyệt. Như câu chuyện anh thường nói đùa mang chất châm biếm hài hước rất tế nhị, nghe rất thú vị. Anh cười một cách sảng khoái, tiếng cười giòn giã rất khó quên. 

Tính chất hồn nhiên phóng khoáng nhưng rất nhạy cảm với hoàn cảnh xã hội thực tế và đời sống bên ngoài. Anh ghét nhất là lối đạo đức giả hoặc câu chuyện làm quà đãi bôi hay kiểu vuốt đuôi.

Cụ Đạm bên những bức ký họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Mỗi khi để tôi xem tranh, anh lại lật chiếc chiếu mà anh đang nằm lấy ra những bức họa bằng bột màu hoặc mực nho. Có lẽ sức nặng trên người anh nén xuống làm những bức tranh phẳng phiu hơn. Anh đặt tranh lên trên miếng carton cứng. Cần thay đổi, anh dùng 4 chiếc cột sắt. Tháo ra lồng vào, lần lượt giở bức này qua bức khác. 

Xem xong, tôi dè dặt không dám khen - chê, sợ nói ra không đúng ý. Vì khi đó tôi mới bắt đầu làm quen với hội họa. Nhiều lần qua lại, tôi với anh đã trở nên thân mật và cũng học hỏi ở anh được nhiều điều hay.

Tôi thường đến với anh vào buổi tối chuyện trò mới được lâu hơn. Có khi anh vừa vẽ vừa tiếp chuyện. Cũng tại nơi đây thường gặp một số bạn bè của anh nên tôi được quen biết nhiều thêm.

Mùa hè nóng bức, ngồi trong nhà anh khá nóng, một chiếc quạt con không đủ mát nên anh và tôi thường rủ nhau đến nhà bạn bè nào có sách họa để xem, vì hồi đó sách họa của anh có rất ít. Những người có nhiều sách hội họa là Linh Chi, Lợi “búp bê”, Duy Nhất và Nguyễn Dung. Gần thì chúng tôi thủng thẳng đi bộ, xa hơn thì đi xe đạp. Chiếc xe anh vẫn đi cọc cạch tay phanh lỏng lẻo, xích líp bị rão ra. 

Đi được một quãng lại phải xuống vì xích lại rời ra khỏi đĩa và líp. Mỗi lần như vậy, anh thở dài và ngao ngán. Tôi cho rằng tài năng của anh chưa gặp vận. Cuộc sống của anh khá chật vật, cũng may được người vợ đảm. Sự nghiệp của anh cũng do người vợ đóng góp đôi phần.

Khoảng năm 1965, Hội Mỹ thuật có trợ cấp cho anh mỗi tháng 80 đồng. Trong số 700 hội viên, có độ mươi người mới được hưởng trợ cấp như vậy. Ngoài ra, anh làm thêm trình bày bìa sách, vẽ minh họa cho các báo. Thỉnh thoảng nhận công việc trang trí cho sân khấu kịch hoặc chèo. 

Vì thế, Trần Huyền Trân và Trần Hoạt thường đến gặp anh để bàn công việc. Nhờ đó, mỗi tháng anh thu nhập cũng thêm được dăm bảy chục. Họa hoằn lắm mới bán được vài bức tranh. Số tiền nhỏ nhoi cũng không đáng kể. Chị làm y tá tháng được dăm chục đồng. Về nhà lại phải làm thêm.

Cứ chập tối lại có mươi người đến nhờ tiêm. Mỗi mũi tiêm lấy độ 0,2 đồng. Trong gia đình có hai vợ chồng và 5 con nhỏ. Ngoài ra còn nuôi thêm một bà giúp việc. Với số thu nhập trên tránh sao cho khỏi phần túng thiếu.

Hội Mỹ thuật có ưu tiên đưa anh một số tranh khắc gỗ Đông Hồ vẽ về Bát Tiên quá hải để anh tô màu bán vào dịp tết. Anh nghĩ thêm được đồng nào trọng đồng ấy, miễn là có việc mà làm. Ban ngày làm việc mệt nhọc, tối lại thức khuya vẽ minh họa để kịp gửi đến tòa soạn. Đặt mình nằm chưa kịp chợp mắt thì đàn chuột đến quấy rầy, thường xuyên bị mất ngủ.

Làm việc mệt nhọc hoặc thức quá khuya, anh thường dùng đến café, đôi lúc cũng uống rượu những lúc gặp bạn vui chơi hoặc thù tạc thường chạm chén với Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên. Rượu anh quen dùng là loại quốc lủi, quán rượu anh thường lui tới ở phố Hàng Mành. 

Lê Chính làm trình bày cho Báo Văn nghệ, thường đến anh để trả tiền minh họa. Anh lại kéo đến đấy uống rượu. Ở đó, hay gặp Văn Cao và một số anh em khác. Rượu ngà ngà anh lại lững thững đến Trần Văn Lưu làm nhiếp ảnh ở phố Hàng Bông. 

Ở đây lại thường chạm trán với Vũ Đình Liệt, Đoàn Phú Tứ và Trần Lê Văn. Đôi lúc, trong túi rủng rỉnh anh lại la cà đi ăn quà sáng ở ngõ Hàng Giầy, vào chợ Hàng Da ăn bún thang hoặc ra phố Lương Văn Can ăn sủi cảo. Món ăn anh thích nhất có lẽ là chim quay.

Anh ham vẽ lắm, ngồi đâu vẽ đấy, mấy mảnh giấy con, một tờ báo cũ, thậm chí có khi chỉ là vỏ bao diêm, vỏ bao thuốc lá, nắp hộp mứt, nắp hộp kẹo, quệt vài ba nét cũng trở thành tranh. Có nhiều bức hay hay anh giữ lại. Ai thích anh cho. Bức nào không thích hoặc chưa vừa ý anh vò xé quẳng vào sọt rác chẳng tiếc tay.

Lần đầu tôi hỏi mua tranh, anh chỉ tay bức tranh đang treo ở trên tường nói: “Nguyễn Dung vừa mới bán cho Đức Minh bức tranh sơn dầu khổ to bằng thế này vẽ tĩnh vật với giá 180 đồng”. Rồi anh khiêm tốn, giọng hài hước nói với tôi: “Tài tôi may ra bằng nửa tài Nguyễn Dung, chỉ xin với nửa giá đó”. 

Tất nhiên, tôi với anh giá cả thế nào cũng xong. Dù sao đối với tôi, anh vẫn ưu ái hơn người khác. Cóp nhặt dần dần qua nhiều năm, tranh của anh có ở trong tay tôi trên 40 bức vừa sơn dầu vừa bột màu. Ngoài ra có tới 200 ký họa chân dung anh vẽ về tôi. Có bức ký họa nào bạn bè thích tôi tặng lại.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm.

Thời gian từ 22/12/1984 - 22/1/1985, anh có triển lãm tranh ở phố Ngô Quyền, trưng bày 107 bức họa vừa sơn dầu, vừa bột màu. Trong một vài ngày đã bán được 25 bức. Một con số kỷ lục về bán tranh trong các cuộc triển lãm ở Việt Nam từ trước tới thời điểm đó. 

Cuộc sống của anh bắt đầu trở nên khấm khá. Kinh tế trong gia đình đã có nhiều thay đổi đáng mừng. Các nhà quay phim vô tuyến truyền hình trong và ngoài nước đã tìm đến anh. Nhà quay phim người Australia cũng cố mời bằng được để anh ra phố quay về phố cổ. Báo chí trong nước và nước ngoài kể cả Việt kiều ở xa đất nước cũng hướng về anh.

Mấy năm về trước anh cũng được giải thưởng cao về trình bày bìa sách ở hội chợ sách quốc tế tại Leipzig, Đông Đức (cũ) vẽ về “Hề, chèo”. Các cuộc triển lãm ở trong nước, nhiều năm anh cũng được giải thưởng. Danh vọng và tiền tài đã đến với anh lúc này không thiếu. Điều mơ ước ở anh trong lúc này chỉ cần một “atelier” (xưởng vẽ) để làm việc. Thêm một điều ước muốn nữa là được đặt chân đến Paris, thủ đô nước Pháp. 

Nếu tới đó, anh sẽ đến thăm viện bảo tàng Lourve và Musée dArt Moderne để được chiêm ngưỡng những kiệt tác của các nhà đại danh họa tầm cỡ thế giới. Những ước mơ đó đối với anh không khó. 

Nhưng đến khi qua đời anh vẫn chưa thực hiện được ý muốn. Nhớ đến hằng năm cứ vào dịp tết anh lại vẽ một số thiếp chúc tết. Lấy con vật của một năm làm đề tài. Năm thì vẽ con gà, con lợn, năm thì vẽ con ngựa, con dê. Bạn bè thân ái đến chơi hoặc đến nhà ai chơi anh đều tặng. 

Tết Mậu Thìn 1988, tôi đã mấy ngày đợi anh ở nhà vẫn không thấy anh lại. Khác hẳn với mọi tết. Mọi khi thường anh đến tôi hoặc tôi đến với anh trong hai ngày mồng Một hoặc mồng Hai. Nóng ruột quá, chiều ngày mồng Năm tôi đến thăm anh, thấy còn trùm chăn kín mít.

Nghe thấy tiếng tôi, anh vùng dậy, trong người hãy còn nồng men rượu. Sau đó, anh phải vào Bệnh viện Việt Xô điều trị. Ít ngày sau, ở bệnh viện về, tôi có lại thăm. Thấy bóng dáng tôi, chị Phái tỏ vẻ vui mừng khoe anh đã ăn được khá hơn trước, tuy nói năng vẫn phải dùng đến bút đàm. 

Rút trong chiếc cặp da lấy ra bức ảnh chân dung cỡ 9x12 anh ghi mấy chữ: "Thân tặng cụ Đạm một bức ảnh rất xưa - HN, 11/5/1988”. Cầm tấm ảnh, tôi không nhận ra anh vì lúc đó anh là một thanh niên đẹp trai tuổi mới 21 đang học ở trường Mỹ thuật Đông Dương. Cách nhau 48 năm rồi làm gì mà không khác.

Tôi thường quen nhớ đến tuổi mụ vì anh sinh năm Canh Thân 1920, cùng tuổi với Duy Nhất nhưng trong giấy khai sinh lại ghi là 1/9/1921 để xin vào học cho dễ. 

Bâng khuâng đi đường tôi suy nghĩ có việc qua lối Tràng Thi gặp Thái Bá Vân, hỏi tôi: Trong mấy ngày gần đây anh có đến Phái không? Tôi trả lời: Vừa ở nhà Phái ra. Vân hỏi: Anh thấy thế nào? Tôi nói: Sức khỏe xem ra khá hơn mấy hôm nọ. Vân cho biết là anh (Phái) bị cance (ung thư) gia đình giấu không cho Phái biết. Lòng tôi se thắt lại... nhưng vẫn nửa tin nửa ngờ. 

Cách vài tháng sau đến thăm, thấy anh ngả người trên chiếc ghế bành mắt lim dim lúc nhắm lúc mở. Thấy tôi anh choàng dậy gật đầu chào, còn có vẻ mệt mỏi. Nhìn kỹ sắc thái lúc này đã thấy sút hẳn. Không làm phiền hỏi nhiều để anh phải mệt thêm. Giữ ý tôi cáo từ ra về sớm hơn mọi bận.

Hà Nội trong mấy ngày ấy thật oi bức, nhiệt độ từ 35-36 độ. Nóng cả ban ngày, nóng cả ban đêm. Cứ hầm hập. Chiều tối 23/6, cơn dông to ập đến, mây đen mù mịt lác đác vài giọt mưa, sau trở thành nặng hạt. Nhiệt độ trong người anh cũng bắt đầu thay đổi. Sau giờ vô tuyến, trong người anh cảm thấy khó thở. Gia đình bối rối. Chị và các cháu thấy cần phải đưa ngay anh vào viện để cấp cứu. Cháu Phương đi kèm cùng anh từ nhà ra đường, lúc đó anh còn kéo lê đôi dép tự đi một mình. 

Vào tới Bệnh viện Việt Xô, bác sĩ và những người trực ca đêm đó đã tận tình cứu chữa, dùng phương pháp hồi sức bằng cách cho thở ôxy. Nhìn điện tâm đồ thấy hơi thở tụt dần. Tim anh bắt đầu ngừng đập vào 20h40 ngày 24-6-1988...

Thế là Hà Nội đã mất đi một họa sĩ tài hoa. Đất nước mất đi một danh họa. Nhưng Bùi Xuân Phái đã để lại cho đời những bức tranh trường tồn cùng thời gian...

Nguyễn Bá Đạm

.
.