Nhà văn Nam Hà và bài thơ vỡ lòng của tôi
- Vĩnh biệt nhà văn Nam Hà: Một người lính đã ra đi...
- Nhà văn Nam Hà: “Ta hát mãi bài ca đất nước”
- Đại tá, nhà văn Nam Hà: Sống được như thế này là lãi rồi1
- Nhà văn Nam Hà: Đi qua chiến tranh, tôi là người có lãi!
- Đại tá nhà văn Nam Hà: Người của những hồi ức
- Nhà văn Nam Hà: Văn là người
Tôi là thằng bé học hành rất cà chớn ngay từ buổi đầu tiên. Hồi 5 tuổi, nghe cậu Thành nhà kế bên (đang học lớp 6 miền Bắc) xúi, tôi bỏ học mẫu giáo đi mót lúa. Ham mò cua bắt ốc, tôi nổi tiếng khắp xứ Kẻ Ngù, tức làng Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh với biệt danh "chim... chấm bùn", quên béng mất chuyện đi học.
Khi lũ bạn mẫu giáo cùng tuổi kéo nhau vào lớp vỡ lòng (tương đương lớp 1 bây giờ), chúng có sang nhà rủ tôi. Bắt cào cào châu chấu và dang nắng, lội bùn, gỡ đỉa có vẻ thích hơn, tôi bảo: "Bây học trước đi, choa từ từ".
Bọn bạn cùng tuổi học xong nửa lớp vỡ lòng thì bố tôi từ miền Nam về phép. Viết một chữ lên vỏ bao thuốc lào Vĩnh Bảo, ông hỏi tôi: "Chữ chi đó?". "Thuốc lào", tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ và nhận ngay một tát tai tóa đom đóm.
Xót ông con lêu lổng, nhất là không chấp nhận nổi chuyện cả bố lẫn mẹ đều là nhà giáo mà thằng con 6 tuổi lại không biết chữ, ông xách tai tôi vào miền Nam, nơi ông đang dạy Triết - Kinh tế chính trị tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thuận Hải.
Thật ra chuyến hành phương Nam đầu tiên, tôi không đi với bố. Ông hết phép, đi trước, chú Xuân Lộc, phóng viên thường trú Báo Nhân dân ở Thuận Hải đưa tôi vào sau.
Suốt chuyến đi, trên tàu Thống Nhất, tôi cứ vung vẩy nghịch khẩu K59 nặng trịch đã tháo đạn của chú Xuân Lộc, mồm thì hỏi không kịp khép: "Đây là đâu hả cô/ chú/ bác/ o...?" rồi "Sa Huỳnh đạ phại là miền Nam chưa?"...
Vô tháp Chàm (Thuận Hải) khi đã sắp hết học kỳ II của năm học, tôi cũng không đến trường theo lớp được nữa. Người thầy đầu tiên trong đời chính là bố tôi. Là “giáo viên chủ nhiệm” kiêm “phụ huynh” của lớp học tại gia trong khu tập thể giáo viên, một thầy một trò, ông đặc biệt khó tính.
Sau khoảng 10 ngày, thuộc 24 chữ cái, 10 con số, bố tôi ra cho tôi 100 bài toán cộng - trừ, nhân - chia, tìm x, tìm y đơn giản và quẳng cho tôi tập thơ Khu VI yêu thương, coi đó là giáo trình năm thứ nhất tiểu học để tôi vừa tập đọc, vừa tập viết, vừa học văn chương, lịch sử và... chính trị.
Sau hơn nửa năm, hết hè năm 1979, quay lại miền Bắc, tôi nhảy ngang vào học lớp 2, trong khi đám bạn học xong vỡ lòng trước thì theo "đúng quy trình", mới vào lớp 1 hệ 10 năm. Thầy Lê Bô, hiệu phó cấp I trường làng là người kiểm tra trình độ để xếp lớp cho tôi. Thử đủ thứ, từ tập đọc, viết chính tả, văn tả cảnh, viết thư cho đến giải toán...
Xong, ông ấy bảo: "Hấn tóm (gầy) như con dam (cua đồng), nhỏ như cấy kẹo, học lớp 2 là vưa (vừa). Chớ trình độ thì cho học lớp 4, hấn cũng học được, nỏ hại (không phải lo lắng)".
Tất nhiên, thầy Lê Bô đã nói thì ban giám hiệu và các thầy cô khác đồng ý ngay. Nổi tiếng kiêu ngạo, trong một buổi chào cờ, thầy Lê Bô từng tuyên bố về bản thân trước toàn trường: "Tôi giỏi gần như Lê Quý Đôn" (!)
Sao cũng được, tôi cũng chẳng quan tâm lắm chuyện bạn bè phải mất thì giờ học vỡ lòng và lớp 1 mất những 2 năm trong khi mình chỉ mất 6 tháng. Trường xếp lớp nào, tôi học lớp nấy. Đã thuộc cả bài thơ dài dằng dặc của ông nhà văn Nam Hà thì sá gì chuyện ngồi lớp nào.
Tôi nhớ rất rõ, trong tập thơ Khu VI yêu thương, bài Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi! của nhà thơ Nam Hà không mang tựa ấy. Nó có tên là Bài thơ Đất Nước. Đó cũng là bài thơ dài nhất tập thơ (ngang với bài Anh Pi Năng Tắc).
Vì dài nên tôi phải chép nhiều lần - một cách khổ sở, bỏ lỡ không ít đận đi chơi với đám bạn quần cộc, chân trần, thò lò mũi xanh - cho nên tôi thuộc làu. Cái tên tác giả, vì thế, cũng nằm lại trong óc tôi từ bé.
Ba chục năm sau tôi mới biết nhà văn Nam Hà tên thật là Nguyễn Anh Công, sinh năm 1933 tại Đô Lương, Nghệ An. Ông là đại tá, nhà văn quân đội.
Thời chiến tranh, ông sống, chiến đấu và sáng tác cả chục năm ròng ở khu vực miền Đông Nam Bộ, từng nhiều năm lăn lộn các chiến trường, chiến khu Bác Ái, Anh Dũng (tỉnh Thuận Hải), vùng Cam Ranh - Khánh Vĩnh - Khánh Lê (tỉnh Phú Khánh).
Thời đó (trước 1975), tất cả những vùng này đều nằm trong địa giới hành chính tỉnh Thuận - Lâm (tức Thuận Hải và Lâm Đồng sau này) theo quy định của phía Chính phủ lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Đó cũng là nơi mà tôi bắt đầu lớn lên, ngập ngừng với những i tờ con chữ đầu tiên của cuộc đời.
Ông đã sống một quãng thời gian rất dài trong rừng già Nam Trường Sơn, đồng cam cộng khổ, sẻ chia bom đạn rất lâu cùng đồng bào dân tộc Kho, Rag-lei vùng Khu VI trước khi tiến xa hơn xuống khu vực miền Đông đất đỏ, vùng chiến khu Tân Uyên thuộc Bình Dương và áp sát Sài Gòn...
Người thì không biết nhưng tác phẩm của ông thì tôi đọc hình như không sót cuốn nào. Tất nhiên, nhớ thì không hết, chỉ một số cuốn: Trở lại Bác Ái, Mùa rẫy, Mặt trận Đông Bắc Sài Gòn, Chị tham mưu trưởng, Đất miền Đông, Trong vùng Tam Giác Sắt, Trận Xuân Phong và hai tập tiểu thuyết gần nhất Ngày rất dài (2001)...
Ông viết nhiều, viết đều, viết khỏe, tác phẩm dày dặn và phong phú, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký và thơ - khá nhiều thơ. Ông là một một nhà văn mang áo lính có sáng tác trung thành với thiên chức “ghi biên bản chiến tranh”.
Tác phẩm của ông đã giành nhiều giải thưởng văn chương trong suốt nửa thế kỷ qua. Bản thân nhà văn cũng đã được nhà nước ghi nhận bằng tấm huân chương Độc lập cao quý.
Đọc ông, tôi và nhiều thế hệ người đọc khác đã từng rất say mê cuốn Trong vùng Tam Giác Sắt (tiểu thuyết 2 tập, viết về chiến trường Bến Cát - Tân Uyên - Lai Khê, tỉnh Bình Dương ngày nay).
Không chỉ là sáng tạo văn chương, tác phẩm của ông đích thực là những trải nghiệm thật, là đời sống thật, đẫm chất nhân văn với những khát vọng trong khét lẹt mùi khói súng...
Trong đời, tôi chỉ say mê đọc mà chưa từng gặp ông. Và giờ, ngày 19-5-2018, ông đã ra người thiên cổ, thọ 86 tuổi. Đành, đời người có sinh có tử. Chỉ là tôi nhớ ông vì tôi nhớ tuổi thơ tôi. Dẫu sao, bài thơ dài như đất nước của ông cũng là bài học vỡ lòng của tôi.
Dù muốn hay không, tôi cũng đã từng vịn vào câu thơ của ông mà trưởng thành tri thức, mà khôn lớn, mà say mê rồi trở thành kẻ hậu sinh dan díu với nghiệp cầm bút. Tôi đã đọc, đã thuộc lòng bài thơ ông rứt ruột mà viết từ khi không hề hiểu, không chắc đã hiểu hết. Tôi quên làm sao được.
Không quên, nhất là khi bài thơ của ông gắn với sự học không hề đúng quy trình của tôi, gắn với cuộc đời ưa xê dịch và tất nhiên cũng chẳng bao giờ đúng quy trình của tôi...
Đi học trễ 1 năm, tôi vẫn tốt nghiệp trung học sớm 1 năm, vì học hệ 12 năm nhưng chỉ tốn 10 năm. Nói chung, với tôi, đọc ông Nam Hà, nhất là đọc thơ, rất có lợi cho việc học!
Nhà văn Nam Hà (giữa) trong một chuyến thu thập tài liệu chiến tranh. |
Nguyên văn trong trí nhớ 40 năm của tôi, bài thơ ấy thế này:
BÀI THƠ ĐẤT NƯỚC
Đường dài đi giữa Trường Sơn
Nghe vọng bài ca đất nước
Đất Nước
Bốn ngàn năm không nghỉ
Những đạo quân song song cùng lịch sử
Đi suốt thời gian, đi suốt không gian
Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang
Đất Nước
Của những câu chuyện làm ta rưng rưng nước mắt
Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt
Trên mỗi con đường mỗi thôn xóm ta qua
Từ non ngàn cho tới biển xa
Đất Nước
Của thơ ca
Của bốn mùa hoa nở
Đọc trang Kiều tưởng câu hát dân gian
Nghe xôn xao trong gió nội mây ngàn
Đất Nước
Của những dòng sông
Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn
Ngọt lịm những giọng hò xứ sở
Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa
Đất Nước
Của những người mẹ
Mặc áo vá vai
Hạt lúa củ khoai
Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu
Đất Nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nứơc mắt để dành cho ngày gặp mặt
Đất Nước
Của Bác Hồ
Của óc thông minh và lòng dũng cảm
Của những đèn pha cách mạng
Soi sáng chân trời xuyên suốt đại dương
Ôi tuổi thanh xuân
Mang bốn ngàn năm lịch sử trong tim
Ta sung sướng được làm người con Đất Nước
Ta băng tới trước quân thù như triều như thác
Ta làm bão, làm dông
Ta lay trời chuyển đất
Ta trút hờn căm để làm nên những vinh quang bất diệt
Giáng xuống quân thù như sấm sét không nguôi
Sức mạnh bốn ngàn năm đã biến thành bão lửa ngút trời
Đất Nước
Ta hát mãi bài ca Đất Nước
Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc
Cho mắt ta nhìn tận cùng trời
Và cho chân ta đi tới cuối đất
Ôi! Tổ quốc mà ta yêu quý nhất
Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi,
Việt Nam ơi!
Nam Hà - 1966
Chép lại bài thơ, tôi chỉ muốn chúc ông đi thanh thản. Cũng giống như tuổi thơ tôi đã rời đi lâu lắm rồi, dù có muốn cũng không níu thời gian quay lại được...