Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Thu hát cho người
- Nhà báo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Thao thức nhìn trăng
- Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Hết làm thầy lại... làm thầy!
Anh là nhà giáo, một giáo sư dạy triết trước khi trở thành nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với bài hát vượt không gian, thời gian để định danh là bài hát của đôi lứa, của tình yêu, đó là ca khúc Thu hát cho người với nhiều huyền thoại quanh nó.
Không chỉ là một nhạc sĩ nổi tiếng, Vũ Đức Sao Biển còn là một nhà báo và là một cây viết phiếm luận tài ba, rất có duyên với bút danh Đồ Bì.
Trước năm 1975 tôi không quen anh, nhưng ca khúc Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển, tôi và những thanh niên niên cùng thời đều nghe các ca sĩ thời danh hát trong băng nhạc phát ở các quán cà phê Sài Gòn như: Hầm Gió, Thằng Bờm,... và các ca sĩ hát live trong các phòng trà, vũ trường. Khi bập bẹ tự học đàn ghi-ta, tôi cũng đệm đàn và hát bài này.
Giang hồ cũng đồn rằng, người con gái, một bóng hồng trong ca khúc Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển cũng hiện diện trong một ca khúc nổi tiếng khác có tên là Ru con tình cũ của một nhà thơ, đồng thời là nhạc sĩ của ca khúc này: Đinh Trầm Ca.
Nhà thơ, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca cũng là người Quảng Nam, cũng yêu cô gái mà vũ Đức Sao Biển đã yêu. Hai người thanh niên Quảng Nam yêu một cô gái Quảng Nam để có được hai bản tình ca ngân lên cho đời này thêm thơ mộng, dệt thoại cho cuộc tình không đoạn kết, hoặc đoạn kết không trọn cũng là một điều may mắn cho thế gian, thêm những huyền thoại thú vị cho cuộc sống cũng là một chuyện quý hiếm, đáng gìn giữ và đáng trân trọng.
Nhà thơ, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca, thật ra phải viết đúng bút danh anh trước năm 1975 là như thế này: Đynh Trầm Ca, chữ Đinh y dài, sau năm 1975 anh mới đổi lại viết Đinh i ngắn.
Tôi quen nhưng không thân với Đinh Trầm Ca lắm, chỉ gặp anh vài lần ở Sài Gòn sau năm 1975, nghe nói anh giang hồ khắp các tỉnh miền Tây rồi lại trở về Đà Nẵng và một lần trước khi về Đà Nẵng, một Đinh Trầm Ca rất bụi đời trong gương mặt, tóc tai, quần áo và cái bị đệm anh xách theo, chẳng biết trong cái bị đệm giang hồ ấy tác giả của ca khúc Ru con tình cũ đựng gì, nhưng trông anh rất vội vã.
Như lúc trao cho tôi một tập giấy viết tay, đó là những bài thơ của anh để tôi chọn đăng trên đặc san Báo CATP.
Chỉ kịp uống với nhau tách trà tại phòng tôi làm việc, rồi Đinh Trầm Ca xách bị đệm giang hồ ra đi cho tới bây giờ tôi không gặp lại để có dịp hỏi anh và nghe chính anh xác định có phải cô gái trong Ru con tình cũ cũng là cô gái trong Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển?
Nhưng Vũ Đức Sao Biển thì tôi chơi thân sau năm 1975 khi anh bỏ nghề dạy học ở Bạc Liêu về sống tại quận 7, TP HCM. Một hôm tôi qua nhà Hoàng Yên Di chơi, Hoàng Yên Di cùng công tác với tôi ở Báo CATP, có ngôi nhà vườn bên kia sông nằm ở địa bàn xã Tân Quy Đông.
Ngôi nhà vườn của Di nằm trên một “hoang đảo”, vì hồi ấy dân cư không đông đúc như bây giờ nên chúng tôi gọi đó là “Đào Hoa Đảo” và phong luôn cho Di chức chúa đảo giống như Hoàng Dược Sư, chúa đảo Đào Hoa trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, mặc dù đảo của Hoàng Yên Di không có hoa đào nở quanh năm, mà chỉ có dừa và cạnh bãi sông nhà Di có hàng phi lao suốt ngày cất tiếng reo vi vu trong gió đồng nội cũng khá thơ mộng.
Muốn qua nhà Hoàng Yên Di phải vượt sông, con sông khá rộng dù nước ròng cũng rất sâu nên không thể cởi quần áo ra lội mà phải chờ Di chèo cái phao bằng ruột xe ô tô bơm căng cứng, trên đặt tấm ván để một người ngồi đâu lưng với Di, cùng giữ thăng bằng để Di dùng cây dầm bơi ngược sóng, đưa khách qua sông như ông lái đò bất đắc dĩ.
Công việc đưa rước khách qua sông tới chơi nhà của Di rất cực, khách đông từ 3-5 người trở lên thì rất mất thời gian và mất sức chèo chống. Nhưng Di lại thích rủ bạn bè về nhà mình chơi, nhậu nhẹt, đàn hát cho vui, vì nói thật, ở bên đảo rất buồn.
Hôm ấy con sông nước cạn, trong lúc chờ Hoàng Yên Di qua rước, tôi bắt gặp một người đàn ông đầu đội nón sùm sụp, cùng đứa trẻ con lam lũ hì hụi kéo lưới bắt cá ven bãi sông. Tôi cứ ngỡ đó là hai cha con của một người nông dân cư ngụ gần đó, nhưng khi Hoàng Yên Di chèo chiếc phao qua gọi í ới, tôi mới nhận ra đó là hai cha con của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Khi anh bỏ dạy ở Bạc Liêu về nhà “ẩn cư” do cuộc sống khó khăn lúc đó, Vũ Đức Sao Biển phải làm ngư ông bắt đắc dĩ, thường cùng đứa con trai lớn ra con sông cạnh nhà Hoàng Yên Di kéo lưới bắt cá, tôm tép giúp vợ anh - cũng là một nhà giáo - cải thiện bữa cơm gia đình.
Nói thật, lúc biết đó Vũ Đức Sao Biển, thấy hình ảnh lam lũ của hai cha con kéo lưới trên bãi sông, dù có thể đây là một thú vui một cách giải trí thư dãn, hoặc thật sự đây là một cách sinh nhai, độ nhật của chàng nhạc sĩ tài hoa có bài hát Thu hát cho người nổi tiếng, được hàng triệu thanh niên nam nữ yêu mến trong lúc lỡ vận cũng làm lòng tôi se thắt, thương bạn đến ngậm ngùi.
Chúng tôi đề nghị Vũ Đức Sao Biển ngưng việc kéo lưới, qua nhà Hoàng Yên Di chơi. Vũ Đức Sao Biển nhận lời nhưng không đồng ý bỏ việc kéo lưới mà vẫn tiếp tục cho đến khi con nước lớn mới nghỉ rồi về nhà tắm rửa thay quần áo mới qua sông sang nhà Di.
Vũ Đức Sao Biển uống rất ít, nói chung trong nhóm bạn bè chúng tôi không ai uống được nhiều, nhậu nhẹt chỉ là cái cớ để bạn bè lâu lâu gặp nhau vì những năm tháng khó khăn ấy ngoài nhậu cũng chẳng có gì để giải trí. Hôm đó Vũ Đức Sao Biển đã ôm đàn, hát cho bạn bè nghe mấy ca khúc anh mới sáng tác lúc còn dạy học ở Bạc Liêu.
Trong đó có ca khúc mà tôi rất thích là Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang mang hơi hướng dân ca Nam Bộ, ẩn chứa nhiều tâm tình và cả tâm trạng của tác giả về một nơi chốn mà Vũ Đức Sao Biển từng gắn bó.
Có lẽ từ giai đoạn đó cho đến sau này, nhạc của Vũ Đức Sao Biển chuyển sang một cột mốc mới, anh có nhiều ca khúc đậm chất dân ca hơn, thấm đẫm tình người và tình yêu đôi lứa. Và cũng có lẽ, từ khi Vũ Đức Sao Biển ký âm lại bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhạc của anh cũng đã mượn những điệu hò, điệu lý của cổ nhạc để lồng vào ca khúc của mình, khiến ca từ và điệu thức mượt mà, ngọt ngào, sâu lắng, thu hút hơn.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cùng nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng. |
Ví dụ như bài Điệu buồn phương Nam, anh dùng cả bản Trăng thu dạ khúc của cổ nhạc để lồng vào, khiến cho ca khúc này càng đẹp, càng sâu lắng và mượt mà hơn.
Sau đó, Vũ Đức Sao Biển về công tác ở Báo CATP với chúng tôi từ quyết định của anh Huỳnh Bá Thành đồng hương với Vũ Đức Sao Biển. Chúng tôi đã trở thành người một nhà, vui hơn rất nhiều ở những buổi họp mặt nhậu nhẹt sau đó, khi thì ở nhà Vũ Đức Sao Biển, khi ở bên “Đào Hoa Đảo” của Hoàng Yên Di.
Vũ Đức Sao Biển làm trưởng một ban phóng viên, anh và đồng sự tác nghiệp trên một địa bàn rộng, đóng góp bài vở rất lớn cho tờ báo. Giữa tôi và anh có quá nhiều kỷ niệm, nhất là sau khi về báo một thời gian, Vũ Đức Sao Biển rời quận 7 mua một căn hộ ở chung cư Thanh Đa, phường 17, quận Bình Thạnh, gần nhà tôi. Khi nào sáng tác được ca khúc mới anh cũng mời tôi qua chơi vào lúc chiều tối để nghe anh đệm đàn và hát.
Nhất là khi Vũ Đức Sao Biển phổ ca khúc từ thơ tôi, anh đều trân trọng tác giả thơ, không chỉ hát cho tôi nghe mà còn yêu cầu tôi cho ý kiến. Tiếc rằng những ca khúc anh phổ thơ tôi đến nay tôi đều giữ đủ nhưng chưa phổ biến.
Có một kỷ niệm khó quên giữa tôi và Vũ Đức Sao Biển, kỷ niệm này có liên quan tới việc anh rời Báo CATP để chuyển về Báo Thanh niên mà nhiều người ở ngoài không hiểu lý do vì sao.
Số là sau khi anh Huỳnh Bá Thành mất (năm 1993), anh Hà Phi Long lên Tổng Biên tập, một hôm anh Hà Phi Long giao cho Vũ Đức Sao Biển viết một cái tin gì đó mà tôi không biết, khi Vũ Đức Sao Biển viết xong, anh Hà Phi Long kêu lên phòng (lúc ấy có tôi) nói một cách giận dữ đại ý chê cái tin quá dở, thua xa... trên ti vi vừa đưa. Chắc do cách nói bỗ bã nên Vũ Đức Sao Biển không quen, thôi việc hẳn.
Mặc cho anh Hà Phi Long rất quý các nhà văn, nghệ sĩ, kể cả nghệ sĩ hài, thường mời tới tòa soạn ăn cơm trưa nói chuyện văn nghệ, chuyện trên trời dưới đất, nhất là chuyện tiếu lâm, mà chuyện tiếu lâm của anh Hà Phi Long thì rất mặn. Như thế để biết rằng anh rất vô tư, vô tư vì vô tư, và vô tư vì có những chuyện anh không biết nên lại càng... vô tư.
Ví dụ như anh vô tư đến mức không nghĩ rằng ngoài chuyện làm báo, dưới quyền của mình, Vũ Đức Sao Biển còn là nhà giáo dạy triết, một nhạc sĩ nổi tiếng, một cây bút phiếm luận tài danh. Và một người như thế, dù là lính dưới quyền anh ở phương diện nhà báo nhưng cũng là một tên tuổi bên ngoài, tự trọng cao. Chuyện thật đáng tiếc, đáng buồn.
Mấy ngày sau, anh Hà Phi Long có lẽ cảm thấy hối hận, day dứt nên bảo tôi gặp Vũ Đức Sao Biển thuyết phục anh đừng nghỉ việc, hãy bỏ qua chuyện đáng tiếc xảy ra và trở lại làm việc bình thường. Anh Hà Phi Long đã tỏ thiện chí cụ thể bằng việc sai anh Then lái xe cùa mình, chở tôi lên nhà Vũ Đức Sao Biển thay mặt anh xin lỗi Vũ Đức Sao Biển. Nhưng đã quá muộn.
Mới đây, tôi được biết tin Vũ Đức Sao Biển lâm trọng bệnh, một căn bệnh quái ác: Ung thư vòm họng và đang chữa trị tích cực theo chế độ lâu dài trong bệnh viện. Tôi bỗng muốn viết về anh với một ít kỷ niệm chúng tôi đã gắn bó với nhau, từng chia ngọt, sẻ bùi. Đời con người ta quả vô thường, không biết đâu mà lường trước được. tôi sẽ cố gắng đi thăm anh, nhưng người mà tôi mong sẽ đi thăm Vũ Đức Sao Biển trước nhất phải là anh Hà Phi Long.
Nói gì thì nói, địa vị, chức quyền, danh vọng chỉ là phù du, cái tình người với nhau mới là quan trọng, tuy nó không có giá trị định giá bằng tiền nhưng lại là sự giàu có bằng tình cảm ở một con người. Ai rồi cũng chết, trước khi chết nên giải tỏa, tha thứ cho nhau một điều gì đó vẫn là lẽ tồn sinh, đạo nghĩa ở đời.
Thu hát cho người rồi người hát cho ai?