Thích khách luận

Thứ Hai, 29/07/2024, 21:40

Sau khi chết hụt, được đưa tới bệnh viện, cựu Tổng thống Donal Trump nói với bác sĩ: "Lẽ ra tôi chết rồi". Hẳn thần may mắn đã hiển linh kéo đầu ông lắc qua một xíu, vừa đủ cho viên đạn chỉ làm xây xát vành tai phải.

Thích khách là Thomas Matthew Crooks, 20  tuổi, khai hỏa từ khoảng cách 120 mét. Điều kỳ quái là thấy kẻ lạ cắp khẩu AR15 lổm ngổm trên mái nhà thì người dân đã báo cho cảnh sát địa phương nhưng hình như họ đang tập dưỡng sinh. Ông Trump vẫn tiếp tục diễn thuyết. Một cảnh sát leo thang lên "thăm hỏi" thì bị Crooks chĩa súng vào mặt nên vội thoái lui. Ngay lúc đó, thích khách nã nhiều viên đạn về mục tiêu. Công tác an ninh rất có vấn đề nhưng đã kịp sửa sai khi kết liễu được Crooks. Suýt nữa thì nước Mỹ bị đảo lộn chỉ vì một ông nhãi ranh. Mật vụ và cảnh sát đổ lỗi cho nhau. Ý rằng trong một trăm mét là việc của tớ, ngoài trăm mét là việc của cậu.

Sinh mạng của yếu nhân ảnh hưởng tới thịnh suy của quốc gia, thậm chí toàn cầu, nên việc ám sát xảy ra trong lịch sử hơi nhiều. Nhà độc tài, thống soái của La Mã Julius Caesar dù bách chiến bách thắng  vẫn không thể giữ được sinh mạng. Caesar đã bị đâm 23 nhát dao từ những người tưởng như nho nhã. Caesar tới đó không có một hộ vệ nào tháp tùng. Những kẻ chủ mưu tưởng đã êm đẹp nhưng Caesar chết thì lập tức nội chiến nổ ra. Vụ ám sát thái tử Áo - Hung Franz Ferdinand là một trong những vụ hành thích kinh động thế giới thế kỷ XX, được xếp là nguyên nhân trực tiếp của Thế chiến I. Tổng thống và chính khách nước Mỹ có mặt quá nhiều trong danh sách bị ám sát như Abraham Lincoln, James Garfield, William McKinley, John F. Kennedy… Nếu tính cả những vụ bất thành thì không kể xiết. 

Khó lường nhất khi sát thủ lại từ nơi mười phần tin cậy. Năm 1981, cựu Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat bị giết ngay trong lễ duyệt binh và chính quân lính đang duyệt binh ném lựu đạn, xả súng. Năm 1984, hung thủ ám sát cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi chính là hai vệ sĩ của bà.

Cụ Tư Mã Thiên có bàn về 5 thích khách ghê gớm, trong đó nổi bật chuyện Tào Mạt. Vua nước Lỗ là Lỗ Trang Công cử Tào Mạt làm tướng đánh nước Tề. Mạt xuất chinh ba lần thì bại cả ba. Lỗ phải đổi đất lấy hòa bình. Vua Tề là Tề Hoàn Công muốn tạo thế giới đơn cực do Tề làm bá chủ, nhưng biết dùng sức e rằng chư hầu không phục, bèn tổ chức hội nghị thượng đỉnh chư hầu. Vua Lỗ căm Tề nên tẩy chay. Vua Tề muốn đánh nhưng chiến lược gia Quản Trọng khuyên trước tiên dùng lễ. Chi bằng nên thảo thư hẹn Lỗ Trang Công tới ấp Kha làm lễ tuyên thệ mới là cao tay.

Nhận được thư, Vua Lỗ bối rối tiến thoái lưỡng nan, đành miễn cưỡng tới hội thề và cho Tào Mạt tháp tùng. Hội thề ấp Kha cử hành long trọng, hai vua vừa hành lễ xong thì Tào Mạt lăm lăm chủy thủ sấn vào nắm tay áo Vua Tề đe dọa: "Tề ỷ mạnh hiếp Lỗ yếu, xâm lược quá lắm. Nước Lỗ sụp thì đè cả Tề, nhà vua liệu đấy!". Quản Trọng vội che chắn và khuyên vua Tề trả đất đã chiếm cho Lỗ. Vua Tề cắn răng hứa hoàn trả đất cho Lỗ Trang Công. Xong giao ước, Tào Mạt ném chủy thủ xuống, nói cười như không. Sau đó, đất đã mất đều được hoàn trả cho Lỗ. Vụ Tào Mạt không hẳn là ám sát hụt mà có thể xếp vào dạng bắt cóc con tin. May là thời đó thế giới chưa có luật chống khủng bố. Nếu có thì khéo nước Lỗ bị khép tội là quốc gia khủng bố, sẽ bị Tề cùng liên quân thảo phạt chứ chả chơi.

Không ít cuộc ám sát hụt do yếu nhân được thần may mắn độ trì. Cựu Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã thoát 8 vụ mưu sát trong 2 năm. Ngày 22/8/1962, các sát thủ bắn chừng 140 viên đạn vào xe nguyên thủ nước Pháp. Xe Tổng thống Pháp đã "thoát pressing" một cách thần kỳ. Charles De Gaulle bình luận: "Mấy tay đó bắn tồi quá!". Năm 2018, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro suýt nữa bị 2 UAV gắn thuốc nổ lấy mạng khi ông đang phát biểu tại Caracas. Đặc vụ đã bắn tan tành 2 UAV. Cũng năm 2018, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa vừa vẫy tay chào đám đông rời bục vài mét thì một thiết bị đã phát nổ ngay nơi phát biểu. Hú vía.

Năm 2024, nhiều vụ ám sát, tai nạn khó hiểu đã xảy ra với một số nhà lãnh đạo châu Âu, Trung Đông… cho thấy một điều tình cờ là họ có quan điểm chính trị khá gần nhau. Sau khi nghe vụ ông Trump, Tổng thống J. Biden đã lên án bạo lực chính trị. Nếu căn cơ thì phải xem lại từ gốc rễ cơ chế khi có quá nhiều đảng phái, lực lượng đối lập sẵn sàng chặn họng sự khác biệt bằng "kẹo đồng". Việc này càng dễ ở đất nước tiệm bán đạn nhiều không kém tiệm ăn nhanh McDonald.

Lớp trẻ ngày nay ấn tượng với lực lượng đặc vụ khủng, xe "quái thú" mỗi khi Tổng thống Hoa Kỳ công du tới một quốc gia nào đó. Có cả những thể loại phim luôn luôn phải có tổng thống mới cháy vé. Có những phim mà cụ Abraham Lincoln múa võ như Lý Tiểu Long. Lực lượng bảo vệ yếu nhân đó quá hoàn hảo trên màn ảnh nhưng thực chiến thì lại không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Nếu an ninh giỏi thì ngay khi dân báo đã ngay lập tức vô hiệu hóa thích khách chứ không phải chỉ phản ứng sau khi sát thủ thoải mái leo trèo và xả 8 viên đạn. Nếu an ninh xuất sắc thì phải tạo đủ bán kính an toàn cho yếu nhân, không cho phép một yếu tố khả nghi. Nếu an ninh hoàn hảo là phải loại bỏ mọi âm mưu từ trong trứng chứ không để xảy ra rồi lại khốn khổ "Run, Hide, Fight" (Chạy, trốn, chiến đấu).

Chớ ai nghĩ điều này hoang đường. Cuộc sống bình yên bao nhiêu là lúc lực lượng an ninh gắng sức bấy nhiêu.

Tả Từ
.
.
.