Phỏng vấn cái thang

Thứ Năm, 13/06/2024, 11:19

Phóng viên (PV): Thưa anh Thang, từ bao đời nay, tác dụng quan trọng nhất của anh là gì ạ?

Thang: Đơn giản lắm, người ta dùng tôi để leo trèo.

PV: Đúng vậy. Và có thể nói vai trò của anh trong cuộc sống hiện đại ngày càng nhỏ, và thang là thứ hầu như không có trong hầu hết các gia đình.

Thang: Ở thành phố!

PV: Ý anh là sao?

Thang: Ý tôi là nếu như nông thôn có rất nhiều thang thì đô thị hầu như người ta không sắm vì chả có lý do gì phải lên xuống các độ cao.

PV: Cho tới mấy vụ cháy nhà cao tầng gần đây?

Thang: A, đúng thế. Cho đến vụ cháy vài nhà cao tầng gần đây, người ta mới sực tỉnh, nếu như có thang thì nhiều người sẽ được thoát nạn hơn. Thang không còn là một công cụ lao động, nó hóa ra còn là vật cứu nạn.

PV: Chính xác. Thang dây, thang nhôm hay thang tre đều có thể là vật cứu nạn. Và chúng có đắt tiền đâu.

Thang: Tôi biết tại sao nhà báo nói tới đắt rẻ rồi. Có phải là sau mấy vụ cháy thảm khốc vừa qua, có nhiều người nói nguyên nhân do nghèo quá mà người ta phải ở không an toàn.

PV: Đúng thế. Họ biện bạch do nghèo mới phải thuê những căn phòng không bảo đảm thiết bị, do nghèo mới phải bất chấp nguy hiểm. Ý cuối cùng của những ý kiến ấy là kêu gọi cảnh sát đừng có quá khó khăn khi kiểm tra phòng cháy chữa cháy.

Thang: Ôi, thật là một kiểu đánh tráo nguy hiểm.

PV: Xin anh nói rõ điều này?

Thang: Đầu tiên, đa số các vụ cháy vừa qua gây chết người là ở chung cư mini, và tôi cam đoan chủ các chung cư kiểu ấy, nếu chưa giàu có thì cũng chắc chắn không nghèo.

PV: Chính xác. Mỗi tòa nhà như thế trên dưới chục tỷ là thường.

Thang: Tôi cũng cam đoan rằng việc xây nhà cho thuê, nếu theo đúng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, cũng không đội giá thành xây dựng lên nhiều.

PV: Cũng chính xác nốt. Vấn đề là người ta có nghĩ tới việc đó hay không.

Thang: Sau đấy, việc sắm sửa, bảo dưỡng các dụng cụ chữa cháy như chuông báo động, bình cứu hỏa hoặc thang dây cũng chả phải là một chi phí khổng lồ.

PV: Vậy rõ ràng việc lơ là phòng cháy là thuộc về ý thức chứ không phải kinh tế.

Thang: Và đấy là việc của chủ nhà chứ không phải của người ở thuê.

PV: Suy ra lý do nói rằng “nghèo” là thiếu thuyết phục.

Thang: Vô cùng thiếu thuyết phục và còn một danh từ dân gian Nam Bộ rất hay dùng, là “đổ thừa”. Từ lỗi của chủ đầu tư chuyển sang lỗi người sinh viên nghèo thuê nhà.

PV: Thật là một kiểu “chạy tội” kỳ lạ.

Thang: Hãy ví dụ như thế này: Nếu như một xe bánh mì bán bánh nhiễm khuẩn khiến người nghèo ăn đau bụng thì xe đó sẽ bị phạt, thậm chí có thể bị truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng; dù chiếc xe bánh mì đó giá trị không cao.

PV: Thì tại sao khi một tòa nhà (chắc chắn phải nói là tòa nhà) lại có thể châm chước nếu như không tuân theo các biện pháp an toàn hỏa hoạn?

Thang: Rõ ràng. Nên nhớ rằng pháp luật là nghiêm minh và bình đẳng, và không thể lấy sự khó khăn ra để bào chữa. Do đó, tôi đề nghị sau những vụ cháy thảm khốc gần đây, cảnh sát phải không khoan nhượng với bất cứ vi phạm nào!

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.