Cái tôi “tàng hình”

Thứ Năm, 09/12/2021, 08:51

Khoảng 50 năm trước, khi nhắc đến chữ “tham ô”, ai cũng thấy đó là chuyện xấu xa, tày đình. Tư cách của kẻ tham ô còn đáng khinh hơn kẻ cắp ở chợ Đồng Xuân. Cán bộ có “nhà ngói cây mít” đã là sang lắm rồi.

Chuyện bòn rút thời đó không đáng kể. Cán bộ thế hệ đầu thế kỷ 20 tự hào vì việc công phép nước, không lụy thân sơ, nặng nhẹ, chỉ cống hiến, không đòi hỏi. Mặc nhiên điều đó là chuẩn mực đạo đức xã hội được thừa nhận.

Thời bao cấp khó khăn, nhiều người “thò thụt” kiếm việc làm thêm gọi là “kiếm cho cháu lạng sườn”. Làm ngoài tích cực, việc cơ quan chểnh mảng đến mức được gọi là “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Nhiều hình thức móc ngoặc tuồn hàng nhà nước vào tay tư thương nở rộ. Người ta thường hỏi nhau “Làm ở đấy lương bao nhiêu? Có “mầu” không? (Mầu là từ chỉ những thứ lợi lộc “tơ hào” do vị trí mang lại) Không có mầu thì làm làm gì? Nếu thấy người ở vị trí “ngon” mà không tận dụng, người ta sẽ nói vị ấy “bôn” quá, dại quá… và mức cao hơn là đần quá.

Một hệ thống tiêu chí bất thành văn hình thành trong thời kỳ mở cửa. Người ta đánh giá nhau qua câu là có bao nhiêu tài sản và làm tới chức gì rồi?

Những thành tựu khác có vẻ mờ nhạt. Độ kính nể với một kỹ sư, bác sĩ, nhà sáng chế, một nghệ sĩ, thầy giáo giỏi, bác thợ mộc thuộc cỡ tinh hoa cũng nhạt đi. Ừ thì là giỏi sáng chế thì bán sáng chế được bao tiền?

Người ta cho tất cả những người thách thức đạo đức, thu hết quyền và lợi vào tay mình là vị kỷ. Đúng nhưng vị kỷ chỉ ở góc độ tài sản chứ họ danh dự thì đã mất rồi còn đâu.

Bây giờ bàn về danh dự có vẻ không được “đông khách” lắm và biết chắc chắn có một số người nhạo. Thôi ta đừng nói cái to tát vĩ mô tầm nhìn xuyên lục địa, xuyên thời đại làm gì cho nó khó nghe. Hãy quan sát những thứ đơn giản.

Có những hợp tác xã của Nhật chỉ chuyên sản xuất các công tắc điện gia dụng cho đến công nghiệp. Trong đó có những thứ được dùng cho tàu vũ trụ. Ông chủ hợp tác xã rất tự hào nói về sự thuận tay, dễ chịu khi bấm vào công tắc của ông. Chắc chắn suốt đời, ông đã đặt cả danh dự của mình vào một cái công tắc. Phải chăng khởi đầu ông phải vị kỷ, phải làm vì danh dự của mình đã, rồi mỗi sản phẩm mới trở thành tác phẩm được?

Thanh kiếm của châu Âu chỉ cần 1 lõi thép duy nhất nhưng với kiếm Nhật, họ dùng lá thép, sắt non và thép già. Phần lá thép được nung, rèn gấp lại 15 lần. Mỗi thanh kiếm là một tác phẩm. Chưa thấy ai nói về sự giàu sang của thợ rèn kiếm nhưng chắc hẳn những nghệ nhân rất tự hào khi để lại dòng chữ tên tuổi mình trên tuyệt phẩm hàng nghìn năm. Khi rèn, hẳn rằng các cụ ấy nghĩ đến ngạo nghễ bản thân trước?

Đồng hồ Thụy Sỹ lừng danh cũng bắt đầu từ những người nghệ nhân từ xa xưa và hiện nay như Daniel Roth, Philippe Dufour, Francois-Paul Journe, Antoine Preziuso, Fanck Muller. Để tạo ra những tác phẩm độc nhất vô nhị, chắc hẳn họ chỉ nghĩ đến danh dự bản thân đầu tiên?

Có lần người viết bài ngắm hai chiếc khay khảm trai cổ và giả cổ Huế, thấy thoạt đầu giống hệt nhau nhưng nhìn kỹ thấy khay cổ có đường nét chim múa hoa cười sinh động đúng như sự sảng khoái của người thợ, còn cái giả cổ nhìn hình thì giống nhưng thần thì dại. Rõ ràng nhìn thấy cá nhân người thợ.

Từ đó lại đặt câu hỏi về việc mỗi khi bổ nhiệm cán bộ thì thấy người được nhận vị trí mới thường phát biểu về vinh quang to lớn và trách nhiệm nặng nề, hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nói chung không ai cam kết hoàn thành mục tiêu cụ thể gì, mức độ nào. Có thể họ đặt ra nhiệm vụ mơ hồ thì không thể thất bại, bởi tới kỳ khó đánh giá được đã cán đích mơ hồ hay chưa. Cái tôi của họ đã “tàng hình”.

Những con số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, sai phạm, tham nhũng nhiều đến nỗi nhắc lại bằng thừa. Trách gì khi họ không hề cam kết.

Thời đánh giặc Nguyên lần thứ nhất, khi được Vua Trần Thái Tông bày tỏ lo lắng, thái sư Trần Thủ Độ nói “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo!”. Câu nói ấy chính là sự cam kết. Câu nói đó mang cả danh dự của ông.

Sự liêm chính thực ra đừng bắt nó hiểu một chiều đơn giản chỉ là sự cống hiến vị tha. Sự liêm sỉ theo nghĩa nào đó cũng là vị kỷ. Nhưng đây là vị kỷ tích cực. Khi có nhiều cán bộ nghĩ đến danh dự bản thân, nghĩ đến liêm sỉ và gương mặt của mình thì đó là gì nếu không phải là hồng phúc của đất nước.

Lê Tâm
.
.
.