Vé xem đá bóng, vé tàu vé xe
- Người dân "vượt rào - trèo tường" đòi mua vé xem AFF
- Nhiều người đến cổng VFF để tìm mua vé chợ đen
- Hết vé bán, người hâm mộ tức giận náo loạn sân Mỹ Đình1
Lẩn thẩn nghĩ ngợi, quẩn quanh buồn buồn.
1. Đội tuyển bóng đá quốc gia vào bán kết giải AFF Suzuki Cup, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) loay hoay mãi không tìm ra cách bán vé thuận tiện nhất để phục vụ người hâm mộ. Nước mình, có lẽ là một trong những quốc gia cuồng nhiệt bóng đá nhất thế giới, bản thân Ngô xem đội tuyển quốc gia thi đấu cũng chảy nước mắt nhiều lần vì xúc động hoặc vì xót các cầu thủ trên sân.
Trong lúc VFF chưa tìm ra cách bán vé khoa học nhất thì vé chợ đen ngập tràn ngoài sân vận động. Tất nhiên thì vé chợ đen được bán giá cao hơn rất nhiều lần so với giá vé gốc của VFF. Vừa rồi, có anh bảo vệ của VFF bị bắt vì trót nhập vai dân phe vé để bán vé chợ đen ấy.
Ngô tôi tin rằng chúng ta đều biết vé chợ đen ấy ở đâu ra, có ngàn vạn cách để người ta kiếm chác từ những cái mà chúng ta quen miệng gọi là vị trí hay nơi công tác.
Lời nói không phủ nhận được hành động, VFF am tường đường đi của những tấm vé chợ đen hơn Ngô, nên không cần bàn luận thêm cho tốn chữ làm gì. Chẳng qua, Ngô tôi tính tình thất thường, sớm nắng chiều mưa khuya có giông rải rác nên tự mình nghĩ rồi tự mình thở dài thôi.
Có bao nhiêu lần mà cả quốc gia được sống chung cùng một thứ cảm xúc hân hoan, có bao nhiêu cơ hội mà cả quốc gia được hòa chung một bầu không khí hưng phấn, có bao nhiêu khoảnh khắc mà những cá nhân xa lạ vẫn thấy gần gũi tình thân vui vẻ cười đùa… Trên thực tế, ngoại trừ khúc khải hoàn sau cuộc chiến thì chỉ có bóng đá mới đưa người ta cùng đến với nỗi niềm đó.
Vậy mà, nhân thời điểm này thì lại có những toan tính vụn vặt xuất hiện. Người Việt mình, thương thì thương vô cùng, quý thì quý vô cùng, nhưng những tư lợi này bao nhiêu lâu không bỏ được, bao nhiêu lâu không thể vì niềm vui ấy mà khoan dung lòng mình được.
Hệt như vé tàu vé xe ngày Tết, cũng phải cố gom cho thật nhiều vé vào bằng cách này hay cách kia, để rồi biết người làm ăn xa nhớ quê quay về mùa sum họp, để rồi biết con cái muốn đoàn tụ cùng mẹ cha, cô công nhân anh thợ xây muốn về quê chăm nom con cái sửa sang nhà cửa đón năm mới…
Biết hết để rồi bắt chẹt người ta, biết hết để rồi nâng giá vé lên, ai ra sao cũng được miễn mình thu về được món lợi là đủ rồi.
Không chỉ mỗi chuyện vé này đâu, còn hằng hà sa số những câu chuyện khác trong đời sống mà người ta bất chấp hết miễn sao mình cảm thấy thuận tiện, miễn sao mình thỏa mãn cái được thu về mình.
Thi thoảng Ngô nhận được điện thoại của bạn bè, thường nhờ cái này cái kia, toàn là những chuyện lặt vặt thôi. Nói bạn đọc bỏ quá cho chứ có cái Ngô cũng vì nể quá mà nhận lời, đa phần đều từ chối. Đó là chuyện xin được ưu tiên trong khám bệnh, xin một chỗ nằm trong bệnh viện…
Minh họa: Lê Phương. |
Ngô đi khám bệnh khi không may gặp vấn đề này vấn đề kia, đều xếp hàng đợi đến phiên. Mấy lúc thấy người ta chen ngang hoặc có nhân viên của bệnh viện dẫn thẳng vào trước, Ngô không cáu gắt gì cũng không có cảm giác gì. Chỉ là tự nhiên vụt lên ý nghĩ, chen ngang như vậy thì có một người phải đợi lâu hơn chút nữa.
Trong lúc, theo lẽ công bằng thì họ vừa bị chiếm đoạt quyền lợi chính đáng của họ. Và những trái ngang lớn hơn từ hiện thực luôn khởi nguồn từ những điều tưởng chừng không đáng gì này.
2. Mỗi cá nhân đều có thiện lương, hoặc là do đời sống phóng túng khiến thiện lương này bị phủ mờ hoặc là bởi những toan tính quá đỗi bản năng khiến thiện lương này ngủ yên. Nếu mỗi cá nhân tự có ý thức đánh thức thiện lương trong mình dậy, hẳn nhiên cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp biết mấy.
Vừa rồi trên mạng xã hội có một đợt kêu gọi post ảnh hoa hướng dương tự vẽ trên facebook cá nhân đi kèm hashtag thì mỗi bệnh nhi không may mắc chứng ung thư sẽ được một hãng dược phẩm tặng ba mươi nghìn đồng.
Ba mươi nghìn đồng vốn dĩ không nhiều nếu riêng lẻ, nhưng nếu nhiều người cùng chung tay thì số tiền ấy sẽ trở nên khổng lồ. Quan trọng hơn, đó là tiền để san sẻ những khốn khó với các cháu bé vốn không may, với những gia đình có con em đang điều trị ung thư.
Một chương trình vốn dĩ rất nhân văn vậy, cuối cùng cũng tạo nhiều tranh cãi. Người ta phỉ báng hãng dược phẩm đánh bóng thương hiệu, người ta chê những cá nhân post ảnh hoa hướng dương là bị lừa. Khi ghét thì luôn đủ lý lẽ.
Thật khó trong bối cảnh này khi có quá nhiều điều đáng phải hồ nghi hiện hữu, nhưng trước khi gieo rắc một thị phi, nếu bình tâm có lẽ nên nghĩ về những đứa trẻ trót không may trước đã, thi thoảng đặt mình trong bối cảnh của người cũng không phải là điều gì đó quá khó làm đâu.
Bởi cá nhân có quá nhiều toan tính hơn thua, thành ra lắm lúc cay nghiệt với mọi thứ, lắm lúc hun đúc một mục đích phải trả thù cho bằng được. Mặc cho trả thù ấy không có ý nghĩa gì ngoài việc thỏa mãn cảm xúc cá nhân.
Mấy tuần trước, Ngô có đọc được bài báo viết về một vụ việc cào trầy xe ô tô đang đỗ bên vệ đường. Đại khái, chủ xe ô tô khi đang tham gia lưu thông đúng làn đường đúng chiều thì có hai phụ nữ đi xe máy chạy ngược chiều cản trước đầu xe. Người điều khiển phương tiện ô tô kiên quyết không nhường đường, hai người phụ nữ kia cũng vậy.
Cuối cùng, đồng chí cảnh sát giao thông đang giữ trật tự an toàn giao thông phải tiến đến phân xử và yêu cầu hai người phụ nữ đi xe gắn máy trở về đúng làn đường lưu thông của mình. Do đang giờ cao điểm nên đồng chí cảnh sát giao thông không xử phạt mà chỉ nhắc nhớ.
Có lẽ vì vậy, nên khi xem lại camera quan sát, chủ phương tiện xe ô tô khẳng định một trong hai người phụ nữ điều khiển xe gắn máy đã âm thầm đuổi theo và chờ thời cơ để dùng vật sắc nhọn cào khiến chiếc ô tô bị trầy xước.
Đọc xong bài báo này khiến Ngô bật nhớ đến những câu chuyện chán nản khác, đó là vườn trái cây của những nông dân bị chặt trụi gốc, đó là láng giềng có xích mích với nhau nên đổ thuốc hủy hoại vuông tôm sắp thu hoạch, đó là mâu thuẫn với hàng xóm nên mua xăng về đốt nhà báo thù…
Toàn là những chuyện mà Ngô tôi không tài nào hiểu được, vì sao một dân tộc có thể nhường nhau đến bát cơm cuối cùng khi có binh biến lại biến thành những kẻ chẳng khác có thù không đội trời chung khi hòa bình. Mà thoạt kỳ thủy của oán thù khơi nguồn từ những vấn đề không đâu ra đâu.
3. Ngô tôi rất đồng ý mỗi cá nhân đều có quyền yêu cầu những cán bộ lãnh đạo đưa ra các kế sách, phương pháp hành động để đảm bảo cho cá nhân ấy một cuộc sống đầy đủ, một chế độ an sinh hợp lý, một cơ sở hạ tầng thuận tiện.
Nhưng nếu mỗi cá nhân không tự tu dưỡng, không tự hoàn thiện mình trước mà chỉ biết ngồi đó yêu cầu thì tuyệt đối không có hy vọng vào mỗi sớm mặt trời lên.
Cạnh nhà Ngô là nhà người hàng xóm, đất rộng vô cùng, mọi thứ thênh thang. Cô hàng xóm chắc thích làm vườn nên sắm đủ thau chậu để trồng trau, trồng ớt. Ban đầu, cô đặt vườn rau mi ni của mình ở mảnh đất trống cạnh nhà. Chủ mảnh đất cho người khác thuê mướn xây dựng cơ sở dịch vụ giải trí, cô hàng xóm dẹp vườn rau mini về nhà mình.
Chắc là để vườn rau mini trong nhà sợ choáng đất, nên cô chiếm dụng một phần đường để đặt thau chậu trồng rau. Ai đi ngang cũng khó chịu, ai trông vào cũng cảm thấy bực mình, nhưng cô hàng xóm vẫn cứ mặc. Nói ra thì ngại hàng xóm tự ái mà sinh ra cãi cọ hoặc hiềm khích không đáng, có điều nếu mỗi cá nhân đều muốn một chút lợi bé con như vậy thì còn gì là cái chung.
Trên đường Ngô đến cơ quan thường băng ngang con hẻm lớn, mấy năm trước đi làm con hẻm còn rộng lắm, hai xe ô tô có thể tránh nhau. Rồi không biết bằng cách nào, nhà người này lấn một chút, nhà người kia lấn một chút, mà diện tích lấn ít thôi. Con hẻm bây giờ hệt như người bệnh bị xuống ký trầm trọng vậy, chỗ rộng chỗ hẹp nhìn rất kỳ khôi.
Chắc những người tham gia lấn hẻm trong lúc hăng hái thu về cái lợi cho mình đã vô tình quên mất rằng, hẻm càng hẹp thì nhà của họ càng không có giá trị như ban đầu. Tham con săn sắt mà bỏ luôn con cá rô là đây chứ còn là đâu nữa.
Ngô đã từng viết rất nhiều lần, mỗi người nên có một thứ luật của riêng mình, đó chính là cái thắng của mỗi cá nhân. Xã hội có biến thiên ra sao đi chăng nữa, người khác có thay đổi ra sao đi chăng nữa, thì mình vẫn không thể nào đổ thừa lý do hay nại cớ để tự mình vi phạm điều luật do chính mình đặt ra. Đó là cái đạo làm người.
Mà có cái đạo làm người nào lại dạy người ta sân si, lại dạy người ta tham lam, lại dạy người ta làm những điều kỳ cục đâu.
Từ chuyện vé lẩn thẩn sang đến chuyện này, thật sự là có chút dông dài, mong được bỏ quá cho. Ngô cũng bắt đầu già nhiều lắm rồi.