Tiến ra biển lớn đường dài vạn dặm

Thứ Sáu, 15/05/2015, 11:23
LTS: Bài viết đặc biệt này dành riêng cho Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng và Cuối tháng của cây đại thụ nền giáo dục nước nhà, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Tá. Đó là nỗi trăn trở, sự thống thiết đối với thực tiễn vĩ mô đang diễn ra, đó là đề xuất hướng tháo gỡ, vướng mắc đối với các cấp lãnh đạo của một trí thức lớn. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, danh sĩ Thân Nhân Trung đã đúc kết.

Chuyên đề ANTG Giữa tháng và Cuối tháng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Có một ý của ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu trong Hội nghị Toàn quốc cách đây hơn một năm “Hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ngờ rằng đã và sẽ làm không ít người nặng lòng với dân tộc phải ưu tư: “Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90 nghìn người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90 nghìn người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm Ôsin. Nghe mà thật xót lòng”.

Rất dễ đồng tình với nhận xét “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” của ông Vũ Ngọc Hoàng. Và cũng rất trân trọng lời cảm thán của ông: Thật xót lòng! Khoảng cách phát triển về rất nhiều phương diện của hai nước (giờ đây thực sự thân thiết, gắn bó) ngày càng lớn. Mà, như một nghịch lý, nếu so sánh một số mặt cơ bản thì thấy Việt Nam thuận lợi hơn nước bạn nhiều.

Diện tích Hàn Quốc chưa bằng 1/3 nước ta (99.143 km²) Dân số gần bằng nửa nước ta (44.634.205 người). Tài nguyên thiên nhiên (rừng, biển, khoáng sản v.v…) không phong phú như nước ta. Nền kinh tế Hàn Quốc cũng tiêu điều xơ xác sau 35 năm bị phát xít Nhật thống trị (1910­1945) và càng kiệt quệ hơn trong non 4 năm chiến tranh đẫm máu (1950­1953) có sự tham gia của 2 lực lượng khổng lồ Mỹ ­ Trung: hơn một triệu người chết, hạ tầng cơ sở bị tàn phá nặng nề. Tất cả gần như bắt đầu từ số không với nền nông nghiệp yếu đuối và nền công nghiệp lạc hậu.

Vậy mà giờ đây nước bạn trở thành một thế lực kinh tế mạnh thứ bảy thế giới, thu nhập đầu người non 25.000 USD/năm, nhiều tập đoàn công nghiệp như Hyundai, Samsung... thuộc loại hàng đầu thế giới nền giáo dục tiên tiến, hiện đại không thua gì phương Tây và tổ chức xã hội được thế giới ngưỡng mộ. Còn kinh tế Việt Nam hiện nay được xếp thứ mấy? Thu nhập bình quân đầu người bao nhiêu? Có trường đại học nào được xếp trong tốp 200 của châu Á không?

Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ thường kỳ cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt lên bàn hội nghị một câu hỏi nhức nhối: “Tiềm năng lớn, nhưng sao ta chưa bằng các nước láng giềng?”. Và ông tỏ ra không tán thành cách nhìn nhận, đánh giá tình hình theo kiểu “chúng ta so với chúng ta”.

Thời kì chiến tranh, do đặc thù của tình hình, cách so sánh này có thể chấp nhận. Vì thế trong những cuộc triển lãm thành tựu kinh tế xã hội, người ta hay thấy có những thống kê quen thuộc: trong một xã, một huyện cụ thể nào đó so với trước năm 1945, bà con ta có bao nhiêu xe đạp, bao nhiêu nhà ngói, bao nhiêu phích nước…

Thời kỳ đó đã vĩnh viễn qua rồi. Giờ đây đất nước đã hội nhập sâu và rộng với khu vực cũng như với thế giới với một khẩu hiệu chân thành: “Việt Nam muốn làm bạn với toàn thế giới”, tất yếu chúng ta - cả giới lãnh đạo lẫn toàn dân, phải đổi mới tư duy, có nghĩa là phải nghĩ đến những cách so sánh khác, chính xác khoa học hơn, để khỏi rơi vào “chủ nghĩa AQ” - phép thắng lợi tinh thần! Cách so sánh của ông Vũ Ngọc Hoàng khá đắng nhưng cần và phải chấp nhận. Bởi lẽ thực trạng xã hội nước ta đã rõ: tụt hậu không chỉ là nguy cơ mà đã là một điều hiển nhiên.

Không nói đâu xa, ngay trên diễn đàn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII bắt đầu từ ngày 20/10/2014, hàng loạt vấn đề rất nóng được đặt ra để các đại biểu bàn thảo: “Tái cơ cấu nền kinh tế, phòng chống tham nhũng, chủ quyền biển đảo, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông”. Chỉ riêng “siêu dự án ngốn hàng chục tỷ USD để xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành” đã khiến nhiều vị đại biểu “lo lắng về khả năng tăng thêm nợ công vốn đã sắp kịch trần, khả năng lãng phí, khả năng “vẽ” dự án.

Không hẹn mà nên, chúng ta nghĩ đến “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tr.837, tập 10 - Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1989).

Mục tiêu thật chính đáng, cao đẹp, xúc động lòng người. Để đến được cái đích ấy là cả một quá trình trần ai cơ cực, một “đường dài vạn dặm”.

2. Trước đây 108 năm, trong không khí ngột ngạt của cảnh đời nô lệ, những người con ưu tú của dân tộc ta hồi đầu thế kỷ XX - Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… đã không ngừng trăn trở:

“Liệu làm sao, tính làm sao
Làm sao cho được bảnh bao như người?
Mai sau cho được như đời
Lên lầu Độc Lập, hát bài Tự Do

(Khuyết danh - Bài ca cổ động - theo Đặng Thai Mai, Văn thơ ca cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX - Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1961)

Để vượt qua được tình trạng “Dân ngu, Nước yếu” mà nhà chí sĩ Ngô Đức Kế đã cảnh báo, để giành được độc lập tự do, các cụ đã gõ vào một cánh cửa hết sức quan trọng: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Một ngôi trường rất tiến bộ được mở ra bằng tâm huyết của một số nhà nho yêu nước và sự tài trợ hết lòng của nhiều Mạnh Thường Quân: Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Chỉ tồn tại trong 9 tháng ( từ tháng 3/1907 đến tháng 12 cùng năm) trường đã thu hút hàng ngàn học sinh, mở được 40 lớp, uy tín lan truyền khắp nước. Thấy được nguy cơ, Thực dân Pháp đã ra tay trấn áp. Trường bị đóng cửa. Hàng loạt chí sĩ đã bị khủng bố trắng. Nhưng ảnh hưởng tích cực của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn tiếp tục lan tỏa. Giờ đây, nhìn lại ta suy nghĩ gì và rút ra những bài học nào về hiện tượng rất đẹp này.

Trước hết không thể chỉ coi đây là một hoạt động giáo dục đơn thuần - dù như thế cũng đã rất đáng quý. Đông Kinh nghĩa thục đích thực là một cuộc vận động cách mạng, khởi đi từ bàn đạp giáo dục, nhằm lay động nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân, đặc biệt là thanh niên, bất kể giàu hay nghèo, nông thôn hay thành thị, cùng phấn đấu vượt qua vòng vây của sự ngu tối để nghĩ đến việc cứu nước. Hướng đi ấy được thể hiện thật xúc động trong lời “Kêu hồn nước” của vị Giám học Nguyễn Quyền:

“Đường bảo chủng, nghĩa hợp quần
Tự cường thế ấy, Duy Tân thế nào?
Sự học ta lấy làm đầu
Công thương mọi việc liệu sau tính dần
Cùng trong một bọn quốc dân
Gánh giang san cũng một phần trên vai
Than ôi! Hồn nước ta ơi!
Tỉnh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm”.

Thực tế đã chỉ rõ, hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục đâu chỉ thu hẹp trong giáo dục. “Công thương mọi việc” cũng được tính đến. Chính các thành viên của tổ chức này đã thuyết phục, lôi cuốn không ít nhà tư sản tiến bộ, xây dựng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận những cơ sở kinh doanh để ủng hộ phong trào, và sâu xa hơn để “hóa dân, cường quốc” (khai hóa cho dân, làm cho đất nước giàu mạnh).

Thứ hai, các nhà nho yêu nước đã nêu tấm gương sống động về việc xây dựng phong trào chặt chẽ, minh bạch, rất hợp lòng dân. Tổ chức của nhà trường quy củ, nề nếp. Không chỉ có Ban Giáo dục lo việc dạy và học, mà còn có ba ban khác: Ban Cổ động làm nhiệm vụ tuyên truyền sao cho sâu rộng, hiệu quả trong các tầng lớp nhân dân đến các địa phương; Ban Trước tác phụ trách biên soạn sách giáo khoa và các tài liệu tuyên truyền; Ban Tài chính chuyên lo việc thu chi, đảm bảo cho trường không chỉ tồn tại mà còn nhanh chóng lớn mạnh.

Giờ đây chúng ta hay nói về phương hướng “Xã hội hóa giáo dục”, nhưng cách làm của ta có nơi có lúc gây ra phản ứng ngược không được nhân dân đồng tình. Chủ trương để trẻ em lớp 1,2,3 dùng máy tính bảng hoặc tình trạng lạm thu một cách tràn lan vô tội vạ là những ví dụ điển hình. Còn Đông Kinh Nghĩa Thục thì sao? Trường được dựng lên từ hai bàn tay trắng.

Ngôi nhà số 4 Hàng Đào (Hà Nội) - trụ sở chính của trường là nhà riêng của một thành viên chủ chốt. Ban lãnh đạo và các giáo viên làm việc và giảng dạy không lương. Nhờ năng lực tổ chức và tuyên truyền của những vị có uy tín cao, số lượng Mạnh Thường Quân ngày càng đông và nhiệt tình ủng hộ. Họ tin tưởng vào mục đích tốt đẹp và cách làm trong sáng của trường, nên ngân sách của trường ngày càng dồi dào, dư dật.

Giáo viên được trả lương tháng, đủ mua tạ rưỡi gạo (4 đồng lúc ấy). Học sinh được cấp miễn phí giấy bút, sách giáo khoa và các tài liệu học tập cần thiết. Những trò nghèo không phải đóng học phí, mà còn được bố trí ở tại trường.

Bao giờ chúng ta làm được như thế?

Thứ ba, nếu tìm hiểu kỹ về hoạt động dạy và học của trường, chắc chắn chúng ta sẽ ngạc nhiên, khâm phục. Cả nội dung và phương pháp dạy học của Đông Kinh Nghĩa Thục đều đổi mới mạnh mẽ. Chữ Hán được dùng hàng ngàn năm trong học hành thi cử, giờ đây được thay thế bằng chữ quốc ngữ. Lời kêu gọi học và dùng chữ quốc ngữ ­ một công cụ biểu đạt ngoại nhập chứ không phải nội sinh, nhưng rất tiện dụng - đã lay động lòng người:

“Trước hết phải học ngay quốc ngữ
Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau
Chữ ta, ta đã thuộc làu
Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài
Sẵn cơ sở để khai tâm trí…”.

(Nguyễn Phan Lãng -­ Cần phải học đúng)

(Xin đọc tiếp phần sau ở
Chuyên đề An ninh Thế giới Cuối tháng số 165)

Trần Hữu Tá
.
.
.