Thế hệ vàng văn nghệ Huế: Thời “tuyệt tình cốc”

Thứ Ba, 05/04/2016, 16:32
Tôi muốn nói đến thế hệ vàng Huế về lĩnh vực văn học nghệ thuật với hàng chục nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng thế hệ như Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Trần Quang Long, Bửu Ý, Đinh Cường, Bửu Chỉ v.v…

Họ thành danh ngay trong lòng Huế một thời sục sôi máu lửa và đầy tao loạn. Đó là thế hệ được học hành tử tế và được tắm trong luồng gió triết học, mỹ học mới. Đó là một thế hệ tài hoa, bản lĩnh, đầy trách nhiệm trước dân tộc và Tổ quốc. Thế hệ vàng đó không chỉ có ảnh hưởng lớn trong nước mà còn vang xa ra thế giới. Một đất nước hay một xứ sở phải trăm năm mới có một thế hệ vàng như thế. 

Tại sao một thế hệ vàng của Huế đồng xuất hiện cùng lúc như vậy? Nhiều học giả cho rằng, là nhờ triết học và mỹ học hiện sinh như ngọn gió lành từ phương Tây thổi tới. Luồng gió mới mỹ học hiện sinh đã giúp họ đề cao cái tôi, đào sâu vào thận phận con người, số phận dân tộc, họ sáng tác văn chương siêu thực, hội họa siêu thực, sống bày tỏ hết cái tôi thân phận…

*

*    *

Với nhà thơ Trần Quang Long, thơ là vũ khí, là tiếng thét đấu tranh. Lúc là sinh viên ở Huế, hay làm thầy giáo ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn, Trần Quang Long vẫn là người hừng hực tinh thần tranh đấu. Với bài thơ Thưa Mẹ, trái tim như một tuyên ngôn sống, anh xác định nhân cách thi sĩ lớn của mình: Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ Xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài thơ như kiếm sắc…

Nguyễn Đắc Xuân là một tài năng và chí khí. Anh làm thơ, viết báo đấu tranh, chủ bút nhiều tập san tranh đấu của sinh viên Huế. Anh xuống đường cùng Phật tử Huế phản đối chính quyền họ Ngô đàn áp Phật giáo (1963). Cho đến hôm nay, anh vẫn là anh năm xưa, sống kiên định, trung thực, luôn đấu tranh bảo vệ chân lý. Tất cả những điều đó được anh thể hiện trong cuốn hồi ức ngàn trang Từ Phú Xuân đến Huế vừa ra mắt bạn đọc.

Năm 1963, mới 22 tuổi, Trần Vàng Sao đã tham gia chuyên san Nhận thức do Nguyễn Đắc Xuân làm chủ biên đấu tranh đòi tự do hòa bình cho xứ sở. Người thanh niên Huế dám ký Trần Vàng Sao trong lòng đô thị là chí khí, là sự tận hiến. Anh đã tham gia tổ chức cách mạng hoạt động bí mật như rải truyền đơn, vận động sinh viên... 

Bài thơ của một người yêu nước mình  là một trong số 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX: Tôi yêu đất nước này xót xa... tôi yêu đất nước này cay đắng... tôi yêu đất nước này áo rách... Điệp khúc “tôi yêu đất nước này...” lúc cất lên như tiếng nấc, lúc chìm sâu như nỗi nghẹn ngào, khi nghe như tiếng vọng của tâm linh thăm thẳm. Đó là thơ của nỗi cô độc vĩ đại.

Nhà thơ - Liệt sĩ Ngô Kha thì vừa lao vào cuộc chiến đấu vừa sáng tác những tác phẩm thơ siêu thực để đời như: Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí, Trường ca hòa bình... Ngụ ngôn của người đãng trí là tiếng thét đòi giải thoát khỏi không gian tù ngục. “Khoảng hư vô như cánh tay gối đầu/ Giấy trắng là cánh đồng của bầy ngựa già đi lang thang…”.  

Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tiếp theo là vô vàn những thi ảnh lạ lùng, phi lý, kinh khiếp, những cái chết mục ruỗng, những tiếng thét, những ánh hỏa châu. ...vết thương nảy lộc... người say rượu đắp bùn lên trái tim... chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh... tình yêu là xác chết v.v... Rất nhiều, rất nhiều những câu thơ tài hoa, lạ lùng đọc lên như tiếng nấc, như tiếng sét, sắc sảo đến ớn lạnh.

Hoàng Phủ Ngọc Tường thời đó được coi như một trong những thủ lĩnh của phong trào. Tôi có tấm ảnh Hoàng Phủ đang đứng trên diễn đàn trước đông sinh viên Huế, dõng dạc đòi hòa bình, chống độc tài đàn áp, mặc bên cạnh có viên sĩ quan cảnh sát. Đó là khí phách của một thế hệ trí thức Huế. 

Anh gom góp vốn liếng tâm hồn để sau này cho ra đời những trang bút ký tài hoa ám ảnh người đọc cả nước. Những trang bút ký hay đến nỗi có một “cụ đồ” ở Hà Nội đã cắt dán từng câu trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông in trên báo Văn nghệ rồi dán trên giấy như một bài thơ tuyệt bích, gửi vào Huế tặng cho tác giả.

Họa sĩ Bửu Chỉ tự học mà thành họa sĩ nổi tiếng, họa sĩ bậc thầy. Trong chiến tranh anh vung bút sắt, bút lông, mực nho vẽ tranh phản chiến, kêu gọi đấu tranh. Anh bị chính quyền Sài Gòn bắt bỏ tù hai lần. 

Tranh phản chiến vẽ bằng bút sắt của anh ở trong tù đã đến với công chúng, cả các nước Canada, Mỹ, Pháp, Tây Đức, góp một phần thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tranh của Bửu Chỉ đậm chất hiện sinh, thể hiện nỗi đau và thân phận mong manh của con người. Nghệ thuật của anh là nghệ thuật “đứng về phe nước mắt”…

Bửu Chi.

Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì làm nhạc phản chiến Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam... Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe...  Yêu quê hương nước mắt lưng tròng… Nhạc sĩ thiên tài này còn phát hiện ra những giai điệu âm nhạc day dứt của kiếp người, làm ra hơn 600 ca khúc mà trẻ già bao thế hệ đều hát. Ca từ các ca khúc của Trịnh Công Sơn chính là những bài thơ siêu thực rất hay, rất ám ảnh: Ôi, cát bụi tuyệt vời…/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi... Không sống dấn thân, không thể có những bản nhạc để đời như thế.

*

*   *

Thế hệ vàng tài danh này của Huế không phải là những cá thể đơn côi trong tháp ngà nghệ thuật. Mà họ gắn bó với nhau bằng tài  năng và ý chí của một lớp người tràn đầy nhiệt huyết với non sông… 

Ở Huế có một địa chỉ đơn sơ nhưng rất nổi tiếng mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là Tuyệt tình cốc, ở số nhà 58/2 - Lê Thánh Tôn (số cũ). Ở đây một thời hội tụ những tên tuổi lớn của thế hệ vàng Huế như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Ngô Kha... Đó là ngôi nhà xưa của gia đình Hoàng Phủ.

Trong bút ký nổi tiếng Tuyệt tình cốc (Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB Trẻ, tập 2, trang 697), Hoàng Phủ Ngọc Tường kể: “Ngôi nhà cố cựu ở trong hẻm đường Âm hồn được gọi theo tên truyện Kim Dung, là Tuyệt tình cốc. Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ, thanh bạch như cuộc đời ba mẹ tôi, hoa cỏ tiêu sơ nhưng gió trăng đầy trời, gọi “cốc” là phải.

Trần Quang Long.

Phan (em tôi) cùng mấy người bạn y khoa đều là những “diều hâu” của phong trào sinh viên Huế, do mải mê xuống đường nên thi rớt, bèn rút lui vào cốc này ôn luyện bài vở để thi lại kỳ hai, tuyệt giao với người đẹp, từ ấy có cái tên là Tuyệt tình cốc”. 

Một lần, tôi đã đến cõi Tuyệt tình cốc ấy. Thì ra ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhoi lắm. Ngoài sân có cây dạ lý hương nở hoa thơm nức. Ngôi nhà nhỏ, nhưng tâm hồn, trái tim họ hướng về cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc, vì thế mà ngôi nhà bỗng trở thành “địa chỉ của lịch sử”. 

Trên vách Tuyệt tình cốc anh em khắc vẽ thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán, Tây Tiến của Quang Dũng. Trần Quang Long đi tù về, viết lên vách bài thơ Thánh Gióng của Hoàng Cầm: “Thánh Gióng không cưỡi lên công trận/ Không làm vua chúa cưỡi đầu dân”. Trên vách Tuyệt tình cốc, Ngô Kha còn viết lên bài thơ của mình, mà theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, bài thơ rất hay đã tuyệt tích cùng tác giả của nó. Hoàng Phủ chỉ nhớ một đoạn: Anh hỏi thầm về đời mình/ Gỗ đá có buồn không?/ Chim chóc có buồn không?

Hoàng Phủ kể: “Một lần tôi vào nhà thấy các vị (tức nhóm sinh viên đấu tranh) vừa ăn đào vừa cặm cụi suốt đêm viết một bài diễn văn trường giang đại hải. Hỏi mới biết, ngày mai trong cuộc mít tinh lớn ở Thương Bạc, Tôn Thất Kỷ (tổng thư ký lực lượng đấu tranh) dự định đọc một bài diễn văn chống Mỹ nảy lửa, mà theo sáng kiến của nhóm, “cần làm luôn một mạch bốn tiếng đồng hồ, giống như Fidel Castro”. 

Thường xuyên ở Tuyệt tình cốc có Tường và họa sĩ Đinh Cường. Đinh Cường đã chọn Tuyệt tình cốc làm phòng vẽ dù ở đây chật chội, vì nó phù hợp với tính lãng tử của anh, Có lẽ, mặt khác, anh cũng muốn chia sẻ “không khí đấu tranh” với anh em. Nhắc đến Đinh Cường, tôi cứ nhớ hoài loạt tranh mấy chục bức anh vẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn mình, rất hồn cốt. 

Trịnh dáng gầy gò, đôi mắt thăm thẳm sau kính cận, như cười mà như hỏi. Tôi cũng rất mê tranh thiếu nữ của Đinh Cường. Có lần tôi lên Đà Lạt, được  đến thăm nhà một thiếu phụ. Tôi thấy trong ngôi nhà “năm sao” ấy, đều treo tranh Đinh Cường vẽ thiếu nữ mảnh mai với gam màu xanh quý phái. Thế là tác phẩm họa sĩ chốn Tuyệt tình cốc Đinh Cường xưa đã trở thành tài sản mỗi gia đình.

Ở Tuyệt tình cốc, thường có những cuộc “tâm sự chính trị”. Đặc biệt là “phái chống Mỹ” thường gây mất trật tự vì đông và hay nổi nóng (có lẽ do căm hận). Nhưng tất cả họ đều nghĩ về vận nước theo cách của mình. Trịnh Công Sơn thì lặng lẽ ôm đàn hát một bài hát mới: Đá lăn vết lăn trầm, Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn…

 Xuân 1966, Tuyệt tình cốc chuyển sang nhịp sống sôi động của phong trào. Tạp chí Việt Nam ra đời, thẳng thừng lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Có người bảo Tuyệt tình cốc là “chỉ huy sở” của phong trào xuống đường ở Huế!

Trịnh Công Sơn.

Trong bút ký Tuyệt tình cốc, Hoàng Phủ có nhắc đến một kỷ niệm đẹp. “Mười năm sau chiến tranh tôi nhận được số báo Đoàn kết của Hội người Việt Nam ở Pháp, trong đó có in bài thơ Đọc thơ T nhớ bạn xưa, hoài tưởng về đêm Tuyệt tình cốc năm xưa ấy: Năm xưa, lều cỏ, dăm thằng bạn/ Góp lửa soi chung một quãng đường…”.  Bài thơ ký tên mà Nam Chí, tức là nhà phê bình văn chương Đặng Tiến, người mà gần 40 năm sau 1975, vẫn gắn bó mật thiết với văn học Việt Nam...

*

*   *

Không biết do ngẫu nhiên hay sự sắp đặt của thời cuộc, mà thế hệ vàng của Huế lại gắn bó với ngôi lều cỏ Tuyệt tình cốc như chuyện cổ tích những tráng sĩ xưa ẩn nơi lều cỏ rồi bỗng tuốt gươm lưng ngựa sa trường. Tôi cứ thẫn thờ nghĩ về họ và nhớ về họ khôn nguôi...

Minh Tâm
.
.
.