Phỏng vấn một thầy giáo
Thầy: Nhiều thứ lắm, nhưng thú thực nhé, tôi dùng rất nhiều thời gian hôm đó để… mơ.
PV: Ôi, mơ mộng là rất tốt. Anh mơ thấy mình ra sao?
Thầy: Nói ra thì buồn cười. Tôi mơ rất thông thường. Mơ đẹp trai, mơ giàu có, mơ được cô hoa hậu yêu và cuối cùng mơ thiên hạ đừng ca tụng thầy giáo nữa.
PV: Chết, chết, anh sai rồi. Ca tụng nhà giáo luôn luôn là việc đáng làm, nên làm và phải làm mãi mãi.
Thầy: Vâng. Nhưng có một từ mà cá nhân tôi không muốn nghe, hay ít nhất cũng không muốn nghe nhiều.
PV: Từ nào thế?
Thầy: "Hy sinh thầm lặng", xin bà con đừng nhấn mạnh mãi câu này.
PV: Ôi, câu ấy hay chứ.
Thầy: Rất hay. Rất có ý nghĩa. Nhưng sao cứ nói đi nói lại khiến giáo viên và những người sắp trở thành giáo viên phát sợ. Sao không thay bằng "Hy sinh được đền đáp", "Hy sinh cả xã hội biết" hoặc "Hy sinh bao nhiêu được bù đắp bấy nhiêu?"
PV: Thầy ơi, trong cuộc sống của chúng ta, chữ "hy sinh" cao quý lắm!
Thầy: Tôi biết. Tôi còn hiểu nước ta có được hôm nay là do bao người đã hy sinh trong bao nhiêu lĩnh vực. Nhưng chiến tranh đã kết thúc bốn mươi năm rồi. Xã hội phải tiến tới chỗ công bằng, không nên bắt một bộ phận ai đó cứ tiếp tục hy sinh như thế.
PV: À.
Thầy: Tại sao nhân viên ngân hàng không hy sinh. Tại sao doanh nghiệp bất động sản không hy sinh. Tại sao nhà đầu tư chứng khoán không hy sinh. Mà giáo viên chúng tôi mấy chục năm nay cứ hy sinh từ năm này đến năm khác?
PV: Ơ.
Thầy: Khi một cá nhân trong xã hội chọn nghề nghiệp cho mình, tôi tin rằng tiêu chuẩn đầu tiên là nghề đó giúp cho họ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chứ nếu một trường đại học treo biển "Ở đây sinh viên ra trường sẽ hy sinh thầm lặng suốt đời" thì tôi tin rằng trường đó rất ít học sinh.
PV: Đúng ạ.
Thầy: Cho nên nếu cứ nghe mãi chữ hy sinh, thì các giáo viên sẽ đến lúc nào đó cảm thấy buồn, thấy tủi thân và thấy mình bất hạnh.
PV: Ừ nhỉ.
Thầy: Tôi muốn lương giáo viên được nâng cao. Tôi muốn chính sách giáo dục nhiều thay đổi. Tôi muốn các ngôi trường xây đẹp hơn khách sạn và trụ sở. Tôi muốn mỗi khi ra đường nhìn thấy một giáo viên ai cũng nể phục vì đẹp đẽ và sang trọng. Tôi muốn vợ con được sống trong ngôi nhà tiện nghi. Tôi cám ơn những người đã biết giáo viên hy sinh nhưng mong những người đó ngày càng ít dần.
PV: Đồng ý với thầy.
Thầy: Nói rộng ra, một đất nước không thể tiến lên vì hy sinhcủa bất kỳ bộ phận nào mà chỉ mạnh hơn khi tất cả được đánh giá đúng, đều được trả lương đủ và đối xử ngang nhau. Đó mới là khoa học; và giáo dục là một thứ khoa học có tính nhân văn thì lại càng như thế.
PV: Vâng.
Thầy: Đừng mang sự hy sinh ra với các thầy cô như là một điều kiện, một phẩm chất và một số phận đã có sẵn. Nếu thế mãi mãi thì chỉ làm đội ngũ thầy cô thiếu niềm tin, thiếu sức sống và yếu đi. Trước khi cải cách sách giáo khoa, có lẽ phải cải cách về cái nhìn nhà giáo đã.