Phỏng vấn một kế toán

Thứ Bảy, 24/07/2021, 13:15
Phóng viên (PV): Thưa ông, nghề của ông có phải lúc nào cũng liên quan tới tiền, đúng chứ ạ?


Kế toán: Nói thế cũng được. Nếu những ngày này có nhiều bạn ăn bóng đá, ngủ bóng đá, thì cuộc sống của tôi, sự nghiệp của tôi là ăn, ngủ, chơi đều nghĩ tới tiền.

PV: Như thế là vui hay buồn?

Minh họa: Lê Tâm

Kế toán: Cả vui, cả buồn. Chắc nhà báo cũng biết, tiền luôn luôn là vấn đề của một cá nhân, một gia đình cho tới một quốc gia.

PV: Đặc biệt khi tiền ít.

Kế toán: Đúng thế. Việt Nam là một nước nghèo, tuy không quá nghèo. Cho nên tất cả những gì liên quan tới tiền, phải dùng tới tiền đều rất căng thẳng.

PV: Nghề kế toán của ông sợ nhất điều gì?

Kế toán: Sợ nhất là gian dối. Sợ nhì là nhầm lẫn.

PV: Còn nỗi sợ thứ ba?

Kế toán: Sợ thứ ba là lãng phí.

PV: Xin ông nói rõ điều này?

Kế toán: Xã hội rất nhạy cảm và rất phẫn nộ với tiền tham nhũng. Nhưng tôi nói thật nhé, lãng phí mới thực sự là quốc nạn đáng lo.

PV: Vì sao vậy, thưa ông?

Kế toán: Vì lãng phí không có thủ phạm, không có ai để kết tội, mà nạn nhân của lãng phí là toàn xã hội chứ chả phải của cá nhân nào.

PV: Rất ít khi người gây lãng phí bị truy tố?

Kế toán: Đúng vậy. Chúng ta chỉ chống lãng phí bằng những lời kêu gọi chung chung, rất ít kết tội thẳng thừng.

PV: Lãng phí thường có những dạng nào, thưa ông?

Kế toán: Đủ mọi dạng. Có lãng phí cá nhân, lãng phí tập thể, lãng phí… hợp pháp nữa.

PV: Xin ông lấy ví dụ lãng phí hợp pháp?

Kế toán: Đây nhé, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 1 tháng 7 năm 2021, tại một ngân hàng quốc doanh, năm qua đã chi hai ngàn tỉ đồng cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết.

PV: Trời đất! Hai ngàn tỷ?

Kế toán: Vâng. Nếu một năm có 365 ngày thì mỗi ngày ngân hàng đó chi 5 tỷ đồng cho các "lễ lạt".

PV: Khủng khiếp.

Kế toán: Để cho thấy sự lãng phí ra sao, xin nhà báo nhớ, cả nước ta đang gồng mình chống dịch, và giờ phút này thì ai cũng biết chắc chắn muốn chống dịch hiệu quả, cần có vaccine.

PV: Rất đúng.

Kế toán: Mà vaccine thì phải mua. Theo tính toán, nếu mua 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng, phải có 25.200 tỷ đồng.

PV: Số tiền lớn quá.

Kế toán: Nguồn tin chính thức cho biết, ngân sách đã chuẩn bị được 14.000 tỷ đồng, nhưng vẫn còn thiếu 11.000 tỷ nữa.

PV: Nên Nhà nước phải kêu gọi đóng góp.

Kế toán: Vâng. Và từ khi bắt đầu kêu gọi đóng góp ngày 25 tháng 5 cho tới 17 giờ ngày 18 tháng 6, đã huy động được 5.722 tỷ đồng.

PV: Nghĩa là chỉ hơn gấp đôi số tiền "lễ lạt" của một ngân hàng?

Kế toán: Đúng là như vậy. Nghề của tôi là những con số, những con số không biết nói dối, cũng không biết bình luận, nó chỉ là những con số khô khan, tùy vào tâm trí của mỗi người suy nghĩ.

PV: Vậy ai đọc những con số trên kia chả đi tới suy nghĩ: Chúng ta nghèo, chúng ta cần bao nhiêu tiền bạc cho sự phát triển của đất nước, nhưng chúng ta lãng phí biết bao.

Kế toán: Vâng.  Lãng phí biết bao. Vaccine là thuốc. Thuốc là thứ sản phẩm đựng trong chai, có thể cầm được, đo được.

PV: Ông nói thế có ngụ ý gì?

Kế toán: Cũng trong năm vừa qua, ngân sách của chúng ta chi 14.000 tỷ đồng cho các hội đoàn,  trong đó có những hội đoàn rất ít khi người dân nghe đến các hoạt động của họ. Đấy cũng là số liệu trên tờ báo Kinh tế Sài Gòn số đó.

PV: Nghĩa là không chi số tiền ấy, và không chi cho các "lễ lạt" của ngân hàng kia, chúng ta có gần đủ tiền mua vaccine.

Kế toán: Đúng vậy.

PV: Biết nói sao bây giờ.

Kế toán: Ai cũng nghĩ nghèo là đáng sợ. Nghèo theo nghĩa đen của kế toán, đó là ít tiền. Nhưng tôi biết nghèo chưa sợ bằng phí phạm. Đúng không nhà báo?

PV: Đúng một cách đáng buồn.

Kế toán: Tôi xin nhắc lại, tham nhũng có thủ phạm, có xét xử, chứ lãng phí mặc dù rất khủng khiếp hoá ra lại rất vô hình, rất hợp lý. Có hàng trăm, hàng ngàn cách giải trình sự lãng phí, mà nhiều cách nghe rất hợp với hoàn cảnh con người.

PV: Nhưng con virus không nghe.

Kế toán: Vâng. Con virus không nghe!

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.