Phỏng vấn một diễn viên

Thứ Hai, 29/03/2021, 10:14
Phóng viên (PV): Thưa cô, cô đang có tâm trạng gì mà đăm chiêu thế?


DV: Tôi buồn.

PV: Ồ, là nghệ sĩ phải có nhiều cảm xúc, trong đó cảm xúc buồn cũng giúp ích nhiều cho nghệ thuật.

DV: Nhưng đây không phải nghệ thuật. Đây là buồn thực sự ngoài đời.

PV: Đời cô ư?

Ảnh Lê Tâm

DV: Không phải. Đời của một số nghệ sĩ, đoàn hát truyền thống Hà Nội.

PV: Trời ơi, họ làm sao? Bị mắc COVID à?

DV: Không, không mắc COVID. Họ mắc phải cái nghèo.

PV: Nghèo thì nhiều người lắm, có phải riêng nghệ sĩ đâu.

DV: Tôi biết thế. Nhưng người nghèo bình thường chỉ đương đầu với cuộc sống. Còn nghệ sĩ nghèo phải đương đầu với vai diễn. Mà vai diễn của họ trên sân khấu rất nhiều khi là anh hùng, là vĩ nhân, là hoàng tử, là công chúa.

PV: Ừ nhỉ.

DV: Mấy hôm trước, tôi đọc báo và bàng hoàng khi biết tin rất nhiều nam, nữ nghệ sĩ sân khấu truyền thống, hoặc cải lương hoặc chèo Hà Nội phải chạy xe ôm, phải bán xôi, bán quà vặt để sống.

PV: Trời đất. Nghệ sĩ mà chạy xe ôm để sống?

DV: Vâng. Mà không phải nghệ sĩ thường, toàn các vai chính đàng hoàng.

PV: Tại sao thế?

DV: Tại vì không có khán giả, họ chỉ sống bằng lương cơ bản, mà lương thì vài triệu một tháng suốt bao năm nay rồi.

PV: Vài triệu thì nguy quá.

DV: Rất nguy. Cho nên chả còn cách nào khác ngoài việc lăn ra vỉa hè làm đủ thứ dịch vụ.

PV: Cô ơi, không có việc gì trong xã hội là xấu cả.

DV: Ai chả biết. Nhưng cũng ai chả biết, những nghề ở vỉa hè thu nhập rất kém cỏi. Nghĩa là những anh, những chị nghệ sĩ ấy đang khổ sở vô cùng.

PV: Đồng ý.

DV: Là người biểu diễn phải có cái thần, và phải có ngoại hình tươi tắn, phải to đẹp, cao ráo, khi đóng vai anh hùng thì sang sảng, khi đóng vai công chúa thì kiêu sa.

PV: Sân khấu muôn đời vẫn thế.

DV: Nhưng làm sao kiêu sa, làm sao sang sảng, làm sao lẫm liệt khi ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và tâm hồn đầy những ngổn ngang cơm gạo.

PV: Quả như vậy thật.

DV: Tình trạng sân khấu truyền thống èo uột, sống dở chết dở, lay lắt là tình trạng tồn tại bao nhiêu năm nhưng đến lúc này thực sự theo tôi lâm vào thảm cảnh.

PV: Biết làm sao hả cô. Tại ai nhỉ?

DV: Đầu tiên là tại thời đại, nghệ thuật cải lương và chèo ra đời đã trăm năm, đến thế kỷ 21 này có rất nhiều yếu tố không còn phù hợp.

PV: Tôi biết. Nghệ thuật không phải tượng đá. Nó là một cơ thể sống có trẻ khỏe, có lớn lên và có già đi.

DV: Cải lương và chèo đã già đi quá lâu mà không sao hồi sinh được, vì sự đổi mới của nó không theo kịp tốc độ mà cuộc sống đòi hỏi.

PV: Và có lẽ sẽ không kịp mãi mãi.

DV: Đúng. Đến lúc này chúng ta phải công nhận là sẽ không theo kịp mãi mãi.

PV: Cho nên phải bỏ chúng đi?

DV: Không. Phải làm như một số quốc gia, đóng băng chúng lại.

PV: Đóng băng như thế nào? Cải lương, chèo chứ đâu phải kem que.

DV: Đóng băng bằng cách dựng những vở hoàn toàn kinh điển. Quần áo, âm nhạc, điệu bộ, cảnh trí hoàn toàn giữ nguyên như cách đây mấy chục năm rồi diễn như một thứ văn hóa bảo tàng.

PV: Sẽ có người xem ư?

DV: Nếu bảo tàng có người xem thì sân khấu cũng thế. Chứ đừng như bây giờ tân không ra tân, cổ không ra cổ. Người già không thấy thân quen, người trẻ không thấy hiện đại.

PV: Kết luận: Cô đề nghị quay về truyền thống đích thực nếu không đổi mới được đích thực.

DV: Tôi nghĩ thế. Nghĩ một cách nghiêm túc. Vì chúng ta đã loay hoay với chèo và cải lương mấy chục năm rồi mà sự thật đến phút này đã được chứng minh là thất bại.

PV: Thế ai chứng minh rằng nếu truyền thống đậm đặc sẽ thành công?

DV: Sang Nhật Bản đi. Họ diễn kịch Kabuki, diễn kịch Noh, y như cả mấy trăm năm trước và họ đầy người xem. Nếu không tân trang được thì tốt nhất là hãy bảo tồn nguyên vẹn nhất.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.