Phỏng vấn Shakespeare

Thứ Tư, 11/10/2017, 08:42
Phóng viên (PV): Thưa ông, xin hỏi một câu rất  khái quát: Tại sao ông từ trần đã gần 500 năm rồi mà kịch của ông vẫn sống?

Shakespeare: Điều ấy là sự thật. Nhưng nó hoàn toàn không phải chỉ do công lao của tôi, mà của tất cả các nghệ sĩ sân khấu.

PV: Xin ông nói rõ thêm điều này?

Shakespeare: Người ta nói sân khấu, hay cụ thể hơn, sàn diễn là thánh đường của nghệ thuật. Nghĩa là tất cả những ai bước vào đó đều sẽ có cảm giác thiêng liêng.

Shakespeare: Đúng thế. Khoan nói tới kịch bản, mà cả khán phòng, cả những chiếc ghế, từng tấm màn, từng ngọn nến, từng bức tường đều nghiêm túc, chỉnh chu, sạch sẽ, không một hạt bụi.

PV: Ờ đúng. Tôi đã thấy ở nhiều quốc gia, khi đi xem kịch, người ta luôn luôn mặc bộ đồ đẹp nhất, và luôn luôn ngồi không một tiếng động, luôn luôn trân trọng từng phút trong đó. Có như thế, kịch mới sống cả ngàn năm.

Nhưng Shakespeare này, sao ông có vẻ buồn thế?

Minh họa: Lê Tâm.

Shakespeare: Tôi không phải buồn. Tôi kinh hoàng. Tôi phẫn nộ. Tôi tê dại hết toàn thân.

PV: Vì chuyện gì vậy, thưa ông?

Shakespeare: Vì vụ cãi nhau om sòm giữa vợ anh Xuân Bắc và Ban giám hiệu trường nghệ thuật Hà Nội.

PV: A, theo ông thì ai đúng, ai sai?

Shakespeare: Chuyện ấy tôi không biết. Và cũng không cần biết. Nhưng nhờ cái vụ cãi nhau đó, tôi thấy một tấm hình chụp sân khấu của trường. Không phông màn, không cánh gà, còn ở dưới lỏng chỏng dăm bảy cái ghế cũ nát, hư hỏng với đầy bụi, bẩn thỉu, cũ nát.

PV: Đúng rồi. Tôi cũng nhìn thấy tấm hình đó.

Shakespeare: Phải nói rằng sân khấu ấy còn thua một quán ăn hạng bét ở Hà Nội, khiến tôi tự hỏi: Người ta dạy gì ở đây?

Sinh viên học kịch nói, trước tiên phải học sự thiêng liêng, sự cao quý, sự "sang trọng" của văn hóa trong nghĩa bóng và nghĩa đen. Được tiếp xúc với kịch hàng ngày trong một sân khấu như thế, thì tâm hồn, thì nhận thức, thì độ tôn trọng nghề nghiệp của các em sẽ ra sao?

PV: Đúng thật.

Shakespeare: Cả ban giám hiệu và cả vợ ông nghệ sĩ xô vào cãi nhau, nhưng chả ai cãi rằng cái sân khấu của mình tại sao lại tồi tệ như thế. Một "thánh đường" nghệ thuật như vậy thì tốt nhất là phải dẹp đi chứ cãi vã làm gì, kinh sợ quá.

PV: Nếu được hỏi, chắc chắn Ban giám hiệu sẽ trả lời một câu muôn thuở: không có kinh phí.

Shakespeare: Tôi biết thừa câu đó. Nhưng kê lại những chiếc ghế cho thẳng thắn thì cần kinh phí bao nhiêu?

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao gần như toàn bộ kịch nói Thủ đô không còn diễn viên chỉ nhờ phim truyền hình hoặc nhờ Game show. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao tìm mãi không ra ai làm giám đốc nhà hát.

Tôi tin chắc chính những con người đang làm sân khấu đang không coi trọng nghề nghiệp của mình, tôi chả hiểu với một sàn diễn như thế, họ dạy bảo gì, truyền đạt gì cho các sinh viên. Tôi đề nghị mở cửa cái sân khấu của trường đó cho công chúng tham quan, để khán giả hiểu kịch nói đang được người ta nâng niu và chăm sóc thế nào!

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.