Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng: Tình như chiếc lá rơi rụng bên song
Người của một thời
Tô Thanh Tùng là một nhạc sĩ nổi tiếng mặc dù chưa bao giờ vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông có rất nhiều ca khúc được khán thính giả yêu thích: Giăng câu, Về miền Tây, Tình cây và đất, Sao anh nỡ đành quên, Giã từ, Tiễn biệt, Hồng Ngự mang tên em, Cô hàng xóm, Thà em đi lấy chồng...
Ông kể: “Tôi chơi thân với nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhưng nghe nói vào Hội phải làm đơn từ phức tạp quá, tôi trốn hoài. Có lần ra Hà Nội nhận giải thưởng cho ca khúc Tình cây và đất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao, tôi gặp nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ bảo sẽ xét đặc cách nếu tôi chịu khó gởi đơn cho Hội, nghe vậy ngay sáng hôm sau tôi leo máy bay về Sài Gòn cho tới giờ. Mà thôi, tôi không ham hố gì cả, làm nhạc sĩ có tác phẩm được công chúng đón nhận là sướng nhất rồi…” - Tô Thanh Tùng cười khà khà.
Nhắc đến nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, bài nhạc đầu tiên “đóng đinh” tên tuổi ông vẫn là sáng tác đầu tay Hồng Ngự mang tên em với lời ca mượt mà: “Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự/ Giờ đây cách trở xa xôi mịt mờ/ Lòng còn tràn bao nhung nhớ/ Hình dáng của người em thơ/ Tôi sẽ về thăm quê hương Hồng Ngự/ Nhìn lúa Tháp Mười vươn lên đầy đồng/ Nhìn dòng Tiền Giang êm ái...”.
Nghe nói bài hát này ông viết khi đang học tú tài ở Sài Gòn trong một đêm nhớ nhà. Giai đoạn này, Tô Thanh Tùng liên tục cho ra đời nhiều ca khúc: Giăng lưới, Sao em nỡ đành quên, Ngôi tôn thờ, Xót xa… Sau này, kết bạn với Quốc Dũng, ông hay tới nhà chơi và nhờ ca sĩ Bảo Yến thu trong Album Tình ca hương lúa, bán chạy như tôm tươi nên tên tuổi ông cũng nổi như cồn. Rồi Tô Thanh Tùng đình đám tiếp với: Giăng câu, Người hàng xóm, Tiễn biệt, Về miền Tây, Tình cây và đất, Đồng Tháp Mười quê hương tôi…
Ông khoe: “Hồi đó rạp Hưng Đạo (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Quận 1, TP HCM bây giờ) mà đêm nào có ca sĩ Thái Châu với Bảo Yến hát nhạc của tôi là khán giả ngồi kín lối đi luôn. Năm 1970, tôi còn yêu đương mơ mộng hão huyền lắm. Buồn người bạn gái quá… ham học bỏ rơi mà tôi tự ái mới viết bài Xót xa. Sau này Hương Lan hát rất mùi. Khi có lệnh tổng động viên của Nguyễn Văn Thiệu năm 1967, Trịnh Công Sơn trở lại Huế, còn tôi trốn về Hồng Ngự luôn. Nhờ thời gian ở “ẩn sĩ” trốn quân dịch này, tôi có loạt 10 bài hát về Đồng Tháp, từ Đồng Tháp 1 đến Đồng Tháp… Mười luôn. Tôi làm liền một lèo” - Tô Thanh Tùng cười sảng khoái.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM). |
Đời không như là mơ
Ở Sài Gòn, Tô Thanh Tùng có rất nhiều anh em, bạn bè văn nghệ nhưng nhà báo Khắc Văn (báo Sài Gòn Giải Phóng) là người ông chơi thân nhất. Sinh ra tại Đồng Tháp sông nước mênh mông, ghe xuồng tấp nập nhưng nghe lời ông già Khắc Văn, tác giả Giăng câu lại chọn mua mảnh đất ở Bình Dương để sống những năm cuốc đời. “Đó là một Hồng Ngự quê nhà của tuổi thơ tôi thu nhỏ với: đầm sen, ao cá, vườn tược trái cây… đầy đủ cả. Buổi sáng thức dậy thanh thản ra vườn, hít thở không khí trong lành và ngồi… viết nhạc. Vậy mà ông trời bất công quá, mới ổn định chưa lâu thì một tháng nay tôi đổ bệnh ung thư, mọi thứ như sụp đổ” - ông buồn bã.
Vì quá lo lắng nhiều đêm không ngủ được, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng bị sút đến 10kg. Tác giả Giăng câu kể: “Ban đầu tôi còn chủ quan cứ tưởng chứng nhức xương khớp lâu nay tái phát. Ai ngờ vài ngày sau đau quá mới nhờ người nhà đưa đi khám, bác sĩ nghi ngờ ung thư nên chuyển vào Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Sau khi làm các xét nghiệm, tôi nghe nói tuyến tiền liệt có vấn đề, di căn qua gan. Được bạn bè giới thiệu ở Bệnh viện Bình Dân điều trị tuyến tiền liệt tốt nên tôi nhập viện luôn. Ban đầu nghe nói tới ung thư, tôi toát mồ hôi hột và suy sụp dữ lắm nhưng khi bác sĩ nói phải nằm lại theo dõi, nếu lành chữa theo lành, còn độc thì tính theo độc… nên tôi cũng vững tâm. Bệnh này nằm viện chắc lâu nên tôi đang chuẩn bị tinh thần, cố gắng không để gục ngã”.
Đón chúng tôi đến thăm tại Bệnh viện Bình Dân, ông khoe 15 bài hát chuẩn bị phát hành đã thu âm xong và tiếp tục ngồi suy nghĩ… tìm ca từ sáng tác cho những tác phẩm mới. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng hóm hỉnh: “Tôi dân miền Tây sống chung với lũ quen rồi, bây giờ bác sĩ nói phải sống chung với bệnh tật nữa tôi đồng ý luôn. Nhưng sau này rủi có mệnh hệ gì, bài hát cuối cùng của cuộc đời tôi viết sẽ có những câu như thế này: “Cuối cùng rồi cũng phải ra đi, không còn gì, không còn gì. Tôi trả lại hết cho đời, cho cha mẹ và bạn bè. Than thản lắm…”. Ông lại cười mà khuôn mặt như khóc.
Nếu có liveshow, tôi sẽ mời Bảo Yến và Hương Lan…
Khá bất ngờ với nhiều người là nhạc sĩ Tô Thanh Tùng không được đào tạo bài bản về âm nhạc. Hồi nhỏ ông chỉ “học lỏm” nhạc nhờ các thầy dạy guitar ở quê rồi mày mò viết vì mê nghề, chứ như ông nói “không có google như bây giờ để tìm hiểu đâu”. Vậy mà, nhờ có chí và tài năng trời phú, cả cuộc đời Tô Thanh Tùng viết được hơn 200 ca khúc. Nhiều bóng hồng thấp thoáng hoặc có đời sống thực tại trong những tác phẩm để đời của ông nhưng ở tuổi 72 ông vẫn đơn côi một mình.
Tô Thanh Tùng tiết lộ bí mật: “Tôi yêu từ năm 18 tuổi, đó là mối tình đầu trong sáng với một người con gái cùng quê chẳng đâu vào đâu cả. Người thứ hai là ca sĩ Thu Vân nổi tiếng thời trước giải phóng mà tôi từng viết: “Quen nhau đừng để cho nhau buồn lòng/ Đời như chiếc lá rớt rụng bên song/ Hỡi em, em hỡi có biết hay không?/ Mà sao em để tôi nhớ tôi chờ”… để cuối cùng nên duyên chồng vợ. Tôi có hai bà chính thức, cả hai người sinh cho tôi tất cả 6 người con giờ yên bề gia thất cả. Hai đứa lớn định cư ở nước ngoài còn lại 4 đứa đều ở Việt Nam với tôi. Điều khá lạ là chẳng đứa nào theo nghề của cha, chỉ có một cô gái út đang học nhạc ở Sa Đéc vì muốn trở thành… cô giáo gõ đầu trẻ”.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng và tác giả. Ảnh: Quỳnh Trân. |
Được biết, nhạc Tô Thanh Tùng rất nhiều ca sĩ chọn thể hiện, trong đó có Đàm Vĩnh Hưng. Cách đây mấy hôm, khi nghe tin ông bị bệnh nặng, “ông hoàng nhạc Việt” đã tổ chức một đêm nhạc tại phòng trà Không tên, vận động quyên góp được 100 triệu đồng. Lúc Đàm Vĩnh Hưng tìm đến phòng trọ chỉ là một căn gác xép ở Tân Bình (TP HCM) để trao tiền, ông mừng, ngồi rưng rưng như đứa trẻ. “Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ có bao giờ tôi cầm trên tay số tiền lớn vậy đâu mà không khóc. Hôm nhập viện, tôi chẳng có một cắc phải chạy qua trung tâm bản quyền tác giả phía Nam “ứng” trước 30 triệu, rồi nhờ Công ty Maseco Phú Nhuận gởi tặng 10 triệu đồng, tôi mới cầm cự được tới giờ. Khi phát bệnh tôi mới thấy tình cảm mọi người thương yêu nhiều. Ấm áp lắm, tôi thấy mình chẳng cô đơn trong bệnh tật mà giờ có sao trăng gì cũng an lòng…” - Tô Thanh Tùng rưng rưng.
Hiện nay ước mơ cuối đời của nhạc sĩ bài Nhớ người tình phụ là được làm một liveshow cho riêng mình. Khi đó, đích thân ông sẽ mời lại Bảo Yến và Hương Lan hát. Hai tên tuổi của làng nhạc Việt Nam đã đưa các ca khúc của ông đến với khán giả, làm nên tên tuổi nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là mong ước khi điều kiện chưa cho phép, còn hàng ngày ông vẫn phải… uống thuốc, tập vận động cho có sức khỏe chuẩn bị cho đợt vô thuốc lần 3. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, tâm hồn thanh thản, ông lại đắm chìm vào những trang viết. Bài hát Đẹp vô thường ông vừa hoàn thành đúng vào thời khắc kỷ niệm tròn 50 năm sáng tác nhạc.
“Ngày xưa, còn trai trẻ, ham hố tôi lao đầu vào tình yêu, dâng hiến, bây giờ già rồi, bệnh tật… “Tình như chiếc lá rơi rụng bên song”, tôi tự tìm vào chốn vô thường, cõi tạm để an nhiên mà sống thôi” - khóe mắt ông rưng rưng.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm 1944 tại Hồng Ngự (Đồng Tháp). 50 năm sáng tác âm nhạc, ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng: Ba năm yêu em âm thầm, Chiếc xuồng, Cho anh làm tình nhân, Chưa nói cùng anh, Con nước tháng mười, Dù anh nghèo, Điều chưa dám nói, Giã từ, Giăng câu, Hạnh phúc quanh đây, Hồng Ngự mang tên em, Mắt diễm buồn, Mẹ của tôi, Ngôi tôn thờ, Người hàng xóm (phổ thơ Nguyễn Bính), Nhớ người tình phụ, Nhìn lá thu rơi, Vòng hoa cho Trần Thế Vinh, Sài Gòn về đêm, Sao nỡ đành quên, Thà em đi lấy chồng, Thăm Huế, Tiễn biệt, Tiễn đưa, Tình cây và đất, Tình đầu, Về miền Tây, Xót xa. Hiện ông bị bệnh nan y đang phải nằm điều trị tại nhà và vô thuốc ở Bệnh viện Bình Dân TP HCM. Mọi sự giúp đỡ nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua số tài khoản 050016604574 - Ngân hàng Sacombank Bình Dương hoặc số điện thoại: 0913897305. |