Muốn có “thương hiệu quốc gia” phải có “nền quốc học”

Thứ Sáu, 19/10/2018, 17:14
Trong thời kì toàn cầu hóa này, khi thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn, mỗi đất nước lại càng có nhu cầu mạnh mẽ về sự khác biệt và khẳng định bản sắc. 


Có thể nói đây là thời kì mà chủ nghĩa Utopia (thế giới đại đồng) và chủ nghĩa dân tộc song song tồn tại, đồng thời ngấm ngầm xung đột, và cũng chuyển hóa lẫn nhau: các quốc gia vừa muốn giữ gìn bản sắc của chính mình, lại vừa muốn đưa bản sắc đó ra thế giới, hòa nhập vào dòng chảy chung của thế giới phẳng.

Nhưng điều đó không dễ. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước có nền văn hóa gần gũi với Việt Nam, đang từng bước đẩy mạnh công cuộc quảng bá văn hóa qua các sản phẩm giải trí. Ta có thể thấy vẻ hào nhoáng của ca nhạc, phim ảnh các quốc gia đó, nhưng hãy nhìn sâu hơn đôi chút vào thực tế: những quốc gia đó có nền tảng để xây dựng nhiều hình ảnh văn hóa mạnh mẽ trong sản phẩm giải trí, đó chính là nền tảng “quốc học”.

Quốc học là gì?

Có thể tạm định nghĩa chung, “quốc học” tuy thuộc về khoa học xã hội, nhưng là một ngành liên môn, bao gồm tất cả những môn khoa học nghiên cứu về sự hình thành, phát triển của nền văn hóa một quốc gia, gồm sử học, văn học, tôn giáo học, ngôn ngữ học, văn tự học…

Ở chiều ngược lại, một bộ môn khoa học được xếp vào quốc học khi phạm vi nghiên cứu chủ yếu tập trung ở một quốc gia, ví dụ như lịch sử Việt Nam, Việt ngữ học, văn học Việt Nam… còn nếu mở rộng phạm vi ra những khu vực khác trên thế giới thì không xếp vào quốc học.

Phục dựng bộ môn "thúc cầu" (hay "thúc cúc") tại Nhật Bản.

Ở Trung Quốc, quốc học được định nghĩa rõ ràng hơn là “Hán học” hoặc “Trung Quốc học”, phạm vi là tất cả các vấn đề thuộc văn hóa Hán (chứ rất ít tính đến các vấn đề thuộc văn hóa thiểu số khác trên đất nước Trung Hoa, trừ phi liên quan đến văn hóa Hán).

Ở Việt Nam đã có ngành Việt Nam học, nhưng phạm vi có đôi chút khác biệt. Ngành Việt Nam học hiện tại có phạm vi mở rộng đến cả những vấn đề kinh tế, quân sự, địa lý…, tập trung chủ yếu vào thời kì hiện đại, và phần lớn là có định hướng du lịch. Ngành Việt Nam học đang ít đề cập đến chiều sâu văn hóa trong lịch sử, và cũng ít thấy có định hướng nghiên cứu văn hóa.

Ở Trung Quốc, nói đến một đại sư về quốc học, là nói đến người có hàm dưỡng rất cao về văn hóa truyền thống, thông thạo về sử học, có những nghiên cứu chuyên biệt về lịch sử, văn tự, huấn hỗ (ngành nghiên cứu về âm và nghĩa của từ ngữ cổ), hiểu về nghệ thuật truyền thống như hội họa, thư pháp…, không chỉ đọc nhiều sách cổ, mà còn có thể sáng tác thơ văn theo lối cổ. 

Với tiêu chuẩn ấy, sợ là những nhà “Việt Nam học”, nhà “Hà Nội học” của chúng ta còn rất lâu mới đạt tới, khi mà thậm chí còn đọc không thông chữ Hán, chữ Nôm!

Nền tảng để có nền quốc học là gì?

Theo tôi, nền tảng quan trọng nhất, không gì ngoài… biết đọc biết viết. Ở đây tôi nói đến biết đọc biết viết chữ Hán Nôm - thứ chữ mà ông cha chúng ta từng dùng trong cả ngàn năm. Ta không thể bàn về quốc học nếu ngay cả việc đọc lại sách vở của tổ tiên cũng còn khó khăn, vẫn còn đang trông đợi vào một số ít các học giả cất công đi dịch.

Ta cũng chưa thể bàn chuyện thơ văn ngày xưa của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… hay thế nào, đẹp thế nào khi còn đang không có cảm nhận thực sự về thơ văn Hán, và các cô giáo vẫn còn đang “chưa sạch nước cản” thì sao dạy được học sinh về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du?

Tôi nhớ ngày xưa có cô giáo từng giảng câu “thời gian như bóng câu qua cửa sổ” là thời gian trôi nhanh như bóng con chim bồ câu bay qua cửa sổ. Cô giáo không biết câu gốc là “bạch câu quá khích”, chữ “câu” chỉ con ngựa non mà khỏe (theo anh bạn tôi suy luận, thì có thể cô sẽ bảo chàng Kim Trọng cưỡi chim bồ câu, nên trong Truyện Kiều có câu “Tuyết in sắc ngựa câu giòn”).

Rồi nghe nói (chỉ là nghe kể, chưa rõ thực đến đâu), có cô giảng viên ở một đại học có tiếng, giảng bài Mộng đắc thái liên của Nguyễn Du, đến câu “Hoa dĩ tặng sở úy, thực dĩ tặng sở liên”, vốn được dịch là “Hoa tặng người ta kính, gương tặng người ta thương”; sinh viên đứng lên hỏi nghĩa là gì, cô liền nói ngày xưa các cô gái hay mang gương lược đi tặng nhau.

Giả như cô giáo biết chút chữ Hán, thì đã hiểu, “thực” ở đây là chỉ hạt, củ, quả của cây, các dịch giả dịch ra là “gương”, ý nói là cái gương sen (bát sen), nơi mà hoa rụng rồi thì hạt sen phát triển, chứ chẳng liên quan gì đến gương lược.

Còn nói đến chữ Nôm, lại nói đến Truyện Kiều (lại cụ Nguyễn Du!), trong mấy chục năm qua, sách giáo khoa vẫn in câu Kiều: “Kì kèo bớt một thêm hai/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.

Nhưng nếu đọc các bản chữ Nôm thì sẽ thấy không có chữ “vàng” nào cả, mà là chữ “vâng”: Giờ lâu ngã giá, vâng, ngoài bốn trăm. Tại sao lại thành “vàng”? Lí do vì bản phiên âm ngày xưa của học giả Đào Duy Anh được viết tay, nên bên xuất bản đọc nhầm, gõ “vâng” thành “vàng”!

Hơn nữa, xét trong lịch sử, thời nhà Minh dân gian không mấy khi giao dịch bằng vàng, mà là bằng bạc. Rất may, hiện tại Truyện Kiều được tái bản đã có sửa lại, bạn đọc có thể tìm bản Truyện Kiều do Nguyễn Thế Anh khảo dị, đối chiếu một số dị bản, có in phần chữ Nôm.

Thêm ví dụ khác của bên sử học. Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn nói về Trần Ích Tắc như sau: Ích Tắc, con thứ của thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông kinh sử lục nghệ, văn chương hơn đời. Dù những nghề nhỏ như đá cầu, đánh cờ vây, không có gì không am hiểu.

Từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học, cấp cho ăn mặc. Đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... hai chục người đều dùng được cho đời. Nếu tìm đọc các bản dịch hiện tại, thì chỉ dịch mấy từ “thúc cầu, vi kì” là “đá cầu, đánh cờ”, vậy là không nói rõ đá cầu gì, đánh cờ gì.

Với cái nhìn thời hiện đại, rất có thể nhiều người nghĩ là đá cầu trinh, đánh cờ tướng. Nhưng không phải. “thúc cầu”, hay “thúc cúc”, là một bộ môn chia hai đội đá với nhau, cố gắng đưa quả bóng vào khung gỗ phía bên kia (Nghe rất quen phải không? Phải, khá giống với bóng đá thời nay), nó thuộc về môn thể thao đối kháng trực tiếp, khác với đá cầu (cầu trinh, cầu mây). 

“Vi kì” là cờ vây, không phải cờ tướng. Như vậy là qua bản dịch, ta đã mất một ít thông tin. Mỗi lần mất một ít, cả bộ sẽ mất bao nhiêu? Có lẽ ở các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thật khó tưởng tượng nổi có nhà sử học nào lại… không biết đọc chữ Hán như ở nước ta.

Một lỗi sai khi minh họa cho “Truyện Kiều” trên sản phẩm văn hóa: nhân vật Trung Hoa thời nhà Minh mặc đồ Việt Nam thời Nguyễn.

Đấy là những ví dụ nói trực tiếp đến chuyện văn bản, còn những hệ quả khi thiếu nền tảng đó thì không chỉ có vậy. Truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tuy viết cho thiếu nhi, cốt truyện khá giản dị, nhưng không hề thiếu cái không khí cổ trang đặc biệt, vì tác giả có nền tảng, đưa vào nhiều từ ngữ cổ (như “thê noa” – tức “vợ con”), những câu trích từ sách cổ. 

Cũng truyện viết về Trần Quốc Toản, có cuốn mới viết cách đây không lâu, so về nền học vấn thì kém xa như trời vực! 

Các biên kịch, đạo diễn phim kém về quốc học, nên phim nào cũng có sạn về cả lịch sử và ngôn ngữ: phim về thời Lê thì nhân vật vẫn mặc áo cài cúc chéo như thời Nguyễn, quá đáng hơn là có nhân vật thời Trịnh Nguyễn mặc quan phục với miếng bổ tử (miếng vải có họa tiết may đệm phía trước áo) hình… Lion King; hay như phim về khoảng Tiền Lê đến Lý, có nhân vật tập thái cực quyền (trong khi thái cực quyền còn chưa ra đời), hoặc dùng ngân phiếu (cũng là thứ không có ở nước ta)… 

Những lỗi sơ đẳng vẫn còn đang mắc phải, thì chắc còn lâu lắm ta mới có biên kịch hay nhà văn thực sự viết ra nổi một bài thơ chữ Hán, hoặc bài thơ Nôm nào cho giống giọng thơ thời cổ (cũng có người cố viết, mỗi tội lủng củng tối nghĩa vì khả năng Hán văn có hạn).

Cần có chiến lược tổng thể cho quốc học

Ở nước ta cũng có ngành Hán Nôm, nhưng mỗi năm số lượng đào tạo rất ít (Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn mỗi năm tuyển khoảng 30 sinh viên), số lượng sinh viên ra trường làm công tác nghiên cứu Hán Nôm còn ít nữa.

Hơn nữa, bốn năm đại học là khoảng thời gian rất ngắn, trong khi 12 năm phổ thông gần như không tạo được cho các em chút nền tảng nào (với những cô giáo dạy văn… như trên). Nói cách khác, ngành này đang dựa quá nhiều vào khả năng tự học và sự đam mê cá nhân.

Những ngành khoa học cơ bản và khoa học xã hội là những ngành ít thu hút được người học, bởi đó không phải là ngành “hot” với hứa hẹn có lương cao như các ngành kinh tế. Chúng ta cũng không nhất thiết cần quá nhiều người đi vào ngành, nhưng cần có người giỏi. 

Điều đó phụ thuộc vào chính sách đãi ngộ của nhà nước dành cho khoa học. Hơn nữa, “quốc học” là một thứ liên ngành, với những mối quan hệ phức tạp: người làm sử cần biết Hán Nôm, người làm văn hóa cần biết sử, người học Hán Nôm cần có nền tảng ngôn ngữ học…

Vì thế, không thể trông chờ bốn năm đại học có thể đào tạo được toàn bộ những thứ trên (kể cả cộng thêm hai năm thạc sĩ, ba năm tiến sĩ cũng vẫn là bài toán khó, đặc biệt với cách bố trí thời gian học cao học như ở nước ta). Chính vì vậy, cần có chiến lược lâu dài, có thể phải mất vài chục năm để đặt được một nền tảng tương đối ổn cho quốc học.

Khoan nói đến chuyện đưa chữ Hán chữ Nôm vào dạy ở phổ thông, tôi không cho rằng đó là biện pháp có thể thực hiện vào lúc này. Đưa thêm một môn vào, là phải thay đổi toàn bộ cấu trúc chương trình học, trong khi các em đã học quá nhiều thứ; và cũng đâu có nhân lực để dạy thứ này, cho dù chỉ là dạy thêm? Ta vẫn có thể tập trung vào đại học, và một chính sách đãi ngộ tốt dành cho các ngành xã hội.

Một chiến lược không thể thấy thành quả ngay, quốc học cũng không phải là thứ có thể thúc đẩy nền kinh tế ngay lập tức, nhưng tôi tin rằng, đó là thứ để định vị được chúng ta là ai, từ đó mới có được một “tấm hộ chiếu văn hóa”, để quảng bá ra với thế giới.

Lê Huy Hoàng
.
.
.