Dấu vết xứ sở trên túc cầu trường thế giới

Thứ Hai, 15/07/2024, 17:18

Xem bóng đá, ngoài việc thưởng ngoạn những bàn thắng, "người về đỉnh cao, người về vực sâu", kẻ khóc người cười thì vẫn còn một góc khác là dấu vết văn hóa xứ sở. Người có tuổi sẽ có cái thú này, khi được xem chuỗi giải xuyên thế kỷ, từ thuở thế giới lồi lõm tới kỷ nguyên thế giới bẹt.

1. Xem bóng đá thời cuối thế kỷ 20, khi làn sóng nhập cư chưa hòa quá trộn nhiều thì chỉ cần nghe tên cầu thủ có thể nhận ra đó là đội bóng nào bởi vì dấu vết nguyên bản của xứ sở, quốc gia. Cần phải nhấn mạnh chữ xứ sở, bởi quốc gia đôi khi không đồng nhất với miền văn hóa. Có những vùng văn hóa có nhiều quốc gia, lại có những quốc gia gói nhiều vùng văn hóa.

Công ước Montevideo năm 1933 có thể rút gọn tiêu chí một quốc gia phải có: Dân cư - Lãnh thổ - Chính quyền - Được công nhận của quốc tế. Trong khi đó một đất nước (xứ sở) chỉ cần có đủ 3 tiêu chí: Dân cư - Lãnh thổ - Chính quyền. Giải toàn cầu hay châu lục đều mang đến muôn hồng ngàn tía văn hóa các xứ sở. Sau màu áo là những cái tên đặc trưng.

1a.jpeg -0
Trong sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp, Van Basten giành 3 chức vô địch Hà Lan, 3 Cup quốc gia Hà Lan, 3 Serie A và 2 Champions League

Chắc chưa ai quên vua phá lưới của EURO 92 là Henrik Larsen. Hễ cầu thủ nào tên có đuôi "Sen" thì y như rằng đó là Đan Mạch. Đội này thời viết nên "truỵện cổ tích" theo gót nhà văn Andersen có Nielsen, Olsen, Andersen, Jensen, Povlsen, Larsen, Christiansen, Larsen… Có lẽ đuôi "Sen" mà sang Thụy Điển thì thành đuôi "Son" chăng? Nilsson, Eriksson, Andersson, Ingesson, Jansson…

Liên Xô thì khá nhiều "Ốp": Cherenkov, Bessonov, Zavarov, Chernyshov, Kuznetsov, Shalimov, Aleinikov, Cherchesov, Kiriakov, Kolyvanov, Lediakhov, Ivanov, Gavrilov, Protasov…

Đội tuyển cùng Slavo là Bungaria cũng nhiều "Ốp" không kém. Lại nhớ các danh thủ: Stoichkov, Mihaylov, Sirakov, Mihaylov, Zhekov, Kostadinov, Berbatov…

Ukraina thì chiếm thượng phong là tên có đuôi "enko" như: Mykhaylichenko, Mykolenko, Stepanenko, Yarmolenko, Zinchenko, Shaparenko, Shevchenko…

Đức thì đuôi toàn "ER": Mueller, Schumacher, Kohler, Moller, Voller, Helmer, Sammer, Schweinsteiger, Neuer… Trong đội Đức trước đây có người có đuôi tên là "ski", khác hẳn với đuôi "ER". Đó là hai chàng gốc Ba Lan mang tên Littbarski và Podolski. Hãy xem đội tuyển Ba Lan thì quá nhiều đuôi "Ski": Lewandowski, Blaszczykowski, Grosicki, Lubanski, Wilimowski, Tomaszewski… Ấy thế mà lại có hai chàng ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tên là Lato và Boniek. Dân ta Việt hóa là "Bô Nhếch", "Bô Lô Nhếch". Sau thì dùng "bô nhếch" để chỉ những anh lôi thôi lếch thếch. Chiến lược gia huyền thoại tuyển Liên Xô Lobanovski cũng là gốc Ba Lan.

Hà Lan, con cháu cụ Van Gogh thì các loại "Van": Van Basten, Van Breukelen, Van Aerle… Đội Ý thì toàn đuôi "i": Bergomi, Cabrini, Tardelli, Oriali, Graziani, Rossi, Altobelli, Donadoni, Maldini... Nhớ mãi anh chàng phóng nhanh phanh gấp Bruno Conti. Có mấy anh ở đội khác nhưng gốc Ý thì vẫn có cái đuôi "i" là anh Platini. Anh này là vua phá lưới EURO 84. Nếu ai thắc mắc sao đội Argentina cũng hay có cầu thủ tên có đuôi "i" như Tarantini, Zaneti, Sensini… thì tin chắc chắn đi: 60% người Argentina là người Ý di cư. Huyền thoại Messi chính là một chàng trai gốc Ý thực thụ. Những đội bóng vùng dãy núi Kavkaz như Gruzia thì đuôi chỉ có "Vili" hoặc "Ze". Thí dụ: Kakilashvili, Ketashvili, Revishvili, Baratashvili, Pridonishvili… hoặc "de": Chivadze, Baladze, Svanadze, Makharadze… Lãnh tụ Liên Xô huyền thoại I.S Stalin quê hương ở đây. Tên gốc của ông là Ioseb Besarionis dze Jughashvili. Tổng thống đầu tiên của nước này sau khi tách khỏi Liên Xô là ông Shevardnadze. Chả hiểu sao nước này lại đổi tên sang Georgia làm thế giới nhầm họ với một bang của Mỹ.

Cầu thủ Armenia (tách ra từ Liên Xô) thì tên cuối toàn chữ "Yan": Oganesyan, Avagyan, Nersesyan, Hovhannisyan, Haroyan, Voskanyan, Hakobyan, Grigoryan, Babayan, Galoyan, Simonyan…

Dấu vết xứ sở trên túc cầu trường thế giới -0
Người đưa đội Pháp trở lại vinh quang là thủ lĩnh Zinedine Zidane vốn gốc Algeria.

Cầu thủ thuộc các nước Nam Tư cũ tên thì kính thưa các loại "ic": Ladic, Jurcevic, Bilic, Boksic, Stanic, Vlaovic, Simic, Barisic, Asanovic, Mandzukic, Olic, Rakitic, Perisic, Modric. Vẫn có những cái tên ngoại lệ như Boban, Suker; nhưng "ic" là quá đậm.

Đội Romania với huyền thoại Hagi được tôn vinh là Maradona vùng Karpat thì có rất nhiều cái tên đuôi "U". Nhớ lại tên các danh thủ: Mutu, Camataru, Georgescu, Iordanescu, Munteanu, Popescu, Petrescu, Bancu, Sorescu, Olaru…

2. Để hiểu được lý do đuôi tên gọi thì chỉ có nhà dân tộc - xã hội học mới hiểu cặn kẽ. Tuy vậy chỉ cần vài dấu hiệu chưa cần hiểu mà đã đánh dấu được vùng văn hóa thì thật thú vị.

Đội Triều Tiên thì không thiếu "Kim": Kim Jin-hyuk, Kim Yu-song, Kim Pom-hyok, Kim Sung-hye, Kim Kuk-bom, Kim Kum-chon, Kim Kuk-jin, Kim Kyong-sok, Kim Hyon, Kim Yong-jun… Hàn Quốc thì Kim Ho-kon, Kim Jae-han, Kim Do-hoon, Kim Jin-kook, Kim Jin-su, Kim Seung-gyu, Kim Jun-hong, Kim Young-gwon, Kim Min-jae, Kim Moon-hwan, Kim Tae-hwan, Kim Ju-sung, Kim Ji-soo.

Các đội Bắc Phi thì cái tên "Mohammed", tên của đấng tiên tri xuất hiện vô cùng nhiều và trên thế giới có tới 150 triệu người mang tên này. Ý nghĩa của tên là "người xứng đáng được ca ngợi". Một đặc điểm của các đội vùng Ảrập là chữ "AL". Đội Ảrập Saudi có: Mohamed Al-Deayea, Sami Al-Jaber, Taisir Al-Jassim, Mohamed Al-Jawad, Mohammad Al-Shalhoub, Yasser Al-Qahtani, Obeid Al-Dosari, Talal Al-Meshal, Mohammad Al-Sahlawi, Khaled Al-Muwallid, Fahad Al-Mehallel, Ibrahim Al-Shahrani. Chắc ít ai nhớ Saeed Al-Owairan lừa bóng qua 5 cầu thủ Bỉ và ghi bàn tại World Cup 1994. Chữ AL có nghĩa là thuộc họ nào. Ta hiểu là chàng Saeed thuộc họ nhà Owairan. Đây là đã rút gọn rồi. Tên người xứ này khi đọc có thể thấy cả trích ngang phả tộc. Thí dụ Thái tử Ảrập Saudi tên là Mohammed bin Salman al Saud. Bin là con của ông. Cần dịch nghĩa là: tên Thái tử là Mohammed - cha của thái tử tên là cụ Salman - họ của Thái tử là Saud tộc.

3. Xem năm 2024 thì các đội bóng Đông Âu không có sự thay đổi lớn và tên cầu thủ. Dường như các nước này ít xáo động dân số. Ba Lan vẫn đầy "Ski", Gruzia vẫn đầy "Vili", "ze". Romania vẫn đuôi "U" còn các đội Tây Âu đã bớt những cái tên quen thuộc để thay vào đấy là những cái tên như: Lukaku, Doku, Lukebakio… Đội Pháp thì toàn: Thuram, Mbappe, Muani… Người xem dường như phía đông vẫn là Âu còn phía Tây là tuyển châu Phi. Nên giải Euro thế kỷ 21 như giải liên châu lục Âu - Phi.

Dòng chảy nhập cư thường tập trung vào những quốc gia có điều kiện mưu sinh hơn. Thời đại thế giới phẳng thì quốc gia nào càng bẹt càng dung nạp được nhiều nhân tài. Đội Pháp năm 1998 được ca ngợi là tấm gương sáng về sự hội nhập thành công. Người đưa đội Pháp trở lại vinh quang là thủ lĩnh Zinedine Zidane vốn gốc Algeria. Tờ Le Monde gọi họ là "biểu tượng của sự đa dạng và thống nhất đất nước". Đội hình vô địch World Cup 1998 có 9 cầu thủ trong đội hình 22 người là người nhập cư hoặc con của họ. Đến nay, đội gà trống Gô Loa giống như đội tuyển Liên hợp quốc. Đội có 17 danh thủ có gốc Phi. Vài cầu thủ khác thì có chút hòa sắc từ Bỉ, Đức hay Tây Ban Nha.

Tạm trở về châu Á, xem các đội Nhật thấy có cả người gốc Phi, Brazil. Đội Trung Quốc cũng thu hút được người Brazil nhập tịch. Đến đội trong khu vực Đông Nam Á xem cũng giật mình vì làn sóng nhập cư cầu thủ từ Âu - Mỹ. Cả hai đội nam và nữ của Philippines giống hệt đội hình tinh tuyển trái đất. Hãy nhìn Stephan Schrock, David Alaba, Raphael Obermair, Anthony Markanich, Zico Bailey… Vừa rồi xem Indonesia cũng thấy họ là một đội tinh tuyển Liên hợp quốc, pha vài yếu tố Indonesia.

Chỉ còn Việt Nam là khá dè dặt không nhập cư ồ ạt. Nghe bình luận viên nước ngoài tường thuật cứ reo lên những cái tên không có dấu như: Nguyen Quang Hai, Nguyen Cong Phuong, Nguyen Anh Duc, Nguyen Thanh Chung, Nguyen Trong Hoang, Nguyen Tien Linh, Nguyen Van Toan, Nguyen Tuan Anh, Nguyen Thanh Binh, Nguyen Van Truong, Nguyen Thai Son, Nguyen Hoang Duc… Đến đây lại nhớ có những chuyện cười rằng có người hỏi tôi cần gặp ông Kim thì cả khán đài sân vận động Seoul đứng dậy; cho tôi gặp ông Nguyen thì cả khán đài sân Mỹ Đình đứng dậy. Cư dân mạng vẫn gọi vui Việt Nam là Nguyen land, đội bóng rồng vàng cũng gọi là Nguyen team.

Mai kia, thế giới lồi lõm này bẹt hơn tý nữa rồi bẹt dí, bẹt tuyệt đối, tất cả các đội bóng đều nhập cư đa dạng theo sở thích thì tất cả đều là đội Liên hợp quốc, lúc đó màu cờ sắc áo sẽ thế nào nhỉ? Đội chúng ta sẽ không còn là đội của Nguyen không? Thật sự không muốn nghĩ nữa.

Người viết bài không có ý phản đối xu hướng pha trộn tự nhiên của thế giới, chỉ muốn ôn lại rằng đã có một thời thế giới khá tĩnh tại, ít xáo trộn, đến nỗi xem tranh tài đá bóng cũng nhận thấy những dấu hiệu văn hóa óng ánh của từng vùng trên trái đất. Vậy thôi.

Lê Tâm
.
.
.