Nguyện làm chiếc lá lành…

Thứ Năm, 29/10/2020, 17:09
Suốt mấy ngày qua, Hùng dầm mưa để cứu những người dân mắc kẹt tại các điểm ngập sâu tại Quảng Bình. Nhưng trớ trêu thay, đến khi chính nhà của anh bị ngập chìm trong nước, người thân gặp nguy hiểm thì anh lại không thể về nhà…

"Nhà em còn 30 phút nữa sẽ chạm nóc nhà, tức là chỗ cao nhất không đỡ được nữa. Nhà có ba mẹ và 2 em. Ai cho em số điện thoại cứu hộ xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình với. Chứ em đi mô không biết làm sao, nhà em nỏ còn chi nữa rồi" - 23 giờ đêm ngày 18-8, trong bế tắc và lo lắng, Nguyễn Mạnh Hùng đã phải gõ những dòng kêu cứu trên facebook cá nhân. 

Suốt mấy ngày qua, Hùng dầm mưa để cứu những người dân mắc kẹt tại các điểm ngập sâu tại Quảng Bình. Nhưng trớ trêu thay, đến khi chính nhà của anh bị ngập chìm trong nước, người thân gặp nguy hiểm thì anh lại không thể về nhà…

Những tiếng kêu cứu trong đêm

Trong khi người miền Trung mong mỏi đến quay quắt trời tạnh mưa thì những cơn mưa vẫn kéo dài không ngớt, biển nước không ngừng lên nhanh, nuốt trọn gần như tất cả. Chiều muộn ngày 18-10, lũ trên các sông của Quảng Bình lên vùn vụt sau 2 ngày mưa cực lớn trên diện rộng. Đã 6 ngày nay Nguyễn Mạnh Hùng lênh đênh trên biển nước giúp người dân quê anh, đã 3 đêm rồi Hùng thức trắng vì những cuộc gọi, tin nhắn cầu cứu tới tấp đổ về điện thoại.

Mặc chiếc áo mưa mỏng, khoác ngoài chiếc áo phao, đầu đội mũ bảo hiểm, Hùng và cả nhóm cứu hộ dầm mưa di chuyển cano len vào những khu ngập sâu. Trời đêm, việc xác định phương hướng và địa điểm rất khó khăn bởi tất cả đã chìm trong nước, nên cứ theo hướng người dân có tín hiệu kêu cứu mà lao đến. Rồi dìu họ lên cano chở đến những địa điểm cao và an toàn. Địa điểm sống sót cho cả một vùng là những ngôi nhà 2 tầng mà nước đã ngập gần hết tầng 1. 

Ở huyện Lệ Thuỷ có 2 người bị đuối nước, Hùng nghe tin ấy mà giật mình, càng cố gắng chạy đua với thời gian để cứu hộ được càng nhiều người càng tốt. Mang theo 2 chiếc điện thoại, một chiếc bị ngấm nước mưa đã hỏng, chỉ còn một chiếc để Hùng xoay xở cứu người. Ngay đêm ấy, cano vướng vào dây điện mắc kẹt ở giữa lũ, Hùng phải lặn xuống gỡ dây điện. Cano chết máy không chạy được, vậy là cả đêm họ ngồi giữa trời mưa, người lạnh tê tái mà lòng như lửa đốt…

Một tình nguyện viên ngủ gục vì kiệt sức trên xe cẩu đi cứu hộ tại Quảng Bình.

21 giờ ngày 20-10, khi tôi nhấn số gọi, Hùng vẫn đang trên đường cứu hộ, nghe rõ tiếng gió phần phật và tiếng người í ới. Hùng bảo đã mấy ngày rồi không được ăn một bữa cơm cho trọn vẹn. Sáng sớm vội vàng với cái bánh, miếng xôi, miếng bánh chưng là lại lên đường. Bỏ qua bữa trưa, đêm về cả nhóm thiện nguyện lại xì xụp pha mì. Cả nhóm do dầm mưa nhiều đều có biểu hiện cảm sốt, người ớn lạnh, nhưng họ không cam lòng bỏ mặc bà con nên vẫn lên đường.

Hỏi thăm về gia đình của Hùng ở xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình cũng đang chìm trong biển nước, giọng người thanh niên sinh năm 1994 bỗng nghẹn lại. Hiện Hùng đang làm việc và ở trọ tại thị xã Đồng Hới, khi lũ dâng cao anh mải miết đi cứu hộ. Đến lúc nước ngập đến gần nóc nhà mình rồi thì anh không thể trở về nhà lo cho người thân được nữa. Nghĩ đến ba mẹ và 2 em, lòng Hùng như lửa đốt mà không thể về nhà. Hùng đành lên facebook kêu cứu với hy vọng gia đình mình sẽ được mọi người giúp sức.

7 năm nay, từ khi là sinh viên năm thứ nhất khoa Điện - Điện tử, Đại học Quảng Bình, Hùng đã gắn bó với hoạt động thiện nguyện. Năm nào cũng vậy, việc cứu người mùa bão lũ đã trở nên quen thuộc với Hùng. Nhưng chưa năm nào lũ lại dâng cao trong một thời gian quá nhanh và kéo dài gây thiệt hại nặng nề như năm nay. Ban đêm, cả tỉnh Quảng Bình chỉ còn Đồng Hới có điện, còn lại bốn bề tối thẫm. Mặc dù các lực lượng chức năng đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện nhưng cũng không thể hỗ trợ kịp cho bà con. Bởi vậy sự góp sức chung tay nhanh chóng và đồng loạt từ cộng đồng là điều vô cùng ý nghĩa. 

Hùng bảo những ngày qua thật may vì xuất hiện những chiếc cano của các nhóm thiện nguyện từ Đà Nẵng, Quảng Ninh vào vùng lũ. Bất chấp đêm tối và mưa gió, họ liên tục di chuyển và lia ánh đèn pin le lói về phía những mái nhà nhấp nhô, nơi ấy có những người dân đang chới với, lạnh và đói. Ngay lập tức, họ tiếp cận và  sơ tán người đi ngay.

Có cano nhưng không phải ai cũng có thể điều khiển được, vậy là những nhóm thiện nguyện phải căng mình tự di chuyển và cứu hộ xuyên đêm. Cano hoạt động hết công suất, hỏng hóc, họ lại dừng lại sửa chữa để chạy tiếp. Có muôn vàn tình huống xảy đến trong vùng lũ. Cano hết xăng mà muốn tiếp nhiên liệu giữa vùng lũ cũng không hề đơn giản. Trong lúc cấp kíp, anh Trung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội ngay trong buổi tối ngày 18-10 đã gửi tiền mua xăng hỗ trợ các cano cứu hộ người dân bị kẹt trên các mái nhà tại xã Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

"Xót lòng lắm, không thể không lên đường" 

Bà cụ ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình bị bệnh hiểm nghèo và ra đi chiều ngày 17-10 khi mà ngoài trời đang mưa to gió lớn. Nước ồng ộc ào tới và dâng lên nhanh không ngờ, các con của bà chỉ còn một cách là quấn thi thể của người mẹ đáng thương lại, đặt vào quan tài và treo lên xà nhà để chờ lũ rút. Rồi nước không những không rút mà lên nhanh, đã mấp mé áo quan. Cả ngôi nhà cấp 4 chỉ có nóc nhà nhô ra giữa biển nước. Và ở vị trí duy nhất cho sự sống ấy, các con dành để thờ mẹ với bát hương, cây nến sơ sài, tiếng gào khóc chìm nghỉm vào biển nước mênh mông. Câu chuyện xót xa này cứ ám ảnh tôi mãi không thôi. 

Giữa cảnh màn trời chiếu đất, còn biết bao nhiêu người già cả đang rét mướt, đói khát vì bị cô lập trong thời gian dài, biết bao nhiêu em nhỏ thiếu đồ để ăn, nước sạch để uống, một chỗ khô ráo để nằm ngủ, tiếng khóc ngằn ngặt giữa mênh mông nước. Nhiều nơi người dân bị gãy chân, gãy tay, ốm sốt cần được chữa trị. Tất cả những thiệt thòi và khổ đau mà miền Trung đang oằn mình gánh chịu đã thôi thúc những cuộc lên đường làm thiện nguyện của nhiều người trên khắp nơi cả nước.

Từ ngày 18-10, vợ chồng chị Phan Thu Hằng (Hà Nội) và nhóm thiện nguyện đã vào Quảng Trị để cứu trợ cho bà con. Đẩy những chiếc xe chất đầy lương thực, phủ bạt kín tránh nước mưa để phát cho bà con. Nước ngập đến bụng nên cả nhóm di chuyển khó khăn. Đến được xã nào nhóm của chị Hằng đều phát mỳ, gạo đến tận tay người dân. Khỏi phải nói là người dân mừng đến thế nào khi tiếp cận được đoàn cứu trợ, dù gương mặt họ hốc hác và tái đi vì mưa lạnh nhưng ánh mắt vẫn ánh lên nỗi vui mừng, miệng không ngớt lời cảm ơn trong hơi thở yếu ớt vì đã nhiều ngày qua sống tạm bợ và thiếu thốn.

Chị Hằng (Hà Nội) cùng nhóm thiện nguyện cứu trợ bà con huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

Qua điện thoại tôi vẫn còn nghe thấy giọng chị Hằng cố nói lớn, bạt đi trong gió. Chị bảo có đi vào vùng lũ mới biết bà con thực sự khó khăn và thiếu thốn đủ thứ. Và khó khăn này sẽ còn kéo dài bởi một dải miền Trung gần như đã tan hoang trong lũ. Vậy nên xót lòng lắm, vậy nên không thể không vào với bà con. Hơn 26km bờ biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam bị sạt lở, nhà cửa sập và ngập trong nước, giao thông sạt lở, ngập lụt khiến việc di chuyển hết sức khó khăn. Toàn bộ hoa màu bị ngập và vùi lấp; thủy sản thiệt hại, gia súc gia cầm chết và bị cuốn trôi. Rất nhiều điểm trường bị ngập. 

Càng đi càng thấy xót xa cho đồng bào mình. Cũng bởi thế mà cả tuần rồi chị Hằng và nhóm thiện nguyện di chuyển liên tục để giúp đỡ người dân. Chỗ nào ngập sâu thì đành chuyển đồ cứu trợ lên cano đưa đến cho người dân. Hiện tại, nhóm của chị Hằng đang dừng lại nấu cơm, chia thành suất nhỏ để đưa tới từng gia đình vì họ không có chất đốt, xoong nồi, lương thực thực phẩm để nấu cơm.

Đợt mưa lũ này, nhóm thiện nguyện của anh Trung cũng không ngơi nghỉ lúc nào. Không chỉ kết nối những tấm lòng hảo tâm, họ còn lên kế hoạch cứu trợ những vật dụng, lương thực thiết thực nhất cho bà con. Anh Trung bảo với tôi, có đặt mình vào hoàn cảnh của bà con, đau nỗi đau của bà con thì "trong cái khó ló cái khôn". Bởi vậy mà hàng loạt áo phao từ Hà Nội đã vào đến miền Trung giúp người dân an toàn hơn. Hàng nghìn lọ mắm tép chưng thịt đang gấp rút chuẩn bị tại Hà Nội để gửi vào cho bà con. 

Vùng lũ không có điện nên những chiếc đèn pin là cần thiết. Giữa đêm tối nếu cần cứu trợ, khi mà điện thoại hết pin, người dân hãy bật đèn báo hiệu để có người ứng cứu. Bởi vậy, rất nhiều đèn pin có sạc đã được nhóm thiện nguyện chuyển đến cho người dân ở xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ và xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây đều là hai điểm ngập sâu, và thiếu thốn trăm bề.

Những ngày này, cả nước thao thức và quặn thắt vì miền Trung. Có những người bất chấp sự an nguy đến tính mạng xông pha vào vùng lũ để giúp người dân giành giật sự sống và vượt qua cơn đói khát. Nghĩa đồng bào đáng quý vô cùng. Còn rất nhiều, rất nhiều những cá nhân, tập thể trên khắp cả nước đang hướng về miền Trung. 

Những số tiền vẫn từng giờ được gom góp lại. Người dân  xã Phù La, huyện Hoài Đức, Hà Nội và nhiều địa phương khác đang tất bật gói, nấu bánh chưng. Những thùng mỳ, thùng lương khô, những chai nước sạch, thuốc men, băng gạc, thuộc xịt chống côn trùng… được gom lại chở vào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ai cũng nguyện làm một chiếc lá lành đùm lấy khúc ruột miền Trung những ngày khốn khó… 

Huyền Châm
.
.
.