Những thánh đường của tâm hồn

Thứ Sáu, 31/08/2018, 21:49
Trong bất luận hoàn cảnh nào, những thánh đường của tâm hồn vẫn đang tồn tại. Và những trang báo kể về những thánh đường có thật ấy vẫn đang hiện diện, cho dù le lói.

Thưa toà soạn báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi muốn chia sẻ với toà soạn những cảm xúc của mình khi truy cập phần lớn những trang báo mạng hiện nay. Không biết tôi có chủ quan không, nhưng không riêng gì tôi mà rất nhiều bạn bè của tôi cũng có chung cảm nhận rằng, ở những chỗ "hot" nhất, đáng chú ý nhất của rất nhiều tờ báo mạng luôn là những thông tin mang tính chất giật gân, câu khách. 

Nếu không phải là cướp - giết - hiếp thì cũng là chuyện cô người mẫu này hôm nay mặc gì, cô hoa hậu kia hôm nay nói gì. Mà cũng chẳng riêng gì báo mạng, không ít tờ báo giấy bây giờ có vẻ cũng đang chạy theo xu thế mà tôi vẫn nghe tụi trẻ gọi là "xu thế câu view". 

Tại sao bây giờ tìm những bài báo người tốt việc tốt khó thế? Chẳng nhẽ cuộc sống chỉ tràn ngập những điều vụn vặt, manh mún với những gam màu xám xịt thôi sao? 

Có thể chúng tôi chưa bao quát hết tất cả các trang mạng và các tờ báo, nhưng chúng tôi mơ ước được nhìn thấy những dòng chữ kể cho mình nghe những câu chuyện đẹp của cuộc sống này. 

Tôi nghĩ, thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, cái xấu xa và cái đẹp đẽ luôn xen kẽ nhau, thậm chí ẩn chứa trong nhau. Vậy thì nếu cứ  khuếch tán quá đà cái xấu xa, có phải chúng ta đang làm nghèo nàn chính con mắt và tâm hồn chúng ta không?

Thậm chí, một người bạn tôi còn khuyên: nếu muốn không nghèo nàn như vậy nữa thì tốt nhất là bây giờ đừng mở mạng, xem báo làm gì. 

Một cách nhìn cực đoan thái quá như vậy không thuyết phục được tôi, nhưng tôi cam đoan chắc chắn rằng trên mặt báo bây giờ, những việc xấu xa đen bạc chiếm một tỷ lệ cao hơn hẳn những việc đẹp đẽ. 

Toà soạn có thể cho tôi những lời khuyên bổ ích nào trong trường hợp này được không? Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (55 tuổi - Bắc Giang)

Bé Gấu con của chị Đậu Thị Huyền Trâm trong tình yêu thương của gia đình.

Kính thưa bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, trước hết chúng tôi xin chia sẻ những cảm nhận của bạn đọc về việc trên mặt báo bây giờ, những vụ việc xấu xa có vẻ đang chiếm một tỷ lệ cao hơn hẳn những sự việc tốt đẹp và cao quý. 

Thực ra thì chưa có một nghiên cứu xã hội học chính xác nào về điều này, nhưng cảm nhận chung của tất cả những người đọc báo hoặc xem báo bây giờ là như vậy. Và vì vậy chúng ta cùng hy vọng trong tương lai, tỷ lệ này sẽ thay đổi, để người đọc báo có một cái nhìn nhiều chiều, chân xác hơn với những diễn biến của đời sống.

Nhưng kính thưa bạn đọc, khi tỷ lệ này chưa thay đổi hoặc thay đổi một cách chậm chạp thì chúng tôi nghĩ rằng cách thức đọc báo/xem báo của mỗi chúng ta cũng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Đọc ở đâu? Đọc cái gì? Đọc như thế nào? Và cần phải loại bỏ, ghi nhớ như thế nào? Đấy là 4 câu hỏi mà chúng tôi nghĩ người đọc báo hôm nay nhất định phải trả lời trước khi chìm vào một biển cả thông tin mênh mông vô tận. 

Và nếu đã tự trả lời một cách chính xác thì chúng tôi tin rằng mỗi người cũng sẽ biết tạo ra một ngân hàng thông tin của riêng mình, thay vì cứ bị dẫn dắt bởi hết nguồn thông tin này đến nguồn thông tin khác.

Chúng tôi xin lấy ví dụ, mặc dù số lượng những thông tin manh mún, giật gân (hãy tạm gọi như thế) vẫn tràn ngập, nhưng nếu chịu khó để ý, bạn đọc sẽ thấy ngay trong những ngày giữa tháng 8 này, báo chí vẫn phản ánh một câu chuyện tuyệt đẹp về tình mẫu tử, tạo xúc động lớn cho tất thảy chúng ta. 

Đó là câu chuyện của sản phụ Lê Thị Tú Cẩm (48 tuổi - Đà Nẵng) kiên quyết không bỏ đứa con trong bụng dù mắc căn bệnh hiểm nghèo: co cơ tuỷ. 

Căn bệnh đã khiến người mẹ này hơn một lần chết lâm sàng, nhưng khi những y bác sĩ động viên "cố lên Cẩm ơi, còn con nữa mà" thì kỳ diệu thay, người mẹ đã vượt qua lằn ranh sinh tử. 

Sau những lần chết lâm sàng như thế, chị Cẩm gầy sọp, không ăn uống được, vậy mà khi biết đứa con trong bụng chỉ nặng 1 Kg thì chị vẫn nhọc nhằn cố gắng nuốt từng thìa cháo. 

Và rồi cuối cùng đứa con cũng được sinh ra trong bối cảnh mà tất cả các bệnh nhân ở khoa nội thần kinh bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã cùng nhau nguyện cầu, và trong niềm hạnh phúc vỡ oà của những vị lương y tốt bụng. Đứa bé vì thế được đặt tên là Kỳ Tích, và báo Tuổi Trẻ TP HCM đã viết lại câu chuyện này bằng một bài báo có tên "Vượt qua cái chết, Kỳ Tích ra đời".

Thưa bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, đấy rõ ràng là một câu chuyện tuyệt đẹp về tình mẫu tử. Và đọc những bài báo phản ánh câu chuyện tuyệt đẹp này chúng tôi lại nhớ đến những bài báo tương tự vào năm 2016, kể về người mẹ Đậu Thị Huyền Trâm kiên quyết không xạ trị, chữa ung thư để giữ bằng được cái thai trong bụng mình. 

Cho đến trước khi những cái hạch đầu tiên xuất hiện ở trên cổ, trước khi phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối, Huyền Trâm đã sống một cuộc sống như bao nhiêu cô gái - bao nhiêu người vợ khác. Một cuộc sống với những mưu sinh hằng ngày và những hy vọng - những giấc mơ về những tiếng khóc trẻ thơ trong ngôi nhà nhỏ. 

Nhưng khi những cái hạch xuất hiện, cùng với quá trình lớn dần lên của cái thai trong bụng mình thì Huyền Trâm lại sống một cuộc sống khác thường - sự khác thường của một người bệnh đang mang trong mình mầm sống. 

Đến khi người bệnh - người mẹ ấy đi đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng, khi mà Trâm phải ngồi, chỉ được gây tê một chút vào tuỷ sống để các bác sĩ lấy thai trong bụng mình ra thì phải nói Trâm đã bước vào địa hạt của sự phi thường. 

Chấp nhận không xạ trị để bằng mọi giá nuôi mầm sống lớn lên, chấp nhận ra đi khỏi cõi đời này để mầm sống ấy chính thức thành hình, chính thức cất lên những tiếng khóc đầu tiên của một sinh linh - đấy không phải là một sự phi thường thì còn là gì nữa? 

Tôi tin là bây giờ, ở đâu đó trong không gian này, những cánh hồn của Trâm đang bay lên. Xung quanh những cánh hồn ấy đang ngập tràn ánh sáng. Và cái thứ ánh sáng thiêng liêng, giàu năng lượng ấy sẽ soi chiếu vào một cậu bé bây giờ đã hơn 2 tuổi, để cậu bé ấy tiếp tục lớn lên - khoẻ khoắn, sáng láng, đầy hy vọng.

Bé Kỳ Tích con của chị Lê Thị Tú Cẩm là câu chuyện tuyệt đẹp về tình mẫu tử.

Rồi khoảng 6 năm trước nữa, báo chí cũng từng kể một câu chuyện chấn động dư luận của người vợ Hoàng Thị Kim Dung đang mang thai được 6 tháng thì phải đối diện với một cú sốc lớn, khi người chồng yêu dấu của chị đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. 

Chị Dung đã làm một việc mà thời điểm ấy không ít người thân ngăn cản, đó là nhờ các bác sĩ giữ lại 14 mẫu tinh trùng của người chồng đã chết, để sau này có thể thụ tinh trong ống nghiệm. Chị làm thế vì muốn thực hiện bằng được cái mong muốn "sẽ có hai con" mà lúc sống chồng chị từng mong muốn.

Chị làm thế vì tình yêu vô hạn với người bạn đời đã đi cùng chị từ những năm học cấp 3, Đại học..., thế mà cuối cùng lại không may bỏ chị về cõi khác. Một người phụ nữ quyết sinh con với một người chồng đã chết - có thể gọi câu chuyện đấy là gì nếu không phải là  một tình yêu phi thường, một  sự chung thuỷ phi thường của người phụ nữ Việt Nam hiện đại?

Những câu chuyện như của người mẹ Lê Thị Tú Cẩm, Đậu Thị Huyền Trâm, rồi người vợ Đỗ Thị Hạnh Dung nói với chúng ta nhiều điều lắm. Nó nói rằng lòng tốt, sự cao đẹp và một chủ nghĩa nhân văn phi thường vẫn đang tồn tại ở quanh ta đấy chứ!

Đâu phải chỉ toàn những bạo lực gia đình, toàn tham ô tham nhũng, toàn lo lót chạy chọt, toàn băng hoại về tư tưởng và lối sống - những điều mà chúng ta có thể bắt gặp nhan nhản trên các trang báo mỗi ngày.

Chúng tôi nhớ một lần ngồi trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, và nghe ông kể về ước mơ sẽ có ngày làm một tờ báo mang tên NGƯỜI KỂ CHUYỆN. Ông Thiều nói rằng đấy sẽ là một tờ báo kể toàn những câu chuyện về lòng tốt, những tấm gương sống cao cả, những giá trị thiêng liêng, phi thường vốn đang tồn tại đâu đó quanh cuộc sống của chúng ta. 

Ông Thiều tin rằng, trong bối cảnh nhiều tờ báo luôn tìm cách "câu view" bằng những chuyện show biz nhảm nhí hay những thông tin "cướp, giết, hiếp..." rẻ tiền thì tờ NGƯỜI KỂ CHUYỆN với khát vọng khắc chạm cái đẹp, sự tử tế, nhân văn vào bức tranh đời sống đầy những hỗn độn vẫn sẽ có một chỗ đứng riêng của nó.

Thưa bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, khi chúng ta không ngừng nghĩ tới những trang báo viết về những câu chuyện của Lê Thị Tú Cẩm, Đậu Thị Huyền Trâm, Đỗ Thị Hạnh Dung... thì chúng ta sẽ nhận ra rằng, những giá trị thiêng liêng đẹp đẽ vẫn tồn tại trong cuộc sống, và một bộ phận nào đó những trang báo tử tế vẫn đang hiện diện, rất gần chúng ta. Vì vậy, đừng để những biển rừng thông tin xám xịt cuốn chúng ta theo, từ đó lầm tưởng rằng cuộc sống chỉ toàn màu xám.

Chúng tôi cảm ơn bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thuỷ đã chia sẻ cảm xúc của mình với chúng tôi. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: trong bất luận hoàn cảnh nào, những thánh đường của tâm hồn vẫn đang tồn tại. Và những trang báo kể về những thánh đường có thật ấy vẫn đang hiện diện, cho dù le lói.

Vương Trọng Tín
.
.
.