Thuốc giả: Kinh doanh mạng sống

Thứ Năm, 26/04/2018, 18:09
Có một thực tế khó thể phủ nhận rằng không loại thuốc nào mà không bị làm giả - từ loại đắt tiền cho đến kháng sinh sử dụng hàng ngày. 

Thuốc giả chứa thành phần hoạt tính không đúng tiêu chuẩn (hay hoàn toàn không có) hay chứa những chất không có tác dụng chữa bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Hiện nay, thuốc giả có mặt tại mọi ngóc ngách trên thế giới, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và thậm chí làm chết người. Đánh vào tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" của bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo đang lặng lẽ đếm từng ngày còn tồn tại trên cõi đời, ngày càng có nhiều loại thuốc giả được tung ra thị trường với những lời mời chào hấp dẫn. 

Thực trạng kiếm tiền trên nỗi đau của bệnh nhân chẳng khác nào "kinh doanh mạng sống". Trong cuộc chiến chống thuốc giả, các công ty và tổ chức y tế sử dụng công nghệ để phát hiện; thu thập và chia sẻ thông tin về vấn đề; hợp tác với giới chức chính quyền để lật mặt bọn sản xuất thuốc giả. Tuy nhiên, việc truy tìm nguồn cung cấp thuốc giả vô cùng phức tạp khi đa số nguồn cung cấp thuốc giả xuất phát từ Internet - kênh phân phối không an toàn và không được kiểm soát chặt chẽ.

Nỗi lo thuốc giả

Theo ước tính, thị trường thuốc giả hiện nay có giá trị lên đến hàng nghìn tỉ USD, tương đương 15-20% tổng lượng thuốc trên thế giới. Tại một số quốc gia đang phát triển, thuốc giả thậm chí chiếm tới 50% lượng thuốc lưu hành. 

Năm 2012, loại thuốc chữa lao kém chất lượng đã giết chết 100 bệnh nhân tại bệnh viên Lahore của Pakistan. 

Năm 2013, các quan chức Ấn Độ phát hiện, có tới 8.000 bệnh nhân của một bệnh viện hẻo lánh trên dãy Himalaya đã chết vì thuốc kháng sinh chống viêm mà họ sử dụng sau phẫu thuật không có thành phần hoạt tính. 

Tháng 5-2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về việc loại thuốc chữa viêm màng não đã hết hạn đang được bán tại Tây Phi, khiến nỗ lực khoanh vùng dịch bệnh này trở nên không mấy hiệu quả. Và vụ việc nhiều người mua phải loại thuốc an thần diazepam (tên thị trường là Valium) giả mà không hề hay biết hồi đầu năm 2017 tiếp tục gây lo ngại trong dư luận.

Theo WHO, thuốc giả có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhất là đối với các bệnh lây nhiễm nguy hiểm chết người. Thuốc kháng sinh và chữa sốt rét nằm trong danh sách những loại thuốc bị làm giả nhiều nhất - mỗi năm có hơn 120.000 người chết ở châu Phi do chỉ riêng loại thuốc chữa sốt rét làm giả, không đủ tiêu chuẩn hay đơn giản là hoàn toàn không chứa đủ liều các thành phần hoạt tính. 

WHO cũng cảnh báo, hơn 50% các loại thuốc mua qua Internet được phát hiện là giả, trong đó phần lớn là thuốc giảm cân và trị cảm cúm. 

Trong một nghiên cứu mới đây do hãng dược Pfizer tài trợ ở 14 quốc gia châu Âu, người phương Tây chi hơn 14 tỷ USD mỗi năm cho phần lớn các loại thuốc bất hợp pháp, trong số đó có phần lớn là thuốc giả.

Trên thực tế, không ai có thể biết chính xác số lượng người tử vong vì thuốc giả, vì nguyên nhân có thể xuất phát từ việc chẩn đoán bệnh sai, hoặc thuốc điều trị là thật nhưng được dùng quá muộn. Vì vậy, hành vi sản xuất và lưu hành thuốc giả càng khó phát hiện hơn. Theo các chuyên gia, bất cứ loại thuốc nào, từ thuốc chống sốt rét cho tới vắc-xin, kháng sinh, thuốc điều trị HIV, ung thư hay thậm chí là Viagra, đều có thể bị làm giả. 

Những kẻ sản xuất thuốc giả thường cho rất ít hoạt chất, thậm chí là trộn thêm các phụ gia độc hại vào những viên thuốc để bán cho người bệnh. Trong nhiều trường hợp, bệnh viện và bệnh nhân còn được cung cấp những viên thuốc chứa độc, có thể gây nguy hại tới tính mạng.

Các chuyên gia tin rằng vấn nạn thuốc giả đang ngày càng gia tăng vì rủi ro thấp và lợi nhuận cao (kiếm tiền từ những loại thuốc đang khan hiếm hoặc những biệt dược vô cùng đắt đỏ với người bệnh), trong khi hình phạt cho tội buôn bán thuốc giả (so với buôn lậu ma túy hay buôn người) là tương đối nhẹ. 

Thuốc giả hoành hành tại các quốc gia thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ từ các tổ chức như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). 

Phương pháp đơn giản nhất để nhận diện thuốc giả là quan sát kỹ bao bì và màu sắc, nhưng trong nhiều trường hợp thuốc giả sản xuất tinh vi đến mức khó phân biệt với thuốc thật. Chưa hết, tham nhũng cũng là vấn đề và giới chức hải quan nhận tiền hối lộ để làm ngơ trước những kiện hàng thuốc giả.

Hiện nay, thị trường thuốc giả ung thư mới thực sự "sôi động". WHO ban bố trạng thái cảnh báo cao ở Kenya, sau khi xác nhận rằng một số loại thuốc ung thư giả đang lưu hành tại thị trường Đông Phi. Các loại thuốc này được sản xuất từ các hãng dược giả mạo và đang tìm đường phát triển ra khắp khu vực. 

Theo thông báo của WHO, phiên bản giả mạo của hai loại thuốc Avastin (bevacizumab) và Sutent (sunitinib malate) đã bị thu giữ bởi Cơ quan Dược phẩm quốc gia Uganda thu hồi. 

Trước đó, lô thuốc chữa ung thư giả Avastin trị giá hàng tỷ USD được mua tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được trung chuyển khắp Trung Đông và châu Âu đến nước Mỹ. Avastin giả không chứa các hoạt chất kéo dài sự sống cho bệnh nhân mà thay vào đó chỉ là muối, tinh bột và nhiều loại hóa chất khác.

FDA đã đưa ra hơn 90 đơn cảnh cáo đối với các công ty buôn bán thuốc ung thư giả trong vòng 10 năm qua, nhưng cho biết thêm vẫn còn rất nhiều trường hợp mà họ chưa thể xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, FDA cũng cảnh báo 14 công ty có trụ sở tại Mỹ vì buôn bán hàng loạt thuốc ung thư chưa được kiểm duyệt trên mạng. 

Tại Việt Nam, dư luận vô cùng bức xúc với việc nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa trị ung thư giả của công ty cổ phần VNPharma, hay mới đây nhất là vụ Vinaca bị phanh phui sản xuất thuốc ung thư giả từ... bột than tre. 

Rõ ràng, những kẻ sản xuất thuốc giả này thực chất là lũ giết người khi âm thầm gây ra cái chết cho bệnh nhân. Vậy nhưng chúng vẫn tồn tại, trong khi các cơ quan chức năng thừa nhận "chưa có biện pháp giải quyết triệt để".

Đấu tranh bằng công nghệ

Thuốc giả - ngành kinh doanh làm tiền trên nỗi đau của người khác - giờ đây đã trở thành thị trường béo bở với mọi thủ đoạn dơ bẩn. Một viên thuốc có thể đi qua hàng chục nước trong dây chuyền sản xuất, tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm tuồn thuốc giả vào hệ thống phân phối. 

Thuốc giả cũng có thể tìm được đường len vào các quốc gia giàu có và có chế tài nghiêm ngặt như Mỹ và Anh, khi bệnh nhân hay phòng khám đặt mua thuốc qua mạng. 

WHO đã tích cực đưa vấn đề này ra bàn luận kể từ Hội nghị Y tế thế giới thảo luận vào tháng 5/1998. Nỗ lực này đã tăng lên đáng kể vào năm 2006 khi Tổ công tác chống giả mạo sản phẩm y tế quốc tế (IMPACT) được thành lập, thu hút các thành viên từ các tổ chức quốc tế, cơ quan thực thi pháp luật và các các tổ chức phi chính phủ.

Năm 2013, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lập Cục Phòng chống tội phạm dược và thuốc giả. Theo đó, điều cần làm đầu tiên là thực thi biện pháp hải quan, nhằm thu giữ và tiêu hủy hàng giả ngay tại biên giới trước khi nó xâm nhập thị trường nội địa. 

Ngoài ra, vai trò của các lực lượng thực thi pháp luật - chẳng hạn như Cơ quan Điều phối thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) tại Anh - cũng được đánh giá cao. Cơ quan này được phép hành động khi phát hiện các loại thuốc nhập khẩu vi phạm bản quyền hay thuốc không khai báo. 

Với thế giới ảo, nếu phát hiện có trang web bán thuốc giả, công ty dược cần gửi thư khuyến cáo. Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất thuốc giả ở nước ngoài, cần cân nhắc khả năng tiến hành một cuộc điều tra cá nhân rồi đưa vụ việc ra pháp luật.

Ở cấp độ vi mô, giới khoa học đang chung sức giúp người dân các nước đang phát triển chống lại vấn nạn thuốc giả. Tổ chức Global Pharma Health Fund (Đức) phát triển Minilab - một bộ xét nghiệm nhanh nhỏ gọn giúp phát hiện thuốc có chứa đủ lượng hoạt chất theo quy định hay không. Hay thiết bị mang tên TrustScan của công ty Thermo Fisher Scientific (Mỹ) giúp xác định thuốc thật hay giả từ trong bao bì. 

Ngoài ra, thiết bị kiểm tra cầm tay CD-3 do FDA phát minh được coi là một giải pháp hiệu quả để giúp các nhà quản lý nhanh chóng phân biệt thuốc thật thuốc giả mà không phải gửi mẫu tới các phòng thí nghiệm. 

CD-3 phát ra ánh sáng cực tím và hồng ngoại chiếu lên viên thuốc và bao bì để có thể xác định sản phẩm có phải là chính hãng hay không (dựa vào mẫu thật đã nhận diện từ trước).

Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận Sproxil (Mỹ) đề nghị một giải pháp đơn giản: người tiêu dùng chỉ cần cào lớp phủ bạc trên tấm nhãn dán ngoài vỏ bao thuốc tây để nhìn thấy mã số và sau đó gửi nó qua tin nhắn đến Sproxil. 

Sau khi nhận được tin nhắn, Sproxil sẽ kiểm tra mã số thông qua cơ sở dữ liệu về thuốc tây thật để gửi tin nhắn xác minh trở lại cho người tiêu dùng. 

Kể từ năm 2009, Sproxil đã nhận được khoảng 28 triệu yêu cầu kiểm tra thuốc tây trên toàn cầu, với gần 100 công ty dược phẩm đăng ký sử dụng dịch vụ nhờ sự đơn giản và rẻ tiền. 

Hiện nay, Sproxil cung cấp dịch vụ kiểm tra thuốc tây ở một số quốc gia châu Phi như Kenya, Ghana, Nigeria, Nam Phi, Tanzania và mới đây nhất là Mali. Trong tương lai, Sproxil cam kết sẽ mở rộng hoạt động chống thuốc tây giả ở khắp châu Phi.

Ngành công nghiệp dược phẩm cũng ứng dụng nhiều công nghệ khác để chống thuốc tây giả, bao gồm thẻ sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng radio. 

Dược điển Mỹ, một tổ chức đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng cho dược phẩm, thành lập Trung tâm Huấn luyện và Cải tiến dược phẩm (CePAT) ở Accra (Ghana) giúp huấn luyện chuyên gia ngành y tế nước này kiểm tra, sàng lọc thuốc giả và kém chất lượng. 

Từ năm 2013, CePAT đã giúp huấn luyện 190 chuyên gia y tế tại 32 quốc gia châu Phi. 

Nhìn chung, các giải pháp đã và đang được tiến hành chỉ phần nào giúp tăng cường hệ thống quản lý dược phẩm, mà chưa thực sự vạch mặt được những kẻ sản xuất thuốc giả. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các nước trên thế giới không xây dựng được một hệ thống quản lý thuốc hiệu quả, những kẻ làm dược phẩm giả vẫn sẽ còn đất sống và trục lợi trên nước mắt của người bệnh...

Nguyễn Tuyết
.
.
.