Trung Đạo – điểm gặp gỡ giữa tư tưởng của Aristotle với Phật giáo và Nho giáo

Thứ Ba, 22/11/2022, 10:00

Trong cuộc gặp gỡ tâm thức Đông - Tây, độc giả Việt Nam thường biết đến sự gần gũi giữa tư tưởng của Athur Schopenhauer hay Friedrich Nietzsche… với triết lý Hindu giáo và Phật giáo.

Sự gần gũi này có thể lý giải, bởi sự giao thoa văn hóa Á Âu vào thế kỷ 19, thời đại họ sống, và các hệ tư tưởng từ phương Đông bổ khuyết cho những thiếu sót của một châu lục đang trong cơn cuồng duy lý. Tuy nhiên, sự gặp gỡ cổ xưa hơn đã diễn ra ở tầng sâu của tư tưởng Đức Phật, Khổng Tử và Aristotle, nhưng lại bị che khuất bởi các định kiến văn hóa - cuộc gặp gỡ Trung Đạo. 

Khi Aristotle thoát khỏi lớp ngôn từ ảnh hưởng của Kito giáo

Cùng với Plato, Aristotle là triết gia Hy Lạp cổ đại có ảnh hưởng sâu sắc tới hệ thống Kito giáo phương Tây, nhưng để đạt được sự ảnh hưởng này, tư tưởng Aristotle đã chấp nhận một sự khúc xạ. Từ "Siêu Hình học" đến "Luân Lý học", các diễn ngôn luận giải về thế giới và diễn ngôn đạo đức của Aristotle được dịch thuật và diễn giải theo thước đo ngôn ngữ của nhà thờ, điều này gây ra những hiểu lầm đầy nghịch lý giữa một bên là Lý Trí Đúng của Aristotle và một bên là đức tin nồng nhiệt của những người kính Chúa.

aristotle-bust.jpg -0

Vị thế ngự trị của Aristotle trong nhà thờ Công giáo và giới hàn lâm phương Tây đã thách thức nhiều nhà tư tưởng có xu hướng "chống Chúa" mà Friedrich Nietzsche là đại diện tiêu biểu, may thay, chính mong muốn hạ bệ vị thế của ông lại đưa tư tưởng của ông trở về với chính ông.

Trước khi có ảnh hưởng tại Châu Âu Trung Cổ, tư tưởng của Aristotle có vị thế gần như tối cao tại thế giới Hồi giáo (Islam), ông được các học giả của Kỷ nguyên vàng Islam (khoảng thế kỷ 8, 9) xưng tụng là Bậc Thầy Đầu Tiên và tiếp thu một cách nhiệt tình phương pháp luận logic của ông, đồng thời dịch các tác phẩm của ông sang tiếng Ảrập. Những tác phẩm của Aristotle tiếng Ảrập dần dà ảnh hưởng tới Châu Âu Trung Cổ, và may thay đó lại chính là nền tảng đối sánh để tách Aristotle khỏi sự ảnh hưởng của Công giáo.

Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, tư tưởng của ông một cách chậm rãi, thoát dần ra khỏi cái bóng của nhà thờ, và từ đó lại hé lộ sự tương đồng với thế giới phương Đông. Không còn "phục vụ và khải thị của Chúa", tư tưởng Aristotle hướng tới "lý trí đúng" và "hành động tốt" - điều được bàn luận kỹ lưỡng và sâu sắc trong tác phẩm kinh điển "Luân Lý học" của ông, hóa ra lại gần gũi với phương châm quen thuộc trong diễn ngôn trung đạo của Phật giáo và trung dung của Nho giáo.

Trong bài luận mở đầu bản dịch nỗ lực đưa "Luân Lý học" thoát khỏi cái bóng "mặc khải của Chúa", nhà nghiên cứu Aristotle người Anh J. A. Smith đã viết: "Làm (hoặc cảm) một điều gì đó là đúng trong một tình huống cho trước là làm (hoặc cảm) chỉ mức độ được yêu cầu - không nhiều hơn và không ít hơn. Làm sai là làm hoặc cảm nhiều hoặc ít hơn so với một cái "trung đạo" được xác định bởi chính hoàn cảnh đó. Sự lặp đi lặp lại của hành vi nằm ở trung đạo là nguyên nhân của sự hình thành nên mỗi và tất cả "phẩm hạnh tính cách", và nhờ điều này mà "quy tắc" có thể được đưa ra." Khái niệm "trung đạo" trong tư tưởng của Aristotle có gốc từ tiếng Hy Lạp, với ý nghĩa "không thái quá". Aristotle bàn: "Trung Đạo có nghĩa là ở giữa thừa và thiếu."…" Vì thế mà Phẩm hạnh về đạo đức, dĩ nhiên ý tôi là Phẩm hạnh, liên quan đến những cảm xúc và hành vi, trong hai khía cạnh này đều có thể có thừa, thiếu và Trung Đạo.

Ví dụ, bạn có thể cảm thấy những cảm xúc sợ hãi, tự tin, ham muốn, giận dữ, thương cảm, Vui Thú và Khổ Đau nói chung, quá nhiều hoặc quá ít, và cũng chẳng phải nhiều hay ít; tuy nhiên cảm nhận được những cảm xúc này đúng lúc, trong những dịp nào, đối với ai, tại sao, và cũng như điều chúng ta nên làm, là sự Trung Đạo, hay nói cách khác là trạng thái tốt nhất, và điều này thuộc về Phẩm hạnh". (Trích "Luân Lý Học" - Aristotle, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, bản dịch của nhóm dịch Book Hunter, Lê Duy Nam hiệu đính).

Aristotle gặp gỡ Đức Phật Thích Ca và Khổng Tử

Những thuyết giảng của Đức Phật Thích Ca về trung đạo (Madhyamâpratipada) có trước Aristotle hơn 200 năm. Khó có thể khẳng định rằng liệu trong số các tư tưởng Ấn Độ, Phật giáo có theo chân Alexandre Đại Đế, người học trò quyền lực của Aristotle, trong cuộc viễn chinh từ phương Đông về tới Địa Trung Hải hay không, nhưng những thuyết giảng về con đường tu tập đạt tới chứng ngộ của Phật giáo cũng nhấn mạnh đến "không thái quá": "Này người tu hành, hai thái cực không nên được thực hành bởi những người đã từ bỏ. Chứng nghiện lạc thú, thấp kém thô thiển theo lối trần tục, vốn chẳng xứng đáng hay lợi lạc gì. Sự hành xác, gây đớn đau, cũng chẳng xứng đáng hay lợi lạc gì. Tránh được cả hai thái cực này, người toàn giác đã chứng đắc con đường trung đạo, cung cấp viễn kiến, tri kiến dẫn tới minh định, tuệ mẫn, giác ngộ và đạt được Niết - bàn." (Dhammacakkappavattana Sutta, thường được dịch sang tiếng Việt là Kinh Chuyển Pháp Luân, người viết tự dịch từ bản tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu).

Diễn giải cụ thể hơn cho con đường trung đạo là Bát Chính Đạo (bao gồm chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định), tương đồng với quan điểm về Lý Trí Đúng của Aristotle trong "Luân Lý học": "Trong mọi thói quen mà chúng ta đã nhắc tới một cách rõ ràng, cũng như đối với mọi thói quen khác, có một tiêu điểm mà với con mắt của người có Lý Trí, anh ta thắt chặt hoặc thả lỏng sợi dây thừng của mình; và có một giới hạn nhất định của những trạng thái trung đạo đó mà chúng ta đã nói là tương ứng với Lý Trí Đúng, nằm giữa một mặt là thừa và mặt còn lại là thiếu".

Khoảng 100 năm trước Aristotle, Tử Tư, cháu của Khổng Tử, đã biên soạn lại lời dạy của Khổng Tử thành sách "Trung Dung" và đưa "trung dung" trở thành một lối luyện tâm của các nhà Nho: "Mừng, giận, buồn, vui khi chưa biểu hiện ra, gọi là Trung, biểu hiện ra mà phù hợp với quy củ thì gọi là Hòa. Trung là gốc lớn của thiên hạ, Hòa là đạo lí thông đạt trong thiên hạ.

Đạt tới sự “Trung hòa” thì trời đất có được vị trí thoả đáng, muôn vật được phát huy dục sinh trưởng."… "Người quân tử trung dung là người mà lúc nào cũng giữ được đức trung dung, tức là tâm tánh họ không bị thiên lệch hay đổi dời. Kẻ tiểu nhân phản trung dung là người làm những điều trái ngược với đức trung dung, tâm tính họ luôn thay đổi và chẳng kiêng nể điều chi cả". (Thiên 1, 2, "Trung Dung", Tử Tư, bản dịch của Lỗ Bình Sơn. Hai chữ "phù hợp với quy củ" tác giả dịch từ tiếng Hán có phần không đúng. Nguyên văn tiếng Hán của câu này là "trung tiết", nghĩa là hợp với đạo).

Trong nhiều thế kỷ tại thế giới Á Đông, mà trong đó văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng, chữ "Hòa" được tôn sùng và lý giải một cách dễ dãi theo lối chấp nhận những sai trái để sinh tồn và an ổn, nhưng chữ "Hòa" theo quan điểm của Nho giáo chỉ có thể đạt được khi hành xử hợp với đạo, nghĩa là giữ được sự chính tâm, không sa đà vào những điều sai trái, dung tục.

Trung Đạo – điểm gặp gỡ giữa tư tưởng của Aristotle với Phật giáo và Nho giáo -0
Aristotle và Alexander - học trò cưng của ông.

Gần như không thể khẳng định rằng tồn tại mối liên hệ giữa Khổng Tử và Aristotle, nhưng giữa Trung Dung và Trung Đạo tương đồng với nhau quan điểm rằng hướng tới cái đúng, từ suy nghĩ tới hành động, mang lại hài hòa cân bằng, và đó là hành xử cần thiết của những cột trụ của quốc gia. Nếu Khổng Tử xây dựng hình mẫu quân tử thì Aristotle cũng đưa ra khái niệm Người Kỳ Vĩ, người có đủ năng lực Lý Trí Đúng để không thừa không thiếu, giữ trung đạo trong suy nghĩ và hành vi. Đây cũng chính là cốt lõi của mô hình chính trị do Aristotle đề xướng mà đến nay vẫn được dịch là "tinh hoa trị", mô hình mà trong đó người có năng lực Lý Trí Đúng giữ vai trò chủ đạo, chứ không phải người có quyền thế hay tiền bạc.

Sinh thời, Khổng Tử bất lực trong tìm kiếm quân tử trung dung, ông buộc phải chấp nhận rằng đó là việc "khó lắm thay"! Trước đó, Đức Phật Thích Ca đã chối bỏ đời sống của một vị quân chủ cai quản ngai vàng để tu hành và hướng tới tu chính đạo. Ngay cả Aristotle, trong chính cuộc đời mình, cũng không tìm được một "người kỳ vĩ" nào khác. Những vị vua mà ông cố vấn không đưa ra những diễn ngôn hay hành xử theo chủ thuyết của ông. Kỳ lạ thay, sự hiện thực hóa trung đạo hay trung dung lại tồn tại ở Việt Nam thời Trần, với các vị vua thời kỳ đầu chủ trương tam giáo đồng nguyên và giữ "chân tâm" trong cai trị.

Trần Thánh Tông, vị vua thứ hai của nhà Trần, người đã lãnh đạo Đại Việt chiến thắng sự xâm lược của quân Nguyên, gạt bỏ những xích mích nội tộc đã thấu đạt và đúc rút đạo làm vua trong mấy chữ: "Chân tâm được dụng/ Sáng suốt lặng lẽ/ Không đi không đến/ Chẳng bớt chẳng thêm/ Được nhiều được ít/ Mặc thuận mặc nghịch/…/"Tự tại tâm sáng/Vằng vặc lòng trung", và ông đã dụng chân tâm trong suốt thời gian cai trị của mình để mang tới thái bình thịnh trị cho muôn dân, đúng theo hình mẫu Người Kỳ Vĩ mà Aristotle đề xướng.

Hà Thủy Nguyên
.
.
.