Máu ở mỏ vàng Aswan

Thứ Tư, 29/11/2023, 13:36

Nhiều người biết đến sự giàu có về tài nguyên của Ai Cập. Nhưng ngay cả người Ai Cập lại nghĩ rằng Aswan lại là nơi diễn ra cơn “sốt vàng” tiếp theo. Vàng có ở trong các mạch thạch anh có ở nhiều nơi trên sa mạc ở bang Aswan miền Đông Nam Ai Cập. Tuy vàng đã đem lại sự giàu có cho một số người ở Aswan, nó cũng đang đem xung đột đến mảnh đất này.

Đất vàng tặc

Người Ai Cập biết từ lâu rằng ở Aswan có vàng, nhưng là vàng trong đất sét, đá hoa cương và thạch anh. Cách đây 12 năm, công nghệ của họ mới đủ khả năng khai thác vàng ở Aswan. Năm 2011, Chính phủ Ai Cập thành lập công ty khoáng sản Shalateen trên nguồn vốn của một số doanh nghiệp công khác. Một mặt Shalateen mua công nghệ khai thác vàng từ nước ngoài, mặt khác mời chào các tập đoàn khoáng sản đa quốc gia hợp tác khai thác vàng ở Aswan. Chỉ mới có mấy năm mà đã có hơn 80 “đại công trường” mỏ vàng mọc lên trên sa mạc. Ngoài vàng ra họ còn khai thác muối, thạch anh và đá hoa cương.

Một thợ mỏ tại mỏ vàng Sukari lớn nhất Aswan nói với phóng viên tờ nhật báo Mada Masr: “Sa mạc cũng giống như biển, và vàng như mồi cá vậy. Cứ có “hơi” vàng một cái là người từ mọi nơi đổ đến đây giống như cá vây quanh mồi vậy”. Giá 1 ounce vàng ở Ai Cập hiện rơi vào khoảng 1.900 USD. Tại một đất nước mà mức lương trung bình chỉ có 302 USD/ tháng, con số trên vượt quá mức tưởng tượng của nhiều người. Ngoài các mỏ vàng được cấp phép, những khu mỏ trái phép mọc lên như nấm. Điều đó cũng kéo theo hiện tượng chặn đường đòi tiền bảo kê.

Máu ở mỏ vàng Aswan -0
Một toán thợ mỏ có vũ trang đi tìm vàng.

Một kỹ sư làm việc cho Shalateen cho biết: “Ông chủ mỏ nào cũng phải trả tiền cho bọn phiến quân. Họ phải trả tiền “mãi lộ” trên số đầu xe ra vào mỏ, rồi trả tiền để được mua dầu diesel chạy máy... Tôi biết một số người sở hữu những mỏ vàng nhỏ. Có người từng sở hữu 20 mỏ nhưng vì không chịu nổi tiền bảo kê nên đành phải “bỏ của chạy lấy người”, đóng cửa hơn nửa số mỏ họ có”.

Những nhóm phiến quân là dân quân của các bộ lạc bản địa. Người ta chia thợ mỏ ở Aswan ra làm hai nhóm: dahaba, tức là những người địa phương đi làm mỏ; và gharaba, tức dân tị nạn từ Sudan và các nước Châu Phi khác. Bởi bang Aswan nằm sát biên giới với Sudan nên ở đây có hàng nghìn người tị nạn từ các nước phương Nam chạy loạn lên. Để bảo vệ quyền đào vàng của dahaba, các bộ tộc lần lượt lập dân quân. Dần dần các nhóm này biến tướng thành tội phạm có tổ chức sống bằng nghề bảo kê.

Ước tính hơn 50% số mỏ vàng ở Aswan khai thác trái phép. Lý do đầu tiên được các chủ mỏ đưa ra là vì chi phí xin giấy phép quá đắt. Một chủ mỏ cho biết: “Muốn xin được giấy phép khai thác vàng thì tôi phải ký kết hợp đồng với Shalateen rồi chờ họ xin phép GIS (Cục Tình báo tổng hợp Ai Cập). Ngoài phí chính thức và các khoản “bôi trơn”, tôi còn phải đưa cho Shalateen một phần tôi khai thác được mỗi tháng. Khi đó thì tôi chẳng còn gì cả. Bình thường có những lúc tôi đào 4 tháng mà chỉ tìm ra 10g vàng”.

Mỏ vàng trái phép tràn lan tạo cơ hội để các nhóm phiến quân phát triển. Để tránh bị nhà nước tịch thu máy móc, “vàng tặc” tại Aswan không sử dụng phương pháp sàng đất lấy vàng như ở những nơi khác. Thay vì thê,ë từng nhóm nhỏ trên dưới chục người cầm máy dò kim loại đi khắp các ngọn núi. Khi tìm thấy mạch vàng ở trong thạch anh, họ sẽ dùng búa nạo ra từng miếng đá chứa vàng một. Bao giờ đi cùng các nhóm này cũng có người của phiến quân cầm theo tiểu liên, lựu đạn và súng RPG. Họ vừa bảo vệ thợ mỏ, vừa để mắt xem họ tìm được bao nhiêu vàng.

Các nhóm phiến quân cũng quản lý “trạm” chế biến vàng. Gọi là “trạm” nhưng thực chất chỉ là mấy cái máy nghiền, máy lọc đặt trong nhà dân. Quá trình xử lý một miếng thạch anh thành vàng bột mất khoảng 12 tiếng. Cứ 1 tấn thạch anh thì thu được khoảng 3-15gram vàng. Vàng khai thác được quanh khu vực làng Allaqi có độ tinh khiết cao nhất (99,9%) nhưng có rất ít. Ở các nơi khác có nhiều vàng hơn nhưng độ tinh khiết chỉ nằm trong khoảng 18-21 karat.

Vàng bột được đem bán ở các thành phố khắp Aswan, tập trung nhiều nhất tại thành phố Sadaqa. Người mua là các ông chủ tiệm vàng ở Cairo. Nếu bán được thì doanh thu sẽ chia ra như sau: thợ mỏ nhận 400 Bảng Ai Cập (LE)/ 1 ngày công; tài xế lái xe chở thợ mỏ nhận 7.000 LE, chủ mỏ nhận 1/3 lợi nhuận, và phần còn lại thuộc về phiến quân.

Cuộc sống của thợ mỏ vô cùng khổ cực, đến mức dân Aswan gọi họ là: “Người chết biết đi”. Cháy hầm, sập hầm và các tai nạn lao động khác luôn chực chờ. Khi tai nạn xảy ra thì thợ mỏ phải tự tìm cách chạy chữa cho nhau chứ không thể đưa đi bệnh viện ở quá xa.

Một phiến quân nhận xét: “Người Sudan, Chad và Eritrea có thể làm việc trong hầm nóng rất lâu mà không cần uống nước. Không thợ mỏ Ai Cập nào dám chui xuống giếng sâu hơn 20m, nhưng mà người Sudan thì 200m cũng chịu xuống... Các ông chủ mỏ thích thuê dân tị nạn làm thợ vì họ dám làm mọi thứ, mà nếu có chết thì cũng sao. Tôi đã tự tay chôn 4 thợ mỏ Sudan”.

Vùng chiến sự

Những vụ nổ súng đã trở thành “chuyện thường ngày” ở Aswan. Những ông chủ mỏ luôn phải “chuẩn bị tâm lý” cho việc bị tấn công. Phiến quân chỉ cần chưa đến 10 phút để bắt thợ mỏ làm con tin và cướp hết số thạch anh lấy vàng. Thậm chí phiến quân chiếm luôn mỏ để người bộ tộc của họ khai thác.

Một sỹ quan cảnh sát nói với phóng viên báo Mada Masr: “Phiến quân của bộ tộc càng mạnh thì mỏ của anh lại càng lớn. Hai bộ tộc Jaafra và Azayza có những mỏ vàng lớn nhất. Phiến quân Jaaafra do Hamdy Abu Saleh lãnh đạo. Còn chỉ huy nhóm phiến quân Azayza là Rashid Abbas. Chúng là những tên đầu tiên nghĩ ra việc lập phiến quân”.

Rashid Abbas là một đối tượng có tiền án tội khủng bố và tội phạm có tổ chức. Năm 2017, hắn lập ra nhóm phiến quân đầu tiên trong khu vực. Tổ chức của Abbas lớn dần lên nhờ tiền bảo kê thu từ các chủ mỏ vàng. Theo lời một số người địa phương thì: “Rashid Abbas giết người còn nhiều hơn là nói thành câu”.

Trái với Rashid Abbas, Hamdy Abu Saleh xuất thân từ gia đình Absiyeen đầy quyền lực trong bộ tộc Azayza. Hắn tập hợp các nhóm dân quân khác nhau của người Azayza lại thành một lực lượng chiến đấu, hoạt động bài bản như mafia vậy. Khi đã có tiền thì Abu Saleh lại thuê những tay súng từ Eritrea và Chad.

Máu ở mỏ vàng Aswan -0
Lãnh đạo nhóm vũ trang Rashid Abbas bên cạnh những cục thạch anh cướp được từ thợ mỏ.

Giao tranh nổ ra giữa Rashid Abbas và Hamdy Abu Saleh vào năm 2021. Từ những vụ đọ súng ngắn ngủi, hai phe đẩy cao xung đột bằng cách đem quân xâm lược các mỏ vàng của nhau. Tình hình căng thẳng đến mức các phe công khai tấn công lẫn nhau giữa ban ngày ở nơi đô thị khiến Chính phủ Ai Cập phải vào cuộc. Quân đội và cảnh sát Ai Cập mở chiến dịch càn quét phiến quân. Rashid Abbas bị trọng thương và phải chạy sang Sudan lẩn trốn. Hamdy Abu Saleh bị bắn chết, lực lượng phiến quân của hắn tan rã thành các nhóm nhỏ, trong đó lớn nhất là nhóm dưới quyền chỉ huy của em họ Abu Saleh là Ahmed Abul Abbas.

Cairo đang thực hiện chiến lược “ba mũi dùi” để bảo vệ an ninh ở Anwas. “Mũi dùi” thứ nhất là cảnh sát giữ nhiệm vụ tuần tra các tuyến đường, khu dân cư và đường biên giới. “Mũi dùi” thứ hai là quân đội chuyên giám sát từ trên không bằng máy bay không người lái, đồng thời tiến hành đột kích xóa bỏ các khu mỏ trái phép. “Mũi dùi” cuối cùng là nhóm dân quân của bộ tộc Ababda. Người Ababda giàu có và nắm nhiều quyền lực nhất ở Đông Nam Ai Cập. Cairo cho họ một số quyền tự trị và cổ phần trong các mỏ vàng để đổi lấy việc dân quân Ababda tham gia vào hoạt động tuần tra, tiêu diệt thổ phỉ.

Tình hình ở Anwas hiện vẫn còn rất nguy hiểm. Các nhóm phiến quân càng ngày trở nên manh động hơn. Chúng sẵn sàng giết thợ mỏ cướp vàng hay là xuống núi để bắt cóc dân thường đòi tiền chuộc. Mới đây nhóm phiến quân của Ahmed Abul Abbas phục kích xe cảnh sát, giết chết sĩ quan cảnh sát Mohamed Kilani vì trước đó người này bắt giữ một cấp dưới của Abul Abbas. Phiến quân chụp ảnh chúng bên xác thiếu úy rồi tung lên mạng xã hội như một lời cảnh cáo.

Nghiêm trong nhất là ngày 2/10, một nhóm phiến quân đã tấn công một nhà tù tại thành phố Edfu vào lúc cảnh sát đang chuẩn bị đưa tù nhân sang nhà tù khác, giải cứu 7 đồng bọn bị cảnh sát giam giữ, đồng thời giết 1 sỹ quan và làm bị thương nhiều người.

Chiến dịch quân sự xóa bỏ mỏ vàng trái phép đang trong những ngày tháng ác liệt. Các đơn vị quân đội được điều lên núi để đánh bật phiến quân khỏi khu mỏ, khi thu giữ được công cụ khai thác nào là sẽ đem tiêu hủy ngay, thợ mỏ bị bắt sẽ đưa ra tòa án quân sự xét xử. Cảnh sát thì lập các chốt chặn ở những tuyến đường đi lên núi, đồng thời đột kích vào các trạm chế biến vàng và nơi thợ mỏ nước ngoài sống ở những thành phố như Aswan, Edfu, Kom Obo và Daraw.

Nhà nghiên cứu an ninh Ai Cập Imad Harb bình luận: “Chừng nào mà vẫn có vàng ở Aswan thì phiến quân vẫn tồn tại được. Chúng không thiếu gì tiền và người để kéo dài xung đột... Có lẽ đã đến lúc nhà chức trách xem xét “đánh vào” những cá nhân, tổ chức tiêu thụ vàng lậu thay vì chỉ nhắm đến khâu cung cấp. Nếu khiến được những ông chủ tiệm vàng ở Cairo không dám mua vàng lậu nữa thì phiến quân cũng sẽ từ đó mà suy yếu”.

Lê Công Vũ
.
.
.