Kỳ bí vải batik Mông

Thứ Năm, 15/08/2024, 10:44

Tháng 12/2023, nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải (từ quốc tế: batik) của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam. Tại Việt Nam, nghệ thuật này chỉ có ở người Mông và người Dao, hai tộc người vốn có quan hệ nguồn gốc. Trong người Mông, nghệ thuật này phổ biến nhất ở hai nhóm Mông Xanh và Mông Hoa.

Vải batik Mông – lịch sử Mông

Trên thế giới, nghệ thuật này đạt tới đỉnh cao với các sản phẩm đẹp và tinh xảo nhất tại đảo Java, Indonesia. Từ “batik” chỉ nghệ thuật này trong tiếng phương Tây vốn là một từ trong tiếng Java. Vì thế, có quan điểm Indonesia  là quê hương của nghệ thuật này...

Kỳ bí vải batik Mông -0
Batik Mông 1.

Tấm vải batik cổ nhất được tìm thấy trong mộ một vị vua Ai Cập có niên đại thế kỷ 5 trước Công nguyên (TCN). Có lẽ từ Ai Cập, qua Ấn Độ, nghệ thuật batik tới Trung Quốc vào thời Tần-Hán (thế kỷ 3 TCN - 3 CN), phổ biến vào thời Tùy-Đường (thế kỷ 6-10). Một bộ váy áo batik màu chàm vẽ hoa đã được tìm thấy trong một ngôi mộ nữ quý tộc thời Tây Hán  (206 TCN-24) ở Trường Sa, Hồ Nam. Thời đó, Hồ Nam là vùng đất gốc của người Mông và có lẽ, vải batik Mông ra đời từ đây…

Tổ tiên người Mông đã từng là chủ nhân của các nền văn minh trồng lúa với chữ viết, nhà nước và nghề luyện kim sớm ở Trung Quốc. Nhưng trước sự bành trướng của người Hoa, họ đã phải liên tục thiên di về phía Nam, phân tán thành nhiều nhóm sống du canh du cư vùng núi cao.

Người Mông gắn sự tích vải batik với Xi Vưu, ông tổ - vị vua đầu tiên trong lịch sử của người Mông (như Bàn Vương của người Dao, Hùng Vương của người Việt). Một truyền thuyết kể, sau khi bị Hoàng Đế, ông tổ của người Hoa đánh bại, Xi Vưu chết và hóa thành một cây phong. Để tưởng nhớ Xi Vưu, người Mông dùng nhựa cây phong vẽ các hoa văn trên vải làm cờ xí và trang phục. Họ thấy khi nhuộm vải, các hoa văn đó còn nguyên. Sau này, họ dùng sáp ong thay cho nhựa phong…

Người Mông cũng gắn các hoa văn thêu, vẽ, in trên nữ phục Mông với chữ viết của tổ tiên. Trong tâm thức Mông, tổ tiên họ xưa đã từng có chữ và sách. Nhưng trên con đường thiên di dằng dặc đầy máu và nước mắt, sách và chữ đã không còn nữa…

Một truyền thuyết kể, trong nạn hồng thủy, khi vượt sông lớn, người Hoa để sách  trên đầu, nên sau họ có chữ. Người Mông vì sợ sách ướt và vì đói phải ăn sách nên sau không có chữ, nhưng lại thông minh, sáng dạ, ghi nhớ mọi thứ trong lòng (người Mông được coi là tộc người giỏi ngoại ngữ nhất trong các tộc miền núi phía Bắc). 

Các truyền thuyết khác lại kể trong khi chạy trốn trước sự truy đuổi của người Hán, để vượt qua một con sông lớn, người Mông hoặc đã phải bỏ sách vở của mình lại và bị các con vật ăn mất, hoặc phải dấu chữ vào trang phục, đặc biệt trong những nếp gấp trên váy phụ nữ  Mông Xanh. Từ đó, chữ hóa thành các hoa văn hay biểu tượng trên trang phục Mông còn đến nay. Và người Mông đã dùng các hoa văn đó để ghi lại lịch sử và văn hóa của mình.

Kỳ bí vải batik Mông -0
Batik Mông 2.

Hoa văn batik Mông- biểu tượng Mông

Thực tế, hoa văn vẽ sáp hay thêu ghép trên trang phục Mông là cả một thế giới vạn vật và tình cảm của họ, từ mặt trời, núi non đến chim, rồng, nhà cửa, hàng rào, ruộng lúa đến hạt lúa, hạt ngô v.v... Từ đó, mỗi hoa văn là một biểu tượng, có thể gắn với một hay nhiều truyền thuyết, phản ánh lịch sử, văn hóa cùng trí tưởng tượng vô cùng phong phú của người Mông. Nhiều hoa văn đã có lịch sử hàng ngàn năm và phổ biến cho mọi nhóm Mông. Tuy nhiên, cùng một hoa văn, mỗi nhóm Mông, ở mỗi thời kỳ lại có thể có những tên gọi với những cách lý giải khác nhau.

Trong kho tàng hoa văn Mông, hoa văn ốc là một trong những hoa văn cơ bản và phổ biến nhất.

Dạng hoa văn ốc nguyên thủy là một hình xoáy ốc, mô phỏng mặt ngoài vỏ ốc, một biểu tượng cho sự phát triển không ngừng (tương tự hoa văn ngọn rau dớn của người Thái Đen). Dạng biến thể và phổ biến hơn là hình xoáy ốc kép (giống số 3 hoa).

Trên tấm batik thứ nhất, ở trung tâm là hai hình xoáy ốc kép chụm đầu vào nhau, biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở của một gia đình và quan hệ gia đình. Trung tâm của một hình xoáy ốc (điểm khởi đầu) là biểu tượng của tổ tiên, các vòng xoáy ngoài là con cháu. Hai hoa văn xoáy ốc chụm đầu hay dựa lưng vào nhau thể hiện sự hòa hợp giữa hai gia đình hay hai dòng họ nội ngoại. Bốn hoa văn như chữ thập bao quanh là hình ngôi nhà, một gia đình - biểu tượng cho sự bền vững.

Trên tấm thứ hai, các biến thể của hoa văn ốc lại tạo ra một dạng hoa văn mới gọi là “chân voi” nhưng cũng là một biểu tượng cho gia đình và sự thịnh vượng. Người Mông cũng dùng biểu tượng này để đánh dấu sự chiếm hữu một mảnh nương màu mỡ.

Tuy nhiên, vào thời xa xưa hơn, dạng hoa văn ốc đơn và dạng hai hoa văn ốc tựa lưng vào nhau đã được coi là “hoa văn bướm” bởi là sự cách điệu hóa dáng một con bướm bay và một con bướm có bốn cánh.

Kỳ bí vải batik Mông -0
Hoa văn bướm trên y phục của phụ nữ Mông.

Bướm là một vật tổ thời rất xa xưa của người Mông

Một truyền thuyết kể có một con bướm sinh ra từ một cây phong. Bướm bay qua hồ nước, có tình với bong bóng nước (một hiện thân của rồng - thần nước, rất hợp với bướm), sinh ra 12 trứng. Cây phong hóa thành một con chim để ấp trứng. Trứng lớn nhất nở ra một chàng trai, là Ông Tổ của người Mông, các trứng khác nở ra các con vật để sống cùng và giúp đỡ người Mông…

Truyền thuyết Mông gợi chúng ta nhớ tới truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ của người Việt.

 Như vậy, trong tâm thức Mông, bướm là Bà Tổ, là Thần Mẹ của người Mông và của muôn loài. Hồn tổ tiên trên trời khi xuống đất thăm con cháu cũng thường hóa thành bướm (một quan niệm cũng có ở người Việt).

Tuy nhiên, trên vải thêu của người Mông ở Quí Châu, hình Bà Tổ Bướm được thể hiện như một Nữ Thần Bướm với đôi cánh có dáng gần gũi với hoa văn bướm xưa cùng với hai con rồng bên dưới. Trên vải batik, hoa văn bướm dạng tả thực xuất hiện như một biểu tượng cho sự sinh sản và sắc đẹp của phụ nữ trong khi hoa văn bướm dạng hình học chuyển hóa thành hoa văn ốc...

Hoa văn batik Mông-hoa văn Đông Sơn

Điều rất dễ nhận ra là trong kho tàng hoa văn batik Mông, có một loạt hoa văn cũng thấy trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn. Đó là các hình mặt trời, các dạng hình xoáy ốc, trái tim, răng cưa, chấm dải v.v... Đặc biệt, có một dạng hoa văn mang tên “trống đồng” là biểu tượng cho linh hồn tổ tiên.

Trong lịch sử, người Mông là một trong các tộc người tạo lập nước Dạ Lang ở Quí Châu, cùng với Điền ở Vân Nam và Âu Lạc ở Bắc Việt Nam lập thành một liên minh. Vị thủ lĩnh tối cao của liên minh đó chính là An Dương Vương, vị vua đã cho đúc và ban phát những chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên.

Một số nhóm Mông ở Quí Châu và Quảng Tây cho đến nay vẫn có tục đánh trống đồng. Họ thậm chí cho rằng hoa văn trang phục của họ có gốc từ hoa văn trống đồng.

Vải batik Mông- bản sắc Mông

Trang phục có vải batik Mông mang một bản sắc Mông rõ rệt khi hầu hết các tộc người ở Việt Nam không có trang phục batik.

Theo truyền thống, phụ nữ Mông vẽ sáp trên vải lanh, loại vải thấm sáp lâu bền nhất, nhuộm chàm cho màu đẹp nhất và gắn bó sâu sắc nhất với người Mông.  Cây lanh cũng là loại cây lấy sợi dệt vải phù hợp nhất với môi trường sống vùng núi cao của người Mông. Đó cũng là một biểu tượng cho người phụ nữ Mông cần cù, dẻo dai, tình nghĩa. Hiểu biết quá trình từ hạt lanh đến tấm vải batik lanh, chúng ta có thể kết luận, rằng tấm vải batik Mông là tấm vải có giá trị lao động cao nhất hay đắt giá.

Khác với vải batik Indonesia được nhuộm từ lá, vỏ 12 loại cây để có 12 màu sắc khác nhau, vải batik Mông chỉ nhuộm chàm để chủ yếu có hai màu trắng - lam đơn sơ, trầm lặng mà huyền bí, quyến rũ như cuộc sống của người Mông.

Cuối cùng nhưng quan trọng nhất, vải batik Mông, dù giờ đây chỉ thấp thoáng, le lói trên trang phục Mông, nhưng với bản sắc Mông sâu xa, giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn, để yêu thương và trân quý hơn một tộc người đã phải sống, nhưng dám sống và biết sống trên những vùng núi cao của Tổ quốc…

Tạ Đức
.
.
.