Điểm cuối của thời đại "Viking"
Stamford Bridge, thực tế, không chỉ là tên của một chiếc cầu. Và cũng chẳng ngẫu nhiên, cái tên ấy được chọn để đặt cho sân nhà của CLB bóng đá thuộc Giải Ngoại hạng Anh - Chelsea. Mặc dù đến hiện tại, vai trò này đã làm phai mờ đi những giá trị đích thực, thì những ánh hào quang rạng rỡ nhất gắn liền với địa danh Stamford Bridge chắc chắn sẽ không bao giờ chỉ là các danh hiệu trên sân cỏ. Stamford Bridge, từ khởi nguồn, là một dấu ấn lịch sử.
Hiểm họa từ vương miện nước Anh
Ngày 25/9/1066, có hai đạo quân đối diện nhau ở Stamford Bridge, phía Tây Yorkside.
Nhiều nguồn cho rằng đó là một ngôi làng, nhưng thực ra, theo trang World History Encyclopedia, địa điểm này là một đồng cỏ rộng phía đông sông Derwent, và bắc qua sông là một cây cầu gỗ mang tên Stamford Bridge - cái tên sau đó được đặt cho trận đánh này, và cả khu dân cư này.
Đạo quân thứ nhất, theo Britanica, có khoảng 5.000 quân thuộc hạm đội Viking do vua Na Uy Harald Hardrada chỉ huy, được dẫn đường bởi Tostig Godwinson - một quý tộc Anh. Đạo quân thứ hai được dẫn đầu bởi nhà vua Anh (thuộc tộc Anglo-Saxon) khi đó là Harold Godwinson, với quy mô dao động khoảng từ 15.000 đến 20.000 lính (cả bộ binh, cung thủ và kỵ binh).
Nguyên nhân khiến họ đối diện với nhau ở đó, không gì khác, là ngai vàng nước Anh. Và Tostig, không ai khác, chính là em trai Harold.
Tháng 1/1066, tiên vương Anh quốc Edward the Confessor qua đời mà không để lại người thừa kế trực tiếp. Điều này dẫn đến hệ quả là từ khắp các nơi thuộc khu vực Tây Bắc châu Âu, những đòi hỏi về quyền thừa kế liên tiếp xuất hiện.
Harold Godwinson, bá tước Wessex, em rể vua Edward, được đích thân Edward triệu đến ngự sàng trong lúc lâm chung để trao lại vương quyền, song bối cảnh ấy vẫn bị xem là "không rõ ràng" và thiếu tính chính danh, do thiếu sự chứng kiến và công nhận của đại diện đông đảo các giai tầng quý tộc.
Bởi vậy, rất nhanh chóng, Harold thấy mình rơi vào giữa một gọng kìm. Ở phía Nam, từ nước Pháp, quận công William của xứ Normandy, vin vào một lời hứa vu vơ khi Harold bị bắt giữ tại đất Pháp năm 1051, tập hợp lực lượng viễn chinh. Còn ở phía Bắc, vua Na Uy Harald Hardrada cũng sẵn sàng cho một cuộc chinh phục đúng với truyền thống Viking.
Không mất quá nhiều thời gian, quân Na Uy vượt Biển Bắc, đi thuyền theo đường Orkneys và đổ bộ xuống Riccall, gần York với một lực lượng có thể lên đến 10.000 người. Nhà vua - vị chỉ huy của họ, Harald, hoàn toàn không phải là một địch thủ dễ chịu đối với bất cứ ai. Trước khi tiến đánh nước Anh, Harald đã có nhiều năm chiến đấu như một viên tướng đánh thuê cự phách, cho các triều đình Kievans Rus mới tạo lập ở miền đất tổ của nước Nga hiện đại. Trước đó nữa, ông là thành viên Đội cận vệ Varangian ưu tú của triều đình Đế chế Đông La Mã (Byzantine), từng tham gia các chiến dịch công hạ Messina và Syracuse mà quân Arab Hồi giáo chiếm đóng trên đảo Sicily (năm 1038).
Phù tá Harald, Tostig vốn là bá tước xứ Northumbria. Tuy nhiên, bởi cai trị hà khắc, ông bị lật đổ vào năm 1065, và bắt buộc phải lưu vong đến Scotland (vốn không thuộc cương vực của nước Anh thời điểm ấy). Cuối cùng, Tostig sang Na Uy, tác động và thuyết phục Harald ngự giá thân chinh, với hy vọng thông qua chiến thắng tìm được cách giành lấy ngai vàng nước Anh từ tay anh trai mình (cho dù có thể phải chấp nhận vị thế chư hầu). Sự có mặt của Tostig, hiển nhiên, gia tăng những hiểm họa đối với vương miện Anh quốc mà Harold mới chỉ vừa kịp đội.
Hùng ca ngày tận thế
Nhưng, Harold cũng hoàn toàn không phải là một "tay mơ" trên chiến trường. Thậm chí, theo nhiều nguồn, trong vị thế tù nhân trên đất Pháp, ông từng tham gia chiến đấu và lập những chiến công vang dội, giúp quân đội quận quốc Normandy giành thắng lợi trước quân đội quận quốc Brittany láng giềng. Có lẽ cũng bởi đánh giá ông là người có khả năng quân sự hàng đầu, thích hợp để kế tục mình, mà Edward the Confessor đã cho triệu ông tới truyền ngôi, như một cách "chọn mặt gửi vàng".
Harold nhận thức rõ những hiểm họa mà mình đang phải đối diện, và gấp rút xây dựng quân đội. Trong khi quân Na Uy đổ bộ và tiến đánh thành phố York, Harold triệu tập gấp khoảng 3.000 bộ binh cận vệ - những người lính đã được đào tạo kỹ càng, và vừa được cho giải ngũ tạm thời do thiếu hụt đãi ngộ từ ngân sách quốc gia - để gấp rút tiến về phía bắc.
Trên đường, thông qua những lời kêu gọi, ông có thêm được lời hứa cung cấp lực lượng từ quân đội của một vài lãnh chúa độc lập quan trọng: Bá tước các vùng Northumbria, Mercia, Morcar và Edwin. Đáng tiếc, những cánh quân này lại không đợi Harold để tạo thế, mà hội quân trước vào ngày 20/9, tại thành Fulfort. Không hề xây dựng được một kế hoạch hiệp đồng tác chiến nào, họ bị Harald Hardara của Na Uy đánh tan tác, và chỉ còn lựa chọn là triệt thoái để tái tổ chức.
Chính nhờ chiến thắng này, đoàn quân viễn chinh Bắc Âu ép được thành phố York đầu hàng, và chính Stamford Bridge là điểm mà họ lựa chọn để trao đổi con tin với York. Vậy là, quân Viking chia làm hai nửa. Một phần ung dung thư giãn nghỉ ngơi trên cánh đồng Stamford Bridge. Phần còn lại trông nom hạm đội, nơi mà các thư tịch sau này cho rằng hầu như toàn bộ giáp trụ của quân Na Uy được cất giữ ở đó.
Và thế là, ngày 25/9, lính Viking chỉ được trang bị mũ sắt và khiên, đột nhiên thấy địch thủ xuất hiện như từ trên trời rơi xuống. Harold, đến lúc đó, đã thúc quân của mình tiến không kể ngày đêm, "nuốt chửng" 185 dặm trong vòng 4 ngày. Mệt lả và có lẽ là đói khát nữa, nhưng đoàn vệ binh ấy vẫn có thể "làm gỏi" đám quân Bắc Âu trang bị sơ sài và hoàn toàn bị bất ngờ ở bờ tây sông Derwent. Chuyện dân gian còn kể lại là trên đường rút chạy, một dũng sĩ Viking đã một mình giữ cầu, chặn đứng được cả đoàn quân Anglo- Saxon trong một thời gian dài, cho đến tận khi bị đâm giáo từ dưới thành cầu lên.
Tuy nhiên, kể cả như vậy, thực tế lịch sử vẫn không thể thay đổi. Đội hình quân Na Uy vỡ ra từng mảng dưới sức truy kích như bão táp của quân Anglo-Saxon. Cả Harald Hardara và Tostig đều chết trong đám loạn quân, khi Harold ra lệnh xiết chặt các vòng vây, chia cắt và tàn sát mãnh liệt.
Quân mất chủ tướng như rắn mất đầu, binh bại như núi đổ, không còn cách nào để đoàn viễn chinh Scandinavia vãn hồi được thế cục. Kể cả khi cánh quân giữ tàu ở Riccal - sung sức và được trang bị đầy đủ - tham chiến, họ cũng chỉ có thể chặn được bước tiến của lính Anglo-Saxon trong một thời gian ngắn, trước khi buộc phải rút chạy về bên kia Biển Bắc.
Cũng chỉ có 24 chiến hạm quay trở lại được Na Uy. Trước trận chiến, Harold đã thề rằng thủ lĩnh Bắc Âu sẽ chỉ nhận được "bảy feet đất Anh" cho cuộc xâm lược của mình, và ông đã làm được điều đó (mặc dù hài cốt của Harald sau đó đã được đưa trở lại Na Uy). Về phần Tostig, ông ta được chôn cất tại York.
Sau thảm bại Stamford Bridge này, cho dù vẫn chưa cáo chung, uy thế của người Viking (ít nhất là tại khu vực đảo Anh) xem như đã chính thức lụi tàn. Không bao giờ, các quyền lực Scandinavia uy hiếp và áp đặt được ách thống trị lên nước Anh, hoặc biến nước Anh thành chư hầu được nữa. Olaf, con trai của Harald, chỉ được cho phép trở về Na Uy với cam kết không bao giờ được tấn công nước Anh một lần nữa.
Song, đó lại cũng không còn là nước Anh cổ kính của người Anglo-Saxon. Stamford Bridge là một dấu ấn lịch sử, với cả hào quang rực rỡ lẫn những ánh u ám của sự tàn lụi. Ba ngày sau chiến công này, ngày 28/9, hạm đội Normandy của quận công William đổ bộ lên bờ biển Anh quốc. Ba tuần sau trận Stamford Bridge, quân Anglo-Saxon - lại gấp gáp cuốn đất hành quân về phía Nam - bị giày xéo trong trận Hastings (ngày 14/10/1066). Và sau đó, nước Anh đổi chủ, trở thành giang sơn của người Norman, với những vết hằn chia rẽ đầy thù hận trong tâm trí người Saxon, kéo dài đến tận thời vua Richard Sư tử tâm cùng các nhân vật văn học Robin Hood hay Ivanhoe…
* "Trước khi Harald Hardrada ra lệnh cho hạm đội của mình nam hạ, các vị vua Anh cũng đã chấp thuận vị thế chư hầu của Đan Mạch (bối cảnh mà sau này William Shakespeare khắc họa khá rõ trong vở kịch lừng danh “Hamlet”). Nước Anh buộc phải triều cống Đan Mạch, đổi lại, triều đình Viking Đan Mạch sẽ không tấn công quân sự vào đảo Anh. Cơ chế này gọi là Danelaw (Luật của người Đan Mạch).
* "Hardrada tích lũy một hạm đội có lẽ khoảng 300 thuyền chiến, mặc dù một số nguồn nghiên cứu ước tính có thể lên tới 500 tàu. Về mặt lý thuyết, mỗi tàu Viking có thể vận chuyển khoảng 80 người, bao gồm cả những người chèo thuyền nhưng một đội quân lớn tới 24.000 người thì khó có thể xảy ra (bởi những rào cản về hậu cần và trang bị khi ấy) - theo World History Encyclopedia.