Công nghệ: Bản năng sinh tồn của tiến hóa

Chủ Nhật, 30/01/2022, 20:04

Nhiều người vẫn nghĩ công nghệ thời nay là sản phẩm của người hiện đại. Thế nhưng, giới nghiên cứu tin rằng công nghệ thực chất bắt nguồn từ những niên đại rất xa xưa, thông qua việc sử dụng lửa hay công cụ đá của người tiền sử để dần tiến hóa cũng như thích nghi với môi trường sống nhiều biến động.

Sinh ra từ thời tiền sử

Nicholas Longrich mở đầu bài thuyết trình bằng cuộc tranh luận về khái niệm công nghệ. Một thuật ngữ tưởng chừng đơn giản, có nguồn gốc Hy Lạp khi ghép giữa hai vế "thủ công" (techno) và "nguyên lý" (logia). Vị tiến sĩ nói rằng, bản chất của công nghệ ám chỉ mưu mẹo của loài người, từ lúc xuất hiện trên Trái Đất luôn khao khát tìm cách chuyển đổi tài nguyên thiên nhiên thành công cụ sinh tồn. Cho đến thế kỷ 17, khi từ công nghệ bằng tiếng Anh lần đầu tiên xuất hiện, giới học giả coi đó như một loại nghệ thuật ứng dụng, trở thành chìa khoá thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người hiện đại.

Vào đầu thế kỷ 20, một nhóm sử gia định nghĩa công nghệ bằng những cụm từ như "phương tiện", "quy trình", "ý tưởng" và "thao túng", với suy đoán chưa có tiền lệ: cha đẻ của công nghệ không phải là chúng ta thời nay, mà là người tiền sử. Trên thực tế, loài người, trái ngược với các động vật khác, sở hữu năng lực suy nghĩ hệ thống cùng tư duy sáng tạo vô hạn. Điều này khiến giới học giả nghiêng về giả thuyết bản năng sinh tồn buộc tổ tiên của chúng ta sửa đổi môi trường một cách có ý thức, thông qua việc tạo ra các công cụ và sản phẩm mới.

Trên màn hình là hai bức ảnh: ong làm tổ chứa mật và hải ly đắp đập kiên cố. Với Nicholas Longrich, đây đơn thuần chỉ như kết quả của hành vi bản năng, khó thay đổi, bất chấp ngoại cảnh biến động không ngừng. Cũng tương tự như việc con khỉ đôi khi có thể nắm lấy cây gậy để chọc chuối trên cây, rồi sẽ lặp lại nhiều lần mỗi khi chúng nhìn thấy chuối. Tuy nhiên, con người có thể tạo ra cây gậy như một dụng cụ hái chuối, và dần cải tiến thành thiết bị hiện đại để tăng năng suất thu hoạch cho đợt sau.

6.jpg -0
Sự thay đổi hình dạng công cụ theo ý muốn của người tiền sử phản ánh một "tiến bộ" sinh tồn quan trọng.

Mang bản chất của người chế tạo công cụ mà không có loài nào đạt được, con người trở thành chuyên gia công nghệ trên Trái Đất, khiến lịch sử của công nghệ bao gồm toàn bộ sự tiến hóa của loài người. 500.000 năm trước ở Nam Phi, người Homo sapiens đã biết ghè hai rìa của một mảnh đá cho gọn và sắc cạnh hơn, tạo hình mũi giáo làm cơ sở cho những loại vũ khí ngày nay. Tới châu Âu, người Neanderthal ("anh em" gần gũi của người hiện đại Homo sapiens) cũng cho thấy năng lực mài mũi giáo sắc bén sau một số phát hiện khảo cổ với niên đại khoảng 250.000 năm.

Cách đây gần ba thập kỷ, triết gia Egbert Schuurman nhắc tới thuyết kỹ nghệ, phản ánh một niềm tin căn bản về việc kiểm soát thực tại và giải quyết tất cả các vấn đề nhờ công nghệ. Điều này khởi nguồn từ sự kiện con người tìm thấy lửa, xuất hiện vào khoảng thời gian trước năm 1000000 TCN. Tàn dư lửa, than và xương cháy ở khắp mọi nơi, trải dài từ lục địa già, cho đến châu Á và "cái nôi của nhân loại" châu Phi.

Nicholas Longrich gợi lại cuộc tranh cãi nổi tiếng trong giới khảo cổ: ai giữ được lửa? Một phe khẳng định chúng ta và con cháu sau này sẽ phải cực kỳ biết ơn Homo    erectus (người đứng thẳng đầu tiên trên Trái Đất) sau khi đã kiểm soát được lửa trong khoảng thời gian 500000 TCN và 400000 TCN. Số khác một lần nữa nhắc tới cái tên Neanderthal, với bằng chứng đưa ra là kích cỡ não bộ tương đương người Homo sapiens, lại sống sót qua kỷ băng hà khắc nghiệt ở châu Âu. Bấy nhiêu cho thấy, họ hẳn cần lửa hơn ai hết.

Thời gian đầu trong quá trình tiến hóa của loài người, công nghệ biến đổi rất chậm. Ba triệu năm trước, tổ tiên vẫn cần mẫn mài đá, tạo ra những công cụ thô sơ làm từ đá cuội (được gọi là Oldowan) trước khi rìu đá Acheulian xuất hiện. Một triệu năm trước, người tiền sử hãy còn loay hoay giữ lửa. Thế rồi, 500.000 năm sau, công nghệ đột nhiên biến đổi không ngừng, đặt nền móng cho thời hiện đại. Nicholas Longrich biện luận, mỗi sự thay đổi hình dạng công cụ theo ý muốn của người tiền sử đều được xem là một "tiến bộ" sinh tồn quan trọng.

Cha truyền, con nối hay giao dịch

Cách mạng công nghệ thời hiện đại được nhắc tới quá nhiều, trong khi chúng ta quên mất sự tồn tại của người tiền sử. Nghiên cứu công nghệ thời cổ đại còn rất non trẻ, chính vì lý do "xưa" nên chúng ta ít khi biết được tường tận về mục đích thực sự của chúng. Vài năm trước, giáo sư Jon Agar thuộc đại học London đặt ra một câu hỏi mà cho tới nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng: công nghệ "bay" tới từng khu vực của thế giới xa xưa bằng cách nào. Cứ thế mà từng làn sóng suy đoán và giả thuyết ra đời.

7.jpg -0
Nhiều ý kiến cho rằng công nghệ thời tiền sử có thể lan rộng là nhờ quy trình "cha truyền, con nối", hoặc "giao dịch".

Tổ tiên xa xưa đã phát minh ra lửa, nhưng việc người tối cổ di chuyển hàng trăm cây số để lấy lửa là điều không tưởng. Thế nên thật khó hình dung viễn cảnh người châu Phi lại gặp gỡ người Neanderthal ở châu Âu để thảo luận cách... giữ lửa. Jon Agar hoài nghi về một quy trình "cha truyền, con nối" lan khắp thế giới, bảo tồn cách tạo lửa cũng như duy trì sự cháy qua các thế hệ. Cho đến nay, người hiện đại thừa hưởng công nghệ tiền sử, từ đó tạo nên những thiết bị đánh lửa, thậm chí xây dựng cả những căn bếp xa xỉ để giữ lửa nấu ăn hàng ngày.

 Bên cạnh đó, giáo sư gọi tên hiện tượng "sự bùng nổ một lần duy nhất trong đời", ám chỉ việc tạo ra một thứ công nghệ mới lần đầu bởi vài ba nhóm khác nhau như Homo sapiens phân loài cổ xưa và Homo erectus, sau đó được truyền lại theo thời gian và không gian. Ông cũng nghi ngờ tồn tại "sự khuyếch tán" tư duy tạo hình qua các thế hệ, tạo nên những chuỗi liên kết khổng lồ giữa người Homo sapiens hiện đại ở Nam Phi với các nhóm cổ đại ở Bắc và Đông Phi, hay người Neanderthal ở châu Âu.

Đối với sự phổ biến của công cụ đá, một vài quan điểm hoài nghi về khả năng tranh chấp, lấy trộm công cụ của nhau. Ý kiến ôn hòa hơn phỏng đoán tổ tiên chúng ta bằng cách nào đó chấp nhận vượt qua khó khăn di chuyển để "giao dịch" công nghệ. Jon Agar tin điều này khả dĩ, khi vết tích khảo cổ niên đại 200.000-300.000 năm trước chỉ ra người Homo sapiens cổ xưa ở Đông Phi dùng công cụ bằng đá vỏ chai - vốn là nguyên liệu được tìm thấy cách xa nơi họ sống hàng trăm cây số. Thậm chí, các phiên bản mũi giáo nâng cấp xuất hiện ở Trung Đông cách đây 300.000 năm.

Hình ảnh một chiếc cung tên tiền sử hiện lên trước khi Nicholas Longrich kết thúc phần thuyết trình. Nó hữu ích đến độ vai trò của nó trong đời sống, từ thời xa xưa đến những ngày hiện đại, là hiển nhiên. Nhưng chúng ta không để ý rằng: về cơ bản, cung tên vẫn giữ được những nét căn bản từ lúc nó xuất hiện trên trái đất đến tận giờ. Nếu nó là sản phẩm của nhiều người, chúng ta sẽ thấy vô số hình dạng, ấy mà cả người Mỹ bản địa, thổ dân Úc hay dân Á-Âu đều không có khái niệm "phát minh" ra cung tên.

Nicholas Longrich chốt lại bằng hai từ người San - ám chỉ thổ dân Nam Phi là tác giả của cung tên, rồi những nhóm người khác làm theo họ để tạo ra cung của mình. Công nghệ, theo tư duy của Nicholas Longrich, bắt nguồn từ người xa xưa, chứ không hẳn là hệ quả của các yếu tố văn hóa - xã hội. Một tay thợ săn tiền sử tạo ra cung tên khiến lịch sử săn bắn hàng triệu năm sau đó thay đổi hoàn toàn, quyết định đến số phận loài người hiện đại.

Con người thuở ban đầu tiến hóa từ một loài biết tìm tòi, đi bằng hai chân, có bộ não bằng khoảng 1/3 bộ não người hiện đại. Những tổ tiên đã sử dụng các công cụ bằng đá từ rất lâu trước khi xuất hiện Homo sapiens. Rất có thể, họ chính là những thiên tài thời kỳ đồ đá, khởi đầu cho hàng loạt phát minh vĩ đại sau này trên con đường tiến hóa.

Đó là những đột phá được tạo ra bởi nhiều nhóm người, hoàn toàn độc lập với nhau như lịch, toán học, văn minh nhân loại, chữ viết hay thậm chí bia rượu. Số khác, bao gồm bánh xe, in ấn, compa và bàn đạp, chỉ được phát minh một lần, rồi "khuếch tán" ra khắp nơi, dần được cải tiến theo thời gian nhưng vẫn giữ nét nguyên thủy ban đầu.

Nicholas Longrich đùa rằng biết đâu gene của người xưa vẫn còn lưu lại trong ADN người hiện đại, sinh ra nhiều nhân tài thời nay trong cuộc cách mạng công nghệ, từ anh em nhà Wright và Nikola Tesla cho đến Thomas Edison, James Watt hay Steve Jobs. Theo đó, sự thay đổi lớn nhiều khi đến từ một ý tưởng bất chợt được kích hoạt bởi năng lực sáng tạo di truyền - vốn tích lũy kinh nghiệm từ thời tiền sử và trải qua các biến động của môi trường sống để thích nghi, tiếp tục hành trình sinh tồn của tương lai... 

Lê Nam
.
.
.