Sự lụi tàn bí ẩn của nền văn minh cổ đại Olmec

Thứ Tư, 10/05/2017, 07:40
Trước khi người châu Âu khám phá ra châu Mỹ vào khoảng thế kỷ XV-XVI, đã có nhiều nền văn minh xuất hiện, phát triển rồi lụi tàn trên mảnh đất này. 

Một trong những nền văn minh tiêu biểu được hình thành trong giai đoạn từ năm 1.200 đến 400 trước Công nguyên là nền văn minh cổ đại Olmec. Ngày nay ta có thể tìm được những vết tích còn lại của cư dân Olmec ở khu vực bờ biển phía nam vịnh Mexico, các bang Veracruz và Tabasco. 

Nền văn minh Olmec được coi là văn hóa nguồn cội tại khu vực Trung Mỹ, nếu Aztec được coi là nền văn minh nổi tiếng ở Mexico thì Olmec đã có mặt trước đó đến cả 1.000 năm. Nhiều nền văn minh Trung Mỹ sau này đều chịu ảnh hưởng từ nền văn minh Olmec. Vậy những người Olmec từ đâu tới và nền văn minh Olmec đặc sắc như thế nào? 

Qua các di tích khảo cổ còn sót lại, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tìm ra lời giải cho sự khởi nguồn và biến mất bí ẩn của Olmec cổ đại.

Ảnh hưởng khắp Trung Mỹ

Trong cuốn Di sản văn minh Mesoamerican, nhóm các tác giả Robert M. Carmack, Janine Gasco và Gary H. Gossen (Đại học New York và California, Mỹ)  đã chia sự hình thành phát triển của khu vực Trung Mỹ thành 5 thời kỳ: thời kì đồ đá, thời kì cổ xưa, thời kì hình thành, thời kì cổ điển và thời kì hậu cổ điển. 

Một bức tranh cổ được ghép bởi 500 khối đá serpentine.

Theo đó, nền văn minh Olmec xuất hiện và phát triển trong thời kỳ Hình Thành. Những cư dân Olmec đầu tiên cư trú trong những ngôi làng nhỏ ở vùng đất thấp, khu vực bờ biển Mexico. Những bằng chứng khảo cổ tại San Lorenzo cho thấy người Olmec thời kỳ này đã chế tác một số dụng cụ sinh hoạt như bình, vò bằng đất nung để phục vụ sinh hoạt. Đến khoảng năm 1.200 trước Công Nguyên, nghệ thuật đúc tượng đá của cư dân Olmec đã đạt tới trình độ cao. 

Điển hình là những bức tượng đầu đá khổng lồ còn lưu lại cho tới ngày nay. Trung tâm San Lorenzo của nền văn minh Olmec thời kỳ này được xây dựng với hàng ngàn nhà cửa, các công trình thủy lợi, đây có lẽ là địa điểm chính trị và tôn giáo quan trọng của người Olmec cổ đại.

Tới những năm 900-400 trước Công Nguyên, trung tâm văn minh Olmec tiêu biểu nằm ở thành phố Le Venta. Các cuộc khảo cổ đã tìm thấy những tượng điêu khắc đá với nhiều kích thước, cạnh đó là những khu mộ táng, nhiều đồ vật tùy táng và cả những chiếc mặt nạ bí ẩn. 

Ngoài Le Venta, đã xuất hiện thêm hai khu vực khác cũng trở thành các trung tâm văn hóa Olmec lớn như San Jose Mogote nổi tiếng với các khối điêu khắc cộng đồng quy mô lớn và Chatcatzingo với những hiện vật nghệ thuật mang tính tôn giáo bằng đá. 

Tượng sinh đôi được tìm thấy ở El Azuzul.

Cũng ở giai đoạn này, nền văn minh Olmec đã hình thành tổ chức nhà nước sơ khai và đã có sự liên kết với các khu vực lân cận qua hình thức thương mại. Người Olmec cũng đã tiến hành những cuộc chinh phạt, cai trị và buôn bán với những lãnh thổ xung quanh.

Vào cuối thời kỳ Hình Thành khoảng đầu Công Nguyên, trung tâm Cuicuilco xuất hiện thay thế cho các trung tâm văn minh hình thành từ thời kỳ đầu. Những người dân Olmec tại Cuicuilco đã xây kim tự tháp đầu tiên tại châu Mỹ với hình dạng nhiều tầng hình tròn chồng lên nhau. 

Những nhà nghiên cứu cho rằng vào thời điểm phát triển cao nhất, có đến 20.000 người đã sống ở thành phố Cuicuilco. Vì một lý do bí ẩn nào đó, thành phố này lụi tàn vào khoảng thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên và nhường chỗ cho nền văn minh Teotihuacan, còn được gọi là thành phố của những vị thần (đã đăng trên ANTG Cuối tháng số 186, 2-2017)

Một trong những thành tựu văn hóa nhận thức tiêu biểu của người Olmec là lịch pháp thổ dân vùng Trung Mỹ. Ở thời kỳ Hình Thành, cư dân cổ đại vùng Trung Mỹ sử dụng tới ba hệ thống lịch khác nhau gồm thánh lịch, dương lịch và loại thứ ba là sự kết hợp cả 2 loại trên. Thánh lịch hình thành từ sự kết hợp tuần hoàn của 2 vòng, một vòng gồm 13 chữ số và 1 vòng gồm 20 tên của các vị thần… vì thế một năm có tới 260 ngày với tên gọi hoàn toàn khác nhau. 

Dương lịch cổ Trung Mỹ có 18 tháng, mỗi tháng dài 20 ngày và 5 ngày riêng biệt… tổng cộng là 365 ngày, gần giống với lịch hiện đại chúng ta sử dụng ngày nay. Loại thứ ba là sự kết hợp của thánh lịch và dương lịch, tạo bởi các vòng chu kỳ, mỗi vòng dài tới 52 năm… 

Olmec cũng được coi là nền văn minh đầu tiên ở Trung Mỹ phát triển hệ thống chữ viết. Những di tích khảo cổ ở San Lorenzo đã tìm thấy những phiến đá cổ được cho là chứa văn bản của người Olmec. Những chữ tượng hình này được khắc theo lối hàng ngang với 28 biểu tượng khác nhau, khác với hệ thống chữ viết theo chiều dọc của các nền văn minh khác cùng khu vực.

Những tác phẩm nghệ thuật bí ẩn và giả thuyết

Cùng với lịch pháp, chữ viết, kiến trúc xây dựng… người Olmec cổ đại còn thể hiện khả năng điêu khắc trình độ cao qua những chiếc mặt nạ đá, đầu đá khổng lồ được tìm thấy ngày nay. 

Matthew Stirling cùng cộng sự đã phát hiện ra những bức tượng đầu đá khổng lồ, bằng chứng của nền văn minh Olmec.

Có tới 17 chiếc đầu đá khổng lồ nằm rải rác trên khắp lãnh thổ Mexico, chúng cao từ 1~3 mét và nặng tới 50 tấn. Những chiếc đầu đá nổi tiếng này được tìm thấy qua cuộc  thám hiểm của Matthew Stirling, William Duncan Strong, Clarence Wolsey Weiant vào năm 1938 tại vùng đất Tres Zapota. Kết quả ban đầu của cuộc thám hiểm chỉ là những phiến đá cổ xưa, tác phẩm điêu khắc và cả tượng tôn giáo… 

Chỉ tới khi đoàn thám hiểm của Weiant vào sâu hơn trong rừng thì họ mới phát hiện ra chiếc đầu đá đầu tiên cao 1,8m và lần lượt tìm được 16 chiếc đầu đá khổng lồ nữa tại các địa điểm khác.

Những chiếc đầu đá của nền văn minh Olmec miêu tả khuôn mặt người đàn ông trưởng thành với đôi mắt xếch, mũi tẹt và má phệ, gần giống với đặc điểm chung của người dân vùng Veracruz và Tabasco. Biểu cảm trên khuôn mặt của đầu đá hết sức sinh động và đường nét tinh xảo. 

Pho tượng người đàn ông với trang phục được chạm khắc tinh xảo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những đầu đá khổng lồ này miêu tả các vị thủ lĩnh người Olmec hoặc cầu thủ khi tham gia trò chơi bóng đá và bị hành quyết thời kỳ đó. Những chiếc đầu đá khổng lồ này được tạo từ đá bazan nguyên khối và được chuyển từ mỏ đá đến một địa điểm cách đó chừng 300km. 

Theo tính toán, cần đến 1.500 người để chuyển những khối đá này với thời gian chừng 3, 4 tháng. Người cổ đại Olmec cũng khắc ra những mặt nạ đá, được chế tác từ đá serpentin cao chừng 13cm và có đặc điểm tương tự khuôn mặt của đầu đá khổng lồ.

Việc phát hiện ra những chiếc đầu đá khổng lồ đã làm dấy lên cuộc tranh luận về nguồn gốc của người Olmec. Có giả thuyết cho rằng, với đôi môi dày, mũi to, mặt mỏng là đặc điểm của người châu Phi, và những người Olmec chính là người châu Phi tới định cư tại châu Mỹ. 

Tảng đá cổ phủ đầy rêu xanh có dấu tích chữ viết của người cổ đại Olmec.

Nhưng các nhà nhân chủng học lại cho rằng những nét mặt như vậy là do việc chạm khắc bằng dụng cụ thô sơ rất khó khăn tạo nên. Một giả thuyết nữa được đưa ra là người Olmec có nguồn gốc từ người Trung Quốc cổ đại. Những nhà nghiên cứu cho rằng chiếc mặt nạ ngọc bích của người Olmec có phong cách nghệ thuật giống với phong cách nghệ thuật thời nhà Thương, Trung Quốc … 

Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khảo cổ nào chứng tỏ người Trung Quốc cổ đại có đã có mặt tại châu Mỹ. Những nghiên cứu y học hình thể mới đây còn cho thấy, mẫu sọ người Olmec trùng khớp với kích cỡ và đặc trưng của người phương Tây.

Cũng giống như nhiều nền văn minh cổ đại khu vực Trung Mỹ khác, Olmec phát triển rực rỡ và lụi tàn một cách đầy bí ẩn. Đã có nhiều giả thiết được đưa ra như về thiên tai, dịch bệnh, nội chiến hoặc bị xâm lăng… nhưng đều chưa có cơ sở khoa học để khẳng định.

Chỉ biết một điều chắc chắn rằng những người Olmec cổ đại thực sự là những người chủ đầu tiên tại Trung Mỹ với những công trình kiến trúc, điêu khắc đặc sắc và ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ tới các nền văn minh sau này.

Hoàng Ngọc
.
.
.