Đệ nhất thế chiến - Vai trò của người vắng mặt

Chủ Nhật, 27/10/2019, 10:34
Nhật Bản bằng thực lực của mình, vẫn có những tác động âm thầm nhưng then chốt đối với việc "dàn quân" của các bên. Nói một cách khác, Đệ nhất thế chiến có "thừa hưởng" những hệ quả từ cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905.

Nhật Bản không phải là quốc gia tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tuy nhiên, cường quốc Viễn Đông ấy, bằng thực lực của mình, vẫn có những tác động âm thầm nhưng then chốt đối với việc "dàn quân" của các bên, thông qua những tính toán địa chính trị vào thời điểm đó. Nói một cách khác, Đệ nhất thế chiến có "thừa hưởng" những hệ quả từ cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905.

Lựa chọn không thể khác

Trận Đối Mã (Tsushima) năm ấy xứng đáng được xem là chiến thắng huy hoàng nhất trong lịch sử hải chiến của hải quân Nhật Bản, và hiệu ứng tâm lý của nó là vô cùng đáng kể. 

Người ta không chỉ thấy một cường quốc đại dương mới nổi lên. Người ta thấy một cường quốc đại dương (từ thời Piotr Đại đế) lụn bại. Lần đầu tiên, một đoàn hải thuyền châu Á đánh bại hoàn toàn một hạm đội châu Âu, mà là đánh bại theo cách thuyết phục nhất. Hạm đội liên hợp Thái Bình Dương của đế quốc Nga Sa hoàng đã bị xóa sổ sau trận đánh đó. Nước Nga không còn việc gì để làm ở Viễn Đông, sau thất bại đó nữa.

Nhưng, chỉ 10 năm sau, họ đã lại dấn thân vào một cuộc chiến tranh mới, khốc liệt hơn gấp bội, trước những đối thủ hùng mạnh hơn gấp bội. Điểm khác biệt chỉ là trong Đệ nhất Thế chiến, chẳng còn ai nhắc đến hải quân Nga nữa. Vấn đề là, quân đội Nga vẫn thể hiện khá tốt năng lực của mình, và nếu không gặp phải những biến động ở hậu phương, họ vẫn hoàn toàn có thể cùng Anh và Pháp ca khúc khải hoàn.

Binh sĩ Nga trên chiến trường.

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân để Anh và Pháp lôi kéo Nga vào cuộc "hoàn cầu đại chiến" này. Ngược lại, nước Nga Sa hoàng cũng có đầy đủ lý do để nhất thiết phải tham dự, và nhất thiết phải chọn lựa phía bên đó của lằn ranh chiến tuyến. Thất bại trước Nhật Bản ép họ lựa chọn như thế.

Khi Anh và Pháp nhận được tín hiệu cảnh báo rằng quân đội Nga Sa hoàng không mạnh như người ta vẫn hình dung, cùng lúc với việc Đức và Áo - Hung có thể cảm thấy hài lòng với sự suy yếu của địch thủ, thì những vận động dây chuyền kế tiếp có lẽ lại đã bị xem nhẹ.

Dù thua trận trước Nhật Bản trên biển, Nga vẫn là một khối tiềm lực khổng lồ, và vẫn đầy tham vọng. Không thể tiếp tục tiến ra Thái Bình Dương bởi Nhật Bản đã chặn đường, đế quốc ấy chỉ còn cách ưu tiên mọi sự tập trung và mọi nguồn lực cho các mặt trận trên lục địa.

Rời mắt khỏi các đường biên giới phía Đông ở châu Á, Nga quay lại chú tâm tìm cách bảo vệ và nới rộng các đường biên giới phía Tây, nơi chắc chắn họ sẽ va chạm trực tiếp với Đức - Áo - Hung. Họ cũng quan tâm hơn đến không gian phía Nam Âu, nơi sinh sống của những người Slave với những mối liên hệ truyền thống, nhưng lại đã trở thành bộ phận lãnh thổ của đế chế Áo - Hung. Họ cũng thèm khát đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm qua đó chiếm lấy con đường biển "độc đạo" thông từ Hắc Hải qua eo biển Darnaelles ra Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ thất bại liên tiếp trong hai cuộc chiến tranh trên bán đảo Balkan những năm đầu thế kỷ XX, tình thế ấy khiến Nga cảm nhận được "vận thế" của họ dần tốt lên. Rất nhanh, nước Nga Sa hoàng bảo đảm với xứ tự trị Serbia nhỏ bé rằng họ sẵn sàng can thiệp vào mọi vấn đề rắc rối liên quan đến biên giới (giữa Serbia với Áo - Hung).

Trong khi đó, đế chế Áo - Hung lại có vẻ coi thường những "bại tướng" của Nhật Bản. Theo Robert Leckie trong cuốn Đệ nhất Thế chiến, công sứ Áo ở Serbia từng tuyên bố: "Phải làm cho Serbia biết sợ. Nếu không, các vùng biên giới cũ của chúng ta và cả những tỉnh mới sáp nhập sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm".

Và thế là, viên đạn mà thích khách người Serbia nã vào Hoàng tử Áo - Hung Ferdinand đã trở thành cái cớ để chiến tranh bùng nổ, một tia lửa bén vào thùng thuốc súng, một cơ hội mà rất nhiều cường quốc chờ đợi. Trong đó có nước Nga, dĩ nhiên.

Thất bại trước Nhật Bản, nhưng quân đội Nga vẫn là một khối tiềm lực khổng lồ.

Guồng quay nghiệt ngã

Phải nói rằng nước Anh còn mong đợi cuộc chiến này hơn cả nước Nga Sa hoàng. Sự trỗi dậy của nước Đức, đặc biệt là sự mở rộng các đội thương thuyền Đức với tốc độ chóng mặt, có thể xem như một sự công nhiên thách thức vị thế "Nữ hoàng của đại dương" mà nước Anh nắm giữ. Say sưa với những viễn cảnh tươi sáng, vua Đức Wilhelm thậm chí còn không thèm giấu giếm ý định sẽ phát triển những hạm đội chiến đấu đủ sức so kè với hải quân hoàng gia Anh.

Nước Pháp cũng có những lý do riêng, để không thể bỏ lỡ cơ hội tham chiến. Thua trận năm 1870 dưới tay nước Đức, họ bị cướp mất hai tỉnh Alsace và Lorraine. Khi Quốc hội Pháp tuyên bố điều này, các đại biểu của hai tỉnh ấy rời phòng họp trong nước mắt, và cả nước Pháp xem đó là "quốc nhục". Những vết hằn rớm máu này thậm chí còn in dấu trên cả vài truyện ngắn thấm đẫm hương vị nhẹ nhàng và tinh tế của Alphonse Daudet, trong tập Những vì sao (Les Etoilles).

Pháp và Nga - những kẻ bại trận, tìm đến nhau một cách tự nhiên. Liên minh của họ có thêm Anh, quốc gia sẽ bằng mọi giá bảo vệ vị thế. Rất "chiều lòng" họ, phe "các cường quốc trung tâm" nhất quyết không tỏ ra mềm mỏng.

Châu Âu trong Đệ nhất Thế chiến.

Bá tước Leopold Von Berchtold - Bộ trưởng Ngoại giao Đức - phản ứng với vụ ám sát Hoàng tử Ferdinand theo cách của một tay nghiệp dư. Ông ta lập tức đề nghị đưa quân vượt qua biên giới, chiếm đóng Serbia. Và sau đó, khi kế hoạch này bị phản đối (bởi thực sự Áo - Hung chưa chuẩn bị gì cho tình trạng chiến tranh), ông ta cố gắng hạ nhục xứ tự trị đó.

Trước tiên, Berchtold thuyết phục hoàng đế Đức hứa rằng sẽ ủng hộ Áo nếu Áo bị Nga tấn công. Sau đó, Berchtold gửi cho Serbia một tối hậu thư, trong đó đề ra cho tiểu quốc này thời hạn là 48 giờ để đáp ứng những yêu cầu "mà không quốc gia tự trọng nào có thể chấp nhận". Nói ngắn gọn, đó là đòi hỏi Serbia phải "dập đầu nhận lỗi, bó gối xưng thần". Và như Ngoại trưởng Anh - Sir Edward Grey - nhận xét: "Đây là yêu sách nặng nề nhất mà một quốc gia này từng đưa ra cho một quốc gia khác".

Serbia, có Nga đứng sau lưng, đáp trả: "Không còn lựa chọn nào khác là quyết chiến". Ngày 28-7-1914, Áo tuyên chiến với Serbia. Nước Nga Sa hoàng lập tức ban lệnh động viên binh sĩ. Ngày 3107, Đức kêu gọi Nga dừng lại. Tất nhiên, khi guồng quay đã khởi động, không ai có thể ngăn cản nó dễ dàng như vậy. Đức tuyên chiến với Nga. Rồi đến lượt Pháp ra lệnh tổng động viên. Họ đã sẵn sàng chiến đấu với kẻ cựu thù để rửa nhục.   

Vào đúng thời điểm ấy, thực ra, nước Anh cũng đang gặp phải những rắc rối trên đảo Ireland. Có điều, Luân Đôn cũng chẳng thể có lựa chọn nào khác. Họ đã cam kết sát cánh với Nga và Pháp. Họ chỉ còn chờ đợi một điều: Đức liệu có tôn trọng vị thế trung lập của nước Bỉ - điều mà nước Anh cam kết bảo vệ?

Câu trả lời là: Không!

Giới lãnh đạo nước Đức, không hiểu tại sao, lại tin rằng việc xâm phạm lãnh thổ Bỉ "như một nhu cầu cấp bách về mặt quân sự" sẽ được Anh chấp nhận. Ngày 3-8, Đức công khai đòi hỏi Bỉ mở một lối đi tự do vào đất Pháp. Ngày 4-8, Anh tuyên chiến với Đức.

Cuộc chiến đẫm máu thứ hai trong lịch sử loài người bắt đầu, và quân đội Nga Sa hoàng có mặt trong "vai chính". Chúng ta hoàn toàn có thể tự hỏi: Nếu không thua trận Đối Mã, nếu không thua trong cuộc đọ sức với Nhật Bản, nếu vươn được cánh tay của mình ra một dải Viễn Đông - Tây Thái Bình Dương, liệu nước Nga có "mặn mà" với việc dính vào những tranh chấp (vốn thực ra không liên quan gì nhiều đến họ) ở cựu lục địa đến thế? Liệu quân đội Nga có dấn thân vào cuộc chiến ấy sâu đến thế, và tạo nên những tác động mạnh mẽ đến thế trong kết cấu xã hội, một xã hội còn đang chưa yên biến chuyển sau cuộc cách mạng dân chủ tư sản (xuất hiện vào năm diễn ra trận Đối Mã)? 

Và loài người liệu sẽ có "Mười ngày rung chuyển thế giới", nếu hạm đội liên hợp Nga không bị đánh tan tành hay không?

Phi Hồ
.
.
.