Tổng thống Mỹ Joe Biden: Tròn một năm vất vả
Ngày 20-1-2021, ông Joe Biden chính thức bước vào Nhà Trắng, trở thành vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trong năm cầm quyền đầu tiên, ông đã đưa ra nhiều quyết sách lớn, đồng thời cũng gây ra không ít tranh cãi mới, khiến dư luận có những đánh giá trái chiều về hiệu quả công việc của ông và đồng sự.
Những giải pháp mạnh mẽ
Thuận lợi hiếm có của chính quyền do ông Biden lãnh đạo trong năm vừa qua là sự áp đảo của đảng Dân chủ tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Vì thế, khác với không ít vị tổng thống tiền nhiệm, nhiều dự thảo lớn của tân chính phủ đã dễ dàng được thông qua ngay khi được đề xuất.
Từ lúc tranh cử, ông Biden đã đưa ra những lời hứa phục hồi kinh tế Mỹ và hỗ trợ phòng chống đại dịch COVID. Những cam kết này đã được ông thực hiện một cách khá mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu. "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" - dự luật lớn nhất trong lịch sử trị giá tới 1.900 tỷ USD được thông qua ngay trong 100 ngày hoạt động đầu tiên của chính quyền - đã đem đến nhiều háo hức cho người dân và doanh nghiệp Mỹ. Đó là một dự luật khổng lồ trợ cấp trực tiếp cho người dân, các chính quyền địa phương, các hoạt động phòng chống dịch, đồng thời đầu tư cho nghiên cứu, phổ biến vaccine. Ở thời điểm đó, gói cứu trợ khổng lồ này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội Mỹ, khiến tỷ lệ ủng hộ chính quyền ông Biden tăng cao.
Tận dụng lợi thế đó, ông Biden đã liên tiếp đề xuất 2 gói dự luật nữa về cơ sở hạ tầng, với tổng trị giá 3.000 tỷ USD để kích thích nền kinh tế. Nhưng, như người ta vẫn nói, cái gì “quá” đều không tốt. Sau khi được thông qua trót lọt dự luật đầu vào tháng 11, dự luật tiếp theo bị chặn lại ở cả hai viện Quốc hội Mỹ, dù đã buộc phải cắt giảm quy mô tương đối nhiều. Vấn đề nằm ở khoản nợ ngân sách liên bang vốn đã quá cao, khiến cho nhiều nhà lập pháp của chính đảng Dân chủ cũng cảm thấy lo ngại. Kết thúc năm 2021, chính quyền ông Biden đã khiến ngân sách liên bang thâm hụt thêm 2.300 tỷ USD, đồng thời đẩy tỷ lệ nợ trên GDP lên 10,4% - mức cao nhất trong lịch sử nước này. Sức ép trở lại với chính quyền của ông Biden từ tất cả các phía. Những nỗi lo ngại không phải không có cơ sở, bởi trong khi các gói cứu trợ khổng lồ chưa đem lại hiệu quả cho nền kinh tế Mỹ thì đã kịp đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao kỷ lục.
Trong nỗ lực khác nhằm ngăn chặn đại dịch COVID, ông Biden cũng không thu được những kết quả khả quan. Dù chi một lượng lớn tiền cùng việc áp đặt nhiều lệnh cấm, trong năm qua đại dịch COVID vẫn làm hơn 400 nghìn người Mỹ thiệt mạng, con số không khác so với thời kỳ ông Donald Trump cầm quyền. Ông Biden đã rất mạnh tay trong chiến dịch tiêm chủng với hy vọng có thể sớm đẩy lùi đại dịch. Nhưng, thực tế cho tới thời điểm này, sau hơn một năm thực hiện mũi tiêm COVID đầu tiên, nước Mỹ vẫn còn tới 40% người dân chưa tiêm chủng. Đây là tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số những nước phát triển. Mũi tiêm tăng cường thứ 3 được triển khai trong vài tháng gần đây bị phản đối mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, đặc biệt là từ những bang được lãnh đạo bởi đảng Cộng hòa. Những phản ứng tiêu cực này chủ yếu đến từ công tác tuyên truyền kém của chính quyền liên bang về giá trị của vaccine, khiến cho nước Mỹ vẫn đứng đầu thế giới trong mọi chỉ số dịch bệnh. Một nỗ lực có thể coi là thất bại.
Nỗ lực tái lập “vị thế Mỹ”
Các Tổng thống Mỹ thường tìm cách ghi dấu ấn trong hoạt động đối ngoại của mình và ông Biden cũng không phải là ngoại lệ. Giới quan sát từng dự đoán ông Biden sẽ đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, cho đến lúc này, nhiều quyết sách của ông Biden chưa cho thấy điều đó.
Dù đã gia tăng đối thoại với Bắc Kinh, chính quyền của ông Biden vẫn tiếp tục chính sách đối đầu của người tiền nhiệm, thậm chí có phần gay gắt hơn. Nước Mỹ công khai coi Trung Quốc là “kình địch” lớn nhất của mình. Ông Biden đã nâng cấp quan hệ trong khuôn khổ Bộ Tứ kim cương, xây dựng liên minh AUKUS mới với Anh và Australia để tạo thêm sức ép đến Trung Quốc. Mới nhất, chính quyền Mỹ đã từ chối hiện diện ngoại giao tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2-2022. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại vẫn tiếp diễn trong suốt năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Những rạn nứt mới cũng nảy sinh với các đồng minh EU trong năm qua. Liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng và sự trường tồn của các mối quan hệ nhưng chính quyền của ông Biden lại có những hành động bị đánh giá là "phản bội" đồng minh. Như việc chuyển giao công nghệ tàu ngầm nguyên tử cho Australia đã khiến nước này hủy hợp đồng trước đó với Pháp, hay việc Mỹ tăng cường viện trợ cho Ukraine gây ra căng thẳng biên giới với Nga khiến cả châu Âu lo lắng.
Chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan đầy bất ngờ tháng 8 vừa qua mà không tham vấn các đồng minh châu Âu thuộc NATO cũng khiến nhiều “bạn bè của nước Mỹ” không kịp trở tay. Hình ảnh cuộc rút lui trong hỗn loạn ở Kabul, kéo theo hàng ngàn người Afghanistan tìm cách chạy trốn quân Taliban trong nỗi tuyệt vọng tại sân bay, đã để lại một vết đen khó phai.
Tuy nhiên, phải thừa nhận việc Mỹ quay trở lại với một loạt thỏa thuận quốc tế, từ chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ phòng chống đại dịch và các hoạt động đa phương đã phần nào lấy lại hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế. Việc rút quân khỏi Afghanistan cũng là một lời hứa của ông Biden từ khi còn tranh cử. Trong những mối quan hệ quốc tế, ông Biden cũng nỗ lực tìm hướng đối thoại nhằm khống chế những nguy cơ xung đột có thể leo thang. Cách thay đổi hướng tiếp cận vấn đề đã khiến nước Mỹ nhận được nhiều sự đồng thuận hơn trên trường quốc tế.
Những thách thức tiếp theo
Không thể phủ nhận những gì ông Joe Biden làm được trong năm đầu nắm quyền tại Nhà Trắng. Tiếp nhận một nước Mỹ đang chìm trong khủng hoảng, chính quyền của ông Biden đã làm được nhiều việc lớn đồng thời kiên định với những cương lĩnh tranh cử. Nước Mỹ đã phần nào thoát khỏi trạng thái "hỗn loạn" như dưới thời lãnh đạo của ông Donald Trump.
Nhưng, có những yếu tố khách quan xảy đến đã phá hỏng nhiều nỗ lực. Những biến chủng mới như Delta, rồi Omicron khiến những loại vaccine hiện có của thế giới giảm tác dụng đã kéo dài đại dịch hơn dự kiến. Bất cứ một ổ dịch mới nào trên thế giới bùng phát cũng đều tác động đến những quyết định chính trị trên toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng nặng nề, sự “đóng cửa” của Trung Quốc, những bất đồng nội bộ tiềm ẩn trong xã hội từ trước khiến cho nỗ lực “giải cứu nước Mỹ” càng trở nên trắc trở. Trong khi những quyết sách lớn của chính quyền tại Washington cần nhiều thời gian để chứng minh được hiệu quả thì người dân Mỹ lại đang trở nên nóng vội hơn sau 2 năm đại dịch u ám.
Về đối ngoại, bản đồ địa chính trị thế giới đang được vẽ lại từng ngày với những "tay chơi" mới, làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn nhiều. Trong một thế giới đa dạng, khó lường hơn như hiện nay, một mình nước Mỹ không thể giải quyết được các vấn đề lớn. Nhưng, nếu ông Biden buông lỏng bất cứ một diễn biến nào, lập tức vị thế của nước Mỹ sẽ bị nghi ngờ. Điều đó đòi hỏi rất nhiều ở sự tập trung cũng như bản lĩnh của ông - vị tổng thống đương nhiệm lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong cuộc bầu cử ở bang Virginia mới đây, đảng Dân chủ của ông Biden phải nhận một tin xấu. Chiếc ghế thống đốc ở bang truyền thống này đã bị mất vào tay đảng Cộng hòa. Đây là một lời cảnh báo rất rõ ràng từ phía cử tri Mỹ. Một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden đã giảm xuống còn 42%, con số thấp nhất kể từ đầu nhiệm kỳ.
Năm 2022 này, thách thức lớn sẽ đến với ông Biden khi cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra. Đó là “bài kiểm tra” quan trọng đối với chính quyền của ông. Đảng Dân chủ có nguy cơ bị mất thế đa số mong manh tại quốc hội và điều đó sẽ khiến cho những kế hoạch lớn mà ông Biden muốn thực hiện trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chỉ khi vượt được qua bài kiểm tra ấy, chúng ta mới có đánh giá được nhiệm kỳ này của ông Biden là thành công hay thất bại, thậm chí có thể dự đoán được việc ông có tiếp tục tham gia ứng cử cho nhiệm kỳ tiếp theo hay không.