Tiềm lực để đất nước vươn mình
Vì sao đến thời điểm này chúng ta nhấn mạnh các mục tiêu phát triển cao hơn, nhanh hơn và nỗ lực để đưa đất nước "vươn mình trong kỷ nguyên mới" mà không phải là câu chuyện của 1-2 thập kỷ trước? Câu trả lời nằm ở tiềm lực đất nước, các mục tiêu phát triển mới được đặt ra khi chúng ta có tiềm lực đủ mạnh.
Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đã đạt được, Việt Nam đang vươn mình trong thế kỷ XXI, hướng đến 2 mục tiêu, 2 dấu mốc quan trọng: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để xây dựng đất nước giàu mạnh, thực sự "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh, trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Nhìn lại chặng đường gần 8 thập kỷ kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, có thể phác họa tổng quan bức tranh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước ta qua các mốc lịch sử. 1945-1954 là thời kỳ đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất khi vừa phải kháng chiến chống giặc, vừa phát triển kinh tế trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 1945 chỉ đạt 60 đồng, tương đương 35 USD/người/năm. Tuy nhiên, điểm sáng là trong các vùng giải phóng, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực năm 1954 đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Nông nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến với những đóng góp to lớn giải quyết nạn đói các năm 1945, 1946.
Thời kỳ 1955-1975, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH. Đến năm 1975, GDP bình quân đầu người đạt 232 đồng, tương đương 80 USD/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người/tháng của gia đình công nhân viên chức ở miền Bắc là 27,6 đồng, của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc là 18,6 đồng. Thực tế, con số này khi đó cũng chỉ đủ quy sang số gạo cho người lao động trong tháng.
Thời kỳ 1976-1985, nền kinh tế tập trung bao cấp sau chiến tranh đã bộc lộ những tồn tại lớn, kinh tế tăng trưởng chậm làm mất cân đối cung - cầu (thiếu hụt nguồn cung), đồng thời do bị tác động bởi việc cải cách tiền lương vào năm 1985 dẫn đến lạm phát rất cao. Ở miền Bắc, dù thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình công nhân viên chức tăng nhưng do lạm phát phi mã nên thực chất mức thu nhập thực tế lại đi xuống, kinh tế rơi vào khủng hoảng. Nạn đói tưởng như đã xóa bỏ năm 1945, 1946 lại tái diễn sau 40 năm, đặc biệt với người lao động làm công ăn lương rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, nhiều lĩnh vực ở mức nghiêm trọng.
Sau 1986, chúng ta có kế hoạch chiến lược 10 năm với mục tiêu thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, điều mà mấy thập niên trước đó những tưởng đã vượt qua. Điều này cho thấy trong sự phát triển không phải bao giờ chỉ là đường thẳng mà những khúc ngoặt do khách quan và chủ quan đã làm kinh tế thụt lùi, từ no thành đói, từ đủ thành thiếu thốn. Nói gần 40 năm đổi mới nhưng chúng ta phải mất 10 năm đầu (1986-1995) nỗ lực vượt lên những thách thức để thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế.
Kể từ khi quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa thì lúc đó mới chính thức đánh dấu thời kỳ hội nhập nền kinh tế thế giới. Và, Đại hội VIII năm 1996 đã đánh dấu bước ngoặt, khẳng định "nước ta cơ bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế", từ đó đặt ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đến năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Từ đây, khái niệm "nước kém phát triển" được thay thế bằng "đang phát triển" và "thu nhập thấp, trình độ lạc hậu" được đổi sang "thu nhập trung bình thấp". Tuy nhiên, ở thập niên đầu thế kỷ XXI, khi nói các mục tiêu phát triển, chúng ta chỉ lựa sức mình để đặt mục tiêu "nước công nghiệp, có trình độ hiện đại" và nhìn những nước phát triển, thu nhập cao như một biểu tượng, sự kỳ vọng mà chưa thể dám nghĩ tới.
Tuy nhiên, giờ đây suy nghĩ ấy đã thay đổi. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính thức đặt cụm từ "nước phát triển, có thu nhập cao" và xác định lộ trình đi tới rất rõ ràng: năm 2045. Lần đầu tiên, khái niệm và mục tiêu này được đưa vào văn kiện của Đảng, thay thế những khái niệm đã kéo dài mấy chục năm qua như "cơ bản trở thành nước công nghiệp", "thu nhập trung bình cao", dù rằng đến thời điểm này, những mục tiêu đó vẫn chưa thể đạt tới. Vậy, diện mạo một đất nước phát triển, thu nhập cao là thế nào và liệu một nước Việt Nam từ đang phát triển có bứt phá để đi đến mục tiêu nước phát triển trong chỉ hơn 2 thập kỷ nữa?
Thuật ngữ nước phát triển được sử dụng để chỉ những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao, mức sống cao, tuổi thọ cao và các phép đo khác liên quan đến chất lượng cuộc sống của cá nhân. Theo trang Investopedia, mặc dù không có quy chuẩn cứng để đánh giá một quốc gia phát triển hay đang phát triển, song tiêu chí phổ biến nhất được sử dụng để xác định nước phát triển là GDP bình quân đầu người.
Một số chuyên gia cho rằng, GDP bình quân đầu người từ 12.000-18.000 USD/năm là đủ để đưa một quốc gia vào nhóm phát triển. Tuy nhiên, một số khác cho rằng mức GDP bình quân đầu người tối thiểu phải từ 25.000-30.000 USD. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của một số quốc gia phát triển tiêu biểu thế giới năm 2019 như Mỹ (65.111 USD/năm), Australia (54.907 USD/năm), Đức (46.259 USD/năm), Nhật Bản (40.847 USD/năm).
Theo số liệu này, hiện GDP bình quân đầu người của Mỹ cao gấp 24 lần Việt Nam, còn so với Đức là 17 lần, Singapore 24 lần và Nhật Bản là 14 lần. Trong số các quốc gia đang phát triển với nền kinh tế chuyển đổi trong khu vực, GPD bình quân đầu người của Trung Quốc là 10.262 USD/năm, Malaysia 11.415 USD/năm và Thái Lan 7.808 USD/năm, tức đều cao hơn Việt Nam nhiều lần.
Ngân hàng Thế giới xác định các nền kinh tế của thế giới với 4 mức thu nhập: thu nhập thấp, thu nhập dưới trung bình (trung bình thấp), thu nhập trên trung bình (trung bình cao) và thu nhập cao. Theo đó, mức thu nhập (năm 2022) là: Nhóm nước có thu nhập thấp (bình quân đầu người dưới 1.085 USD/năm); nhóm nước thu nhập trung bình thấp (từ 1.085-4.255 USD/người/năm); nhóm nước thu nhập trung bình cao (từ 4.256-13.205 USD/người/năm); nhóm nước thu nhập cao (trên 13.205 USD/người/năm).
Như vậy, nếu lấy tiêu chí quan trọng nhất - thu nhập GDP bình quân đầu người thì đến năm 2045, mốc 13.205 USD/người/năm không phải bất khả thi. Tuy nhiên, những dữ liệu này còn thay đổi nhiều và đến khi đó, hẳn tiêu chí nước phát triển, thu nhập cao sẽ không dừng lại ở con số này mà sẽ cao hơn nhiều. Đồng thời, khi chúng ta cải thiện mức thu nhập thì các nước phát triển, đang phát triển cũng bứt tốc. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ, liên tục cùng việc phát huy lợi thế nguồn lực tự nhiên và xã hội để từng bước chúng ta tiệm cận mục tiêu nước phát triển.
Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như hiện nay. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai phía trước. Khái niệm "vươn mình" chỉ có thể có được khi đất nước hội đủ tiềm lực, bao gồm cả nội lực và ngoại lực, giống như một cơ thể sau quá trình phát triển, trưởng thành, nay đã hội đủ tầm vóc, sức lực để vươn mình bứt phá, để "sánh vai với bè bạn năm châu".
Bởi lẽ đó, trong nhiều bài viết, bài phát biểu tại các hội nghị, diễn đàn trong nước và quốc tế gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh khái niệm "khởi điểm mới", "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Thông điệp này cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: "Trong bối cảnh tình hình thế giới có những cơ hội song cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc", lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý đảng với lòng dân làm nền tảng, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới".