Tên lửa Oreshnik "bẻ cong" cấu trúc an ninh châu Âu

Thứ Tư, 11/12/2024, 19:25

Bụi đã lắng xuống ở Dnipro sau đòn tập kích gây sửng sốt của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik. Thiệt hại hữu hình mà nó gây ra có thể không lớn, nhưng việc một loại vũ khí khác biệt như Oreshnik tham gia chiến đấu thực tế ngay trên lục địa châu Âu là lời cảnh báo của Moscow về những "lằn ranh đỏ" và có thể sẽ tác động đến cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.

Nga không đùa về những "lằn ranh đỏ"

Hai ngày sau khi quân đội Ukraine lần đầu phóng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào lãnh thổ Nga, còi báo động rền vang trên hầu khắp các tỉnh mà Kiev còn kiểm soát từ đêm đến sáng 21/11, dấu hiệu của một đòn không kích trả đũa quy mô lớn của Moscow. Gần 3 năm xung đột, Nga đã phóng hàng chục tên lửa các loại vào Ukraine, nhiều loại trong số đó được thiết kế để có thể mang đầu đạn hạt nhân như Kh-101 hay Iskander-M, nhưng chưa quả đạn nào trong số chúng gây sửng sốt như cách tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik đánh vào nhà máy chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash), tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn nhất nhì của Ukraine tại thành phố miền Trung Dnipro sáng 21/11.

Hình ảnh ghi từ camera an ninh quanh nhà máy Yuzhmash cho thấy, 6 loạt đạn lao xuống từ bầu trời đêm theo phương thẳng đứng nhanh như những tia chớp. Sau vụ tập kích, nhà máy Yuzhmash chìm trong sự tĩnh lặng, truyền thông toàn cầu dậy sóng. 

Tên lửa Oreshnik
Khoảnh khắc tên lửa đạn đạo của Nga khai hỏa trong thử nghiệm.

Trong tuyên bố chính thức về vụ việc, Tổng thống Vladimir Putin xác nhận tên lửa Oreshnik đánh xuống Dnipro là một trong những vũ khí phi hạt nhân mới nhất của Nga. Ông không nói nhiều về đặc tính của Oreshnik, bởi lẽ những gì tên lửa thể hiện đã đủ chứng minh tính ưu việt của chính nó, mà chỉ cho biết nó đạt vận tốc Mach 10, tức gấp 10 vận tốc âm thanh (12.350km/h) và rằng nó không thể bị đánh chặn. "Oreshnik được chế tạo bằng những công nghệ mới nhất, trong điều kiện một nước Nga mới", ông Putin nhắc nhở.

Ba tuần kể từ sau vụ phóng Oreshnik, truyền thông Nga, quan chức Ukraine và phương Tây cùng các chuyên gia đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc Oreshnik. Hãng RiaNovosti của Nga nói rằng, Oreshnik kế thừa công nghệ từ hệ thống tên lửa đạn đạo RSD-10 Pioneer do Liên Xô chế tạo cuối những năm 1970. Trong khi đó, quân đội Mỹ cho rằng, Oreshnik là bản cải tiến của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh mà Nga từng thử nghiệm năm 2011.

Phân tích các mảnh vỡ cháy đen ở Dnipro do Ukraine thu thập, chuyên gia Timothy Wright tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), tin rằng, tên lửa Oreshnik có đường kính khoảng 1m, tầm bắn 5.000 km. Trên Reuters, nhà quan sát Jeffrey Lewis từ Viện Nghiên cứu Middlebury ở California (Mỹ) nêu quan điểm, Oreshnik "không có công nghệ mới" mà là "một loạt công nghệ cũ" trên tên lửa đạn đạo thông thường, "được kết hợp theo cách mới" để tạo ra một loại vũ khí răn đe.

Tuy có khác biệt trong đánh giá về đặc tính kĩ thuật của tên lửa, nhưng tựu trung lại, các chuyên gia thừa nhận việc đánh chặn một vũ khí như Oreshnik với Ukraine là bất khả thi. Quân đội Ukraine không phủ nhận thực tế đó. Họ cho biết, các phân tích hiện trường cho thấy Oreshnik tập kích Dnipro mang 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa 6 đạn con. Thời gian để 36 quả đạn lao xuống mục tiêu từ lúc phóng ở khu vực Astrakhan (Nga) đến Dnipro chỉ 15 phút, với tốc độ ở pha cuối trên Mach 11 (khoảng 13.600 km/h). 

Bằng cách sử dụng một vũ khí như thế tập kích Ukraine, giới quan sát nhận định, Tổng thống Putin đã phát cảnh báo rõ ràng với Kiev rằng, nếu họ tiến xa hơn qua "lằn ranh đỏ", Nga sẽ phản ứng mạnh hơn một nấc nữa để đáp trả. Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) mới đây, Tổng thống Putin khẳng định, để đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga, Moscow có thể lựa chọn các mục tiêu tiếp theo cho Oreshnik là các "cơ sở quân sự, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hoặc thậm chí là trung tâm đầu não ra quyết định ở thủ đô Kiev".

Ông Putin nêu rõ, Oreshnik không phải vũ khí hạt nhân, nhưng nếu nó được triển khai bắn theo loạt, sức công phá của chúng sẽ rất lớn. "Hàng chục đầu đạn tự tách tấn công mục tiêu... chúng có thể vươn tới những mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt và nằm sâu dưới lòng đất. Mọi thứ ở trung tâm đòn đánh sẽ bị nghiền thành bụi", ông Putin nhấn mạnh.

Chưa rõ Ukraine sẽ ứng xử thế nào với cảnh báo từ Nga. Các đòn tập kích tầm xa của Kiev vào lãnh thổ Nga được đánh giá là chỉ gây thiệt hại cục bộ, không thể thay đổi cục diện chiến sự mà Nga đang giành thế thắng, một phần do Nga có năng lực quân sự vượt trội, mặt khác bởi Kiev chỉ sở hữu một lượng nhỏ tên lửa tầm xa. Liệu những kết quả giới hạn đó có xứng đáng để đánh đổi việc Nga thực hiện một đòn tấn công Oreshnik vào Kiev, với đầu đạn tấn công thay vì đầu đạn trơ như đòn cảnh báo vào Dnipro?

Tên lửa Oreshnik
Mảnh vỡ được cho là của Oreshnik mà Ukraine thu thập.

Châu Âu trước nguy cơ chạy đua vũ trang

Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, thế đối đầu giữa Nga và phương Tây ngày càng gay gắt. Gần 3 năm qua, phương Tây thể hiện sự ủng hộ Ukraine bằng cách viện trợ hàng chục tỷ USD vũ khí các loại, đặt mục tiêu giúp Kiev chiến thắng về mặt quân sự. Dù phương Tây ban đầu thể hiện sự dè dặt với các loại vũ khí hiện đại với lí do tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga - NATO, nhưng khi chiến sự bước qua 1.000 ngày, các rào cản như vậy đang lung lay do Kiev đánh mất hoàn toàn động lực trên toàn chiến tuyến.

Hai tháng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden gây tranh cãi khi ông đảo ngược quyết định lâu nay và cho phép Ukraine khai hỏa tên lửa tầm xa ATACMS;còn Anh và Pháp cho Ukraine tùy ý bắn Storm Shadow/SCALP vào lãnh thổ Nga.Tổng thống Putin từng lập luận, Ukraine không thể tấn công lãnh thổ Nga bằng thứ tên lửa họ không có và Ukraine cũng không thể sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ hay Storm Shadow/SCALP (Anh, Pháp sản xuất) nếu không có sự trợ giúp trực tiếp từ phương Tây.

Ông Putin cảnh báo Nga coi phương Tây là các bên trực tiếp tham gia xung đột và rằng, "Nga có quyền sử dụng vũ khí của mình chống lại cơ sở quân sự của các nước cho phép dùng vũ khí của họ để tấn công các cơ sở trên lãnh thổ Nga". Tuyên bố đó cần được xem xét cẩn trọng trong bối cảnh Moscow sửa đổi học thuyết hạt nhân theo hướng hạ ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân, đồng thời đề cập khả năng tấn công phủ đầu vào các kẻ thù "tiềm tàng". Nếu như việc sửa đổi học thuyết hạt nhân là cách Nga tận dụng hạt nhân như một công cụ răn đe Mỹ và đồng minh không "vượt lằn ranh đỏ" trong việc hỗ trợ Ukraine, thì việc khai hỏa Oreshnik là chỉ dấu tiếp theo rằng Nga không nói đùa. 

Là một tên lửa tầm trung, Oreshnik không thể vươn tới các mục tiêu ở Mỹ, nhưng Aaron Stein, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI), nhận định, việc loại tên lửa này phô diễn năng lực trong chiến đấu thực tế là thông điệp Moscow sở hữu một hệ thống tên lửa rất đáng tin cậy để tấn công các mục tiêu khắp châu Âu. Trong khi đó, chuyên gia Decker Eveleth của Tổ chức tư vấn an ninh CAN đặt trụ sở ở Mỹ nêu quan điểm, với một số tên lửa Oreshnik phiên bản phi hạt nhân, Nga cũng có thể hủy diệt toàn bộ căn cứ không quân và mục tiêu quân sự khắp châu Âu nếu xung đột thật sự nổ ra.

Cần lưu ý rằng, bên cạnh phiên bản phi hạt nhân, hãng tin RiaNovosti của Nga dẫn lời các chuyên gia quân sự nước này cho biết, Oreshnik có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, với tổng sức công phá lên đến 900 kiloton, tương đương 900.000 tấn thuốc nổ TNT. Để so sánh, quả bom Little Boy Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 khiến hơn 140.000 người chết có sức công phá nhỏ hơn 60 lần, khoảng 15 kiloton.

Sau vụ phóng ngày 21/11, đài RT của Nga đăng tải video về cách thức hoạt động của Oreshnik, cho biết nó chỉ mất 20 phút để bay đến London và Paris, 15 phút tới Berlin và 12 phút đến Warsaw. Rất khó để phản ứng chỉ với chừng đó thời gian.Không có vũ khí bắn hạ hiệu quả Oreshnik, châu Âu bị đặt vào tình thế buộc phải cân nhắc sở hữu một loại vũ khí tương tự nếu muốn quân bình khả năng răn đe. Đây cũng là cách lập luận dẫn đến chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh.

Một số nước NATO ở châu Âu đã đề nghị Mỹ triển khai vũ khí loại này đến châu Âu để tăng cường khả năng răn đe chung của khối. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO cách đây vài tháng, Mỹ và Đức thông báo rằng vào năm 2026, Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm xa tới Đức "theo từng đợt". Giới quan sát nêu khả năng vụ phóng Oreshnik sẽ khiến phương Tây cân nhắc tăng tốc hoạt động đó và theo đó sẽ dẫn đến các phản ứng tiếp theo của Nga, từ đó khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu, vốn kéo dài nhiều thập kỉ và tiêu tốn hàng tỷ USD. 

Tuy vậy, sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ với phần thắng thuộc về ông Donald Trump, cũng có ý kiến nhận xét, một cuộc chạy đua vũ trang sẽ vẫn bị khơi mào ở châu Âu, nhưng Mỹ đóng vai trò hạn chế. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn là văn kiện cấm sản xuất các tên lửa như Oreshnik. Trước khi khởi động nhiệm kỳ 2, ông Trump cảnh báo Washington sẽ không bảo vệ các thành viên không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng theo mức cam kết 2% GDP.

Những biến số quá lớn đó có thể sẽ buộc châu Âu cân nhắc lại cấu trúc đảm bảo an ninh cho chính mình và khiến các cường quốc quân sự ở khu vực lựa chọn tự phát triển các loại tên lửa tầm trung riêng. "Chắc chắn rằng châu Âu sẽ sớm tràn ngập các hệ thống tên lửa tầm trung khác nhau", chuyên gia Aaron lo ngại.

Đăng Minh
.
.
.