Sức khỏe tâm thần

Chủ Nhật, 03/10/2021, 11:46

Gần 2 năm nay, cả xã hội hầu như chỉ nói chuyện dịch bệnh. COVID-19 đe dọa trực tiếp đến mạng sống của con người và quan tâm đến sức khỏe thể lý là một điều hiển nhiên giữa đại dịch này. Nhưng sức khoẻ tâm thần cũng là thứ không nên bỏ qua, bởi không có thể chất mạnh mẽ khi trong mình là một tinh thần bệnh tật.

Đồ thần kinh

“Em ở nhà riết, bực bội lắm anh ạ. Em sắp bị điên rồi”. Đó là tin nhắn mà Q.A. gửi cho một người bạn, sau khi cô nhận được lời chúc mừng sinh nhật từ người ấy. Không ai nghĩ người phụ nữ mạnh mẽ, giàu nghị lực, luôn có những hoạch định cụ thể, hiện đại và khoa học cho đời sống của mình lại thốt ra những điều đó. Trong mắt bạn bè, cô là một người thành công và họ không nghĩ cô có thể “quy hàng” vì những ngày giãn cách xã hội kéo dài. Nhưng Q.A. không phải là người duy nhất rơi vào trạng thái này. Rất nhiều người như thế, và họ phản ứng theo các dạng thức khác nhau.

Sức khỏe tâm thần -0
Ảnh: L.G.

H.S., một trung niên nghiêm túc đúng nghĩa. Anh thành đạt, có uy tín xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực của mình. Cả đời anh chưa bao giờ đụng vào một giọt bia hay rượu. “Đợt này, tôi uống rượu đấy ông ạ. Buồn chán, không có việc gì làm. Tối nào tôi với vợ cũng uống với nhau. Rượu mấy đứa chúng nó tặng bao nhiêu lâu nay lôi ra khui hết”, H.S. tâm sự. Với cá tính của anh, người quen thân hiểu rằng hết đợt đại dịch này, chắc chắn anh sẽ quay lại với con đường “sạch hơi cồn” bởi đó không phải là thức uống mà anh thích. Nhưng việc H.S. phải tìm đến hơi cồn trong những ngày giãn cách xã hội đã chứng minh rằng anh có một sang chấn tâm lý nhất định vì những đổi thay quá đột ngột.

N.H. là một thành viên rất năng động trong nhóm vài bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực giải trí. Ngay từ đầu giãn cách xã hội, nhóm ấy đã tổ chức và duy trì “quán nhậu trực tuyến” đúng 18g thứ Bảy hàng tuần. Nhóm “lên quán” có khoảng chục người. Không nhất thiết tất cả phải góp mặt đầy đủ mỗi tối thứ Bảy, mà tuỳ thuộc vào công việc của mỗi người để xem xét việc có tham gia được hay không. Đã mấy tuần N.H vắng mặt. Bạn bè đều thắc mắc nhưng không ai dám hỏi thẳng. Một ngày, N.H. mới chia sẻ với 2 người mà anh rất thân trong nhóm rằng “Cả nhà tôi dính COVID, nằm im tự chữa suốt 21 ngày qua”. Chỉ đến lúc đó, bạn bè mới biết. Họ chúc mừng gia đình anh tai qua nạn khỏi. Hai ngày sau, họ nhận tin buồn.

Cha của N.H., người duy nhất trong gia đình phải nằm viện cấp cứu vì cần thở máy, đã qua đời. Chỉ đến lúc đó, nhóm bạn bè mới thống kê lại tất cả những gì N.H. trải qua suốt 1 năm qua, và hiểu rằng anh thực sự bị dồn nén bởi quá nhiều biến cố. Nhưng cũng chỉ hai người bạn thân là hiểu một tâm sự của N.H.. Anh rất buồn khi suốt một thời gian dài đầy khó khăn ấy, người trưởng nhóm làm việc của anh chưa từng bao giờ có một thăm hỏi nhân viên của mình xem họ sống thế nào. Việc thăm hỏi ấy không chỉ ở thời gian dịch bệnh, mà là một thái độ quan hệ kéo dài nhiều năm. N.H quyết định, hết dịch anh sẽ không còn tham gia làm việc toàn thời gian ở đơn vị cũ nữa. Anh cảm thấy quá đủ rồi.

Thời dịch bệnh, ảnh hưởng tâm lý của mỗi cá nhân trong xã hội là muôn hình vạn trạng, và có mức độ rất nặng nề. Nó khiến chúng ta đặt ra một vấn đề rất cần quan tâm là sức khỏe tâm thần của con người, thứ vốn dĩ dễ bị bỏ qua trong giai đoạn người ta quan tâm đến tình trạng thể lý hơn. Và đây là một vấn đề nghiêm túc bởi nó không chỉ xảy ra với các cá nhân trong xã hội chỉ ở thời gian dịch bệnh. Dịch bệnh có khả năng kích thích sự phát triển các nguy cơ đe dọa sức khỏe tâm thần mạnh mẽ hơn nhưng thật ra, đây là một chứng bệnh trầm kha của xã hội công nghiệp và chắc chắn nó sẽ phát tác mạnh hơn nữa khi giãn cách xã hội qua đi và con người ta phải đối diện với một thực tế mưu sinh khó khăn hơn vạn lần.

Q. từng là một chuyên gia cố vấn cho một tập đoàn lớn trong nhiều năm và anh nhận ra rất nhiều dấu vết của cái mà anh gọi là “vô tình tra tấn tinh thần” của tầng lớp chủ doanh nghiệp đối với nhân viên của mình. Ở các tập đoàn ngoài quốc doanh, nỗi sợ khi đối diện sếp là rất lớn, bởi mối đe doạ mất việc luôn như thanh gươm damocles treo lơ lửng trên đầu.

Giới chủ doanh nghiệp cũng ý thức được nỗi sợ ấy của nhân viên, và họ tận dụng nó rất triệt để. Từ đó, muôn hình vạn trạng của tra tấn tinh thần ra đời. Nhẹ thì thoá mạ, nặng thì tạo ra các cạnh tranh giả tạo khắc nghiệt để biến nhân viên thành những con thú cưng ngoan ngoãn đúng nghĩa. Và trong cuộc chơi tra tấn tinh thần này, số ít nhân viên có bản lĩnh, thừa tự tin mình có thể kiếm công việc khác tốt hơn, và đủ tự trọng để sẵn sàng bỏ việc. Phần còn lại là chấp nhận, thậm chí chấp nhận biến mình trở thành một kẻ “đốn mạt” trong mắt đồng nghiệp.

Q. kể lại, ông sếp tập đoàn kể trên thường có một câu cửa miệng là “anh không tin ai” (mà thực tế, chữ “không” được dùng thay bằng một tiếng văng tục) đính kèm với mỗi nhận xét tiêu cực trong đánh giá về một nhân viên vắng mặt nào đó trong cuộc họp. Và đỉnh điểm, có lần, trong một cơn cao hứng, ông sếp này buông lời khinh miệt dành cho một nhóm nghề nghiệp cụ thể trong xã hội. Vô tình, trong cuộc họp ấy có 2 người có thân nhân làm cái nghề bị miệt thị kia. Một trong hai đã lập tức đăng lên tài khoản cá nhân của mình một câu đại loại “Không bao giờ quên nỗi nhục của ngày hôm nay”. Kèm theo đó là đơn nghỉ việc.

Nhưng không một ai tìm hiểu đằng sau lá đơn nghỉ việc kia là một tâm trạng thế nào, nỗi ấm ức gì, những tức tưởi ra sao. Q. cho biết, vì anh vẫn giữ quan hệ tốt với người nhân viên ấy nên anh biết, trong lòng người đó nuôi một nỗi hận rất lớn đối với ông chủ doanh nghiệp và nỗi hận ấy càng ngày càng được nuôi dưỡng để trở thành nỗi hận chung với những chủ doanh nghiệp người Việt cùng ngành.

Sau dịch bệnh sẽ là gì? Trước câu hỏi này chúng ta chắc dễ đi về phía thói quen chung trong câu trả lời. Nào là “được ra đường rồi”; nào là “lại được ăn sáng cafe lề đường rồi” v.v và v.v… Chúng ta ít nói về một đời sống khó khăn chắc chắn sẽ tạo nên nhiều áp lực rất lớn trong cuộc mưu sinh của mỗi người. Và chắc chắn, chúng ta cũng sẽ không nói về một đợt “dịch bệnh vô hình” khác. Đó chính là bệnh lý tâm thần mà nhiều người phải đối diện trong khó khăn phát sinh.

Cuộc sống thường nhật vốn dĩ rất nhiều áp lực mà mỗi cá nhân đều phải đương đầu, bao gồm cả áp lực xã hội lẫn áp lực gia đình. A., một trung niên được xem là tương đối thành đạt ở những lĩnh vực anh theo đuổi, thực tế lại có một đời sống với những mỏi mệt tinh thần mà chỉ số hiếm người thân anh hiểu được. Đó là “nợ”. A. vốn dĩ không vay nợ ai bao giờ. Anh ghét vay nợ.

Mua gì, sắm gì cũng thích “tiền tươi thóc thật”. Nhưng duyên số lại khiến anh phải sống với một người vợ có tật hay vay nợ. Từ vay nóng xã hội đen cho tới vay quanh quanh toàn người thân, trong đó có cả lén vay vợ của những người bạn mà A. chơi thân. Suốt một thời gian dài A. không hay biết. Chỉ đến khi nguyên một đám xăm trổ tìm đến nhà đòi nợ, anh mới ngã ngửa ra. Rồi  A. phải lăn lưng đi trả nợ cho vợ. Sạch được món này thì lộ diện món khác. Điều đó chưa khiến A. gục ngã.

Chỉ đến khi những người thân trót cho vợ anh vay tiền cho biết, câu chuyện vợ anh kể ra luôn là “vì A. không kiếm được nên để lo cho con cái cô phải giật gấu vá vai”, anh mới lên đến đỉnh điểm của sang chấn tinh thần. Nhưng A. không thể mạnh dạn ly hôn bởi lý do con cái còn quá nhỏ. Chính sợi dây ràng buộc này càng khiến sức khỏe tâm thần của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Mất ngủ triền miên; dễ nổi nóng; nhiều lúc thái độ bất chấp… là các biểu hiện bên ngoài. Những người không hiểu sẽ nghĩ rằng A. bị điên nhưng những ai hiểu chuyện cũng không thể giúp gì ngoài vài câu động viên an ủi hay một cái quàng vai thân tình.

Những trường hợp như A. ngoài đời sống rất nhiều. Song, người Việt lại không có thói quen đi bác sỹ tâm lý. Phần vì họ không có chi phí trang trải chỉ là chuyện nhỏ. Phần lớn không ai muốn làm điều đó. Với người Việt, việc một ai đó phải gặp bác sỹ chắc chắn là có bệnh và nếu như gặp bác sỹ tâm lý, đó là bệnh tâm thần. Và không ai muốn bị người khác coi mình là “đồ tâm thần” cả. Ba tiếng ấy, được hiểu đồng nghĩa với cái gọi là “thằng điên”.

Xã hội Việt ngày càng tốc độ hơn và các chứng bệnh tâm thần vì thế cũng càng phổ biến hơn. Chăm sóc sức khoẻ tâm thần thực tế là một đòi hỏi rất cấp bách, bởi nó giúp chữa lành phần nội tâm của mỗi con người. Không có một tâm thần vững mạnh, thể lý không thể mạnh mẽ nổi. Nhưng muốn chăm sóc tâm thần, cần nhất là sự nhìn nhận nó một cách bình thường từ khách quan. Đa phần những người tìm đến bác sỹ tâm lý đều “lén lút” cả.

Họ không muốn ai biết vì họ sợ khách quan đánh giá sai lệch. Bản thân cái đánh giá sai lệch ấy của khách quan cũng vừa tạo thêm môi trường bệnh tật tâm thần đồng thời cũng là một dạng lệch lạc tâm thần. Và bởi thế, xã hội Việt đang dần tổn thương ngày một sâu sắc hơn với những cá thể bắt đầu thể hiện những hành vi kỳ dị hơn rất nhiều.

Trong dịch bệnh, hàn gắn vết thương tâm lý là rất quan trọng nhưng sau dịch bệnh, việc ấy sẽ còn quan trọng hơn rất nhiều bởi chắc chắn, sẽ có tổn thương hơn rất nhiều…

Hà Quang Minh

Lời khuyên thứ 5

Có thể bạn chưa biết: nếu gõ “COVID” + “mental health” (sức khỏe tâm thần) lên Google, ngay đầu trang sẽ xuất hiện 5 lời khuyên của WHO.

Năm lời khuyên của tổ chức Y tế Thế giới bao gồm: 1. Thở chậm; 2. Kết nối với mọi người; 3. Giữ nhịp sinh hoạt lành mạnh; 4. Đối xử tử tế với bản thân; 5. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài nếu bạn cần.

Sức khỏe tâm thần là một lĩnh vực cần tính chuyên biệt cao, và chắc chắn chỉ 5 gạch đầu dòng này thôi thì không đủ để giải quyết các triệu chứng tâm lý con người trong một mùa đại thảm họa. Nhưng chắc chắn là các chuyên gia WHO cũng có lý do để chỉ đưa ra 5 ý súc tích này.

Sức khỏe tâm thần -0
Ảnh: L.G.

Đó là những việc mà không phải ai cũng làm được. Hãy bắt đầu từ ý thứ 5, “tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn cần”. Nhiều người Việt Nam không có văn hóa xin giúp đỡ, nếu gặp khó khăn về tinh thần.

Năm 2018, một hãng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam tổ chức một sự kiện mang tên “Tôi sợ gì”. Họ tổ chức một chuỗi phỏng vấn nhanh ở TP Hồ Chí Minh. Người được hỏi là nam giới. Câu hỏi đầu tiên: “Anh sợ gì nhất trong cuộc sống?”. Các câu trả lời tương đối quen thuộc với đàn ông Á Đông, những người lớn lên và được dạy rằng nam giới phải là trụ cột gánh vác. Họ sợ không kiếm ra tiền, không lo được cho gia đình, không có việc làm…

Câu hỏi thứ hai: “Anh thường chia sẻ nỗi sợ đó với ai không?”. Câu trả lời phần lớn là “Không”. Họ không muốn nói ra nỗi sợ của mình với người thân, đặc biệt là với vợ con. Họ chỉ giữ những áp lực đó cho bản thân mình. Có người giải thích, “Nói ra chỉ khiến người khác thêm lo lắng, vấn đề của mình thì mình phải tự chịu đựng thôi”. Có người nhắc lại câu thành ngữ kinh điển: “Làm trai cho đáng nên trai”. Đó là câu nói tóm tắt trạng thái tâm lý của xã hội Đông Á – nơi định kiến giới dành cho cả hai giới. Phụ nữ thì phải nhu mì. Đàn ông phải cứng rắn.

Làm trai cho đáng nên trai. Từ khi nhỏ xíu, ta đã bắt đầu áp đặt một thứ định kiến nặng nề lên các bé trai mà không nhận ra. Nó bắt đầu bằng một câu nói quả quyết, khi em bé đi tiêm hoặc uống thuốc: “Con trai thì không được khóc”. Người bố sẽ cau mày và nói câu đó một cách thành tâm. Anh ta cũng đã được dạy rằng đàn ông thì phải cứng rắn và không được dễ dàng biểu lộ cảm xúc. Đặc biệt là cảm xúc yếu đuối.

Chúng ta có một nền văn hóa chống lại việc chia sẻ cảm xúc (vào những lúc khó khăn) hay không?

Hãng bảo hiểm sau đó dựng lên một gian hàng ở quận 7. Một trăm ba mươi lăm cặp vợ chồng sẽ bước vào một quầy được ngăn đôi. Trong đó, họ làm 2 khảo sát giống nhau, với cùng câu hỏi: “Nỗi sợ của người chồng là gì?”. Trên giấy có 15 nhóm nỗi sợ, từ sợ gián, sợ béo, sợ ma… cho đến sợ cô đơn, thất nghiệp, bệnh tật…

Chỉ có một cặp vợ chồng mà cả hai người đều khoanh trùng 5/5 nỗi sợ. Chỉ có 7 cặp vợ chồng khoanh trùng 4/5 nỗi sợ. Có đến 20% không khoanh được quá bán.

Về lý do, hầu hết những người tham gia chương trình giải thích: Họ không có thói quen chia sẻ những nỗi sợ của mình với bạn đời.

Lời khuyên thứ 5 của WHO không phải chuyện “vậy cũng nói”. Việc nhiều người không sẵn sàng mở lòng chia sẻ những giây phút yếu đuối, những nỗi sợ và các vấn đề tâm lý nói chung, là một câu chuyện phổ biến trong xã hội.

Đại dịch khiến các gánh nặng tinh thần chồng chất. Những nỗi sợ mất việc làm, không lo được cho gia đình, sợ chết bỗng hiển hiện. Sức khỏe tâm thần sa sút có thể đẩy người ta vào chỗ quẫn bách: rất dễ dàng tìm thấy những thống kê về tỷ lệ tự tử gia tăng sau các thảm họa và khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Và “không thể chia sẻ” trở thành một vấn đề.

Cách đây một tháng, tôi có cuộc trò chuyện với một người đàn ông trung niên. Anh là người có tiền. Anh đang tự cách ly xã hội trong một căn biệt thự lớn ở ven biển, với rất nhiều đồ ăn dưới nhà kho. Anh đã không ra ngoài một tháng, và chỉ trò chuyện với vợ con ở Hà Nội qua điện thoại. Khắp sân căn biệt thự la liệt xe hơi. Anh có cả vị trí xã hội, và luôn tự tin rằng mình là người từng trải, đã từng chịu đựng nhiều thử thách của cuộc sống.

“Đây là lần đầu tiên sau một tháng nhốt mình anh gọi cho bạn bè để tâm sự, vì anh thấy việc gọi cho ai đấy kể lể nó cứ như thể hiện sự yếu đuối của bản thân”, anh nói. Một trạng thái điển hình.

Chúng ta đang có một nền văn hóa công khai chống lại việc chia sẻ cảm xúc vào những lúc khó khăn. Tôi mới nếm trải: công việc của một người viết, người làm truyền thông (hay nói chung là người làm dịch vụ) trong 2 năm qua thì thảm hại không kể xiết. Mất thu nhập, mất hợp đồng, tệ hại hơn cả là không thể đi ra ngoài thu nhận chất liệu cuộc sống được nữa. Tôi cũng trải qua nhiều khó khăn về tinh thần. Một ngày, tôi quyết định rằng mình sẽ gọi điện cho một người khai vấn.

Tôi gọi với suy nghĩ rằng mình sẽ chỉ gọi để kể những vấn đề tôi đang đối mặt, đặc biệt là tài chính. Đó đơn giản là một chuyên gia được đào tạo để lắng nghe; và quan trọng hơn, được đảm bảo bởi các nguyên tắc nghề nghiệp rằng anh ấy sẽ không đem chuyện của tôi đi buôn khắp nơi. Dẫu sao, nói được ra vấn đề của mình đã là một bước tiến, thay vì cứ quanh quẩn (chính tôi cũng không dám tâm sự với vợ nhiều).

Hôm sau, tôi chia sẻ chuyện đó với vài người bạn. Họ cười. Không giấu hàm ý mỉa mai.

Chắc lần sau tôi sẽ không làm thế nữa.

Đức Hoàng

Trò chuyện với cỏ cây

Có một câu chuyện trào phúng vẫn hay được kể trên mạng về tình trạng ở nhà trong đại dịch: đến một lúc nào đó, những người phải tự giam mình giữa bốn bức tường trò chuyện nhiều với cỏ cây đến mức họ sẽ… nghe được chúng đáp lời.

Có một anh bạn của tôi, trong một cuộc nhậu online khi dịch COVID-19 bủa vây, thừa nhận rằng tâm lý của anh đã từng rơi vào trạng thái tương tự: cô đơn đến nỗi ngồi lẩn thẩn nói chuyện với con mèo và chậu cây cảnh. Các cuộc giao tiếp qua màn hình tinh thể là không đủ. Chúng ta cần hơn thế, hiển nhiên rồi.

Sức khỏe tâm thần -0
Ảnh: L.G.

Nhưng khi anh thú nhận điều này, bàn nhậu coi đó đơn giản như một chuyện phiếm. “Sao dạo này lẩn thẩn thế, thôi đừng đùa nữa đi?”. “Ồi thôi ông lấy vợ đi cho có người chăm không hâm”. Và chuyển chủ đề. Các câu chuyện về đại dịch lại xoay quanh chính sách chống dịch, rồi thừa thiếu vắc-xin, và chuyện nhân văn với các F0. Một người thú nhận rằng đã bế tắc đến mức phải nói chuyện với cỏ cây dường như trở nên ít tiếng nói đi, trong một cuộc trò chuyện.

Và không chỉ có những chuyện kiểu tự trào như vậy trở thành các giai thoại tiếu lâm thoảng qua trong những cuộc đối thoại của xã hội. Nếu bạn rơi vào cảm giác buồn chán, người xung quanh thường sẽ động viên kiểu “mạnh mẽ lên”, và kèm theo cú hích vào vai mà rằng “đàn ông con trai sao lại ủ rũ thế”. Khi biết một người vừa tự sát, đa số phản ứng của chúng ta là: “Sao bình thường nhìn tươi thế cơ mà?”.

Sức khỏe tinh thần đã rơi vào một khu vực quá chuyên biệt: nó vẫn tồn tại, nhưng cứ như là thuộc về một thế giới khác. Lần đầu tiên đi dự một cuộc hội thảo về tình trạng sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, tôi đã bị choáng bởi các con số: 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm là 25%. Những người này hẳn vẫn sống, giao tiếp bình thường xung quanh chúng ta, và thậm chí trông rất vui vẻ khi sinh hoạt tập thể, nhưng hóa ra lại có thể mắc phải một vấn đề mà xã hội thường từ chối thảo luận.

Chúng ta hay lảng tránh thực tế này. Các liệu pháp hay được nhắc đến để ổn định tâm lý thường mang tính chất cá nhân: một người có thể tự giải quyết nó bằng hít thở sâu, hoặc thiền, chứ đừng có mang đi kể lể. Điều tiết cảm xúc dường như là một trách nhiệm mà chúng ta phải cố gắng làm một mình. Đây không chỉ là chuyện sức khỏe tâm thần, mà còn ngoắc vào quan niệm xã hội nữa.

Nhưng liệu điều này có cần thiết hay không? Các nhà tâm lý và xã hội học đã nhìn thấy những “biến thể” của việc chữa lành tâm lý ở rất nhiều hình dạng khác nhau: tại Nepal, các gia đình thường mang những người có vấn đề về tâm lý đến các ngôi chùa, để nói ra vấn đề với các thầy tu. Họ sẽ mô tả những gì đã khiến trái tim và tâm trí mình lo lắng, còn các nhà sư ngồi lắng nghe, đôi khi đáp lại. Sau đó, những người tìm kiếm bình an rời đi với khuôn mặt nhẹ nhõm hơn. Một số trở lại thường xuyên. Một số chỉ đến một lần.

Tại rất nhiều nơi trên thế giới, các nhóm nhỏ cùng mắc một vấn đề hay tạo ra những cộng đồng để hàng tuần ngồi nói ra vấn đề của mình, trong một vòng tròn những người giống họ. Ví dụ nếu tôi là một người mắc chứng thích nói chuyện với cỏ cây ở Hoa Kỳ chẳng hạn, tôi có thể tìm thấy một hội nhóm giống mình, để có thể nói ra các vấn đề của tôi hàng tuần mà không sợ bị chế giễu. Khi không có những không gian kiểu này, một người mắc phải rối loạn tâm thần có thể trở thành nhóm yếu thế: họ không có tiếng nói, trong các cuộc chuyện phiếm của xã hội, một hình thức giao tiếp quan trọng của đời sống chúng ta.

Những thú nhận về chuyện đã thử “nói chuyện với cỏ cây” thường bị “rớt sóng” trong các cuộc giao tiếp chủ đạo như vậy, và nó tước đi các cơ hội vàng để chúng ta có thể chữa lành cho nhau, thay vì phải lên Google để tra tìm một bác sĩ tâm lý có uy tín. Chưa có con số thống kê nào về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Việt Nam, nhưng có lẽ nhìn vào các con số nói chung trên thế giới, chúng ta cũng có thể lờ mờ đoán ra được mình đang đứng ở đâu.

Tại Hoa Kỳ vào năm 2016, thống kê cho thấy chỉ có 16% các nhà tâm lý học đến từ các nhóm thiểu số, dù các nhóm này chiếm đến 40% dân số Mỹ. Trên phạm vi toàn cầu, các chuyên gia sức khỏe tâm thần thường tập trung ở các quốc gia có thu nhập cao, nơi cứ 5 người thì có một được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc phù hợp cho chứng trầm cảm. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình tại Châu Phi, Đông Á và Nam Mỹ, cứ 27 người mới có một người có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tương đương.

Nhà nhân chủng học James Dow, người đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh tâm lý ở những nơi thiếu ý niệm về chuyện này nhất như Caribe hay Mexico, đã xây dựng một cấu trúc sâu sắc về cách thức đối thoại để chữa lành: đầu tiên, người chữa bệnh và người đang đau khổ phải cùng chia sẻ một “khối” biểu tượng; sau đó, người chữa bệnh thuyết phục người bệnh rằng vấn đề có thể được giải quyết; người chữa lành sẽ gắn sự đau khổ người bệnh đang mang với một biểu tượng thông qua trò chuyện, đồng thời “thao túng” các biểu tượng đó để tạo ra sự thay đổi về cảm xúc, giảm bớt khổ đau cho người bệnh.

Cơ chế này diễn ra tự nhiên, ở những người biết cách đồng cảm và trò chuyện: tức là ai trong số chúng ta cũng có thể là một người chữa lành, nếu đủ nghiêm túc và thấu hiểu. Một khi ai đó nói rằng họ cô đơn đến mức phải nói chuyện với cỏ cây, thì đó hẳn không thể chỉ là chuyện tiếu lâm. Nếu một lời thú nhận kiểu này lại bị cất xuống cuối hàng trong danh sách thảo luận, thay vì ưu tiên, chúng ta có thể sẽ mãi đi tìm các đầu mối của khổ đau, dù sợi dây đang nằm ngay trong tay mỗi người.

Phạm An

Hà Quang Minh - Đức Hoàng - Phạm An
.
.
.