Những người chờ được giải cứu

Thứ Hai, 11/12/2023, 13:47

LTS: Tiểu thương, kinh doanh hộ gia đình, những đơn vị sản xuất nhỏ…, họ có thể được xem là những “phận bèo” trong nền kinh tế khi chính sách, ưu đãi vẫn chưa thực sự hướng tới họ. Nhưng họ chắc chắn không phải là "bèo bọt" trong nền kinh tế khi đóng góp của họ trong tổng thể là không thể đong đếm được.

Ai thương người sản xuất?

Anh bạn tôi làm chủ một nhà may nhỏ khá thành công khoảng hơn 10 năm trước, nhưng thời điểm này đang cực kỳ khó khăn.

Những người chờ được giải cứu -0

Hơn một thập niên trước, một doanh nghiệp như anh có thể khởi sự khá đơn giản: tìm một mặt bằng để mở cửa hàng, nhập vải về, thiết kế, rồi cắt may sao cho đẹp. Cứ đẹp và đủ chất lượng là có khách tìm đến. Vì đam mê với công việc, trong khoảng 4-5 năm tiếp theo, anh khá thành công.

Nhưng kể từ khi Facebook bùng nổ người dùng tại Việt Nam và các nền tảng thương mại điện tử xuất hiện, doanh nghiệp của anh bắt đầu lao đao. Mặt bằng không đủ để khách tự tìm đến, anh phải thuê thêm người chạy quảng cáo trên mạng xã hội, rồi giá cả quá cạnh tranh của các bên chỉ bán qua mạng khiến anh phải lặn lội đi tìm một nguồn vải vóc rẻ hơn. Các nỗ lực này chỉ giúp anh trụ được thêm 3 năm. Cùng với Facebook, làn sóng Tiki, Shopee và Lazada đã thay đổi hoàn toàn cách người ta mua sắm quần áo. Không phải là một người giỏi xoay xở trên mạng, anh nhanh chóng bị quá tải, và sản phẩm bị chìm trong các con sóng mới của thị trường.

Ban đầu khi nghe anh kể chuyện, tôi không đồng cảm được. Và có lẽ nhiều người trong số chúng ta cũng thế. Đấy có vẻ chỉ đơn giản là một thất bại của một doanh nghiệp không kịp đổi mới khi làn sóng thương mại điện tử ập đến, chẳng có gì đáng để tâm ở đây cả.

Nhưng vào nửa cuối năm nay, khi trực tiếp tham gia sản xuất một mặt hàng tiêu dùng, tôi mới hiểu rằng anh đã phải đương đầu với chuyện gì.

Hành vi tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn. Một người bạn thuật lại với tôi về cách họ mua một chiếc thắt lưng: đầu tiên là ra cửa hàng để xem/chụp lại mẫu mã. Sau đó, anh sẽ đem mẫu này đi hỏi giá ở các chợ sinh viên, và cuối cùng là lên các trang thương mại điện tử hay bán hàng chiết khấu siêu rẻ như Shopee hay Lazada để chính thức đặt mua. Thường là họ sẽ mua được rẻ hơn khoảng 30-50%. Không thể trách được người tiêu dùng. Cứ rẻ là họ mua. Nhưng nó làm dũng khí của các nhà sản xuất trong nước chùn bước. Các sàn thương mại điện tử này hầu như đều đẩy giá giảm gần sập sàn, và sử dụng một hình thức để khiến bất kỳ ai cũng có thể kiếm tiền mà không cần phải là nhà sản xuất: tiếp thị liên kết. Nôm na là bạn chỉ cần chia sẻ đường dẫn đến trang bán sản phẩm ấy, nếu có người đặt hàng là bạn có tiền.

Nó tạo ra một nền kinh tế mà mọi người có thể quy đổi trực tiếp sức chú ý ra tiền: nếu bạn là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khi bạn chia sẻ một đường dẫn sản phẩm Shopee hay Lazada, bạn ăn hoa hồng trực tiếp từ nền tảng. Không phải chịu chút rủi ro nào về vận chuyển, lưu kho, hay vốn. Thứ duy nhất bạn cần làm là cầm đường link về và ấn đăng chúng ở bất cứ nơi nào khách hàng nhìn thấy.

Nếu bạn nhận thức được rằng chỉ cần chia sẻ đường link của họ là kiếm được tiền, bạn sẽ không bao giờ nghĩ đến việc cố gắng sản xuất một cái gì nữa: đấy là một quá trình rất gian truân, từ việc chọn sản phẩm, nguyên liệu, đo lường thị trường, cố gắng tiêu thụ chúng và chấp nhận mọi rủi ro liên quan đến hàng tồn. Khi trực tiếp tham gia vào sản xuất một mặt hàng và bị cuốn vào những chi tiết lắt nhắt đi kèm nó như thế, tôi nhận ra sự chênh lệch khủng khiếp giữa những nỗ lực của mình và các nền tảng đang xâm thực thị trường bán lẻ. Họ không chỉ áp đảo về nguồn lực lẫn thế lực, mà sở hữu một cơ chế triệt tiêu các nhà sản xuất nhỏ lẻ từ trong trứng nước: họ tiêu diệt ý chí muốn trở thành nhà sản xuất của bất kỳ ai, vì trao cho mọi người một cách kiếm tiền rất thuận tiện, chỉ với vài cú click chuột. Những ngày cuối năm, những ai còn nuôi hy vọng sản xuất có lẽ sẽ chạnh lòng với các con số tàn nhẫn: Trong 11 tháng của năm 2023, có tổng cộng 158.800 doanh nghiệp rời thị trường, tức cứ bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp đăng ký đóng cửa.

Nhiều người đã "ra đi", và những người ở lại vẫn đang chống đỡ với các con tính khổng lồ cuối năm, trong một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức, với những nền tảng xuyên biên giới.

Phạm An

Phận tiểu thương

Bạn có hay đọc sách, xem kịch và xem phim của thời bao cấp không? Bạn có nhớ hình ảnh "đám tiểu thương" hiện lên thời ấy ra sao?

Những người chờ được giải cứu -0

Nếu mở ra một cuốn sách viết trong thập kỷ 70 và 80, bạn sẽ nhìn thấy "đám tiểu thương" chỉ là kẻ ngoài lề. Những kẻ xấu xí, nói chuyện bằng vé, bằng chỉ, giấc mơ nhỏ nhoi gói trong hình dáng chiếc xe Cub, xe Dream, cái máy ép lốp...

Nhưng rồi khi lịch sử đã lùi đủ sâu, chúng ta nhận ra rằng những giấc mơ về sự thịnh vượng đó cũng đáng trân trọng như bao giấc mơ.

Cuối năm, tại nhiều cửa hàng đã đóng cửa ở Chợ siêu thị Đà Nẵng trên đường Điện Biên Phủ, dán những tấm thông báo trễ hẹn trả tiền thuê mặt bằng. Trên một tờ, người ta nhìn thấy nội dung: truy thu tiền thuê, tiền dịch vụ vệ sinh và tiền điện từ tháng 6/2023, tổng là 1.154.000 đồng.

Một triệu mốt có lẽ không phải là số tiền lớn, khiến một tiểu thương phải đóng cửa - nếu họ còn muốn kinh doanh. Con số đó dán trước cửa một sạp hàng, giống như một lời tuyên bố bỏ cuộc hơn. Họ không còn muốn kinh doanh nữa.

Điểm tin trên các kênh báo đài địa phương, ta dễ dàng nhìn thấy một bức tranh chung: những sạp hàng đóng cửa, những tấm giấy thông báo nợ tiền thuê, những tiểu thương trung niên ngồi lướt điện thoại, còn những tiểu thương đã lớn tuổi, tóc đã bạc trắng, chỉ ngồi lặng lẽ nhìn vào không trung. Có người, khi báo đài hỏi đến tình trạng kinh doanh, đã bật khóc.

Chỉ cần lướt mạng đúng 5 phút, với từ khóa "tiểu thương", bạn sẽ bắt gặp chuỗi những hình ảnh sau: Biển sang quầy ở chợ Bình Tây (TP Hồ Chí Minh); những dãy hai chục cửa hàng đóng cửa liên tiếp, tối om giữa ban ngày ở chợ Đông Hà (Quảng Trị); cả khu vực bán vải ở chợ Ba Tơ (Quảng Ngãi) chỉ còn vài gian hàng; những lời than vãn về giá thuê ở chợ An Đông (TP Hồ Chí Minh); hay tiểu thương ở chợ Mơ (Hà Nội) lo lắng về sinh kế.

Trên báo Tuổi trẻ, một tiểu thương tên Lý Cẩm Vân ở chợ An Đông viết bài chia sẻ rất dài. Cô đã kinh doanh ở đây từ năm 1988, nhưng "chưa bao giờ thấy khó khăn như hiện nay".

Họ, những người bán hàng ở chợ, dù mang tiếng là "thương nhân" nhưng cũng chỉ là người lao động trong một mô hình kinh tế hộ gia đình. Nhiều năm qua, những tiểu thương này hiếm khi thuộc về một nhóm ưu đãi nào về chính sách: trong những chương trình ra quân rầm rộ nhất, các tỉnh có tiềm năng du lịch như Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thực hiện các cuộc tập huấn "giao tiếp với khách hàng" - nâng cao năng lực giao tiếp của tiểu thương.

Những ai đã xem phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" đều còn nhớ hình ảnh của người mẹ bán quán cà phê. Bà được xây dựng là một "con buôn" vô cùng thực dụng, người luôn tìm cách kiếm lợi, bất chấp cả luật pháp và sĩ diện. Đạo diễn không quên đặc tả cảnh bà dấm dúi với mấy tút thuốc ba số ngoại, thứ hàng hóa lậu của thời đó. Đó là một hình ảnh rất xấu xí của thập kỷ 70.

Đã có thời chỉ cần nghĩ đến việc mua đi bán lại các thứ đã có thể là một loại tội. Nhưng ở điểm nhìn hơn 30 năm sau, khi chúng ta đã vượt qua được tâm lý ngăn sông cấm chợ và biết trân trọng nền kinh tế thị trường, chúng ta nhận ra rằng chính những mưu cầu "bé mọn" của những tiểu thương chỉ nghĩ đến việc buôn gì, bán gì - chính sự vận động vi mô của từng con người loay hoay với sinh kế đó - đã thúc đẩy sự phát triển, đã tạo ra bộ mặt đất nước như ngày hôm nay.

Nếu không phải là nhu cầu của đám "con buôn" nhỏ bé và không có tiếng nói suốt nhiều thập kỷ ấy thôi thúc, có thể chúng ta sẽ không mở cửa nền kinh tế sớm đến thế. Đám tiểu thương đó, một thời xuất hiện trong văn chương với nhiều sự kỳ thị. Bạn có nhớ hình ảnh cô vợ trong "Đám cưới không có giấy giá thú" của Ma Văn Kháng? Hay có nhớ anh chủ xưởng lốp trong "Người tốt nhà số 5" của Lưu Quang Vũ? Có những tác giả như Chu Lai có thể xây dựng cả một sự nghiệp văn chương quanh những kẻ phản diện mang gương mặt "con buôn". Những kẻ mở miệng ra nói đến "lãi", đến "chỉ", đến "vé", là kẻ phản diện. Đó là nhận thức của một thời.

Đã một thời, ta không đối xử công bằng với họ nhưng họ vẫn tồn tại. Và cái nhu cầu "buôn thúng bán mẹt" ấy bỗng lại trở thành nhu cầu chủ đạo và lèo lái sự phát triển. Nhưng rồi trong nền kinh tế thị trường, những ưu tiên mới bỗng xuất hiện. Bất động sản, công nghệ, tài chính ngân hàng. Mở mặt báo ra mỗi ngày và bạn thấy bao nhiêu thảo luận về việc tìm "ưu đãi", tìm kế sách "thúc đẩy" và tìm "phương hướng tháo gỡ" cho những đầu tầu kinh tế đó. Nhưng những tiểu thương buôn bán ở chợ, vẫn lầm lũi ở đó.

Không có con số thống kê chính thức nào về số lượng tiểu thương đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Tương lai của họ có thể còn khó khăn hơn nữa, khi thương mại điện tử lên ngôi (và luật chơi được quy định bởi các tập đoàn nước ngoài).

Tết đến gần, những bà chủ sạp hàng ngồi nhìn ra vô định. Có những người tấm tức khóc. Họ chưa bao giờ, và có lẽ không bao giờ dám nghĩ đến, dám mở miệng ra đòi một "gói giải cứu" như cái cách nhiều đại gia có thể làm. Vẫn tự bươn trải và hy vọng đến ngày sẽ vượt qua khó khăn.

Đức Hoàng

Khắc khoải chờ được “tiếp sức”

Giải cứu có lẽ là từ chúng ta nghe đã quá quen thuộc suốt nhiều năm qua. Mỗi khi một ngành nghề nào đó gặp khó khăn, vướng mắc, chắc chắn sẽ có những đề xuất, và sau đó đi tới quyết định, chính sách, để gỡ rối cho ngành nghề đó. Và song song với những chiến dịch giải cứu mang tính vĩ mô ấy còn có cả những giải cứu kiểu tự phát, mà ví dụ điển hình chính là giải cứu thanh long, giải cứu dưa hấu… Nhưng có một thực tế mà ai cũng có thể nhận thấy, ở giai đoạn kinh tế đang khó khăn gượng dậy sau đại dịch COVID-19 này, kinh tế hộ gia đình, các tiểu thương, các nhà sản xuất nhỏ lẻ… đang phải đối mặt với muôn vàn gian khó.

Những người chờ được giải cứu -0

Chuyện có thật 100% mà tôi được chứng kiến chính là một đối thoại giữa hai người bạn. Một người được xem là doanh nhân, nghe rất sang. Nhưng thực tế, anh chỉ là một chủ cơ sở sản xuất nhỏ chuyên về ngành nhựa. Người còn lại là "ông bầu" một đội bóng đá phủi, đội bóng của nhóm đồng hương miền Trung đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Doanh nhân kia cũng nằm trong hội đồng hương ấy và anh cũng khá thường xuyên ủng hộ các sự kiện của đội bóng. Nhưng năm nay, khi được đề nghị hỗ trợ buổi tiệc cuối năm cho đội bóng, doanh nhân đành phải muối mặt lắc đầu dù nó chỉ là một khoản nhỏ. Không thể hào phóng như mọi năm, anh ta thổ lộ một thực tế rất buồn rằng: "Đây, em xem, toàn thư với tin nhắn nhắc nợ quá hạn". Với anh, gồng sức để cầm cự bây giờ là mục tiêu lớn nhất, và khó khăn nhất. Anh không muốn phải chia tay bất kỳ nhân viên nào nhưng để lo cho họ, vay mượn là phương cách duy nhất lúc này khi sự chậm chạp của thị trường đã khiến cho doanh số của công ty anh sụt giảm chỉ còn bằng xấp xỉ 30% giai đoạn trước dịch.

Những doanh nhân như người bạn kể trên của tôi không thiếu trong tình hình hiện nay. Họ gần như vô danh trên bản đồ kinh tế. Cái bản đồ ấy chỉ vinh danh những tên tuổi lẫy lừng với những con số có thể tính tới tỷ đô. Nó không có chỗ cho những hạt cát, với con số khiêm tốn hơn gấp triệu lần. Song, tất cả chúng ta đều hiểu, số lượng của những hạt cát là nhiều vô kể và gộp lại tất cả các hạt cát khiêm tốn đó cũng đủ để tạo nên một diện mạo kinh tế Việt Nam.

Tháng cuối năm 2023 này bắt đầu bằng tín hiệu mà nhiều người cho là "vui" với việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Tất nhiên, lãi suất huy động cũng giảm mạnh mẽ. Cách nay đúng 1 năm, lãi suất huy động đã có lúc đạt đỉnh, thậm chí có ngân hàng còn huy động ở mức trên 10%/ năm. Tương ứng, lãi suất cho vay cũng cao chót vót. Câu chuyện lãi suất này cho thấy một điểm bất cập của chính sách. Đó là sau khi đã bào mòn bản thân mình để duy trì trong suốt thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp khát vốn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi họ khát vốn nhất thì họ cũng không có khả năng để đi vay với một mức lãi suất khó có thể mang lại hiệu quả trong kinh doanh. Và tình trạng còn gian nan hơn đối với các hộ kinh doanh gia đình. Họ không phải doanh nghiệp với pháp nhân tin cậy đủ để tiếp cận vốn vay. Họ lại không nằm trong diện hộ nghèo để nhận tín dụng chính sách xã hội.

Khi lãi suất giảm mang lại tín hiệu tích cực từ chính sách thì nó cũng kéo theo câu hỏi lớn là "Tại sao phải mất cả 1 năm trời mới có thể điều chỉnh được về mức lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp như vậy?". Và khi câu hỏi lớn này vẫn còn chưa được trả lời rốt ráo thì một câu hỏi khác đã kịp phát sinh. Trong một báo cáo gần đây nhất, Kiểm toán Nhà nước xác định nhiều ngân hàng thương mại... không thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo Nghị định 31. Nghị định này nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội  với trọng tâm dành cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Và một trong các lý do mà đại diện của một ngân hàng đưa ra chính là "Một đối tượng trong diện được hưởng hỗ trợ là "hộ kinh doanh" nhưng khái niệm hộ kinh doanh có nhiều cách hiểu. Thật sự trớ trêu. Nói về hộ kinh doanh, 100% chúng ta đều có khả năng hình dung ra nó có đặc thù thế nào. Ấy vậy mà khi đặt lên bàn cân chính sách, nó lại phức tạp tới mức "có quá nhiều cách hiểu" để cuối cùng, các đối tượng của chính sách lại không thể hưởng ưu đãi từ chính sách.

Một ví dụ khác là các hợp tác xã. Hiện nay, tình trạng chung của các hợp tác xã chính là thiếu vốn. Nhưng khung chính sách là trong 5 năm, khoản vay phải được hoàn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi. Nhiều hợp tác xã mong mỏi điều chỉnh khung lên 7-10 năm cho phù hợp với các dự án dài hạn của họ. Nhưng mong mỏi ấy vẫn chưa được để ý tới khi trong mắt những nhà hoạch định chính sách, việc giải cứu các ngành nghề trăm nghìn tỷ như bất động sản quan trọng hơn rất nhiều.

Khi chúng ta nhìn vào những sọt trái cây ế ẩm của nông dân, chúng ta dễ hình dung ra những diện mạo vất vả và lam lũ, một nắng hai sương. Lòng trắc ẩn đã đánh thức bản năng chia sẻ của mỗi con người và lập tức những chiến dịch giải cứu tự phát đã hình thành. Khi chúng ta nhìn vào những dự án bất động sản ế ẩm, bỏ hoang, chúng ta dễ hình dung ra kịch bản mà nó tác động tới hệ thống tài chính ngân hàng cũng như số phận của những tập đoàn được xem là tiêu biểu của nền kinh tế. Và chúng ta cũng hình dung ra cả câu chuyện mức tăng trưởng không như mục tiêu đề ra.

Khi nhìn vào các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, các hợp tác xã… khó khăn vật vã, chúng ta hình dung ra điều gì? Thật khó. Bởi chúng ta không thể đặt mình vào vị thế của họ khi chính bản thân ta chưa từng trải qua kinh nghiệm của họ. Nhưng đằng sau họ là gì? Cả một lực lượng lao động mà họ đang trả lương; cả một dòng tiền lưu thông mạnh mẽ trong xã hội; cả hàng chục triệu người đang đóng góp chung cho nền kinh tế. Chúng ta có cảm giác dễ dàng rằng "vắng cô thì chợ vẫn đông" với suy nghĩ đơn giản, nếu một cá thể trong tập hợp đó giải thể, phá sản thì sẽ có cá thể khác được hình thành để bù đắp. Nhưng thực tế, sự vắng mặt của họ sẽ khiến diện mạo xã hội trở nên buồn hơn. Nghĩa bóng, nó là nỗi buồn của một nền kinh tế ì ạch. Nghĩa đen, nó chính là các phố xá đìu hiu đúng nghĩa.

Ai giải cứu họ? Đó vẫn là một câu hỏi không phải chỉ ở giai đoạn phục hồi khó khăn này. Nó chính là một câu hỏi lâu dài bởi họ mới là lực lượng chủ đạo trong bức tranh kinh tế - xã hội tổng thể.

Hà Quang Minh

.
.
.