NATO, giữa những vùng lửa cháy

Thứ Sáu, 11/10/2024, 08:34

"Đại chiến thế giới lần thứ ba" đang trở thành một cụm từ thời thượng, với tần suất xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế. Sức uy hiếp của nó, có lẽ, là yếu tố quan trọng bậc nhất để đến tận bây giờ, tất cả các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới vẫn đang cố gắng hết sức kiềm chế nguy cơ các điểm nóng xung đột lan rộng.

Dù vậy, trên "bàn cờ lớn" vẫn luôn hiện hữu những biến số không thể tiên lượng. Điều đó chính là một nỗi ám ảnh đối với khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thời đại của những lằn ranh 

Như hãng tin Nga Sputnik News ngày 5/10 dẫn nguồn tin từ kênh tin tức Welt (Đức), đề cập tới một số tài liệu chưa được công bố chính thức, NATO đang lên kế hoạch thành lập thêm 49 lữ đoàn sẵn sàng tác chiến, trong đó mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 quân, nâng tổng số lữ đoàn của NATO lên con số 131.

Theo bản kế hoạch mang tên "Yêu cầu năng lực tối thiểu" này - được tiết lộ là do Tư lệnh các lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu, tướng Christopher Cavoli và Đô đốc Pháp Pierre Vandier đệ trình - số lượng quân đoàn tác chiến sẽ tăng từ 6 lên 15 và số trụ sở chỉ huy sẽ tăng từ 24 lên 38. NATO cũng dự định tăng cường sức mạnh của các đơn vị phòng không trên bộ lên gấp 5 lần, tương đương 1.467 đơn vị. Việc tăng cường sức mạnh quân sự này được cho là cần thiết, viện dẫn mối đe dọa được cho là từ Nga.

NATO, giữa những vùng lửa cháy -0
Những tập đoàn công nghiệp quốc phòng, như Lockheed Martin, "ăn nên làm ra" nhờ xung đột vũ trang.

Trước đó, ngay từ ngày 2/10, sau khi Iran "dội mưa tên lửa" vào lãnh thổ Israel, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết: Pháp đã huy động thêm lực lượng quân sự đến khu vực để thực hiện cam kết đối với an ninh của Israel. Cùng ngày, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield khẳng định: Các động thái của Mỹ (hỗ trợ Israel bắn hạ tên lửa Iran) mang tính chất phòng thủ và Iran sẽ phải chịu trách nhiệm nếu tấn công các mục tiêu liên quan đến lợi ích cũng như quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Trong khi đó, quân đội Israel đã thực sự tiến hành những cuộc hành quân tràn qua biên giới Lebanon - nơi lực lượng Hezbollah đóng trú và quân đội Lebanon cũng đã lần đầu đáp trả. Tel Aviv thậm chí còn khuyến cáo thường dân Lebanon di tản nhanh chóng khỏi các khu vực gần biên giới - điều hứa hẹn một cách đầy hăm dọa rằng ngọn lửa chiến tranh này, từ Dải Gaza sang Bờ Tây, giờ sẽ còn tiếp tục bùng phát dữ dội hơn nữa.

Cùng lúc, cho dù đã không còn được "ưu tiên" nằm trong tiêu điểm chú ý như ở quá khứ gần, chiến sự tại miền Đông Ukraine vẫn đang diễn ra gấp gáp và khốc liệt. Thậm chí, trong một động thái "hờn dỗi", Kiev vừa nỗ lực tiếp tục đề đạt các nguyện vọng (về viện trợ, về việc cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, cũng như về quy chế gia nhập thế giới phương Tây), vừa thể hiện nguyện vọng rằng họ "muốn được đối xử như Israel". 

Ở cả hai mặt trận này, các cường quốc lãnh đạo NATO như Mỹ, Anh, Pháp đều đối diện khả năng bị cuốn vào những cuộc đối đầu trực tiếp, với các đối thủ không hề "dễ bắt nạt": Nước Nga ở Đông Âu và Iran cùng các lực lượng mà họ hậu thuẫn (Hamas, Hezbollah, Houthi) ở Trung Đông. Nhưng, cho đến hiện tại, những cái đầu từ nhiều phía vẫn đủ lạnh, để một guồng máy tàn khốc vẫn còn chưa được kích hoạt, cũng như chưa có nút bấm vũ khí hạt nhân nào được nhấn xuống.

Tuy vậy, khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh ngày 4/10 rằng, đối đầu địa chính trị hay đối đầu vũ trang "phụ thuộc vào người Mỹ" và: "Việc tiếp tục những trò chơi địa chính trị mà họ (Washington) đã chơi trong một thời gian dài - và trên thực tế đã kích động một cuộc xung đột lan rộng, dẫn đến khủng hoảng an ninh hiện nay ở châu Âu-Đại Tây Dương - là điều không thể. Thật uổng công khi họ nghĩ rằng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ, nhằm kiểm tra độ vững vàng của chúng ta - sẽ không dẫn đến các biện pháp đối phó cứng rắn hơn nhiều so với những gì đã được thực hiện", thì có nghĩa là mọi kịch bản, dù u tối nhất, vẫn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. 

Ai muốn chiến tranh? 

Trước khi quân đội Ukraine tiến vào khu vực Kursk, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn luôn lặp lại lời "gợi ý", rằng nước Nga vẫn đang để ngỏ khả năng đàm phán (tất nhiên là phải dựa trên các nguyên tắc mà thực địa chiến trường cũng như ý chí chính trị của Moscow quyết định). Tương tự, trước khi Israel thực hiện một loạt hành động cứng rắn trên lãnh thổ Lebanon (kích nổ bộ đàm và máy nhắn tin, sát hại các thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah, không kích Lebanon với những màn dội bom "dữ dội nhất từ trước tới nay trong lịch sử"...) thì tân Tổng thống Iran  Masoud Pezeshkian vẫn hết sức cố gắng kìm hãm những hành động trả đũa, đúng với danh tiếng "một nhà lãnh đạo ôn hòa" mà ông có, kể cả khi phải chịu đựng những áp lực không nhỏ từ Đại Giáo chủ Ali Khamenei cũng như phe "chủ chiến" trong nước.

Dù vậy, sau những bước leo thang mà Kiev và Tel Aviv đã thực hiện, những sự đáp trả tương xứng trở thành tất yếu. Do đó, khi bắt buộc phải "có trách nhiệm" với cả Ukraine lẫn Israel, NATO đột nhiên thấy mình rơi vào thế "lưỡng đầu thọ địch". 

NATO, giữa những vùng lửa cháy -0
Xe tăng Israel đã tràn qua biên giới Lebanon.

Song, có thể khẳng định: Vào thời điểm hiện tại, NATO chưa sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu đầy bất trắc như vậy. Điển hình, chính là nước Mỹ. Chỉ còn một tháng nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Đương nhiên, cả ông chủ Nhà Trắng hiện tại Joe Biden lẫn ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris đều sẽ không có lợi lộc gì khi đưa quân đội Mỹ dấn thân vào một cuộc chiến tranh mới, đặc biệt là khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang không ngớt cảnh báo cử tri: "Họ (đảng Dân chủ) sẽ đưa chúng ta vào Đại chiến thế giới lần thứ ba". 

Nỗi ám ảnh này được khắc sâu thêm vào ngày 3/10, khi Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh tuyên bố: Nếu các lực lượng phương Tây phá hủy tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine thì hành động này sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột. Nghĩa là, một cách chính thức, nước Mỹ sẽ vẫn chỉ hỗ trợ Kiev thông qua các hình thức viện trợ quân sự. 

Cùng lúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đăng đàn để "bật đèn đỏ”: Mỹ không ủng hộ Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, mà sẽ vẫn trung thành với cách kiềm chế nước Cộng hòa Hồi giáo bằng các biện pháp ngoại giao cũng như trừng phạt kinh tế. Như hãng tin Reuters phân tích, những lý do chính để Nhà Trắng tô đậm quan điểm này là bởi một số lý do không thể không cân nhắc kỹ lưỡng: Leo thang xung đột vượt giới hạn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của chính nước Mỹ ở Trung Đông; việc Israel tập kích các cơ sở hạt nhân của Iran cũng có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng đối đầu hạt nhân và nếu tình trạng đối đầu Iran - Israel trở thành một cuộc chiến toàn diện, để nước Mỹ bị lôi kéo liên đới, thì những kế hoạch hòa bình cho Trung Đông đang được Washington thực hiện cũng sẽ sụp đổ. 

Đối với các thành viên NATO còn lại, chuyện dấn thân vào một cuộc chiến tranh thực thụ còn vô nghĩa hơn nữa, khi lợi ích cốt lõi của họ (ở cả Ukraine lẫn Trung Đông) đều không lớn như những gì nước Mỹ có. Bên cạnh đó, 3 năm qua, mọi guồng máy kinh tế - xã hội ở Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada... đều bị ảnh hưởng trầm trọng và chịu không ít thương tổn, từ hệ lụy không thể tránh khỏi của chiến tranh hay xung đột (giá năng lượng tăng, chi phí sinh hoạt và chi phí sản xuất cũng đều bị tác động, lạm phát lan tràn...). Mọi nhà lãnh đạo các quốc gia đều có những bài toán hóc búa riêng dành cho mình, mà tăng cường hoạt động quân sự dường như lại là một lời giải "lạc đề".
Tuy nhiên, xét cho cùng, không phải trong thế giới phương Tây, ai cũng "ngán ngại" sự bùng phát và lan rộng của nguy cơ xung đột vũ trang.

Ở tình thế của mình, Tổng thống Ukraine Zelensky có đầy đủ lý do để ra lệnh tấn công Kursk, hay tìm mọi cách khiêu khích nước Nga, khi bước qua hết lằn ranh này đến lằn ranh khác. Đứng đầu một đất nước và một quân đội kiệt quệ, ta có thể đoán rằng điều ông hướng tới là chuyện bằng mọi giá kéo quân đội NATO trực tiếp tham chiến - cơ may duy nhất để giành chiến thắng. Tương tự, dù người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới là ai, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã ép họ phải lựa chọn, trong những "sự đã rồi". 

Cuối cùng, khuất lấp ở rất sâu dưới những màn sương, một thông tin mà tờ Forbes hé lộ ngày 1/10 có lẽ cũng có thể lờ mờ làm hiện lên thêm một chút góc cạnh của hiện thực tàn nhẫn: Trong bối cảnh căng thẳng xung đột leo thang ở Trung Đông, cổ phiếu ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại. Cụ thể: cổ phiếu của những tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin, RTX (trước đây là Raytheon), Northrop Grumman và L3Harris đều tăng hơn 2,6%, một ngày sau khi lực lượng mặt đất của Israel tiến vào Lebanon trong cuộc xung đột với Hezbollah. Cả cổ phiếu của Lockheed Martin và RTX đều đạt mức cao nhất mọi thời đại hôm 1/10 ấy, trong khi L3Harris và Northrop Grumman đạt mức giá cổ phiếu cao nhất kể từ năm 2022.

Phải chăng, đây mới là thứ nhiên liệu vĩnh cửu dành cho mọi cuộc chiến tranh? 

Đông Phong
.
.
.