Khi quan chức lộ tài sản “khủng”: Xử lý tài sản bất minh

Thứ Năm, 11/07/2024, 08:23

Những năm qua, dư luận rộ lên khi nhiều quan chức sở hữu khối tài sản “khủng”, gồm biệt phủ, trang trại, các lô đất có giá trị vàng, các nguồn tiền lớn trong tài khoản ngân hàng, chứng khoán... Sau khi có kết quả xác minh, kiểm tra, những người có tài sản bất minh, kê khai không trung thực bị xử lý, cao nhất là cách chức, buộc thôi việc. Tuy nhiên, việc xử lý khối tài sản lớn của những đối tượng này vẫn còn bỏ ngỏ...

Trong bài viết trước, chúng tôi viện dẫn trường hợp bà Nguyễn Thị Giang Hương, cựu Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai bất ngờ bị kẻ lừa đảo “cuỗm” 171 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng. Việc xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, cách chức Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã được cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Nhưng, còn vấn đề lớn, đó là xử lý khối tài sản “khủng” như thế nào, trong khi theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thì bà Giang Hương đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai...

Từ vụ việc này và lật lại những vụ nổi cộm trước đây, dư luận đòi hỏi phải có biện pháp xử lý số tiền, tài sản “khủng” của quan chức sau khi bị xử lý hình sự hoặc kỷ luật hành chính. Như trường hợp của ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Về vụ việc này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Trước đó, dư luận cho rằng, ông Thọ có khối tài sản rất lớn trong ngân hàng cùng nhiều nhà đất, dinh thự. Chính từ những phản ánh này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, làm rõ và kết luận ông Thọ vi phạm “gây hậu quả rất nghiêm trọng” như nêu trên. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý số tài sản lớn của ông Thọ ra sao vẫn là vấn đề dư luận quan tâm.

Bài 2: xử lý tài sản bất minh -0
Hội nghị về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Ảnh: CTV.

Điều 51, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến. Những trường hợp khác thì hình thức xử lý là cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.

Như vậy, điều luật mới chỉ quy định việc xử lý người có hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực với các hình thức như cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc... Còn việc truy thu tài sản bất minh, tài sản kê khai không trung thực thì chưa được đề cập.

Còn nhớ, mấy năm trước, dư luận ồn ào vụ biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, người từng giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản nhưng đã kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ, đã gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai; vi phạm Chỉ thị 33/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Ông Phạm Sỹ Quý bị xử lý kỷ luật cảnh cáo về Đảng và cho thôi chức Giám đốc Sở. Cơ quan chức năng tỉnh đã xử phạt hành chính số tiền trên 507 triệu đồng do xây dựng một số công trình sai phép và không phép, đồng thời, xử phạt chậm nộp thuế số tiền hơn 51 triệu đồng.

Như vậy, ngoài số tiền phạt nêu trên thì toàn bộ biệt phủ mà ông đã xây dựng và đang sở hữu không bị buộc phải thu hồi hay phá bỏ. Nguyên do dù giá trị khối tài sản đó là rất lớn nhưng cơ quan chức năng không chứng minh được nguồn gốc do tham nhũng nên không thể thu hồi. Nhiều người yêu cầu thu hồi, bán đấu giá sung quỹ nhà nước. Vậy thì pháp luật quy định việc xử lý khối tài sản kê khai không trung thực ra sao?

Về việc này, khi thảo luận, biểu quyết dự án Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) đã đưa ra các phương án sau: 

- Phương án 1 (phương án thu thuế)

Theo phương án này, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Nhà nước tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Ưu điểm của phương án này là: Xử lý nhanh, kịp thời tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế), hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường tòa án. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì cũng có khuyến nghị về cách xử lý này trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Nhược điểm là chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong phòng, chống tham nhũng, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Phương án này chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai so với phương án xử lý thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại tòa án.

- Phương án 2 (xử phạt hành chính)

Ưu điểm của phương án này là: Bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập. Nhược điểm là mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là yêu cầu mà thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng đang đặt ra.

Đồng thời, hành vi giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập, thực chất là hành vi vi phạm nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức về trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập, phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Do đó, việc dự thảo luật quy định cùng một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật, sau đó lại bị xử phạt hành chính là chưa hợp lý.

- Phương án 3 (xem xét, giải quyết tại tòa án)

Theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình. Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm cho Nhà nước nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc hoặc không chấp nhận yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ưu điểm của phương án này là: Thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, việc giao cho tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Việc xử lý tài sản, thu nhập nêu trên bằng phương thức thu hồi cũng được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Qua cân nhắc từng phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 3 vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với 2 phương án còn lại. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu. Kết quả, có 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án 3 (xem xét, giải quyết tại tòa án), tỷ lệ không quá bán để biểu quyết thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật. Vì thế chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào luật.

Như vậy, với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, những khối tài sản bất minh, kê khai không trung thực nhưng cơ quan chức năng lại không chứng minh được tài sản đó có phải do tham nhũng, phạm pháp mà có thì kết quả là vẫn chưa có hành lang pháp lý để xử lý. Rõ ràng, đây là một kẽ hở của pháp luật cần được sớm nghiên cứu, bổ sung.

Đăng Trường

.
.