Khi quà biếu là những chiếc đồng hồ Patek Philippe
Với nhiều quan chức, việc nhận quà tặng là biệt thự, căn hộ, siêu xe có vẻ như đã “nhàm” bởi nhu cầu ăn ở, đi lại cũng đã đến giới hạn. Thay vào đó là những món quà gắn lên người, thể hiện lối ăn chơi xa xỉ, độc nhất thiên hạ như đồng hồ Patek Philippe trị giá cả triệu USD.
Lâu nay, dư luận vẫn đàm tiếu về những quan chức được doanh nghiệp tặng quà là đồng hồ Patek Philippe với giá trị cực kỳ đắt đỏ, hàng trăm nghìn, thậm chí nhiều triệu USD. Họ cho rằng, ngày trước, làm quan thường chỉ mong muốn được tặng căn hộ, biệt thự hay xe hơi hạng sang, khi nhu cầu lớn hơn thì sở hữu thêm vài cái biệt thự ở các khu nghỉ dưỡng. Nhưng, nhu cầu phát triển theo thời gian, nay việc được biếu căn biệt thự trị giá trăm tỷ để đổi lấy dự án hàng nghìn, chục nghìn tỷ thì xem ra, giá trị một, hai cái biệt thự cũng chưa là gì. Vả lại, nhu cầu ăn ở thì dẫu “ôm” thêm mấy cái nhà cũng chỉ để làm của dư cho con cháu chứ bản thân có “bế” đi được đâu, không thể hiện được nhu cầu cá nhân xa xỉ.
Và thế là những thứ trang sức gắn liền với nhu cầu cá nhân, trang trí lên người trở thành xu hướng chơi sang mới, đó là những vật dụng như đồng hồ, bút, thắt lưng, kính, giày, quần áo, nhẫn, trang sức đeo tay, cổ...
Tuy nhiên, tất cả các vật dụng đó dường như đều tỏ ra khiêm tốn trước chiếc đồng hồ đeo tay mang thương hiệu Patek Philippe với giá trị cực kỳ đắt đỏ. Và, bây giờ không còn dừng ở dư luận nữa, nó được chứng minh bằng kết luận của cơ quan điều tra với đầy đủ chứng cứ, gắn với hành vi, con người cụ thể.
Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã chỉ rõ hành vi, thủ đoạn của những cá nhân liên quan việc đưa, nhận hối lộ đình đám, trong đó có quà tặng là đồng hồ Patek Philippe. Bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Xuyên Việt Oil bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ”.
Theo kết luận điều tra, năm 2018, bà Hạnh quen ông Lê Đức Thọ (khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank). Để được ông Thọ giúp cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil, bà Hạnh đã 2 lần đưa hối lộ. Lần đầu vào tháng 1/2019, bà đưa cho ông Lê Đức Thọ 100.000 USD. Lần 2 vào năm 2020, khi Công ty Xuyên Việt Oil muốn “nối lại quan hệ tín dụng” với Vietinbank Chi nhánh Chương Dương, bà Hạnh đã đưa cho ông Thọ 500.000 USD. Năm 2021, ông Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Sau đó, bà Hạnh thành lập Công ty Cổ phần Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn tại ngân hàng ở tỉnh Bến Tre. Ngân hàng đã nhiều lần giải ngân vốn vay cho Công ty Việt Oil tổng cộng 892 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, ông Lê Đức Thọ 3 lần được Mai Thị Hồng Hạnh tặng quà gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng) vào ngày 28/3/2022; bộ gậy đánh golf trị giá 1,1 tỷ đồng; đồng hồ Patek Philippe trị giá 421.000 USD (gần 10 tỷ đồng). Theo kết luận điều tra, trong tổng số tiền và hiện vật hơn 1 triệu USD đã nhận từ Mai Thị Hồng Hạnh, ông Thọ khai đã gửi 440.000 USD cho người thân. Quá trình điều tra, bị can nộp lại số tiền này, còn lại đã chi tiêu hết.
Khi nói đến đồng hồ xa xỉ, Patek Philippe là một thương hiệu của Thụy Sĩ đứng đầu danh sách. Đó là những chiếc đồng hồ cực kỳ phức tạp, chỉ những người thợ có tay nghề giỏi và dày dạn kinh nghiệm mới có khả năng chế tác. Mẫu đồng hồ Patek Philippe được ví như kiệt tác có một không hai trên thế giới. Trong lịch sử, nhiều thành viên hoàng gia, tầng lớp quý tộc và người nổi tiếng từng sở hữu đồng hồ Patek Philippe như Giáo hoàng Pius IX, Nữ hoàng Anh Victoria, Vua Italy Victor Emmanuel III, Vua Đan Mạch Christian IX, nhà khoa học Albert Einstein...
Một số chiếc siêu đắt như chiếc đồng hồ bỏ túi Patek Philippe Henry Graves Supercomplication từng bán với giá 23,98 triệu USD hay chiếc Patek Philippe 1518 Stainless Steel được bán với giá 11 triệu USD. Những phiên bản giới hạn, nếu chỉ đơn thuần là đại gia có tiền mà không nằm trong danh sách đối tượng ưu tiên thì khó có cơ hội sở hữu.
Nhưng, trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, bà Mai Thị Hồng Hạnh không phải một lần mà có tới 5 lần dùng đồng hồ đắt đỏ này làm quà biếu. Ngoài ông Thọ, bà khai đã mời ông Nguyễn Lộc An, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đến nhà ăn tối và tặng chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe. Tuy nhiên, ông An khai đã bán lại chiếc đồng hồ này với giá rẻ, chỉ 23.000 USD (thấp hơn nhiều giá trị được ghi nhận trên hệ thống). Ngoài ra, trong các dịp sinh nhật, chúc mừng ông Lê Đức Thọ nhận chức vụ, Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil còn biếu tặng ông Thọ 3 chiếc đồng hồ Patek Philippe với tổng giá trị hơn 355.000 USD.
Những chiếc đồng hồ Patek Philippe trở thành tâm điểm trong hành vi đưa và nhận hối lộ của vụ án do “đạo diễn” Mai Thị Hồng Hạnh thực hiện, gây sự tò mò hơn việc đưa và nhận mấy thùng xốp chứa nhiều triệu đô trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh trước đây, câu chuyện đồng hồ Patek Philippe thậm chí còn có giá gây choáng váng hơn. Một doanh nhân kể trên báo chí rằng, có lần ngồi trong buổi làm việc với Bộ Công thương, anh ta sốc khi Trịnh Xuân Thanh tháo chiếc đồng hồ của mình cho xem, đó là chiếc Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G. Đây là phiên bản đặc biệt với vỏ bọc làm từ vàng trắng cùng những họa tiết điêu khắc, chạm trổ tinh vi hoàn toàn thủ công. Tại thời điểm Thanh khoe (năm 2015), giá chiếc đồng hồ này đã ở mức... 1,7 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng).
Những diễn biến trên cho thấy, việc tặng (bản chất là đưa hối lộ) bằng đồng hồ Patek Philippe đã không còn chuyện hiếm gặp trong xã hội ta hiện nay. Giữa tháng 6/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, kê khai tài sản, thu nhập, hôn nhân và gia đình. Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Yên. Đến ngày 30/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Yên để điều tra về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý, trước khi ông Yên bị khởi tố, dư luận xã hội từng “soi” chiếc đồng hồ ông đeo tại một cuộc họp báo.
Theo các “chuyên gia mạng”, chiếc đồng hồ mà ông Yên đeo lúc đó là Patek Philippe World Time Mecca, có giá 269.370 USD. Khi đó, dư luận đã đặt câu hỏi về nguồn gốc tài sản, rằng chiếc đồng hồ đắt đỏ trên tay ông Yên từ đâu ra, ai tặng, trong vụ việc nào? Ông có kê khai theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập không? Tuy nhiên, đến nay những vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Đồng hồ nguyên nghĩa có chức năng xem thời gian. Nay, nhiều vật dụng khác cũng có chức năng xem thời gian thay đồng hồ như điện thoại. Nhưng, khi giá trị của nó lên tới cả triệu USD thì giá trị sử dụng không còn dừng lại ở chức năng ban đầu là xem thời gian nữa. Nó trở thành vật trưng bày, chứng minh “đẳng cấp” xa xỉ của người sử dụng. Trong lịch sử, nhiều thành viên hoàng gia, tầng lớp quý tộc và người nổi tiếng từng sở hữu đồng hồ Patek Philippe, chứng minh vai vế thượng lưu, quý tộc. Tuy nhiên, khi những chiếc đồng hồ này “dạt” sang Việt Nam, nó trở thành món quà biếu mà các doanh nhân sử dụng để hối lộ cho quan chức nhằm đạt được lợi ích riêng cho mình.
Và, với quan chức, nếu như trước đây được tặng biệt thự hay xe hơi xịn đã đáp ứng nhu cầu ăn ở, đi lại thì nay việc tặng đồng hồ đắt đỏ lại cho thấy một xu hướng khác, kiểu ăn chơi xa xỉ khác thường. Nó gắn với cá nhân người đó, thể hiện thẩm mỹ và “gu quý tộc” chứ không chỉ là việc sở hữu bao nhiêu biệt thự, nằm ở đâu. Vấn đề là khi được nhận món quà đắt đỏ như thế, ai sẽ là người nhận và ai sẽ trả lại?
Cần thấy rằng, chúng ta dù đã cải thiện mức sống rất nhiều thì thu nhập bình quân vẫn mới chỉ vượt ngưỡng 4.000 USD/người/năm, mà giá một chiếc đồng hồ đeo tay đã bằng cả trăm năm thu nhập. Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, có hàng vạn căn nhà tình nghĩa được dựng lên, mỗi căn trị giá bình quân hiện nay là 70 triệu đồng, vậy mà một chiếc đồng hồ trang sức như ông Thọ đeo đã bằng gần 150 căn, còn như đồng hồ Trịnh Xuân Thanh là 600 căn. Hay, so sánh giá trị một căn nhà ở xã hội hiện nay là 2-3 tỷ đồng thì một chiếc đồng hồ đeo chơi như vậy đã sắm được biết bao căn nhà, giải quyết được nỗi lo an cư cho người lao động?
Nước ta còn nghèo nhưng ngẫm sự ăn chơi xa xỉ như thế, thật là đáng lo ngại. Những năm qua, nhiều “củi khô, củi tươi” phải “vào lò”, trả giá cho thói tham lam của mình. Nhưng, còn biết bao người dường như vẫn coi “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, vẫn xài những trang sức, vật dụng vô cùng đắt đỏ dưới dạng “quà biếu”.