Kia
Mobifone

Iran: Câu chuyện dài tiếp nối

Thứ Sáu, 27/08/2021, 08:40

Vòng đàm phán tiếp theo dành cho những nỗ lực tận cùng nhằm cứu vãn và hồi sinh Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - thường được biết đến một cách ngắn gọn là Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký kết với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015 - đã lại thêm mịt mờ, khi cả hai phía tiếp tục gia tăng cả sự cứng rắn lẫn áp lực với đối phương.

Điểm nghẽn

Ngày 18-8, truyền hình nhà nước Iran đưa tin: Đại sứ Iran tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Kazem Gharibabadi và người đồng cấp Nga Mikhail Ulyanov đã thảo luận việc khởi động lại các cuộc đàm phán về khôi phục JCPOA, cũng như các vấn đề trong chương trình nghị sự của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) liên quan đến chương trình hạt nhân của nước cộng hòa Hồi giáo này.

Chỉ sau đó một ngày, 3 cường quốc châu Âu là Anh, Pháp và Đức tuyên bố: Họ đặc biệt quan ngại về báo cáo của IAEA, về việc Iran đã đạt tiến triển trong làm giàu urani. Pháp, Anh và Đức cho rằng điều này vi phạm nghiêm trọng các cam kết của Tehran. Trong tuyên bố chung, bộ trưởng ngoại giao cả 3 cường quốc kêu gọi Iran ngay lập tức ngừng các hoạt động vi phạm đó, đồng thời hối thúc Iran quay trở lại bàn đàm phán tại Vienna để có thể sớm khôi phục JCPOA.

Iran: Câu chuyện dài tiếp nối -0

 Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi: “Quyền lợi của nhân dân Iran phải được đặt lên trên hết!”.

Trong báo cáo được công bố ngày 16-8, IAEA xác nhận: Vào ngày 14-8, Iran đã sở hữu 257 gram urani được làm giàu dưới dạng UF4, để sản xuất 200g kim loại urani làm giàu lên mức 20% U-235. IAEA cũng cho biết thêm rằng đây là khâu thứ ba trong kế hoạch 4 bước của Tehran. Bước thứ tư sẽ bao gồm việc chế tạo một thanh nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định: “Toàn bộ các chương trình hạt nhân và hành động của Iran đều tuân thủ hoàn toàn NPT (Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân) cũng như các cam kết của Iran và những hoạt động này vẫn nằm dưới sự giám sát của IAEA như từng thông báo trước đây". Cũng trong ngày 16-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran  - ông Saeed Khatibzadeh một lần nữa nhấn mạnh: Mỹ cần thực hiện các cam kết hạt nhân, phải dỡ bỏ "hoàn toàn và hiệu quả" các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran.

Đó chính là điều kiện tiên quyết mà Iran chưa bao giờ chịu nhân nhượng một chút nào, kể từ thời tổng thống nhiệm kỳ trước - Hassan Rouhani. Ngược lại, đây cũng chính là điểm Mỹ và các cường quốc phương Tây chưa từng có ý định thỏa hiệp.

Iran: Câu chuyện dài tiếp nối -0

 Đại dịch COVID-19 toàn cầu khiến các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran thêm phần khắc nghiệt.

Kẻ ngoài rìa

Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, nếu như Tehran không giấu giếm ý định chỉ mở rộng các cánh cửa đối thoại với Moskva thì Washington lại chưa có cách nào bày tỏ ý kiến của mình trong một cuộc thảo luận trực tiếp với Iran - điều không thể thiếu nếu nước Mỹ thực sự muốn trở lại là một thành viên tham gia JCPOA và thực sự muốn hồi sinh thỏa thuận lịch sử này.

Có thể nói, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại cho người kế nhiệm mình - tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người tuyên bố là sẽ đảo ngược hầu như tất cả các chính sách của người tiền nhiệm - một “bãi mìn”. Bằng việc đưa nước Mỹ rút khỏi JCPOA hồi năm 2018, ông chủ cũ của Nhà Trắng tạo cho Tehran cơ sở để nói về sự “bội tín” mà họ phải chịu đựng, đồng thời trao cho Iran quyền xem nước Mỹ chỉ còn là kẻ ngoài rìa và đòi hỏi: Trước hết, các hành động thiện chí phải được đưa ra từ Washington. Nghĩa là, nếu đương kim chủ nhân Nhà Trắng không thể thu hồi các biện pháp trừng phạt trước đây, Tehran chẳng có lý do gì để phải tin tưởng hay “xuống nước”.

Và thực tế, kể từ khi những vòng đàm phán về JCPOA được nối lại đầu năm nay, phái đoàn Mỹ chưa thể tham gia với tư cách một bên chính thức. Họ bị phía Iran từ chối và đã luôn phải họp riêng với các thành viên còn lại của JCPOA, như thể Mỹ chỉ là một phái đoàn quan sát viên. Rõ ràng, tình trạng này hạn chế rất nhiều tiến trình khai thông bế tắc hoặc đơn giản chỉ là trao đổi trực diện về những vấn đề còn khúc mắc.

Iran, cũng như mọi bên tham gia JCPOA, đều hiểu rằng phải có sự hiện diện của nước Mỹ, thỏa thuận lịch sử năm 2015 ấy mới có thể được hồi sinh một cách toàn diện. Vấn đề là, vào thời điểm hiện tại, Iran không cần phải vội vã. Họ đã đứng vững trước những lệnh trừng phạt liên tiếp, thậm chí giáng xuống trong tình cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu làm trầm trọng thêm các vấn đề (đến độ Tehran từng dùng cụm từ “chủ nghĩa khủng bố y tế - medical terrorism” để công kích Washington), thì hiện tại, với một nhà lãnh đạo quốc gia mới thuộc phe cứng rắn, Iran càng nhìn nhận rõ cơ hội để đẩy sức ép ngược lại.

Iran: Câu chuyện dài tiếp nối -0

 Iran sẵn sàng hợp tác với Nga và Trung Quốc để xây dựng hòa bình cho Afghanistan sau khi Taliban chiến thắng - một tình thế khó khăn với nước Mỹ.

Tehran nhìn thấu những thách thức mà đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối diện. Ông muốn đưa nước Mỹ can dự trở lại ở mọi điểm nóng địa chính trị toàn cầu, bằng mọi phương tiện ngoại giao và quân sự chứ không chỉ chú trọng về kinh tế, qua đó phục hồi vị thế siêu cường đơn cực của nước Mỹ. Nhưng, muốn là một chuyện, làm được lại là chuyện hoàn toàn khác.

Giữa muôn trùng vây

Trong những ngày này, vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran không thể và cũng không cách nào có thể được xem là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại của nước Mỹ. Vị trí ấy đã, đang và sẽ thuộc về những biến động long trời lở đất ở Afghanistan, nơi mà Lầu Năm Góc đang phải đưa binh sĩ tạm thời trở lại để giải cứu những công dân Mỹ còn kẹt lại trong binh hỗn loạn. Và cũng chính bởi vậy, ở trong nước, cả cựu Tổng thống Donald Trump cùng những người ủng hộ trung thành của ông lẫn phe đối lập đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ đang dấy lên những cơn bão táp chỉ trích, đặt ra những câu hỏi đầy tính cáo buộc về khả năng lãnh đạo đất nước yếu kém mà chính quyền đương nhiệm thể hiện.

Tình hình này có lẽ chưa cho phép cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện nhiều động thái mang tính đột phá, nhằm hướng đến việc phục hồi JCPOA, ít nhất là cố gắng mở những kênh đối thoại trực tiếp với phái đoàn ngoại giao Tehran. Những động thái gia tăng sức ép từ phía Iran có lẽ chủ yếu vẫn sẽ được đón nhận và phản hồi từ các cường quốc châu Âu (Anh, Pháp, Đức), nhằm duy trì một trạng thái cân bằng cần thiết. Hay nói cách khác, “giữ vững phòng tuyến” trước khi những cuộc đàm phán có thể được khởi động trở lại.  

Trong khi đó, bởi vì Iran là một trong những nước láng giềng hùng mạnh nhất của Afghanistan và bởi vì cả hai đều là những “trọng địa” trên bản đồ địa chính trị Trung Đông - Tây Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng sẽ phải nghiền ngẫm và cân nhắc khá kỹ lưỡng về tương quan nặng - nhẹ, mềm - cứng trong các động thái sắp tới, đặc biệt là khi thời gian mỗi lúc một trở nên thúc bách. Không nên quên, cuộc bầu cử giữa kỳ của nước Mỹ cũng chỉ còn một năm rưỡi nữa là sẽ diễn ra và đảng Dân chủ cầm quyền thực sự cần những thành tựu mang tính cột mốc, kể cả về ngoại giao lẫn nội trị, để “phòng ngự” trước những nỗ lực chính trường của đảng Cộng hòa.

Xét cho cùng, Iran không có lý do gì để khăng khăng cự tuyệt việc “hòa giải” và từ đó hồi sinh JCPOA. Ngày 9-8, tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi của Iran đã đề cập đến vấn đề này trong lễ tuyên thệ nhậm chức, cho dù vẫn khẳng định: Quyền lợi của nhân dân Iran phải được đặt lên trên hết. Quyền lợi ấy, thực tế, có liên quan mật thiết đến những dòng vốn đầu tư đổ vào tiến trình tái thiết nước cộng hòa Hồi giáo - điều đã từng được trông đợi, đã từng diễn ra và đột ngột bị ngưng trệ bởi động thái năm 2018 của người đứng đầu Nhà Trắng khi ấy, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đông Phong

.
.