Kia
Mobifone

Hãng phim A24 và thời kỳ phục hưng của Hollywood

Thứ Bảy, 20/08/2022, 11:25

Đâu là điểm chung giữa “Moonlight” của Barry Jenkins – một bộ phim dịu dàng thấm thía về hành trình trưởng thành của cậu bé đồng tính da màu cô đơn, và “Everything, everywhere all at once” của bộ đôi đạo diễn The Daniels – một bộ phim vũ bão khiến đầu óc ta xoay mòng mòng về một chủ tiệm giặt là bỗng dưng phải phiêu lưu giữa những vũ trụ song song để chống lại Jobu Tupaki, kẻ đã tạo ra một chiếc bánh vòng chứa đựng sự hư vô?

Đâu là điểm chung giữa những bộ phim giả tưởng quái dị đầy chất phúng dụ Hy Lạp của nhà làm phim Yorgos Lanthimos và một bộ phim tài liệu chân thật về cuộc đời đoản mệnh của nữ ca sĩ Amy Winehouse?

Dường như chúng chẳng có gì giống nhau cả. Song đó lại chính là sự giống nhau của chúng. Giống nhau ở chỗ tất cả đều khác nhau một trời một vực và sáng tạo độc nhất vô nhị. Một điểm giống nhau nữa là chúng đều đến từ một hãng phim non trẻ: A24.

A24 và thời kỳ phục hưng của Hollywood -0
Poster phim “Everything, Everywhere all at once”

Non trẻ, bởi 2022 mới là kỷ niệm tròn 10 năm thành lập của A24. Điện ảnh có thể là một môn nghệ thuật trẻ trung nhất nhưng cũng đã có lịch sử hơn 120 năm rồi. Khi so cùng với tuổi đời của xi-nê, A24 chỉ như một đứa bé con vắt mũi chưa sạch, một thiếu niên nổi loạn không cam chịu sự sắp đặt của những người già cổ hủ. Nhưng hơn bao giờ hết, điện ảnh cần điều đó, điện ảnh cần những cuộc nổi dậy, những kẻ phản bội, những đội “phiến quân”, điện ảnh cần bị xáo trộn, bị lộn tùng phèo, bị thách thức và lật đổ.

Nói theo cách ấy, “Everything, everywhere all at once” – bộ phim lộn xộn đến cùng cực và cũng là tác phẩm đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử A24, hiện tượng điện ảnh trong mùa hè vừa qua, cơn sốt không ngừng lây lan từ các nhà phê bình tới khán giả đại chúng – chính là một ẩn dụ cho cuộc nổi loạn, xáo trộn ấy. Nhân vật nữ chính trong phim do Dương Tử Quỳnh thủ vai, một người phụ nữ gốc Hoa luôn tối mắt tối mũi trong công việc bù đầu nhưng tẻ nhạt của cửa tiệm giặt là trong khi thiếu sự thấu cảm với chính những người thân yêu nhất của mình, có lẽ cũng là hình ảnh của điện ảnh Hollywood ở tuổi trung niên đang trở nên trì trệ, công thức, khuôn mẫu, thậm chí ngay đến cảm xúc cũng đầy gượng gạo. Cuộc phiêu lưu điên rồ của cô khi phải liên tục nhảy cóc qua những vũ trụ khác thường và dị hợm, thậm chí có cả vũ trụ nơi cô trở thành một tảng đá, hay vũ trụ nơi cô có đôi bàn tay dài như xúc xích, là điều duy nhất cô có thể làm để ngăn chặn sự hủy diệt của thế giới, sự tràn ứ của hư không và cả sự vô nghĩa không thể tránh khỏi của cuộc đời này. Vũ điệu điên rồ ấy không chỉ giúp cô tìm lại được ý nghĩa cho đời mình, mà cả ý nghĩa của việc làm phim ở Hollywood.

Nhà làm phim của “Spring Breakers”, một trong những tác phẩm đầu tiên của A24, đã nói thế này: “Thời điểm này, Hollywood được vận hành bởi những kế toán. Cho nên bất cứ khi nào bạn được nói chuyện với ai đó không phải một kế toán hay một nhân viên văn phòng, thì điều đó thật thú vị. Những người này dành trái tim cho phim”. Các nhà sáng lập A24, Daniel Katz, David Fenkel, và John Hodges đã đảm bảo rằng hãng phim của họ không xoay quanh những kế toán, những người ngồi bàn giấy làm hành chính, thậm chí cũng không xoay quanh họ. A24 xoay quanh những bộ phim và những nhà làm phim. Đó là một tuyên ngôn thực sự quan trọng.

Quan trọng bởi chúng ta đang sống trong một nền công nghiệp phim ảnh nơi ngay cả những đạo diễn tài năng nhất cũng phải làm phim theo đơn đặt hàng, hay nói cách khác, là những người “đẻ thuê” cho nhà sản xuất, nơi ai có tiền là người đó có quyền lực tối thượng với phim, nơi công thức luôn được ưu tiên hơn sự liều lĩnh, nơi làm phim giống với việc giải một bài toán hơn là sáng tác một tác phẩm nghệ thuật, nơi tính hiệu quả của kịch bản có thể được lượng hóa qua những biểu đồ.  Trong một nền công nghiệp phục vụ con người nhưng lại quá đỗi máy móc như thế, thật cảm động biết bao khi được nghe câu chuyện mà Barry Jenkins kể lại khi làm “Moonlight”, rằng những ông chủ A24 đã đầu tư cho phim dù chẳng biết bộ phim nói về cái gì, thứ duy nhất họ cần biết là “bộ phim ấy mang tới cảm giác ra sao”. Chuyện sau đó thế nào thì ai cũng biết, “Moonlight” trở thành bộ phim đầu tiên của A24 giành giải Phim Xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar trong một đêm kỳ lạ khi người trao giải ban đầu đọc nhầm tên “La La Land” vốn năm đó cũng là ứng viên hàng đầu cho hạng mục này, và chiến thắng của “Moonlight” thực sự đầy tính ẩn dụ khi “La La Land” được coi như một lá thư tình gởi đến Hollywood cổ điển và cũ xưa.

Nhưng rốt cuộc, phim A24 khác gì phim của những hãng phim lớn thông thường? Về chủ đề, chúng không có gì mới cả. Người ngoài hành tinh, trí tuệ nhân tạo, lưu lạc bên ngoài vũ trụ, tuổi trưởng thành, những bóng ma, những nghi lễ kinh dị - tất cả những chủ đề này đã được các bom tấn Hollywood khai thác nhẵn ra rồi. Thế nhưng, các nhà làm phim của A24 chứng minh rằng một câu chuyện cũ vẫn có thể được kể theo cách mới.

Chẳng hạn, vẫn là câu chuyện người ngoài hành tinh, nhưng thay vì tạo ra cuộc chiến đẫm máu kịch tính giữa con người và những sinh thể từ ngoài vũ trụ, thay vì vẽ nên những đại cảnh hoành tráng bằng CGI, bộ phim “Under the skin” của Jonathan Glazer lại mượn vỏ bọc viễn tưởng để kể về một cuộc đời lặp lại vô nghĩa của một người ngoài hành tinh bị giao nhiệm vụ mồi chài những gã đàn ông cả tin làm mồi cho một đội quân bí mật. Đó sau rốt không phải một câu chuyện viễn tưởng, đó là câu chuyện về một con người, cụ thể là một phụ nữ bị tiêu giản hóa chỉ còn là một vật thể tình dục, một lớp da xinh đẹp vô tri, không ai biết bên dưới có gì.

A24 và thời kỳ phục hưng của Hollywood -0
Hình ảnh một số nhân vật tiêu biểu trong các bộ phim độc đáo của A24

Hay với “A Ghost Story” của David Lowery, một bộ phim ma nhưng không hòng dọa ma, thậm chí con ma trong phim được hóa trang thật nực cười, với một tấm chăn trắng trùm lên đầu trông chẳng khác chi một con ma trong bức tranh của đứa trẻ lên 5. Một lần nữa, tính chất siêu nhiên chỉ là cái cớ. Điều mà nhà làm phim muốn kể tuyệt nhiên không phải một câu chuyện kinh dị nào, mà là sự bế tắc của một siêu linh trong chính cuộc đời đã không còn tiếp diễn của mình. Không sa ngã vào việc mô tả sự sợ hãi của việc đối diện với một bóng ma, Lowery kể về nỗi sợ hãi của việc làm một bóng ma, vì chẳng phải đó mới là điều đáng sợ thực sự ư, khi phải lởn vởn suốt hàng ngàn năm, chứng kiến mọi sự đổi dời nhưng chỉ riêng mình là ma lại hoàn ma.

Không có một biên giới nào đối với A24. Bạn có thể là một đạo diễn đã có đủ mọi vinh quang như Sofia Coppola, bạn có thể là một đạo diễn mới bắt đầu làm phim như Alex Garland hay Robert Eggers, thậm chí là một đạo diễn chuyên làm MV ca nhạc như Jonathan Glazer, bạn có thể là một diễn viên gạo cội như Bill Murray hay Willem Defoe, một siêu sao cỡ Nicole Kidman hay Scarlett Johansson, cũng có thể là một diễn viên nổi tiếng thành danh nhờ phim bom tấn nhưng đã chán ngán những bộ phim bom tấn như Daniel Radcliffe hay “Robert Pattinson, bạn cũng có thể là một gương mặt chưa ai biết là ai, tất cả đều được A24 chào đón. Thứ duy nhất bạn cần để bước vào thế giới của A24 chỉ đơn giản là: bạn có dám làm một điều gì đó không ai nghĩ bạn có thể làm hay không. Điều này giống hệt như cách mà nhân vật của Dương Tử Quỳnh trong “Everything, everywhere all at once” phải làm mỗi khi cô muốn thực hiện một bước nhảy sang vũ trụ khác – cô phải làm một điều gì đó rất đỗi kỳ dị.

Ví như Daniel Radcliffe chẳng hạn, làm sao ta có thể nghĩ người gắn liền với hình tượng cậu bé phù thủy Harry Potter ngày nào có thể vào vai một xác chết biết đánh rắm, và nói cho cùng nếu phải sống trong một thế giới mà người ta không thể tùy tiện đánh rắm lúc nào mình thích thì đó chẳng phải nơi đáng để sống, như trong “Swiss Man Army”? Làm sao người đàn ông với gương mặt đẹp như tạc tượng cỡ Robert Pattinson có thể vào vai một tay gác đèn biển râu tóc bù xù và dần phát điên trên hòn đảo quái gở trong “The Lighthouse”? A24 thực sự là một đa vũ trụ mà bạn không bao giờ ngờ rằng lại có tồn tại như trong “Everything, everywhere all at once”, nhưng quả nhiên, chúng có tồn tại, dù điên rồ đến mấy thì chúng cũng có tồn tại.

A24 theo cách nào đó đã tạo nên một thời kỳ phục hưng cho Hollywood đang bị bão hòa bởi những bộ phim dập khuôn, những bộ phim mà ta chỉ cần xem một cảnh là biết cảnh sau sẽ thế nào. Họ đi vào cốt lõi của điều làm nên sự hấp dẫn của một câu chuyện như nhà văn Neil Gaiman từng nói, rằng một câu chuyện hay là câu chuyện khiến ta phải liên tục hỏi: “Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?”. Cái kỳ quái, điên rồ, khó lường, luôn sẵn sàng ném ta vào một vũ trụ bất quy tắc và phi quy luật nơi những bộ phim của A24 thật ra là một biểu hiện cho điều cơ bản nhất làm nên sự độc đáo của họ: họ biết rằng các khán giả ra rạp vì họ muốn xem một bộ phim. Một bộ phim, chứ không phải một bài toán giải theo mẫu có sẵn. Một bộ phim, chứ không phải một cỗ máy in tiền. Một bộ phim, chứ không phải một công thức được đắp da đắp thịt. Một bộ phim, chứ không phải một chiến dịch tranh giải thưởng của Viện hàn lâm. Một bộ phim có thể khiến ta thấy sốc óc, có thể khiến ta nhẹ bẫng lâng lâng, thế nào cũng được, nhưng trước hết nó phải là một bộ phim cái đã.

Và A24 khác biệt chẳng phải vì họ làm ra những bộ phim khác biệt, mà vì họ làm ra những bộ phim, những bộ phim đúng nghĩa là những bộ phim.

Hiền Trang

.
.