Giá trị của độc lập

Thứ Bảy, 24/09/2022, 10:04

Được giáo dục về những mất mát của lịch sử, người ta mới biết trân trọng những chiến thắng của lịch sử. Được giáo dục về những cái giá chết người của độc lập, người ta mới biết phát huy nguồn cảm hứng độc lập mình đang có.

"Bài học lớn nhất mà chúng ta có thể học được từ lịch sử là gì, theo anh?" - một khán giả trẻ thường xuyên theo dõi chuyên mục "Theo dòng sử Việt" trên kênh Youtube "Nhà báo Phan Đăng" đã nhắn tin hỏi như vậy. Tôi trả lời: "Đó chính là cảm thức độc lập. Chúng ta đang sống trong một quốc gia độc lập, và hơn ai hết, chúng ta phải hiểu rằng độc lập không phải là một thứ giá trị từ trên trời rơi xuống".

Giá trị của Độc lập -0
Chúng ta đang sống trong một quốc gia độc lập, và hơn ai hết, chúng ta phải hiểu rằng, độc lập không phải là một thứ giá trị từ trên trời rơi xuống.

Nhưng làm thế nào để từ "những trang sử khô khan", "những sự kiện đóng chết", "những số liệu vô hồn", chúng ta có thể giúp người trẻ sống được với những cảm thức hôi hổi nóng? Đó là những băn khoăn rất lớn của tôi khi bắt tay thực hiện kênh Youtube cá nhân về lịch sử Việt Nam.

Và rồi tôi nhận ra, lịch sử hay ở những câu chuyện. Những câu chuyện hay ở tính đa chiều. Chính những câu chuyện đa chiều sẽ giúp người trẻ thấy rằng lịch sử sinh động như đời sống. Và lịch sử thú vị ở chỗ khi chúng ta đặt những câu chuyện đa chiều có tính chất tương tự cạnh nhau, tư duy của chúng ta sẽ được quẫy đạp. Rồi chính từ sự quẫy đạp, cái nhu cầu phải tìm hiểu nữa, tìm hiểu mãi sẽ nảy sinh.

Chẳng hạn, cùng là hiện tượng phế ngôi triều trước, lập ngôi triều mình, và cùng phế ngôi triều trước ở thời điểm vương triều ấy đã bại hoại, suy vong, tại sao Trần Thủ Độ thành công, Hồ Quý Ly thất bại? Tại sao cảm thức độc lập không chỉ được thể hiện trong mỗi cuộc chiến, mà còn được thể hiện trong những hoạt động ngoại giao vô cùng tinh tế của cha ông? Ngoại giao tinh tế để tránh chiến tranh hay cứ để chiến tranh xảy ra và tự tin vào năng lực "đã đánh là thắng" - hai cách ấy, cách nào hay hơn?

Khi chúng ta đặt những câu chuyện đa chiều của lịch sử vào vùng suy ngẫm của người trẻ, chứ không phải áp đặt tư duy, thì tình yêu lịch sử vốn có trong lòng người trẻ, cái nhu cầu tiềm ẩn về việc phải tìm hiểu về gốc gác, bản thể trong lòng người trẻ rồi sẽ được gọi ra.  Tuy nhiên, nhận thức là một chuyện, biến tất cả những nhận thức đó thành những video ngắn, với những phương thức kể chuyện hấp dẫn được người trẻ là một thách thức vô cùng lớn. Thật may, một số kênh youtube về lịch sử đã vượt qua được thách thức này. Còn với riêng cá nhân mình, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản: Có thêm một người trẻ xem clip và trở thành khán giả thường xuyên của một chuỗi những clip về lịch sử Việt Nam, là cảm thức về nền độc lập dân tộc lại lan tỏa thêm một chút.

Trở lại với câu hỏi mà tôi đã trả lời bạn trẻ: Cảm thức độc lập vang lên từ lịch sử. Người trẻ có thể hiểu cảm thức này như thế nào?

Giá trị của Độc lập -0

Hãy nói về một câu chuyện cụ thể: Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), chính thức kết thúc nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ mới. Vậy thì phải chăng, cảm thức độc lập trong câu chuyện này chỉ gắn với Ngô Quyền và những tướng lĩnh của ông? Không! Chiến thắng của Ngô Quyền - cái cột mốc độc lập thiêng liêng ấy đâu chỉ là câu chuyện của một trận đánh, một khoảnh khắc, được đánh dấu bằng một tọa độ không - thời gian cụ thể trên hệ tọa độ lịch sử. Để có được một chiến thắng bước ngoặt ấy, trong ngót nghét nghìn năm, đã có trên dưới mười cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, giành được những chiến thắng tiêu biểu, nhưng chưa thể giữ chiến thắng lâu dài. Cho nên, trong âm vang chiến thắng của Ngô Quyền, người học sử luôn cảm nhận được máu của những đoàn quân Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ... âm thầm đổ xuống. Máu của lịch sử - đó là một hiện thực. Và máu của lịch sử đã phải đổ xuống đủ lâu, đủ dài, đủ đắng cay… mới có thể tạo nên một khoảnh khắc huy hoàng.

Trên thực tế, phần lớn các dân tộc đều đổ máu, vì lịch sử nhân loại cổ trung đại đến tiền hiện đại về cơ bản là lịch sử chiến tranh. Sau đó, đã có những dân tộc mãi mãi không thể giành lại quyền độc lập. Lại có dân tộc chỉ giành được nền độc lập ngắn ngủi, trước khi lại rơi vào quỹ đạo "mất độc lập", rồi bị diệt vong/đồng hóa,  dẫn tới bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Cho nên đổ máu mà có độc lập - một thứ độc lập bền vững, một thứ độc lập được nối tiếp, được duy trì, được bảo vệ trước mọi rình rập hiểm nguy, đấy thật sự là một giá trị rất đáng tự hào. Không hiểu được giá trị độc lập đó, người đương thời có tội với tiền nhân. Không phát huy được cảm hứng độc lập đó, chúng ta có thể đứng trước nguy cơ đánh mất những cơ đồ lớn lao mà cha ông để lại.

Nhưng đừng nghĩ rằng cứ hễ có độc lập là tất yếu có cảm hứng của nền độc lập. Khi Ngô Quyền nằm xuống, hai con Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập thay nhau nắm quyền hành thì loạn lạc lập tức nổi lên, khiến mảnh đất vừa giành lại độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc, giờ rơi vào tình trạng… loạn 12 sứ quân. Phải đợi tới khi Đinh Tiên Hoàng kết thúc thời kỳ đó, rồi Lê Đại Hành Hoàng đế kế thừa, tạo nên một triều đình trung ương đủ mạnh, áp dụng những phương sách ngoại giao đủ tầm, thì cảm hứng của nền độc lập non trẻ mới được thổi bùng trở lại.

Nhìn một cách bao quát, chúng ta thấy rằng cảm hứng độc lập chỉ hiện hữu, khi những con người gánh vác những trọng trách trụ cột trong bộ máy đúng là những con người hành động vì sự phát triển đích thực của người dân. Cảm hứng độc lập chỉ có, khi những giá trị cốt lõi trong lòng một thể chế đủ hấp dẫn để tạo nên đồng thuận xã hội.

Mà muốn "cảm", muốn hiểu, muốn phát huy thứ giá trị thiêng liêng đó, giáo dục lịch sử phải là công việc hàng đầu. Và, nó phải là một lịch sử sống động, nhiều chiều, chứ không thể chỉ là một bảng biểu liệt kê tất cả những chiến thắng từ A đến Z.

Lịch sử đâu có đơn giản, dễ dàng để chúng ta cứ hễ muốn thắng là giành chiến thắng? Độc lập đâu có đơn giản, dễ dàng, để khi muốn có nó thì cứ phất cờ, đứng lên, đánh một trận là xong?! Chúng ta đã mất tới gần 10 thế kỷ phiên thuộc, với biết bao kiếp người thống khổ hy sinh mới có được một chiến thắng bản lề của Ngô Quyền. Chúng ta đã mất gần một thế kỷ tìm tòi, thử nghiệm, mất mát mới có được một ngày mùa thu Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Mà đọc Tuyên ngôn Độc lập xong rồi, chúng ta cũng đâu có thể độc lập ngay như những gì chúng ta mong muốn. Còn phải mất thêm chín năm hy sinh gian khổ, rồi lại mất thêm 21 năm người Nam kẻ Bắc… mới có được một ngày độc lập hoàn toàn. Rồi chúng ta còn phải thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao khéo léo, lách qua những tình huống căng thẳng nghìn cân treo sợi tóc, mới có thể bảo vệ nền độc lập hoàn toàn đến tận ngày hôm nay.

Không có "ông trời" nào "bỗng dưng" cho chúng ta độc lập.

Cũng không có "ông trời" nào bất chợt cho chúng ta cảm hứng của nền độc lập.

Và chắc chắn, cũng không phải ngẫu nhiên mà chúng ta giữ được nền độc lập của mình lâu dài, mãi mãi!

Phan Đăng 
.
.
.