Đi tìm ''Bí thư Kim Ngọc'' thời nay

Thứ Tư, 27/10/2021, 14:14

Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi". Nhưng, để "đi mãi thành đường" thì phải có người khai phá tiên phong. Mấy chục năm nay, giai thoại về ông Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bản lĩnh, đột phá, dám nghĩ dám làm được nhắc đến với ý nghĩa một hình mẫu cần nhân rộng. Vậy thời nay, làm thế nào để có thêm những "phiên bản" ông Kim Ngọc?

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Kết luận nêu rõ, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế...

Tại sao thời điểm này, Bộ Chính trị ban hành Kết luận trên?

Trở lại với câu nói nổi tiếng của nhà văn Lỗ Tấn: "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi". Nhà thơ Robert Frost thì viết: "Trong rừng có nhiều lối đi và tôi chọn lối đi không có dấu chân người". Ở đây, hàm ý "đi mãi thành đường" đề cao sự tiên phong mở lối của con người trong lao động, sáng tạo và "chọn lối đi không có dấu chân người" là thể hiện bản lĩnh đi trước, sự xung kích dám nghĩ dám làm, không theo lối mòn.

Đảng ta luôn nhấn mạnh công tác cán bộ có ý nghĩa đột phá và để phát huy đầy đủ khả năng đột phá, tất yếu phải có cơ chế cho cán bộ có môi trường thể hiện. Sau hơn 35 năm đổi mới, sức ỳ trong lao động, chỉ đi theo lối mòn đang là điểm nghẽn, lực cản lớn.

Đương nhiên, sự bứt phá, đổi mới, tiên phong mở đường hay "chọn lối đi không có dấu chân người" phải đảm bảo nguyên tắc "được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng". Đây là nền tảng rất quan trọng, tránh việc lợi dụng quan điểm "tiên phong mở đường" để thực hiện động cơ cá nhân, vụ lợi hoặc thoát ly đường lối của Đảng, Nhà nước, gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, cộng đồng.

Đi tìm ''Bí thư Kim Ngọc'' thời nay -0
Hội thảo khoa học về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc

Cuối năm ngoái, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học "Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - chân dung một con người đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp". Đây cũng là dịp để khắc họa rõ nét chân dung, cốt cách Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng chủ trương "khoán hộ" ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968. Chủ trương "khoán hộ" là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng "dong công, phóng điểm" diễn ra phổ biến trong các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ. Những nội dung tiến bộ vượt thời gian của "khoán hộ" đã thổi luồng sinh khí mới, khẳng định thực tiễn đổi mới, sáng tạo của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Từ "khoán hộ" ở Vĩnh Phúc đến "khoán sản phẩm trong nông nghiệp" ở Hải Phòng là những cơ sở thực tiễn của "Khoán 100" và "Khoán 10" chính là bệ phóng cho nông nghiệp. "Với người nông dân nói riêng, câu chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc sẽ mãi mãi là một trong những câu chuyện đẹp như huyền thoại trên cánh đồng thời đại Hồ Chí Minh và đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ XX. Những đóng góp của đồng chí Kim Ngọc đã in dấu vào đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua" - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Thào Xuân Sùng đánh giá. 

Rõ ràng, "khoán hộ" của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là sự đột phá đi trước mở đường, là việc "chọn lối đi không có dấu chân người" và điều căn bản nhất, sự đột phá ấy nằm trong khuôn khổ cho phép, không trái với Hiến pháp, Điều lệ Đảng. 

Nhiều người nói, câu chuyện ông Kim Ngọc xưa rồi, ngày nay không còn môi trường, điều kiện, cơ chế để nảy sinh những người như vậy nữa. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn luôn là "cánh đồng sinh động" và mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có thể hình thành những con người sáng tạo và bản lĩnh tìm lối đi mới, bước đi khám phá đem lại hiệu quả cho những dấu chân sau. Hiện nay, Quảng Ninh dẫn đầu 4 chỉ số gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Theo các chuyên gia, đó là thành quả thể hiện đậm nét dấu ấn của những người đi trước mở đường, đặc biệt trong giai đoạn đồng chí Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy. Đó là giai đoạn mà tỉnh tập trung tổng kết thực tiễn, đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, thách thức, xây dựng tầm nhìn và triết lý phát triển, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Ông Nguyễn Văn Đọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ với báo chí: "Dấu ấn về đồng chí Phạm Minh Chính có thể gói gọn trong hình ảnh một "người truyền lửa" - người từ nơi khác đến, tổng kết, phát hiện và truyền lại cho chính người dân Quảng Ninh về tình yêu, niềm tự hào, khát vọng vươn lên từ những tiềm năng, cơ hội nổi trội, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của "một Việt Nam thu nhỏ"; người tìm tòi để xác định tầm nhìn, hướng đi mới cho Quảng Ninh; người khơi dậy nguồn lực từ trong sức dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển".

Mới đây nhất, khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch COVID-19, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái đã quyết định thực hiện mô hình chống dịch chưa có tiền lệ: Tìm mọi cách thuê, mua, xin bình oxy, nâng số giường cho F0, bố trí bồn oxy lỏng dung tích lớn nhất thời điểm ấy tại bệnh viện dã chiến của quận. Kết quả, sau 3 tuần, bệnh viện dã chiến số 1 của quận 7 đã góp phần vào giảm tỷ lệ tử vong hơn 31%. Ngày 30-8-2021, quận 7 là một trong 3 địa phương đầu tiên công bố kiểm soát được dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đến thăm mô hình của quận 7 đã ca ngợi việc quận mạnh dạn "xé rào" để làm những việc chưa có tiền lệ, vượt khỏi quy trình. Ông cũng khuyến khích các cơ sở nên có những mô hình chủ động, sáng tạo như vậy trong quá trình chống dịch. Còn Bí thư quận 7 thừa nhận, có lúc ông "cảm thấy run" khi làm những việc không giống các địa bàn khác nhưng có lúc lại nuối tiếc vì chưa đưa ra quyết định mạnh mẽ nhất để dịch được kiểm soát sớm hơn, tốt hơn nữa. 

Như vậy, cán bộ dám nghĩ dám làm để lại dấu ấn nhưng xét trên bình diện chung, tỉ lệ xuất hiện của họ vẫn là quá thấp so mặt bằng và so với yêu cầu phát triển. Đi theo lối mòn người khác vạch sẵn, sợ đụng chạm, sợ sai vẫn là tâm lý bao trùm.

Nhìn lại tiến trình xây dựng, kiến thiết đất nước, chúng ta thấy nhiều mô hình "xé rào" thành công và được ghi nhận. Tuy nhiên, thành công thì được ghi danh, được tôn vinh nhưng nếu thất bại, thậm chí gây hậu quả thì việc xử lý hậu quả đó như thế nào và trách nhiệm của người "xé rào" ra sao? Đây chính là câu hỏi lớn và phải trả lời rõ thì mới giải quyết được điểm nghẽn. Người dám nghĩ dám làm thường phải đối mặt nhiều áp lực, nhất là thời điểm đưa ra ý nghĩ, cách làm thì người khác "thấy lạ, không giống ai" và kèm đó là sự dò xét, nghi ngại. Mẫu số của vấn đề này chính là động cơ, tất cả phải vì động cơ trong sáng, vì mục tiêu phát triển, vì lợi ích chung. Mọi trường hợp hành động vì lợi ích, động cơ cá nhân thì không thể gán cái mác "dám nghĩ dám làm" để biện hộ hành vi sai phạm.

Do đó, Kết luận 14 chỉ rõ: "Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm".

Đăng Trường
.
.
.