Để không còn chuyện “đen thôi, đỏ quên đi”
Những ngày này, dư luận cả nước đang đặc biệt quan tâm tới phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu". Trước phiên tòa, dư luận đã ít nhiều biết được kết quả điều tra vụ án và đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi mức độ nghiêm trọng của những con số hàng triệu USD qua hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Tuy nhiên, lời khai tại phiên tòa của các bị cáo khiến dư luận càng thêm bức xúc trước những thủ đoạn của nhiều quan chức, doanh nghiệp đã "làm tiền" trên nỗi đau, nỗi sợ hãi tột cùng của đồng bào, đồng loại trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu và cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi ngày trong cả năm trời. Qua vụ án này, có thể rút ra những bài học nhằm không để tái diễn những phiên bản "Chuyến bay giải cứu".
Bài học đau xót về việc lợi dụng những chính sách nhân văn, cao cả của Nhà nước, chà đạp lên tình đồng loại để trục lợi
Cuối năm 2019, một đại dịch đã khởi phát tại TP Vũ Hán, Trung Quốc và nó được định danh là COVID-19. Lúc đầu, các nước và WHO đều lo ngại nhưng chỉ ở mức độ vừa phải và tâm lý chung là COVID-19 cũng giống như một số loại dịch bùng phát trước đó vài năm, sẽ không lan rộng và sớm được khống chế. Tuy nhiên, tình hình diễn biến rất nhanh và thêm trầm trọng, số người bị nhiễm tăng chóng mặt. Dịch lan nhanh sang châu Âu khiến một số nước như Tây Ban Nha, Italy, Pháp... có hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn người bị nhiễm COVID-19 mỗi ngày và cũng có hàng ngàn người tử vong/ngày. Khi dịch lan rộng ở châu Á, nó diễn biến nghiêm trọng hơn và cả thế giới choáng váng với hình ảnh những lò thiêu khắp nơi ở Ấn Độ nghi ngút khói suốt ngày đêm hỏa táng thi thể nạn nhân tử vong vì dịch...
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là một nước khá an toàn với COVID-19. Những biện pháp chống dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận là hiệu quả, người nhiễm bệnh khá ít trong nhiều tháng và sau đó, dù số người nhiễm gia tăng, nhưng không ghi nhận trường hợp nào tử vong vì COVID-19 cho đến cuối tháng 7/2020. Với tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi, Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đã đồng lòng, nhất trí cao việc hồi hương công dân Việt Nam ở các vùng dịch trên thế giới. Đây là một quyết định cực kỳ nhân văn và dũng cảm, bởi việc tổ chức những "Chuyến bay 0 đồng" vào tâm dịch để hồi hương người Việt là rất tốn kém, mạo hiểm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan, gây bùng phát dịch ở trong nước.
Đau xót thay, một chủ trương, chính sách tốt đẹp như vậy đã bị lợi dụng, trục lợi; bất chấp nỗi đau và nỗi sợ hãi tột cùng của người dân trước cái chết đang rình rập, một số quan chức, doanh nhân thản nhiên "đi đêm", mặc cả với nhau. Cái giá mà doanh nghiệp lót tay quan chức để được cấp phép mỗi chuyến bay khoảng 150 triệu đồng hoặc mỗi "đầu người" hồi hương từ 2-3 triệu đồng; giá làm hộ chiếu cũng chênh 3-5 triệu đồng để vừa "làm quỹ", vừa chia chác, bỏ túi cá nhân.
Mọi chi phí đương nhiên đều "đổ đầu" lên những người dân đang từng ngày, từng giờ mong ngóng được hồi hương để tránh dịch. Bình quân, mỗi người dân để về được Việt Nam trên những "Chuyến bay 0 đồng" phải đóng hàng chục triệu đồng, cao nhất là về từ Mỹ, lên đến cả trăm triệu đồng. Ngay thời điểm tháng 6/2021, người viết bài này đã "ngẩn tò te" và hụt hẫng khi một người bạn từ Mỹ về nước cho biết: "Dù được một lãnh đạo cấp cao ở trong nước chỉ đạo, giúp đỡ, nhưng tôi vẫn phải "nộp" gần 3.000 USD mới lên được máy bay. Nghe nói, trên cùng chuyến bay, có người phải chi tới 7.000 USD".
Điển hình nhất của hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi trong vụ "Chuyến bay giải cứu" chính là lời khai của bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun tại tòa: "Người ở Bộ Giao thông - Vận tải gây khó khăn trong việc cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Ngày mai bay thì hôm nay bị cáo mới được cấp phép chuyến bay". Theo lời khai của bị cáo Dương, trước mỗi chuyến bay, phía công ty của bị cáo phải "nộp cọc" rất nhiều tiền. Thời gian đầu, dù bị người ở Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông - Vận tải gây khó khăn, nhưng bị cáo nhất quyết không đưa tiền. Sau đó, bị cáo thấy nếu không đưa tiền thì khó có thể được cấp phép chuyến bay nên bị cáo phải chi 150 triệu đồng một chuyến bay. Chua xót hơn khi bị cáo Dương thốt lên trong lời khai báo tại tòa: "Cục Lãnh sự gây khó khăn. Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay thì nay mới biết mình được về, là hành hạ họ. Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà là hành dân".
Những hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" đã để lại hậu quả nặng nề cũng như hệ lụy lâu dài. Trước hết là người dân chịu nhiều thiệt thòi, thiệt hại về kinh tế, chưa kể những người thiếu may mắn do phải chờ đợi ở tâm dịch quá lâu mà có thể nhiễm bệnh, tử vong. Thứ hai, nó làm căn bệnh tha hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, công chức, doanh nhân thêm trầm trọng; việc đưa - nhận hối lộ mặc nhiên được coi là tất yếu trong mối quan hệ giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, nó cũng chà đạp lên hình ảnh trong sáng và tươi đẹp của những cháu bé đập lợn đất, những cụ già rút hết sổ tiết kiệm, bán sạch vườn rau để ủng hộ Chính phủ chống dịch, ủng hộ người dân vùng bị phong tỏa... Thứ ba, tai hại hơn, nó làm méo mó đường lối, chính sách của Đảng, làm tê liệt pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện để kẻ xấu xuyên tạc, kích động, bôi nhọ chế độ, "quy đồng mẫu số" tiêu cực những chủ trương, chính sách tốt đẹp.
Bài học về lằn ranh "cảm ơn" - "hối lộ" và chủ động đấu tranh, ngăn chặn tội phạm "cổ cồn trắng"
"Của biếu là của lo, của cho là của nợ" là một câu châm ngôn mà có lẽ hầu hết người Việt Nam đều biết. Vậy nhưng, để chiến thắng chính mình, để nói không với những món quà mà nhìn vào rất dễ bị "hoa mày chóng mặt" vì giá trị của nó quá lớn, là việc vô cùng khó với mỗi người. Ở các nước phát triển, có nền tảng pháp lý chặt chẽ hàng trăm năm, quy định về "quà tặng, biếu, cảm ơn" rất minh bạch và chặt chẽ; đặc biệt là họ ít dùng những khoản tiền mặt lớn để giao dịch. Ngân hàng kiểm soát rất chặt các giao dịch tiền mặt và ngành thuế cũng đủ chế tài, biện pháp để phát hiện, ngăn chặn những khoản tiền mặt có dấu hiệu bất minh. Mọi quà biếu, tặng quan chức đều phải kê khai minh bạch, sau đó cơ quan chức năng xem xét, thẩm định cái nào thuộc sở hữu của nhà nước, cái nào thuộc sở hữu của người được tặng.
Trở lại vụ án "Chuyến bay giải cứu", hầu hết các cán bộ, công chức cấp vụ, phòng, chuyên viên, đều chủ động gây khó dễ, "rung dọa", "đòn vọt" để doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép chuyến bay, số lượng người, nơi cách ly... Điển hình như các cán bộ ở một số bộ, ngành đã mặc cả thẳng tưng cái giá mà doanh nghiệp phải chung chi mỗi chuyến bay, mỗi công dân về nước. Có lẽ, hiện tượng này không phải là quá hiếm nhưng nó chỉ được/bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc theo pháp luật trong vụ đại án này. Trong khi đó, các bị cáo có "phẩm trật" cao hơn đều khai tại tòa: "Bị cáo cho rằng đó là quà cảm ơn, vì việc đã giải quyết xong. Bản thân bị cáo không hề gợi ý, đòi hỏi".
Quà cảm ơn, nếu có giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng triệu USD thì đương nhiên pháp luật chỉ có thể định danh nó là "hối lộ".
Một bài học cực kỳ quan trọng trong vụ án này, chính là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và sự vào cuộc của Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng. Đối với Bộ Công an, quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là "kỷ luật một người để cứu muôn người", từ đầu năm 2021, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo lựa chọn khâu đột phá, xử lý một việc để cảnh báo, cảnh tỉnh phòng ngừa chung.
Tháng 6/2021, trong loạt bài "Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19", trao đổi với phóng viên Báo CAND, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn của Bộ Công an khẳng định: "Thời gian tới, lực lượng CAND sẽ khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, xử lý những vụ án trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, qua đó kịp thời xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội. Trong đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi hoạt động lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, thu lợi bất chính; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19".
Việc quyết tâm chỉ đạo, điều tra khám phá vụ án "Chuyến bay giải cứu" là chiến công có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội rất lớn. Song, vấn đề đặt ra là, cần ngăn chặn triệt để những vụ án tương tự có thể xảy ra nhằm làm cho mọi cán bộ, công chức đều muốn/phải "dĩ công vi thượng", thực thi công vụ đúng theo pháp luật và lương tâm.
Nếu không, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Tuyệt nhiên không có chuyện "Đen thôi, đỏ thì quên đi"!