Đấu tranh với thứ "giặc ở trong lòng"!

Thứ Hai, 11/11/2024, 11:08

Trong bài biết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ tác hại của tình trạng lãng phí, những biểu hiện lãng phí hiện nay, nguyên nhân và các giải pháp ngăn chặn. “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới” - Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến “quốc nạn” tham nhũng và tập trung đấu tranh, xử lý quyết liệt hành vi tham ô, tham nhũng, cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng thể chế để ngăn ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, “bạn” của tham nhũng là lãng phí thì lại chưa được nhận diện đúng mức để đấu tranh hiệu quả, nhiều người coi lãng phí chỉ như một tật xấu chỉ phê phán là đủ, chưa đến mức nguy hại phải “vạch mặt” chỉ tên, đấu tranh loại trừ... Trong khi đó, tính nguy hiểm của nạn lãng phí không hề kém cạnh tham nhũng, thậm chí mức độ thất thoát tiền bạc, tài sản còn lớn hơn và lãng phí về công sức, thời gian thì không thể đong đếm.  

Ngay từ trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc, Đảng, Nhà nước ta đã thấy rõ tác hại của bệnh lãng phí và đã có các cảnh báo cũng như giải pháp ngăn ngừa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; “tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Người nhiều lần nhấn mạnh “phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”, phải coi “tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. 

ĐẤU TRANH VỚI THỨ “GIẶC Ở TRONG LÒNG”! -0
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024. Ảnh: TTXVN.

Hiện nay, khi đời sống kinh tế phát triển, của cải trong xã hội, tổ chức và mỗi cá nhân, gia đình đã đủ đầy, khá giả lên thì tình trạng lãng phí càng lớn. Về lãng phí của công, thực tế từ các dự án còn khó kiểm chứng với mức thất thoát, lãng phí hiện nay. Có ý kiến cho rằng, nếu công tác kiểm soát thiếu chặt chẽ, có sự móc nối, thông đồng giữa các cấp thì số thất thoát còn lớn hơn số tài chính thực chi cho công trình, dự án đó. Vì thế, xu hướng “chạy dự án” luôn nóng bỏng, các ngành, địa phương “dò tìm” để xin dự án vì có dự án, có tiền đầu tư thì mới có các nguồn để bòn rút, bớt xén.

Từ các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Hậu “Pháo”... cho thấy, có sự móc nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp chạy dự án với các bên cấp và thực thi, quản lý, trong đó các vị trí lãnh đạo tỉnh như bí thư, chủ tịch, giám đốc, lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan đều được chia phần theo “quà bậc thang”, “theo hệ số” phụ thuộc vào thẩm quyền chiếc ghế mà người đó đang ngồi. Việc nhận hối lộ trở thành mặc nhiên trong các dự án, như việc sau khi AIC và Công ty Sông Hồng “chia địa bàn” trúng thầu tại tỉnh Bắc Ninh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến nhiều lần nhận quà, tổng số 13 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 1 tỷ đồng từ Công ty Sông Hồng. Đáng nói, lâu nay chúng ta chỉ mới tập trung làm rõ các hành vi trục lợi, đưa, nhận hối lộ của quan chức mà ít làm rõ được tình trạng lãng phí khi công trình bị đội vốn, đội thời gian, công trình không đáp ứng chỉ tiêu, chất lượng, xây dựng xong lại bỏ hoang.

Cùng với đó, “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ” của nhiều cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực và cũng là để “rút ruột” nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, lại giao cho các nhà thầu kiểu “sân sau” không đủ năng lực, điều kiện nên gây nhiều hệ lụy. Có những dự án kéo dài nhiều nhiệm kỳ nhưng khi cán bộ chịu trách nhiệm chính đã nghỉ hưu từ lâu thì dự án vẫn bỏ dở, lại đội vốn, gây rất nhiều khó khăn cho người sau phải giải quyết hậu quả.  

Một điểm nữa là chế tài xử lý hành vi lãng phí dù đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí, song các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở. Bộ luật Hình sự có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí, gồm Điều 179 về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” và Điều 219 về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tuy nhiên, trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như: “Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”... Do đó, tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.

Việc chống lãng phí đã đến lúc không chỉ đưa ra sự khuyên nhủ, cảnh báo mà phải làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức để xảy ra lãng phí, thất thoát. Và, mới đây, quán triệt nghị quyết của Quốc hội và tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (do Ban Quản lý đầu tư & Xây dựng thủy lợi 4 - Ban 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư) bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở kết quả điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 31/10/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân (Công ty Hoàng Dân) và các đơn vị liên quan; đồng thời khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 8 đối tượng. 

Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An. Dự án được phê duyệt từ năm 2009, nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng lên 5.552 tỷ đồng. Nhưng, trái với chủ trương đề ra, công trình thi công đã kéo dài 15 năm mà vẫn chưa thể đi vào vận hành, gây hệ lụy lớn cho người dân địa phương cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực. 

Một vụ án khác, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trịnh Văn Chiến và Nguyễn Đình Xứng cùng 7 bị can khác về tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Hạc Thành Tower (Thanh Hóa), gây thiệt hại hơn 55 tỷ đồng. Thời điểm phạm tội xảy ra trước năm 2013, khi ông Trịnh Văn Chiến đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa còn ông Nguyễn Đình Xứng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cáo trạng xác định, ông Trịnh Văn Chiến đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Sông Mã chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Hạc Thành Tower, đồng ý áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1/2013 theo đơn giá đất năm 2009 trái pháp luật. Cả ông Chiến và ông Xứng đều nhận thức được việc xác định giá đất tại thời điểm có quyết định giao đất năm 2013 nhưng áp dụng giá đất của năm 2009 cho Công ty TNHH MTV Sông Mã là trái pháp luật nhưng cả hai vẫn thống nhất và thực hiện, gây lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước.

Theo Ban Nội chính Trung ương, hiện có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp than, khoáng sản; 15 dự án trong lĩnh vực giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục văn hóa, thể thao, du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp là những dự án cần được quan tâm về vấn đề lãng phí, tập trung chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm. 

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án gây thất thoát, lãng phí lớn, trước hết là dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, dự án giải quyết ngập do triều cường ở TP Hồ Chí Minh và các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng chưa được kết nối vận hành.

Tổng Bí thư cho rằng, lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực nên phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao để thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí như xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội, đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; xử lý các vi phạm từ hành chính, mức cao nhất là hình sự.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu khẩn trương ban hành hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về những nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí; rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.

Đăng Minh
.
.
.